Chúng tôi có cháu gái năm nay 21 tuổi. Từ hơn ba tháng nay, cháu bỗng nhiên biếng ăn, hay tư lự buồn rầu. Bác sĩ gia đình nói cháu bị bệnh trầm cảm và đang chữa cho cháu. Chúng tôi muốn biết rõ hơn về bệnh này, liệu có chữa khỏi không và chữa bằng cách nào. Cảm ơn bác sĩ. Vợ chồng Lê Minh Phương
Ðáp
Cũng như các bệnh khác, trầm cảm có thể chữa khỏi nếu bệnh được tìm ra và điều trị sớm.
Có nhiều phương thức để điều trị trầm cảm. Phương thức thường dùng nhất là dược phẩm, tâm lý trị liệu hoặc phối hợp cả hai.
Tâm lý là những tình cảm, nhận thức, ý chí của mỗi người. Tâm lý trị liệu tìm hiểu hoàn cảnh đưa tới rối loạn tâm thần và các vấn đề tâm lý rồi giúp người phát bệnh tự hiểu mình hơn để tự giải quyết khó khăn của chính mình. Các nhà chuyên môn y học không điều khiển các quyết định của bệnh nhân.
Về dược phẩm thì có cả vài chục loại khác nhau được dùng để điều trị trầm cảm. Ðể lựa chọn thuốc thích hợp cho tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ lưu ý đến mấy điểm sau đây:
– Nếu đã bị trầm cảm và đã được điều trị thuyên giảm với một loại thuốc nào đó thì bác sĩ sẽ tiếp tục cho dùng thuốc đó.
– Thuốc trị trầm cảm nào cũng cho một vài tác dụng phụ, có ảnh hưởng trên sức khỏe và bệnh hiện đang có. Cho nên khi lựa thuốc, bác sĩ cũng phải cân nhắc ở điểm này và lựa thuốc có càng ít tác dụng phụ càng tốt;
– Tâm lý bệnh nhân là rất ngại uống thuốc. Do đó bác sĩ sẽ lựa thuốc nào để uống ít lần mà vẫn giảm triệu chứng trầm cảm;
– Thuốc bây giờ rất đắt nên bác sĩ cũng lựa loại hợp với túi tiền của bệnh nhân hoặc các hãng bảo hiểm sức khỏe đồng ý trả tiền thuốc;
– Vì phải theo dõi kết quả điều trị cũng như tác dụng tốt xấu của thuốc, thường thường thì bác sĩ cũng lựa thuốc mà họ đã biết rõ và thường đã cho bệnh nhân. Như vậy cũng tránh được sự dò dẫm, khiến bệnh nhân không nản lòng;
– Thuốc phải sớm có tác dụng, giảm triệu chứng như là bớt buồn rầu, có nhiều nghị lực hơn, ăn ngủ bình thường…
– Có thể là bệnh nhân đang dùng vài thuốc của vài bệnh nào khác. Bác sĩ cũng phải cân nhắc coi các thuốc đó có tác dụng qua lại với nhau, có làm giảm hiệu lực của nhau hay không;
– Thuốc và thực phẩm đôi khi cũng có ảnh hưởng lên nhau, nên bệnh nhân phải hỏi bác sĩ xem uống thuốc lúc nào: khi ăn hoặc khi đói bụng? Kiêng cữ món ăn nào không?
– Nếu không chữa thì hậu quả sẽ ra sao?
Nhiều người bệnh cho hay trầm cảm tựa như một tấm màn đen đầy những thất vọng, phủ lên cuộc đời của họ. Nếu không điều trị, bệnh nhân sẽ rơi vào tâm trạng buồn rầu suốt đời, tinh thần sa sút, sức khỏe yếu kém, mất ăn mất ngủ, chán nản. Lâu ngày, người bệnh đi đến tuyệt vọng có thể tự hủy hoại thân mình.
Ăn gì bổ ấy
Nhiều người tin tưởng là ta ăn món ăn từ bộ phận nào đó của thú vật thì bổ dưỡng cho cơ quan đó trong cơ thể của ta. Ðúng hay sai?
Ðáp
Ðây là những tin tưởng trong dân gian có từ thuở khai thiên lập địa, không phải chỉ thấy ở dân mình mà còn thấy khắp nơi trên thế giới. Ta biết là các bộ phận của cơ thể có thể suy yếu vì lý do bệnh hoạn, tuổi già… Cho nên có tin tưởng là ăn một bộ phận của động vật nào đó sẽ thay thế hoặc bổ dưỡng cho bộ phận bị hư hao. Chẳng hạn, có tin tưởng rằng ăn óc động vật sẽ thông minh hơn; ăn ngọc hành dê sẽ mạnh mẽ hơn trong đời sống tình dục; ăn tim hổ báo sẽ dũng cảm hơn; ăn tiết canh bổ máu. Vì thế nhiều người mới đi tìm các món ăn hiếm để ăn gì bổ ấy.
Nhưng xét về phương diện dinh dưỡng, các món ăn này cũng chỉ có các chất đạm, béo, tinh bột hoặc sinh tố, khoáng chất như các món ăn khác mà thôi. Và khi ăn, chúng có tác dụng nuôi dưỡng cho tất cả cơ thể chứ không riêng một bộ phận nào.
Nhu cầu calcium
Năm nay tôi 62 tuổi. Ngoài dược phẩm, bác sĩ nói cần uống thêm calcium, kẻo xương bị loãng. Xin cho biết thực phẩm nào có nhiều calcium. Nếu không uống được sữa thì phải làm gì? Cảm ơn bác sĩ. Trần Văn Rạng
Ðáp
Calcium là xi măng cốt sắt của bộ xương. 99% calcium trong cơ thể nằm ở xương và răng. 1% còn lại trong tế bào mềm và dung dịch chất lỏng khác.
Calcium mà cơ thể cần đều có trong nhiều loại thực phẩm. Ta có thể thiếu calcium khi không ăn uống đầy đủ calcium, không hấp thụ được calcium. Phần ăn có nhiều chất xơ, nhiều chất béo, mất sự thăng bằng giữa calcium/phosphore, thiếu sinh tố D đều đưa tới giảm hấp thụ calcium. Căng thẳng tâm thần, không vận động cơ thể hoặc tuổi già cũng giảm hấp thụ calcium.
Cho nên vì lẽ đó mà bác sĩ khuyên cụ nên dùng thêm calcium để tránh bị bệnh loãng xương. Thực ra nguyên nhân của bệnh này chưa biết rõ, nhưng thiếu hấp thụ calcium trong suốt đời người là một nguy cơ chính.
Calcium có nhiều trong một số thực phẩm. Các thực phẩm sau đây có khoảng 300 mg calcium:
Sữa: 1/3 ly sữa bột; một ly sữa có 2%chất béo.
Pho mát: 40 gr pho mát loại cheddar.
420 gr kem; 240 sữa chua;
cá: 140 gr cá hồi; 7 con cá sardine còn xương.
Rau: một ly rưỡi rau spinach.
Một miếng rưỡi đậu phụ.
Như vậy sữa là nguồn cung cấp calcium nhiều hơn cả. Chỉ với hai ly sữa ít béo là ta đã có đủ nhu cầu hàng ngày.
Nếu cụ không uống được sữa thì đề nghị với cụ dùng rau cũng có nhiều calcium. Và nếu cần, thì phải làm theo lời bác sĩ: uống thêm viên calcium bán trên thị trường. Phân lượng cần có đề ngừa loãng xương là 1000-1200 mg mỗi ngày. Cụ nên uống làm hai lần trong ngày để tránh khó chịu cho bao tử.
NYD