Vào tháng Năm năm 2012, Hội Bảo Tồn Văn Hóa và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) đã thực hiện một chuyến đi lịch sử đến Guam và các trại tỵ nạn cũ ở Nam Dương, với mục đích thu nhặt lại những hình ảnh về hành trình đầy máu và nước mắt cũng như dấu tích những bước chân đầu tiên của người Việt tỵ nạn trên những phần đất Tự Do. Để tìm hiểu về chuyến đi nhiều ý nghĩa này, Diễm Hương đã phỏng vấn chị Hội Trưởng Triều Giang là trưởng phái đoàn trong chuyến đi vừa qua. Xin mời quý độc giả theo dõi.

Ngôi nhà nguyên là nơi cư trú của vị giám đốc người Nam Dương mà thuyền nhân vui miệng gọi là “chúa đảo”, có phần vụ quản trị trại.
Diễm Hương (DH): Được biết chị cũng là một thuyền nhân, xin chị cho biết cảm giác của chị khi trở lại trại tỵ nạn? Buồn xúc động như thế nào? Chị có đến lại đúng nơi chị đã đặt chân đến không?
Triều Giang (TG): Thưa vâng, tôi từng là một thuyền nhân vượt biển với hai con thơ vào năm 1979. Chúng tôi đến bán đảo Songkla của Thái Lan chứ không đến Nam Dương. Tuy thế, nhìn cảnh trại tỵ nạn, nhất là khi xem những hình ảnh về những cuộc biểu tình chống cưỡng bức hồi hương với hàng nhiều trăm người cả phụ nữ và trẻ em, đầu quấn khăn tang ngồi chịu nắng nôi đói khát với hy vọng “tình thương mỏi mệt” của thế giới phải lung lay. Có nhiều người đã hy sinh tính mạng bằng cách đâm vào người để lấy máu viết chữ tuyệt mệnh “freedom” với hy vọng thế giới sẽ động lòng mà cứu vớt gia đình và bạn bè họ được đến bến bờ tự do mà không bị trả về VN. Nhưng không, hàng nhiều chục ngàn người đã phải trả về để tiếp tục sống trong địa ngục mà họ đã trốn chạy.
Những hình ảnh này đã gợi nhớ cho tôi những cảnh thuyền nhân bị bạc đãi tại trại tỵ nạn ở Songkhla. Nhiều lần tức giận với một vài cá nhân, cảnh sát Thái Lan đã dùng súng bắn xối xả vào trại làm bị thương nhiều người. Hoặc mỗi buổi sáng đi chợ trước cổng trại, nếu không cẩn thận sẽ bị những làn roi mây của cảnh sát Thái Lan quất túi bụi vào đầu, vào mặt. Ký ức như một khúc phim quay chậm. Tự nhiên tôi rùng mình với ý nghĩ: không hiểu sao mình và các thuyền nhân ngày ấy lại đủ sức mà vượt qua những hiểm nguy và cơ cực này?
DH: Chị có cho biết mục đích chuyến đi để thực hiện những thước phim trung thực cho cuốn phim “Việt Story” Chị có hài lòng không? Xin chị cho biết những dấu tích nào tại các trại tỵ nạn, Hội chú trọng để cho vào cuốn phim?
Triều Giang (TG): Những thước phim vừa được hội thu thập trong tháng 5 vừa qua giữ một phần quan trọng trong phần trình bày trước dư luận thế giới về cuộc di cư vĩ đại vì không chấp nhận chế độ hà khắc CS của người Việt vào năm 1975 và thảm cảnh của hơn 1 triệu thuyền nhân trong gần 2 thập niên. Hội rất vui vì đã có những thước phim sống động này.
DH: Chị có thể cho độc giả biết khái quát về nội dung “Việt Story”.

