Mùa Thu đang êm đềm trải dài trên khắp đất nước chúng ta đang ở, nhưng mùa Thu cũng nhắc nhớ đến một mùa Thu khốc liệt trong lịch sử nhân loại. Đó là mùa Thu 1941, chiến tranh bùng nổ khắp thế giới. Ở Châu Âu Hitler tấn công vũ bão ở hai mặt. Phía Tây, Đức xâm chiếm Ba Lan, Yugoslavia, Hy Lạp, Bỉ, Hòa Lan và Pháp, nước Anh bị cô lập hoàn toàn và chống chọi lẻ loi ngoài eo biển Anh.
Tháng 6 năm 1941 Quân Ðức tiến sâu vào cửa ngõ Moscow, tàn phá phía Ðông nước Nga đến tan hoang và Stalin đã chuẩn bị rút khỏi Moscow trong thảm bại. Trước đó ở Châu Á, Nhật đã xâm chiếm Mãn Châu từ 1931. Trung Hoa ngày càng thảm bại trong một thập kỷ dưới gót giày quân Nhật. Các thành phố lớn và hầu hết lãnh thổ bị Nhật chiếm giữ. Các thuộc địa của Châu Âu ở vùng biển Nam Thái Bình Dương dần bị Nhật đánh chiếm. Nhật dường như bất khả chiến bại và chiếm hầu hết toàn bộ Châu Á. Mùa thu năm đó, chỉ có nước Mỹ là quốc gia chưa có chiến tranh, và cũng chính dân Mỹ lựa chọn đứng ngoài cuộc thế chiến này. Tuy vậy Tổng Thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt (FDR) và Quốc hội đều nhận thức rõ rằng chiến tranh với Ðức và phe trục là điều tất yếu. Ngoại giao giữa Mỹ và Nhật ngày càng tồi tệ. Cả hai đều cố giữ lấy nguồn tài nguyên và quyền lợi lãnh thổ ở Thái Bình Dương. Kể từ sau cuộc chiến Mỹ – Tây Ban Nha 1898, sự thắng lợi của Mỹ đã đem về nhiều thuộc địa ở Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Philippines, Guam, Wake Island, Midway và quần đảo Hawaii. (Trân Châu Cảng thuộc về Mỹ từ 1884 và trở thành căn cứ hải quân lý tưởng trong vùng Thái Bình Dương. Với 70 tàu chiến bao gồm 8 thiết giáp hạm, 8 tàu tuần dương, 30 tàu khu trục, 5 tàu ngầm và khoảng 390 máy bay sử dụng căn cứ này). Những lãnh thổ này là rào cản cho việc bành trướng của Ðế Quốc Nhật. Ðảo quốc nhỏ bé này với 60 triệu người và lực lượng quân sự khổng lồ cần nguồn nhiên liệu và tài nguyên từ Trung Hoa và Ðông Nam Á.

Tổng Thống FDR dùng biện pháp cấm vận xăng dầu, thép với Nhật vào tháng 7, 1941 ép Nhật phải rút khỏi Trung Hoa. Nhật chọn Ðô đốc Isoroku Yamamoto lên kế hoạch tấn công Mỹ. Quân đội Nhật cho rằng người Mỹ sẽ không chịu đựng một cuộc tấn công chớp nhoáng và sẽ bỏ cuộc nếu cuộc chiến kéo dài ở Châu Á. Cuộc chiến sẽ ép người Mỹ ngồi vào bàn thảo cho hòa bình. Yamamoto đã chọn tấn công thần tốc và bất ngờ để hủy diệt hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, làm được điều này sẽ tê liệt bộ máy quân sự khổng lồ của Mỹ ít nhất 6 tháng. Và trong thời gian ấy, đủ cho Nhật bá chủ Châu Á Thái Bình Dương. Trong khi ở Châu Âu, Ðức và Ý sẽ thanh toán xong toàn bộ phần còn lại của thế giới.
Một năm trước đó, Nhật đã cài gián điệp Yoshikawa làm phụ tá Lãnh sự toàn quyền ở Hawaii. Những lịch trình, hoạt động và sơ đồ cùng tọa độ của các hạm đội, hệ thống phòng vệ của Mỹ được gởi về Tokyo. Những báo cáo ấy được tình báo Mỹ nghe lén và giải mã. Tuy vậy đều được phân loại không ưu tiên, tối khẩn vì dường như thuộc về tin tức thương mại, một phần do người Mỹ nhận được quá nhiều tin tức vào lúc ấy và chú trọng nhiều về phía Ðức quốc xã. Dù vậy một mẩu tin vào 24 tháng Chín 1941 làm người Mỹ chú ý: Tin đó báo cáo về Cảng Trân Châu chia làm 5 vùng và vị trí các tàu chiến… Nhưng rồi do thiếu chuyên môn và ưu tiên nên tin này bị lãng quên vào giữa Tháng 10, 1941. Trước đó nhiều nguồn tin được giải mã cho biết Nhật có kế hoạch tấn công. Tuy vậy tấn công khi nào, và ở đâu vẫn là nghi vấn cho tình báo Hoa Kỳ. Chính tin tức mật của Yoshikawa đã được gởi đi 2 lần trong tuần đã giúp Ðô đốc Yamamoto hoàn thành kế hoạch tấn công lịch sử. Với các phi công tinh nhuệ 10 năm kinh nghiệm ở Mãn Châu, các thủy lôi được cải tiến cho phù hợp với độ sâu trong vùng vịnh nhằm tàn phá hữu hiệu các chiến hạm Mỹ, 423 máy bay đội Zero cảm tử được lệnh tiêu diệt bằng mọi giá các mục tiêu, dù phải hy sinh tính mạng. Dưới quyền Ðô đốc Chuichi Nagumo, 6 Hàng không mẫu hạm Nhật rời cảng đi về hướng Bắc nhằm đánh lạc hướng, sau đó quay về Nam cách Hawaii 275 dặm ngày 26 tháng 11, 1941. Mật khẩu cho chiến dịch tấn công là “Gió Ðông, Mưa”. (Những trận mưa bom theo cánh gió của quân đội Thần phong sẽ trút về phía Ðông Hawaii.)

