Tự ngàn năm, con người quây quần gầy dựng nơi sinh sống, và từ những sinh hoạt thường ngày đất đai vô tri trở thành ‘đất lành’ hay ‘đất khổ’. Bằng đôi chân, bá tánh đi tìm những nơi có thức ăn, có nước uống, nơi con người tử tế với nhau, làm nơi sinh sống. Người ta cắm lều, xây nhà rủ rê thân nhân về những vùng đất bao dung che chở họ. Đất lành là nơi con người tụ họp, và ngược lại, trốn lánh lìa bỏ những nơi không tử tế, khó sống hay đất khổ.
Mấy trăm năm trước tổ tiên người Hoa Kỳ đã tìm được đất lành và từ đó gầy dựng được một Hiệp Chủng Quốc hùng mạnh giàu có ngày nay. Trong mắt người thế giới, Hoa Kỳ là một vùng đất đầy “sữa và mật”, tất nhiên “sữa” hay “mật” thì cũng từ công sức con người, làm lụng vất vả thì được hưởng thành quả. Vùng đất này cung cấp cơ hội tiến thân và nuôi dưỡng những tài năng non trẻ để họ phát triển và thành công. Trong hai thập niên vừa qua, dù kinh tế có phần suy thoái, công việc làm đã khó khăn hơn nhưng tựu trung, Hoa Kỳ vẫn là nơi tài năng con người được phát triển rộng rãi nhất. Ðiển hình là giải Nobel, một trong những giải thưởng cao quý nhất của thế giới, hàng năm xã hội nhìn nhận và tuyên xưng những người tài giỏi.
Năm nay, 11 người đoạt giải Nobel: Kinh Tế (2 người), Hóa Học (3), Vật Lý (3), Y Khoa (1), Văn Chương (1) và Hòa Bình (1). Trong lãnh vực nhân văn như văn chương và “hòa bình” thì việc trao giải thưởng là đề tài thường được bá tánh bàn tán khá sôi nổi, người đoạt giải tài năng có xứng đáng với sự cao quý ấy hay không… Ðặc biệt là năm nay 2016, người đoạt giải văn chương lại là ông Bob Dylan qua ca từ của các bản nhạc phổ thông một thời. Khá nhiều ý kiến cho rằng “văn chương” của ông nhạc sĩ nọ không mấy giá trị, và hội đồng tuyển chọn hẳn đang… ngủ gật.
Ðoạt giải thưởng Nobel về khoa học là những chuyên viên lẫy lừng, nổi tiếng trong cộng đồng nghiên cứu của ngành học ấy, và thường được chuyên viên trong ‘nghề’ nhìn nhận. Nhìn thoáng và đếm một cách giản dị: Trong số 11 người đoạt giải Nobel kể trên, có mỗi một người sinh trưởng và thành danh tại Hoa Kỳ, ông Dylan, trong khi 10 người còn lại gốc gác từ Âu châu (Anh, Pháp, Hòa Lan, Phần Lan), Mỹ châu (Colombia) và Á châu (Nhật Bản) nhưng phần lớn lại thành danh và làm việc tại các trường đại học Hoa Kỳ!
Về Kinh Tế, Tiến Sĩ Bengt Holmström (Helsinki, Finland) & Tiến Sĩ Oliver Hart (London, United Kingdom) cả hai đều làm việc tại vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ, và từ hai trường đại học lẫy lừng nọ (Massachusetts Institute of Technology (MIT), Harvard University), hai nhà kinh tế được thế giới vinh danh qua công trình nghiên cứu của họ.
Về Hóa Học, Tiến Sĩ Jean-Pierre Sauvage (Paris, France) từ University of Strasbourg, Pháp; Sir J. Fraser Stoddart (Edinburgh, United Kingdom) từ Northwestern University, Illinois, Hoa Kỳ; và Tiến Sĩ Bernard L. Feringa (Barger-Compascuum, the Netherlands) từ University of Groningen, Hòa Lan. Hoa Kỳ góp mặt trong ngành Hóa Học.
Về Vật Lý, Tiến Sĩ David J. Thouless (Bearsden, United Kingdom) từ University of Washington, Washington, Hoa Kỳ, Tiến Sĩ F. Duncan M. Haldane (London, United Kingdom) từ Princeton University, New Jersey, Hoa Kỳ và Tiến Sĩ J. Michael Kosterlitz (Aberdeen, United Kingdom) từ Brown University, Rhode Island, Hoa Kỳ. Cả ba chuyên gia đều đang làm việc tại Hoa Kỳ.
Nói giản dị là những nhân tài ấy phát triển được tài năng của họ trên “đất lành”. Ta có thể hiểu rằng tại quê hương, môi trường nghiên cứu không thuận lợi, tài năng không phát huy được nên mấy khoa học gia kể trên tìm đất mới. Ở Hoa Kỳ, họ thành công.
