Menu Close

Khi bị cảnh sát “quay đèn”

nguồn Phoenix DUI Lawyer
nguồn Phoenix DUI Lawyer

Hiến Pháp Hoa Kỳ có điều khoản bảo vệ người dân thoát khỏi sự chèn ép của các nhân viên công lực bằng cách nghiêm cấm những hành vi bắt giữ và lục soát trái với tinh thần của Hiến Pháp. Hành động “quay đèn” được xem như một hành động bắt giữ mặc dù thời gian bị “quay đèn” rất ngắn và mục đích bắt giữ chỉ đơn thuần là vì người lái xe đã vi phạm luật giao thông. Vì thế nên nắm bắt một số điều luật cần thiết sau đây sẽ giúp chúng ta bảo vệ được những quyền công dân được công nhận bởi Hiến Pháp và tránh trường hợp người dân bị cảnh sát lạm dụng quyền lực khi bị “quay đèn.”

Thông thường khi cảnh sát “quay đèn” vì lý do vi phạm luật giao thông, cảnh sát không có quyền lục soát những vật dụng trong xe nếu thiếu “probable cause” (tạm dịch là một lý do chính đáng có thể dẫn đến những bằng chứng phạm tội). Khi cảnh sát quay đèn vì lý do kiểm tra bằng lái, cảnh sát cũng không có quyền lục soát vật dụng trong xe nếu không có “probable cause.” Hành động kéo dài thời gian khi kiểm tra bằng lái mà không có lý do chính đáng là một hành động trái với Hiến Pháp.

Trong khi “quay đèn,” cảnh sát có quyền đòi hỏi một số thông tin cá nhân từ người lái xe, chẳng hạn như số bằng lái xe, số đăng kiểm (car registration), và sau đó có thể kiểm tra những thông tin vừa được giao trình qua hệ thống điện toán của nhân viên công lực. Sở dĩ luật pháp cho cảnh sát có quyền được làm những điều trên là để có thể xác minh được bằng lái vẫn còn hiệu lực, người lái xe hiện không có lệnh bắt từ toà án, và người lái thực sự sở hữu chiếc xe (không phải xe bị đánh cắp). Sau khi xác minh được những điều trên, người lái xe phải được trả tự do nếu như không có biểu hiện nghi vấn khiến cảnh sát có được “probable cause.” Luật cũng cho phép cảnh sát có quyền hỏi người lái xe về mục đích của chuyến đi và nơi đang muốn tới. Ðể bảo vệ sự an toàn cho nhân viên công lực khi phải đối phó với tội phạm có vũ khí, cảnh sát cũng có quyền hỏi người lái xe về những vũ khí đang được tàng trữ trong xe.

Nguồn Ye Olde Journalist
Nguồn Ye Olde Journalist

Ðể xác định khi nào cảnh sát có đủ “probable cause” để tiến hành lục soát vật dụng trong xe, toà án thường dựa vào những sự kiện xảy ra trong từng trường hợp. Dưới đây là một số ví dụ điển hình khi toà án phán quyết rằng cảnh sát đã có đầy đủ “probable cause” để lục soát vật dụng trong xe:

-Khi cảnh sát phát hiện mùi hoặc dấu hiệu rằng người lái đã sử dụng chất gây nghiện hoặc ma túy;

-Khi cảnh sát được báo động bởi cảnh khuyển (chó đánh hơi) là trong xe có tàng trữ chất ma túy;

-Khi người lái xe thừa nhận với cảnh sát là đã sử dụng chất ma túy hay rượu bia;

-Khi cảnh sát phải tiến hành lục soát để bảo vệ bằng chứng phạm tội và đề phòng trường hợp tội phạm sẽ tiêu hủy bằng chứng;

-Khi người lái đồng ý cho cảnh sát tiến hành lục soát.

Những trường hợp vừa nêu trên chỉ là một số trong nhiều trường hợp mà cảnh sát có thể tiến hành lục soát trong xe khi không có án lệnh của tòa. Lưu ý khi cảnh sát tìm được chứng cứ phạm tội qua những cách thức trái với tinh thần của Hiến Pháp, tất cả những bằng chứng đó sẽ không có hiệu lực tại tòa. Vì thế khi bị cảnh sát “quay đèn” nên làm ba việc sau đây:

  1. Không nên nói chuyện quá nhiều với cảnh sát (chỉ trả lời cảnh sát về những thông tin cá nhân);
  2. Nếu cảnh sát muốn lục soát xe thì phải hỏi nguyên nhân tại sao;
  3. Khi cảnh sát có dấu hiệu lạm dụng quyền lực, xin hãy liên lạc ngay với luật sư để được giúp đỡ.
Nguồn Domestic Violence Lawyer San Diego
Nguồn Domestic Violence Lawyer San Diego

WHV