Menu Close

Thanksgiving – cám ơn em!

nguồn True Film Production
nguồn True Film Production

1.

Cũng giống như những quốc gia khác, hằng năm người lao động ở Mỹ được nghỉ một số ngày, tùy theo nơi làm việc, được hưởng lương. Ðó là những ngày lễ của nước Mỹ. Và cũng giống như Việt Nam, nước Mỹ có những ngày lễ phổ biến như The 4th of July, The Independence – Ngày Ðộc Lập (tương tự như Quốc Khánh), Labor Day – Lễ Lao Ðộng (không gọi Quốc tế Lao động),  Memorial Day – Ngày Tưởng niệm (Tưởng nhớ các chiến sĩ trận vong chứ không gọi Ngày Thương binh liệt sĩ), Noel, Năm mới,… Mỹ cũng có những ngày lễ kỷ niệm mang tính lịch sử riêng như Presidents’ Day – Ngày Tổng thống (Thứ Hai tuần thứ 3 của Tháng Hai), Martin Luther King Day – Ngày tưởng nhớ Mục sư Matin Luther King (Thứ Hai tuần thứ 3 của Tháng Một),… Có một điều đặc biệt khác hẳn với trong nước là hầu hết các ngày lễ kỷ niệm này, người Hoa Kỳ thường tổ chức hết sức đơn giản và ít tốn kém cho phần hình thức. Ngày Lễ Christmas công nhân viên chức Mỹ được nghỉ hai ngày có lương vì hầu hết dân Mỹ theo đạo Tin Lành và Công giáo nhưng tại các nhà thờ hay trên đường phố rất ít hoa đèn lộng lẫy như ở Việt Nam. Ðón năm mới cũng vậy, không khí chào mừng Tết Tây tại Mỹ không thể nào sánh được với sự tưng bừng mừng Tết Tây ở xứ ta. Ðó là chưa kể người lao động ở Mỹ chỉ được nghỉ đúng 1 ngày có lương chứ không như ở xứ mình, nghỉ Tết kéo dài hàng chục ngày liền.

Trong các ngày lễ ở Hoa Kỳ, tôi thực sự thích thú với lễ Thanksgiving. Phải nói chính xác là tôi đặc biệt cảm tình với ý nghĩa và cách tổ chức ngày Thanksgiving của người Mỹ. Nói theo tiếng Việt, đây là ngày Lễ Tạ Ơn của người Mỹ. Chuyện xưa kể rằng, khi người Mỹ đặt chân đến mảnh đất này, họ đã gặp nhiều khó khăn, nhất là khi mùa băng giá về, lương thực chưa thu hoạch được. Họ đã được các thổ dân ở đây giúp đỡ bằng bí đỏ và gà tây để vượt qua mùa đông khắc nghiệt. Khi đã qua thời gian cực khổ cho đến bây giờ nước Mỹ hùng cường bậc nhất thế giới, họ luôn nhớ đến sự giúp đỡ đó và cũng là tưởng nhớ công lao tổ tiên đã gầy dựng nên đất nước này, họ chọn ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng Mười Một hằng năm làm ngày Lễ Thanksgiving. Vào ngày này, theo truyền thống, họ quây quần trong gia đình. Những người làm ăn xa, đại đa số dành ngày phép hằng năm để dịp này quay về đoàn tụ cùng gia đình. Họ nấu nướng, đặc biệt là luôn có gà tây và súp bí đỏ, ăn uống, trò chuyện cùng nhau. Bà con họ hàng hay bạn bè, láng giềng cũng được mời đến chung vui. Nói cách khác, Lễ Tạ Ơn là dịp để người dân Hoa Kỳ sum họp, tưởng nhớ đến tổ tiên.

 

2.

Tôi không biết có thể coi ngày Lễ Thanksgiving của Hoa Kỳ tương tự như ngày Mồng 10 Tháng Ba âm lịch, tức ngày Quốc tổ Hùng Vương của Việt Nam không? Có thể na ná như vậy về ý nghĩa nhưng lại rất khác nhau về cách tổ chức. Người Mỹ không tổ chức “về nguồn” nhưng tôi tin rằng, dẫu họ có “nguồn” như xứ mình, họ cũng không về tạ ơn tổ tiên như cách xứ mình đang làm. Họ sẽ không có đơn vị nào đăng cai làm bánh dày, bánh chưng nặng hàng tấn để tiến dâng; không có công ty nào bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên bằng chai rượu cao hơn 5 mét, chứa được 4000 lít rượu; càng không có tập đoàn nào thành kính dâng cốc cà phê “khủng” có thể đựng hàng ngàn cốc cà phê. Chưa nói việc bánh chưng bị ôi thiu, không ăn được, rượu không uống được và cà phê thì… ôi thôi (“trước cúng sau cấp” – theo quan niệm của dân ta), người Mỹ vốn thực tế (hay thực dụng), chuyện gì ra chuyện đó, bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên khác hẳn với việc lợi dụng ngày lễ để phô trương, hình thức, quảng cáo…