Trại Việt Nam tại Galang đã được duy trì, mặc dù không được bảo trì lắm có lẽ vì thiếu ngân quỹ, như một di tích lịch sử, và đã từng tiếp nhiều du khách tới thăm trại. Hôm chúng tôi ghé thăm trại là ngày nghỉ lễ quốc gia của dân Nam Dương, nên thấy nhiều xe bus đưa du khách vào viếng trại. (Trùng Dương)
Triều Giang (TG): Đúng như tựa đề của nó, “Việt Story” là câu truyện mà hầu hết sách vở, giới truyền thông Hoa Kỳ chưa từng hoặc rất ít nói đến. Đó là: hành trình đi tìm tự do của gần 3 triệu người Việt. Vì sao họ phải bỏ quê hương để ra đi? Hành trình của họ với nhiều hình thức khác nhau trong nhiều giai đoạn khác nhau ra sao? Hành trình đầy máu và nước mắt này đã không chấm dứt khi họ đến một miền đất tự do mà còn trải dài với những tháng ngày cơ cực để bắt đầu lại cuộc đời nơi đất mới, người chưa quen, để từ đó trở thành những người có những đóng góp to lớn vào quê hương thứ hai. “Việt Story” còn nói đến cuộc chiến đấu dũng cảm của người dân Việt Nam để bảo vệ lãnh thổ trước mưu đồ bành trướng của CS, nhưng hoàn cảnh chính trị khiến họ phải bó tay. “Việt Story” được thực hiện dưới hình thức phim tài liệu với kỹ thuật HD, một kỹ thuật làm phim hiện đại nhất trên thị trường phim ảnh hiện nay. Phim chắc chắn sẽ khiến dư luận Hoa Kỳ có cái nhìn mới mẻ về chiến tranh VN cũng như người Việt Nam.
DH: Thưa chị, tốn phí để thực hiện cuốn phim này như thế nào? Hội nhận được tài trợ nào không từ chính quyền Hoa Kỳ? Nguồn kinh phí chính đến từ đâu?
Triều Giang (TG): Ngân khoản dự trù cho cuốn phim là trên 200,000 Mỹ Kim. Hội chưa nhận được bất kỳ ngân khoản nào của chính phủ ngoài sự hỗ trợ của một số trường đại học giúp phương tiện và nhân sự. Ngoài một ít đóng góp của một số Hội bán công như Texas Historial Foundation, Berrien Community Foundation, một số công ty tư nhân Việt Mỹ như IBM, Mac Quarie Group, Greatland Investment, Inc.,… những đóng góp quan trọng cho đến ngày hôm nay vẫn là từ giới trẻ Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ qua những cuộc gây quỹ của 119 trường Đại học thuộc Liên Hội Sinh Viên Vùng Bắc Mỹ-uNAVSA, và qua các cuộc gây quỹ của Hội với sự hỗ trợ của các vị lãnh đạo tôn giáo và hội đoàn trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Do đó, có thể nói chính người Việt của chúng ta đã và đang tiếp tay, giúp sức để Hội VAHF hoàn thành phim Viet Story hầu có thể gióng lên tiếng nói trung thực của người Việt yêu chuộng tự do; tiếng nói đã bị bóp nghẹt trước dư luận thế giới trong suốt hơn 20 năm chiến tranh, và cho đến ngày hôm nay tuy có tự do và đã có rất nhiều đóng góp cho quê hương thứ hai này, nhưng tiếng nói của chúng ta vẫn chưa được chú tâm đúng mức.

Hình trên bên trái, cư ngụ thường trực tại trại bây giờ là cộng đồng các chú khỉ thường tò mò kéo ra lộ xem du khách tới thăm trại.
DH: Chị có thể cho biết khi nào khán giả có thể đón xem Viet Story?
Triều Giang (TG): Hiện Hội đang quay ngoại cảnh và phỏng vấn những nhân vật. Đầu tháng 9 Hội sẽ lấy những thước phim tài liệu tại các thư viện cho tới cuối năm. Và đầu năm tới sẽ bắt đầu edit. Nếu mọi việc tiến triển như dự trù thì hy vọng khoảng giữa hoặc trễ là cuối năm 2013 thì hoàn tất.
