Tôi đi Gò Công quá tình cờ. Khoảng 10 giờ sáng, một người bạn gọi điện rủ đi Bến Tre chơi. Tôi nhận lời và buột miệng hỏi: “Sao không đi Gò Công?”. Người bạn trả lời liền: “Vậy thì đi Gò Công”. Hai tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đã yên vị trên xe, trực chỉ Gò Công.
Từ Sài Gòn có thể đi Gò Công bằng hai hướng. Một là theo quốc lộ 1A, gần đến ngã ba Trung Lương thì quẹo trái (đường này không qua thành phố Mỹ Tho), thẳng về Gò Công. Hoặc đến ngã ba Trung Lương, quẹo vào Mỹ Tho rồi cứ thế mà chạy đến Gò Công. Hai là theo Quốc lộ 50, theo hướng Cần Giuộc, Cần Đước (Long An). Đi theo cách thứ nhất xa hơn khoảng 30 cây số nhưng nhờ đoạn cao tốc, rút được khá nhiều thời gian. Cách thứ hai thì đường ít xe, khá tốt nên thuận tiện. Chúng tôi quyết định đi một hướng và về một hướng cho khỏi… phân bì.
Qua khỏi thành phố Mỹ Tho, đường trở nên nhỏ, nhất là đoạn Chợ Gạo, và tốc độ chậm lại là điều may mắn để có thể quan sát cảnh vật hai bên đường một cách thuận lợi. Một điều khá lý thú là tuy chỉ cách Mỹ Tho khoảng 30km nhưng thị xã Gò Công (người ta chia tỉnh lỵ Gò Công cũ thành 3 đơn vị hành chính: thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây) lại mang một diện mạo khác hẳn Mỹ Tho. Những con đường hẹp, nhỏ và hơi quanh co, gợi lên trong lòng người đến từ phương xa hình ảnh một dải lụa mềm, tăng thêm phần duyên dáng cho thị xã nhỏ bé này.
Gò Công, cũng như những tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long, chịu số phận tách nhập qua nhiều thời kỳ khác nhau. Thời Nam kỳ lục tỉnh, Gò Công thuộc tỉnh Định Tường. Sau đó, ngày 1 tháng 1 năm 1900, toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ thành lập tỉnh Gò Công, tách ra từ tỉnh Định Tường. Năm 1913, lại chuyển Gò Công thành quận và nhập vào tỉnh Mỹ Tho. Trải qua bao biến thiên, đến năm 1956, chính quyền lúc bấy giờ tái lập tỉnh Định Tường trên cơ sở hợp nhất tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công. Đến năm 1963, lập lại tỉnh Gò Công, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Gò Công. Năm 1976, chính quyền mới lại nhập Gò Công và Định Tường thành tỉnh mới là Tiền Giang. Gò Công lần này trở lại là một thị xã nhỏ bé và bên cạnh còn có hai đơn vị hành chánh cấp huyện (quận) là Gò Công Đông và Gò Công Tây.
Trước đây, khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tôi biết sông Cửu Long chảy ra biển bằng 9 cửa. Học vậy nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ có ngày được đứng ngay tại cửa Đại, cửa Tiểu, nhìn sông Cửu Long cuồn cuộn ra biển. Vì thế, Gò Công lấy đi của tôi biết bao là yêu mến.