Dân số Hoa Kỳ khoảng 316 triệu người so với dân số Hoa Lục là 1,384,315,793 người theo thống kê của Liên Hiệp Quốc. Từ năm 1956 cho đến nay, 12 nhân tài “dính dáng” tới Hoa Lục đã đoạt giải Nobel*, duy nhất có Tiến Sĩ Tu Youyou sinh sống và thành công tại Hoa Lục, còn các nhà khoa học khác, dù sinh trưởng từ Hoa Lục, nhưng Hoa Kỳ lại là nơi họ học hỏi và phát huy tài năng. Và đất nước bao dung ấy đã “thu về” vô số tài năng của Hoa Lục. Câu hỏi là tại sao Hoa Lục không thể nuôi nấng, phát triển các bộ óc phi thường? Phải chăng những người này thích tìm tòi, học hỏi, suy luận nên … khó dạy, không chịu nhắm mắt, bịt tai vâng theo điều không phải, không đúng? Ðất nước nào chẳng có những bộ óc phi thường nhưng tài năng của họ chỉ có thể phát huy rộng rãi trong môi trường tự do?
Tất nhiên cũng có những người Hoa Kỳ rong ruổi đất khách, mang tài năng đóng góp với những quốc gia khác, chọn lối sinh sống tha hương vì nhiều lý do riêng tư. Có người vì nhu cầu tâm linh đã rời Hoa Kỳ, chọn lối sống tu khổ hạnh tại Varanesi, Ấn Ðộ; mình quấn vải vàng cam, đi chân đất ăn rau cỏ và ngồi kiết già bên bến sông Hằng… trong khi vô số người Ấn xếp hàng nộp đơn xin di dân, rời bỏ quê quán. Cũng có những người Hoa Kỳ đầu quân chiến đấu với nhóm khủng bố ISIS vì quê hương này không cho họ một cơ hội hòa nhập, tiến thân. Tạm hiểu là con người tìm kiếm đất sống thích hợp để dung thân, thời đại nào cũng thế.
Gần gũi hơn, người tị nạn [cộng sản] Việt vẫn tiếp tục rời bỏ quê nhà đi tìm đất lành, cuộc di dân kéo dài suốt mấy chục năm nay từ khi cộng sản chiếm được miền Nam.
Là một trong những người may mắn, đến đất lành khá sớm nên Dế Mèn có cơ hội hòa nhập với xã hội mới. Nhớ nhà thì vẫn nhớ, quê cũ hòa tan trong trí tưởng của những ngày thơ ấu nhưng thỉnh thoảng ngẫm nghĩ lại, nhất là trong dịp lễ Tạ Ơn, khi cư dân kỷ niệm và tuyên xưng công lao gầy dựng của tiền nhân thì phe ta nhớ đến kỷ niệm từ những ngày vừa đến đây. Cũng bỡ ngỡ, băn khoăn và lo lắng như mọi di dân mới keng trước sinh hoạt hàng ngày xa lạ. Nhưng rồi không biết tự lúc nào, phe ta thân thuộc với đời sống mới.
Có nhiều dịp di chuyển nên phe ta làm quen với đất nước mênh mông này. Từ phía bắc xuống miền nam là cả hai ngày đường, xa xôi hơn từ đông sang tây là cả tuần lễ lái xe, và suốt những xa lộ hun hút ấy là các thói quen, lề lối làm việc sinh sống khác nhau. Người miền đông bắc đi đứng nhậm lẹ, mua bán nhanh chóng; không thong thả chậm rãi như cư dân miền nam. Kẻ miền tây cũng lè phè khác dân phía đông. Khí hậu thổ nhưỡng ảnh hưởng đến cách sinh sống của con người. Miền đất nào thời khí khắc nghiệt thì con người phải tranh đấu ráo riết mạnh mẽ hơn tạo nên lối sống khác biệt? So sánh với châu Âu và châu Á, diện tích không lớn hơn bao nhiêu nhưng tại hai lục địa này, nhiều sắc dân với ngôn ngữ riêng tạo thành các nếp sống khác biệt nhiều hơn nữa?
