Thanksgiving lại trở về. Không khí se lạnh của mùa thu đôi khi cũng chợt ấm lên với những cuộc họp mặt bạn bè và người thân. Riêng Nguyễn, nhìn ra ngoài mưa gió trong mùa Thanksgiving này, lòng xao xuyến nghĩ đến bao điều trong cõi nhân gian rộn ràng của vùng trời lưu lãng…
Trước hết, xin được nhắc lại đôi điều đã viết về ngày Thanksgiving năm nào. Thời gian này, ở các gia đình người Mỹ, thân nhân và bạn bè -có khi ở cách xa nhau cả ngàn dặm- sẽ đoàn viên hạnh phúc trước bàn tiệc gồm các món ăn truyền thống như gà tây quay, bánh táo, xúp dâu, và những món làm từ bắp, bí ngô. Và rồi những lời cầu nguyện tạ ơn, những lời chúc tụng và tiếng cười hân hoan rộ lên, át cả tiếng mưa, tiếng gió bên ngoài. Trong tâm cảm của một người di dân, Nguyễn cũng muốn vui chung với mọi người. Do đó, thuở hiền nội còn tại thế cứ mỗi mùa Thanksgiving thế nào Nguyễn cũng tới khu chợ Central Market mua gà tây và rau, đậu, khoai, bí về ăn. Và trong bữa ăn sẽ không quên rót cho mình ly rượu đỏ thật đầy, vừa uống vừa mời bạn bè trong tưởng tượng.
Ới bằng hữu ơi, Nguyễn và anh em có mặt trên nước Mỹ đã qua bao mùa Lễ Tạ Ơn rồi. Cũng như những người trên con tàu May Flower của năm 1620, chúng ta đến từ một vùng đất bị ruồng đuổi và đầy bóng tối đe dọa. Nhiều người đã chết trong hành trình, không bao giờ được nhìn thấy vùng đất của tự do và sự sống. Còn nhớ đài RFA có lần ghi nhận, cứ ba người vượt biên là có một người chết trên rừng hoặc dưới biển. Những người sống sót cặp được bến bờ và trải qua những ngày nương thân ở một trại tị nạn nào đó trên đất Mã Lai, Nam Dương hay xứ Thái. Buồn, bơ vơ và nhớ và xót xa: Chiều về trên xứ lạ / Cười nụ cười Anglais / Buồn qua hơi thuốc Thái /Thèm một phin cà phê… Dừng chân nơi quán lạ / Thèm cơm chiều hương quê / Mẹ cha ơi đừng đợi / Chiều nay con không về… (ôi, thơ của Tưởng Năng Tiến đó). Những ngày đầu tiên trên đất Mỹ cũng là những ngày khó khăn, đầy thách thức. Ðến đây lạ đất lạ người, không đến nỗi “con chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng kinh”, nhưng cuộc sống và ngôn ngữ, mọi thứ nơi đây hoàn toàn khác ở quê nhà. Lúc đầu nhiều người than: Ôi, nước Mỹ sao buồn quá! Nhưng rồi thời gian trôi qua nhờ sức phấn đấu và chịu đựng, làm việc ngày đêm -rửa bát, giặt giũ quần áo, lau dọn vệ sinh, sắp xếp kho hàng, đứng bán cây xăng, đi bỏ báo phát flyers, làm tài xế xe tải, lái xe lunch… – trải qua trăm cay ngàn đắng mới dần dần sắm xe, mua nhà, xây dựng cơ ngơi, cho con cái đi học, dựng vợ gả chồng cho con, tạo lập cuộc sống ổn định sung túc.
Vâng, khi ta đến nơi này, cái gì cũng lạ. Nhất là con gà Tây. Nhà báo Giao Chỉ đã viết rất hay: “Những người di dân Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ trong đợt đầu khi xây dựng cuộc đời đã ăn những con gà Tây đầu tiên cùng với các gia đình bảo trợ (cô Kathleen ơi, cô còn nhớ Thanksgiving đầu tiên ở Tallahassee FL. không?), và với các họ Ðạo trên 50 tiểu bang Hoa Kỳ. Thế rồi những bức hình và những lá thơ liên tiếp gửi về quê nhà trong suốt 10 năm khốn khổ sau 75. Cho đến khi di dân Việt Nam trải qua 10 lần dự tiệc tạ ơn tại Hoa Kỳ thì những thùng quà gửi về đã làm cho cả đất nước hồi sinh. Từ cây kim sợi chỉ, từ chai thuốc tây đến thước vải. Những tờ giấy đô la nằm trong hộp thuốc đánh răng và các thùng giấy. Cứ như thế, dưới nhiều hình thức, dollars ồ ạt gởi về làm hồi sinh đất nước. Những con gà Tây của lễ tạ ơn Hoa Kỳ đã về đến Việt Nam.”
Như thế đó. Chúng ta hãy tạ ơn đất và người nơi ta đến.
Ngoài ra hãy “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ ta có thêm ngày nữa để yêu thương” (Kahlil Gibran – The Prophet)
TN