Là một thị xã nhỏ bé nhưng khác với các đô thị ở đồng bằng sông Cửu Long, Gò Công là địa phương có thể nói là duy nhất ở vùng đất này, mang giữ trong mình một dòng họ (kèm theo những di tích) nổi tiếng bậc nhất ở vương triều Nguyễn. Đó là dòng họ Phạm Đăng ở Sơn Quy, Gò Công mà đại biểu là quan Thượng thư bộ Lễ Phạm Đăng Hưng. Vốn là người nổi tiếng văn tài và đức độ nên Ngài được chúa Nguyễn Ánh cử làm Lễ sinh nội phủ. Sau khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi vua, Ngài được phong làm Tham tri bộ Lại và sau đó được cử làm Thượng thư bộ Lễ. Quan lộ của Ngài cũng gặp nhiều thăng trầm. Đã từng bị vua Minh Mạng giáng chức rồi lại phục chức và giao cho Ngài nhiều trách nhiệm quan trọng. Dù ở cương vị nào, Phạm Đăng Hưng vẫn sáng ngời tấm lòng nhân hậu, yêu nước thương dân. Ông từng xin vua lập Xã thương tức kho chứa lương thực phòng khi gặp thiên tai, mất mùa lấy ra chẩn cấp cho dân. Tiếc là vua không nghe. Tương truyền, bấy giờ Ngài được mọi người gọi là ông Ba bị, vì đi đâu, Ngài cũng mang theo ba bị ngũ cốc để phát cho dân nghèo. Khi Ngài mất, vua Tự Đức phong là Thái bảo, Cần chánh điện đại học sĩ, tước Đức Quốc công.

Đền thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng
Sinh thời, Phạm Đăng Hưng sinh được 4 người con, trong đó, nổi bật nhất là bà Phạm Thị Hằng, tức Thái hậu Từ Dụ (người ta quen gọi là Từ Dũ) vợ vua Thiệu Trị và là mẹ vua Tự Đức. Từ lúc còn nhỏ, bà Phạm Thị Hằng đã nổi tiếng xinh đẹp, thông minh, nhân đức nên năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao hoàng hậu Trần Thị Đang, vợ kế vua Gia Long tuyển vào cung hầu Hoàng trưởng tử Miên Tông, con vua Minh Mạng. Bà sinh được 2 công chúa và một hoàng tử, tức Hồng Nhậm, sau này là vua Tự Đức. Năm 1841, vua Thiệu Trị lên ngôi, bà trở thành Cung tần, được giao quán xuyến hậu cung. Sau đó, bà được phong là Thần phi, rồi Giai phi và sau cùng là Nhất Giai phi. Do vua Minh Mạng quy định không lập Hoàng hậu nên bấy giờ gọi Nhất Giai phi. Đời vua Tự Đức, bà được phong là Hoàng Thái Hậu và sau khi vua Tự Đức băng hà, để lại di chiếu, phong bà là Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu. Bà là Hoàng hậu duy nhất trải qua 10 đời vua, từ Gia Long đến Thành Thái và là Thái hậu sống thọ nhất trong lịch sử phong kiến (1810-1902). Bà luôn được triều đình cũng như nhân dân yêu mến, kính trọng về tấm gương đức hạnh và lòng yêu nước thương dân.
Ngày nay, về Gò Công, hỏi lăng Hoàng gia ai cũng biết. Đó là khu lăng mộ Ngài Phạm Đăng Hưng và gia tộc do nhà Nguyễn ra lệnh xây dựng từ năm 1925.
Buổi chiều, chúng tôi đến lăng Hoàng Gia. Quang cảnh chung quanh vắng lặng. Sự tịch mịch không làm không gian buồn bã mà tô vẻ thêm nét đơn sơ, mộc mạc và chân quê điển hình của nông thôn Nam bộ. Nói cách khác, đó là một buổi chiều dành cho hoài niệm, tưởng nhớ. Đền thờ Đức Quốc công khá nhỏ bé và giản dị, so với các ngôi đền mà chúng tôi từng đến ở Bắc bộ. Đặc biệt, chung quanh khu lăng này không ai bày bán hương đèn, trái cây cũng như các phẩm vật tiến cúng như thường thấy.
Chúng tôi bước qua cổng Đền thờ Đức Quốc công, bước vào chánh điện. Lúc này, một người đàn ông còn khá trẻ tuổi, từ hậu điện bước ra, chào chúng tôi, tự giới thiệu là người trông coi đền. Một ông Từ giữ đền tuổi còn quá trẻ so với công việc này nhưng thật bất ngờ, ông cất tiếng chậm rãi đến độ gây ngạc nhiên, nói cho chúng tôi nghe về lịch sử ngôi đền, về dòng họ Phạm Đăng cũng như vùng đất Sơn Quy này. Cách nói chuyện mà trước đây, dù đi khá nhiều nơi, chúng tôi chưa từng được nghe: giản dị mà cung kính; tự hào mà khiêm cung và đặc biệt pha lẫn sự ngưỡng mộ lẫn tôn thờ khiến chúng tôi mường tượng đằng sau những bài vị thờ bậc đại quan là một tấm lòng cao cả, vì nước vì dân.