Ðất Hoa Kỳ muôn sắc là vậy, người Hoa Kỳ cũng muôn vẻ. So với cư dân châu Âu, người Huê Kỳ xem ra thờ ơ trước những sinh hoạt chính trị diễn tiến trên đất nước họ. Hôm nọ, trò chuyện với bạn bè, lúc bàn tán về cuộc bầu cử tổng thống sắp tới lựa chọn giữa ông Trump và bà Clinton, mấy tay Thụy Sĩ hỏi khó Dế Mèn rằng “what’s with you people”, các bạn có ‘sao’ không, diễn nôm na là cư dân Huê Kỳ có điên rồ cả không? Ở đất nước họ, hẳn chẳng bao giờ có hiện tượng Donald Trump chiếm được lòng cử tri rầm rộ như thế? Nhưng nhìn chung, cư dân Âu Châu xem ra thông hiểu rành rẽ chuyện đất nước họ cũng như chuyện láng giềng hàng xóm xa gần, chẳng những chuyện chính trị mà cả chuyện kinh tế, giáo dục. Người Huê Kỳ, trừ khi trực tiếp chịu ảnh hưởng, không mấy ai để ý đến chuyện thay đổi trong xã hội chung quanh, bất kể là lãnh vực nào. Chẳng hạn như chuyện thay đổi thuế má, thuế lợi tức, thuế thổ trạch … Tăng thuế hoặc giảm thuế thì sẽ ảnh hưởng đến những gì? Lợi ích cho những ai và tai hại cho những ai?
Những phương tiện di chuyển công cộng trên đường sá châu Âu và Nhật Bản xem ra tiện lợi vô cùng và Huê Kỳ khi đem ra so sánh thì phải ôm đèn đỏ. Xe lửa, xe bus vừa đắt vừa bất tiện. Biết như thế nhưng người Huê Kỳ có thay đổi không? Có lẽ là không bạn ạ! Ðường sá rộng rãi, xe hơi và xăng lại rẻ nên mạnh ai nấy di chuyển bằng phương tiện riêng, khỏi chờ đợi. Tiện lợi như thế mấy ai chịu đóng thuế tài trợ việc xây dựng phương tiện di chuyển công cộng? Trừ những vùng đất hẹp người đông, kẹt xe ê ẩm như Los Angeles, New York City… bá tánh mới chịu chờ đợi xe lửa, xe bus?
Có những sinh hoạt [âm thầm] thâm nhập vào xương tủy khiến Dế Mèn hành xử in hệt dân địa phương, chẳng hạn như thói quen mua sắm. Ði chợ chẳng bao giờ mang theo tiền cắc không như cư dân Âu Châu thường có một cái túi đựng tiền cắc và sẵn sàng sử dụng khi mua bán. Dân Huê Kỳ thường đổ tiền cắc vào trong vật đựng, một cái chai, lọ nào đó để khi đầy mang đi đổi tiền giấy, không mấy ai xài tiền cắc. Dế Mèn tẩn mẩn nghĩ đến ngày mai, khi tiền… điện tử, thẻ tín dụng điện tử phổ thông hơn thì tiền cắc cũng như tiền giấy đều sẽ trở thành quá khứ xa xăm?!
Ấy chỉ là một vài sự kiện rất phiến diện về Huê Kỳ chưa kể nhiều đặc điểm khác mà nhiều di dân mới cũng như “cũ” (mười năm có hơn) đã kê khai chi tiết. Họ nói rằng “xin chọn nơi này làm quê hương” vì người Mỹ mỗi ngày một thân thiện hơn với dân thiểu số (?), ít ra là khi phát biểu ý kiến trên môi trường công cộng. Và người thiểu số được bảo vệ trên phương diện luật pháp.
“Thiểu số” ở đây không chỉ đơn thuần về sắc tộc mà còn bao gồm tôn giáo, ngôn ngữ và cả khuyết tật.
Cư dân Huê Kỳ đáng yêu vì họ là những người lạc quan, có một chút “ngây thơ” [vì đời sống sung túc dễ dàng?], vì việc gì xem ra cũng có thể thực hiện được; thái độ “can-do”. Họ tươi cười, lúc nào cũng dễ dàng… khoe răng. Ðiều dễ hiểu là việc chăm sóc răng cỏ rất phổ thông ở Huê Kỳ. Cả một hệ thống nha khoa chuyên việc trồng răng, niềng răng, đánh bóng răng… rầm rộ chưa kể các sản phẩm thuốc đánh răng, súc miệng buôn bán ồ ạt. Niềng răng ít thấy tại Âu châu và Nhật Bản, và hàm răng, cái đứng thẳng, cái mọc xiên là hình ảnh thường thấy.
Người Huê Kỳ thường bị chê là ăn uống vội vã, ngay cả khi ăn uống tại hàng quán. Vừa buông nĩa là người dọn bàn đã vội vàng dọn dẹp chén dĩa, nhưng bù lại, những ly nước trà, nước lạnh đều được rót đầy liên tục, và cũng chẳng mấy khi khách hàng phải vẫy gọi giấy tính tiền. “Tục lệ” này không mấy phổ thông tại những nơi khác kể cả Nhật Bản nơi khách hàng là “vua”. Hiệu năng xem ra là một “cá tính” của Hoa Kỳ, nhất nhất dịch vụ nào cũng nhanh chóng và hiệu quả. “Thời giờ là tiền bạc” hẳn được cư dân dùng làm châm ngôn?