Có thể văn hóa khác nhau nên cái nhìn, cách suy nghĩ khác nhau. Nhưng xem ra, cách tổ chức hai ngày lễ này của người và ta cũng có đôi điều đáng suy ngẫm. Một đằng thiên về chiều sâu, một đằng ngả về hình thức, vui chơi. Chúng ta thường ngộ nhận (hay cố ý) cho rằng người Mỹ có nền văn hóa đa chủng tộc, mới lập quốc hơn 3 trăm năm nên họ sống thực dụng. Thực ra, họ thực tế và sống rất trách nhiệm, mang đậm ý thức công dân. Họ không màu mè và kiểu cách như ta. Một lý do nữa để tôi yêu thích Lễ Tạ Ơn của người Mỹ là chính nó đã giúp cho tôi hiểu thêm về cuộc sống. Chỉ có những ai biết tri ân người đã cưu mang, giúp đỡ khi mình hoạn nạn; chính những ai biết “uống nước nhớ nguồn”, biết “ăn quả nhớ người trồng cây” mới có thể làm nên nghiệp lớn. Chẳng trách sao chỉ vài trăm năm lập quốc, Hoa Kỳ đã trở thành cường quốc số 1 thế giới!

Một điều, nghĩ cũng nên nhắc tới, ngay sau ngày Lễ Tạ Ơn (25/11) là ngày Thứ Sáu Ðen (Black Friday 26/11) đồng loạt các đơn vị kinh doanh lớn nhỏ hạ giá bán sản phẩm như một cách tri ân khách hàng của mình. Họ kinh doanh và biết kinh doanh cả lòng người!

 

3.

Từ Lễ Tạ Ơn, tôi nghiệm ra rằng, cuộc đời này, quả thật, tôi mắc nợ nhiều người. Từ lúc mở mắt chào đời tôi đã mắc nợ công lao dưỡng dục của cha mẹ, gia đình. Khi bắt đầu ôm sách vở đến trường, tôi mắc nợ công lao giáo huấn của thầy cô. Khi ra đời, tôi mắc nợ cuộc sống. Cha mẹ, gia đình, thầy cô không bao giờ đòi hỏi, yêu cầu tôi đền đáp công ơn. Họ không những không đoái hoài đến mà còn đưa mắt ngóng theo, sẵn sàng chia sẻ những khi tôi vấp ngã trên đường đời. Cuộc sống thì thích sòng phẳng. Cho tôi cái này thì lấy tôi cái khác, chưa bao giờ “tình cho không biếu không” tôi cái gì. Xem ra cũng công bằng. Nhưng, có một món nợ cuộc đời mà tôi không thể trả nổi: đó là em. Em đến giữa cuộc đời này, không hẹn trước. Và khi tôi gặp em, cũng không định được. Cứ như cơn gió thổi qua mùa khô hạn, như tia nắng ngày đông lạnh; em đến và nhỏ nhắn như một ngọn cỏ lay động trái tim tôi. Từ đó, em quấn quýt bên tôi, ở bất cứ nơi đâu. Em không là một nửa, không là bờ vai mà là tất cả. Có điều, những khi tôi vui sướng, em lại không có mặt. Em lẳng lặng đứng từ xa, dõi nhìn tôi mà không hề giận dỗi, buồn rầu. Em vui vì tôi vui. Em hân hoan vì tôi hạnh phúc. Còn những lúc tôi hoạn nạn, khốn khổ em lại âm thầm tìm đến. Em im lặng, không một lời hỏi han, an ủi nhưng trong lòng tôi nỗi đau buồn vơi đi, sự uất ức tan biến; chỉ còn lại sự độ lượng, bao dung và tin yêu từ em truyền cho.

Ðã nhiều lần, tôi tự hỏi, nếu không có em thì cuộc sống này có tôi không? Có thể tôi tồn tại nhưng tôi không có cuộc sống. Tôi nhìn thấy cảnh vật nhưng tôi không nghe rung động trong lòng. Tôi bước đi nhưng không định hướng được. Tóm lại, nếu không có em, tôi sẽ chỉ là một phần của tôi, một phần không bao giờ hoàn chỉnh được. Em ở đâu đó trong cuộc đời này không ai biết được, ngay cả tôi. Nhưng tôi biết em hiện diện trong tôi rất thật và đang nuôi dưỡng tôi giữa cuộc đời này. Em, chính là tình yêu của tôi. Mãi mãi!

Thanksgiving – cám ơn em!

 LVB – OKC