DH: Chị có nhắc đến những buổi gây quỹ, xin chị cho biết những buổi gây quỹ sắp tới sẽ được tổ chức tại đâu?
Triều Giang (TG): Hội may mắn đã được sự giúp đỡ nhiệt tình của quý vị lãnh đạo tôn giáo, hội đoàn cùng thân hào, nhân sĩ để có những buổi gây quỹ tại thành phố Denver, Houston, và New Orleans. Cuộc gây quỹ sắp tới tại San Jose sẽ được tổ chức vào ngày Chủ Nhật 8 tháng 7 tại nhà hàng Dynasty, đường Story và buổi gây quỹ kế tiếp sẽ được tổ chức tại vùng Hoa Thịnh Đốn tại nhà hàng Harvest Moon, ngày Chủ Nhật 26 tháng 8, 2012. Rất mong quý đồng hương quan tâm xin hãy tiếp sức cho nỗ lực chung này.
DH: Chị có thể cho biết diễn tiến của buổi gây quỹ tại San José như thế nào?
Triều Giang (TG): Được sự cố vấn và bảo trợ của LM Đồng Minh Quang, chánh xứ nhà thờ Đức Mẹ Lavang, Las Vegas, LM Phan Quang Cường, Chủ Tịch Hội Tu Sĩ Giáo Sĩ Miền Tây Hoa Kỳ, Hòa Thượng Thích Trí Lãng, Chùa Thích Ca Đa Bảo, San Jose, Ni sư Tiến Liên, Tịnh xá Ngọc Hòa, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Bắc Cali, Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn, Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức San Jose, Hội Quân Nhân Mỹ Việt VAAFA, Nhóm Việt- Học, Tuần báo Thằng Mõ, Việt Tribune… và sự hỗ trợ đông đảo của các cơ quan truyền thông và một số cơ sở thương mãi tại San Jose giúp đỡ tài chánh và phương tiện để tổ chức.
Hội hiện đang chuẩn bị và bổ túc tài liệu cho buổi triển lãm. Các ca sĩ và các nghệ sĩ đang chọn các bài hát và tập dợt cho các tiết mục phù hợp với chủ đề. Riêng ban vận động đang ráo riết kêu gọi thân hữu và đồng hương tham gia bằng cách bảo trợ và mua vé tham dự. Vé gồm ba hạng: Ủng hộ: $50, Bảo trợ $60, và Danh dự $100. Có bán tại: SENTER VIDEO: 408 298 1854; PALOMA CAFÉ: 408 277 0922; và Trung Tâm Thẩm Mỹ Bích Liên: 408-509-4480. Hoặc liên lạc với Thái Hà: 408-838-7098 hay Thu Nga: 408-509-4480
DH: Chị có thể cho biết nội dung chương trình buổi gây quỹ tại San José.
Triều Giang (TG): Đây là buổi Triển lãm-Văn Nghệ- Dạ tiệc Gây quỹ. Buổi triển lãm này lớn nhất của Hội nói về một số thành quả của Hội, một chương trình văn nghệ đặc sắc với sự góp mặt của hai ca sĩ nhà nghề từ hai trung tâm băng nhạc nổi tiếng nhất là Nguyên Khang của Asia và Mai Thiên Vân của Paris by Night, cùng các ca sĩ nổi tiếng của địa phương như Thái Hà, Thu Nga, Vĩnh Thanh Thảo,… và những màn văn nghệ dân tộc do nhóm Tuệ Đăng trình diễn. Người tham dự sẽ có những giây phút xúc động xen lẫn hãnh diện và vui mừng về những chương sử bi hùng của người Việt được thực hiện cẩn trọng và đưa vào những trường đại học danh tiếng tại Hoa Kỳ, trong một không khí tràn đầy tình đoàn kết, yêu thương cho một nỗ lực chung. Có thể nói rằng đây sẽ là một buổi tối đặc biệt cho những người còn nặng lòng với quê hương, dân tộc, tới thế hệ trẻ, không thể bỏ qua.