Hoa Kỳ là thiên đường của hàng hóa, cư dân tiêu thụ ào ào đủ mọi loại sản phẩm từ những dụng cụ điện tử “hi tech” chế tạo tại địa phương đến những món nhập cảng; thượng vàng hạ cám, món chi cũng có mặt trên thị trường. Không lạ là hàng hóa ở đây giá rẻ hơn các nơi khác vì các thương hiệu phải ganh đua tranh giành khách hàng. Người tiêu thụ, do đó tha hồ lựa chọn, chê khen.
Sản phẩm, đồ dùng ê hề đã đành, thức ăn uống cũng phong phú không kém. Siêu thị ở Hoa Kỳ bày bán đủ mọi loại thức ăn, ngay cả những thành phố nhỏ, các món hàng địa phương xa xôi cũng góp mặt. Bạn là một tay nấu nướng với cái lưỡi tinh tế? Chẳng có nơi nào ta có thể mua sắm đầy đủ các vật liệu, gia vị để chế biến những món ăn xa lạ như dồi huyết Morocco hay não bò dầm khoai của Kenya… ngay tại Huê Kỳ! Chưa kể là các ngôi nhà, dù nhỏ bé đến đâu cái bếp cũng có một diện tích khá khá. Cư dân chịu ăn uống như thế nên điều dễ hiểu là thành phố nào cũng đầy rẫy hàng quán, kể cả các hàng quán “chuyên trị” đặc sản, Quận Cam, California; Houston, Texas… đầy những hàng quán Việt cũng như phố Tàu, phố Nhật, phố A Phú Hãn… hiện diện tại nhiều thành phố Hoa Kỳ. Hễ thức ăn ngon là thu hút thực khách, chủ nhân ăn nên làm ra, bất kể sắc tộc. Thức ăn thừa mứa nên đất nước này có khá nhiều những người bị bệnh mập phì.
Ăn uống đã thiên hình vạn trạng, việc giải trí cũng muôn màu muôn vẻ. Người thích thể thao, kẻ chuộng âm nhạc, cho đến các món thủ công như may vá thêu thùa, nắn tượng, thổi thủy tinh, chế biến đồ gỗ… để ngó. Ở đây, cư dân có chỗ, có thời giờ, và có cả vật liệu để thử đủ món giải trí. Chính sự say mê đã thúc đẩy con người tập luyện để đi đến mức hoàn hảo. Người thổi một vật dụng thủy tinh lạ mắt sẽ nổi tiếng như một nghệ sĩ nặn tượng vì sự sáng tạo. Hoa Kỳ cũng là nơi ươm các giấc mộng Olympic của những lực sĩ non trẻ.
Văn hóa Hoa Kỳ không chỉ biểu hiện bằng hình ảnh chú hề MacDonald hay cửa hàng Walmart như người thế giới thỉnh thoảng bĩu môi dè bỉu. Có khi nào bạn thấy du khách khuân vác rầm rộ các món hàng từ Walmart hay cửa tiệm bách hóa tương tự về cố quốc? Chê bai các đại công ty là điều dễ dàng cho đến khi ta rong chơi đất lạ, chẳng có cửa hàng nào đầy đủ sản phẩm như các tiệm bách hóa Huê Kỳ, muốn mua một tuýp thuốc đánh răng cũng phải đi tìm lõ mắt. Và trong lần Dế Mèn loanh quanh Âu châu năm ngoái, cái Big Mac của đại tửu lầu MacDonald tại phi trường Dublin xem ra lại là món ăn vừa miệng nhất trong suốt mấy tuần lễ đi rong!
Năm nay mùa Tạ Ơn, Dế Mèn ghi chép những lời ngợi khen quê hương “mới”, đất lành nên khá nhiều bầy chim [bỏ xứ] dừng cánh rồi xây tổ, sinh con đẻ cháu lâu dài. Hoa Kỳ với đầy đủ những hay/ dở, vui /buồn đã cho phe ta cơ hội thành người và sinh sống thoải mái dễ dàng. Mấy hàng này Dế Mèn xin ghi nhớ công ơn người xưa dọn đường, gầy dựng một đất nước thanh bình, tử tế.
TLL
*Tu Youyou, Physiology/ Medicine, 2015; Mo Yan, Literature, 2012; Liu Xiaobo, Peace, 2010; Ei-ichi Negishi, born in Manchuria, Chemistry, 2010; Charles K. Kao, Physics, 2009; Gao Xingjian, Literature, 2000 ; Daniel C. Tsui, Physics, 1998; Edmond H. Fischer, born in China, Physiology or Medicine, 1992; 14th Dalai Lama, Peace, 1989; Chen-Ning Yang, Physics, 1957; Tsung-Dao Lee, Physics, 1957; Walter Houser Brattain, born in China, Physics, 1956