6 giờ 15 phút sáng Chủ Nhật 7 tháng 12, 1941, đoàn chiến đấu cơ đầu tiên gồm 183 chiếc rời hạm đội bay vào Honolulu. Từ mờ sáng cuối chân trời vầng ánh dương nhô cao như báo trước biểu tượng mặt trời rực rỡ của Nhật Hoàng. Vào 7 giờ 2 phút, nhân viên trạm radar ở Bắc đảo Oahu nhận dạng được làn sóng hàng trăm chiếc máy bay. Hai nhân viên báo cáo lên cấp sĩ quan trực nhật, họ không quan tâm và lo lắng đến tin này vì cho rằng đó là đợt bay diễn tập B-17 của Mỹ trở về từ California. 7 giờ 53 phút sáng sĩ quan dẫn đầu đội bay Fuchida phấn khởi khi thấy toàn đội bay đến vùng trời Hawaii mà không hề bị phát hiện, mục tiêu thấy rõ bên dưới cánh bay. “Tora, Tora, Tora” (Con cọp), ông ta đã ra mật hiệu tấn công qua radio. Ðội bay chia 2 nhóm. Một nhóm thả bom và tấn công các phi trường, nhóm còn lại thả bom và thủy lôi đánh phá các chiến hạm. Trong khi ấy thì mọi người dân Hawaii đang còn yên giấc vào sáng Chủ Nhật hay đang đi lễ nhà thờ. Các cuộc vui cuối tuần đêm hôm trước còn làm lính hải quân Mỹ say ngủ. Số còn lại trên Chiến hạm Nevada đang chuẩn bị chào cờ. Các súng cao xạ phòng không được khóa vì gần khu dân sự. Ở các phi trường, máy bay Mỹ lại được xếp hàng ngang dọc phi đạo và hangar. Sự canh gác và chuẩn bị lỏng lẻo vì ngày Chủ Nhật.
7 giờ 53 phút, những trái bom của đợt tấn công đầu tiên rơi xuống. Các chiến hạm Mỹ như cá nằm trên thớt. Một giờ sau đợt tấn công thứ nhì làm tê liệt các căn cứ, trại lính phòng không và phi cảng. Trong vòng 2 giờ các phi đội Thần Phong của Nhật đã biến Trân Châu Cảng thành biển lửa, khói ngập trời cao, dầu loang đen mặt biển. 20 tàu chiến bị hủy diệt, 8 chiến hạm bị tấn công, 5 chiếc bị chìm. 188 máy bay bị phá hủy. 2,403 người Mỹ bị tử thương trong đó có 69 thường dân, 1,104 người bị thương. Trong khi đó chỉ có 39 máy bay Nhật bị bắn hạ cùng 55 người chết. Người Nhật đã thắng một trận vô tiền khoáng hậu. Ngày hôm sau Tổng Thống FDR gọi ngày 7 tháng 12, 1941 là “ngày ô nhục” và quốc hội Mỹ cùng cả nước tuyên chiến với Nhật. Ngày 11 tháng 12 thì Ðức và Ý tuyên chiến với Mỹ. Nước Mỹ chính thức đi vào thế chiến thứ 2 kinh hoàng bằng tất cả sức mạnh của mình.

6 tháng sau trận Trân Châu Cảng, Yamamoto quyết định tung hết lực lượng tiêu diệt Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Dù lực lượng chênh lệch đến 1/3 so với quân đội Nhật, nhưng nhờ biết trước và chủ động, Mỹ đã chống trả bằng các đợt phản công dữ dội cùng các cuộc truy đuổi trên không, máy bay Dauntless oanh kích chính xác… Kết quả toàn bộ 4 mẫu hạm của Nhật bị đánh chìm với 322 máy bay cùng hơn 5 ngàn lính hải quân bị hủy diệt.
Sau thảm bại ở Midway, lần đầu tiên sau 350 năm, Hải quân hùng mạnh của Nhật bị đánh tan tác. 3 năm sau đó Nhật xuất xưởng thêm 6 chiếc Hàng không mẫu hạm, trong thời gian đó Mỹ có thêm 17 chiếc. Nhật không còn bá chủ trên biển và thua dần trong chiến trường Thái Bình Dương.

SB