Trụ sở UNHCR đổ nát. Nơi đây đã chứng kiến cảnh tự sát của một số thuyền nhân nhằm phản đối lệnh cưỡng bách hồi hương
DH: Mặc dù Hội Bảo Tồn Văn Hóa và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt đã hoạt động từ năm 2004, đã được đồng hương khắp nơi tán dương và hỗ trợ nhiệt tình, tuy nhiên trong khuôn khổ buổi phỏng vấn hôm nay, xin chị vui lòng cho quý độc giả biết một chút về Hội, như nguyên do nào Hội được thành lập, thành phần Ban cố vấn, Ban điều hành cũng như những thành quả đạt được trong thời gian qua.
Triều Giang (TG): Hội được thành lập từ 8 năm qua dưới hình thức một Hội thiện nguyện-501 © 3, với mục đích sưu tầm, gìn giữ, phổ biến tài liệu lịch sử và văn hóa người Mỹ gốc Việt vào học đường và đại chúng Hoa Kỳ. Ban cố vấn và điều hành là những người có tên tuổi và uy tín trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ như bà Khúc Minh Thơ, nữ tài tử Kiều Chinh, Dân biểu Texas Hubert Võ,…. Những thành quả đáng kể của Hội là thực hiện 3 bộ sưu tập gồm: Tù nhân Chính Trị VN được đưa vào Đại học Texas Tech. Bộ sưu tập về cuộc di cư của gần 200,000 người Việt tỵ nạn tới đảo Guam sau khi Sài Gòn thất thủ và bộ sưu tập 500 Lịch Sử Phỏng Vấn. Hội đã phỏng vấn trên 500 người Việt về kinh nghiệm thời chiến tranh, hành trình tìm tự do và kinh nghiệm bắt đầu cuộc đời mới của họ tại Hoa Kỳ. Bộ sưu tập này đã được thực hiện với sự hợp tác của Đại học Texas UT Austin và sự bảo trợ tài chánh cùng nhân lực của Liên Hội Sinh Viên VN và sự hỗ trợ nhiệt thành của một số cơ quan tryền thông Mỹ Việt và đồng hương. Hội cũng đã đưa một phần của bộ sưu tập này vào Đại học California tại Irvine (UCI) và mới đây nhất vào Đại học Rice, Houston. Công việc kế tiếp của Hội là tiếp tục hợp tác với các đại học để đưa những trang sử trung thực vào các đại học Hoa Kỳ và hoàn thành phim Việt Story để có thể quảng bá sâu rộng vào cộng đồng người Mỹ.
Mọi chi tiết xin liên lạc về Hội qua email: nancy@vietnameseamerican.org. Hoặc thư về: VAHF. P.O.Box 29534. Austin, TX. 78755.
DH: Xin chân thành cảm ơn chị Triều Giang đã chia sẻ cùng quý độc giả khắp nơi những nỗ lực của Hội Bảo Tồn Văn Hóa và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt trong mục đích viết lại chương sử trung thực của người Việt tỵ nạn cộng sản.
Triều Giang (TG): Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn chị Diễm Hương đã dành cho Hội VAHF và TG buổi phỏng vấn bổ ích này.

Phái đoàn Về Bến Tự Do chụp hình lưu niệm với vài du khách người Nam Dương đến từ Batam, trong khuôn viên nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm với phía sau là tượng Đức Mẹ (tôi nghĩ) Vượt Biển vì được dựng trong khoang thuyền tưởng niệm xây bằng xi măng, mang số VN.02.1985, có lẽ là ngày hoàn tất tượng đài. (Trùng Dương)
Hai hình trên là trại Galang xưa, trông rất ít cây cỏ. Sau 30 năm, phần lớn những nhà cửa đã không còn, và cây cối mọc xum xuê như rừng.
(Ảnh tư liệu của Abdullan Gani)