Người thủ tự nói năng, đi đứng chậm rãi này đưa chúng tôi xem giếng cổ, đã được dòng họ Phạm Đăng đào cách đây khoảng 200 năm nước vẫn trong vắt và đặc biệt là luôn ngọt thanh trong khi chung quanh đó, các giếng khác đều bị nhiễm mặn. Sau đó, chúng tôi ra thăm khu mộ Đức Quốc công. Một lăng mộ được xây dựng bề thế nhưng không cầu kỳ, to rộng nhưng gần gũi, vừa mang dấu ấn kiến trúc lăng tẩm Huế vừa phù hợp với phong cách Nam bộ. Tất cả đều thể hiện được nhân cách của một bậc đại quan đức độ và quang trực.
Thời gian phủ rêu lên đền đài, lăng tẩm nhưng hình như với người dân vùng Gò Rùa này vẫn luôn ngưỡng vọng về Phạm Đăng Hưng và hình ảnh Ngài luôn là chỗ dựa cho đời sống của họ…
Cuộc sống ở Gò Công diễn ra chậm rãi như cách nói chuyện của những cư dân ở đây. Trừ khu vực thị xã, nơi buôn bán khá sầm uất, những vùng đất khác chúng tôi luôn bắt gặp cách nói chuyện đều đều đến độ buồn bã của những người dân, nhất là những bậc trung niên. Đó cũng là điều rất riêng ở đây, không như những vùng đất khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nhưng, Gò Công đâu chỉ có vậy! Nghề đóng tủ thờ của các nghệ nhân ở làng Sơn Quy này nức tiếng gần xa. Cách đây hàng trăm năm, những gia đình giàu có, ai cũng sắm một tủ thờ, đặt trang trọng ở giữa gian nhà chính như một biểu tượng cho sự thịnh vượng của chủ nhà. Và hầu hết, đó là sản phẩm được làm ra từ đất Sơn Quy này. Bây giờ vẫn vậy! Tủ thờ Gò Công vẫn là sản phẩm được các đại gia ưa chuộng, nhất là khi phong trào mua nhà rường, sắm độc bình, tủ thờ xưa nổi lên rầm rộ.
Gò Công còn nổi tiếng với mắm tôm chà độc đáo, được làm từ những con tép bạc tươi roi rói. Món thịt luộc ở Huế ăn với mắm ruốc, ở Quảng ăn với mắm cái thì ở Gò Công, người ta ăn với mắm tôm chà. Khác với các món mắm ở những nơi khác, mắm tôm chà ở Gò Công không nặng mùi nên ai dù không thích mắm vẫn thấy dễ chịu và sẵn sàng nếm thử. Nhưng khi đã nếm thử thì miếng thịt ba rọi, kèm theo rau sống chấm với mắm tôm chà pha ớt tỏi chanh đường sẽ giữ đũa lại rất lâu, cho đến khi bụng căng tròn, không chỗ chứa nữa mới thôi. Đến Gò Công mà không ăn mắm tôm chà hay sống trên đời này mà chưa một lần nếm qua món mắm này quả là điều thiếu sót đáng tiếc.
Ngoài ra, Gò Công được biết tới bởi trái sơ-ri tuyệt ngon. Sơ-ri ở đây không đâu sánh bằng. Cũng như nghêu Tân Thành ngọt ngon hơn nghêu nơi khác, chúng tôi không hiểu vì sao. Do thổ nhưỡng, có lẽ vậy! Nhưng với chúng tôi, có lẽ, do tình yêu dành cho Gò Công đã tạo ra nhiều cảm xúc và cả sự thiên vị đáng được thông cảm chăng?
Rời Gò Công, tự nhiên tôi có cảm giác như rời người yêu. Bịn rịn, tiếc nuối, “bước đi không nỡ rời…”.

Lăng mộ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng