Những hạt nuts ăn có bổ dưỡng không?
Ðáp: Quả hạch (nuts) là những trái khô của cây có vỏ cứng bọc ở ngoài, có nhiều chất dinh dưỡng như chất đạm (từ 10-25%); chất béo bất bão hòa, nhiều sắt, calcium, potassium, phosphore, thiamin, riboflavin, sinh tố E và chất xơ.
Có nhiều loại hạt mà ta thường ăn như:
– Quả đào lộn hột (Cashews), có hình thái thận, bán dưới hình thức rang và có muối.Vỏ quả này độc nên khi bán thường không có vỏ.
– Hạt Hạnh nhân (Almonds) nhỏ, hình bầu dục, dẹp nằm trong vỏ rất dễ đập vỡ. Hạt có mầu trắng với hương vị thật thơm. Có hai loại hạt: đắng để lấy nước chiết; ngọt để ăn sống hoặc nấu nướng. Hạnh nhân được bán nguyên dạng trong vỏ cứng, đã bỏ vỏ, cắt nhỏ hoặc nguyên hột, cho thêm đường, muối.
– Hạt dẻ (Chestnuts) có vỏ cứng mầu nâu. Thịt của hạt dẻ có rất ít chất béo, ít calories nhưng nhiều tinh bột. Hạt được bán nguyên dạng tươi hoặc đã luộc, rang hoặc đóng hộp.
Mặc dù có thể ăn sống nhưng thường thường ta hay ăn loại đã nấu chín.
– Cơm dừa có thể ăn tự nhiên, sau khi phơi khô hoặc xay nhỏ lấy nước. Cơm dừa có nhiều chất béo bão hòa và calories. Ta thường hay kho thịt lợn với cơm dừa cắt nhỏ bằng ngón tay.
– Hạt Brazil Nuts với thịt mầu trắng, rắn chắc, có nhiều dầu nên mau trở mùi ôi vì chất béo bị oxy hóa.
– Quả cây phỉ (Hazelnuts) với thịt ngọt hơn các nuts khác, thường được dùng làm đồ tráng miệng hoặc làm kẹo.
– Hạt lạc được bán nguyên dạng, luộc, rang có pha muối, thêm hương vị húng lìu như lạc rang của ông già người Tầu dọc bờ Hồ Hoàn Kiếm cách đây trên nửa thế kỷ.
– Hạt hồ đào (Pecan) thịt mềm với hai nhân nằm trong vỏ cứng mầu nâu, ăn sống hoặc đã rang với muối.
-Hạt quả óc chó (Walnuts) với vỏ dễ đập vỡ, có thể ăn sống hoặc nấu chín.
Nói chung, các nuts này ăn rất ngon và có nhiều chất dinh dưỡng lại ít chất béo bão hòa do đó các nhà dinh dưỡng đều khuyên nên ăn.
Ngoài ra còn những hạt mầm (Seeds) như hạt Hướng dương (Sunflowers), hạt vừng (Sesame), hạt dưa cũng rất bổ dưỡng.
Có điều ta nên cẩn thận vì những hạt rang thường có nhiều muối hoặc đường.
Yến sào
Xin cho biết Yến bổ như thế nào mà nhiều người dùng?
Ðáp: Yến là nước dãi của loài chim Yến nhả ra để làm tổ.
Chim yến thường sống ở các hải đảo vùng Ðông Nam châu Á như Trung Hoa, Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương. Chúng sống trên các mỏm đá chênh vênh dựng đứng rất cao, dưới là vịnh nước đầy đá ngầm sâu.
Yến làm tổ để nằm và ấp trứng bằng nước dãi của chúng. Ban ngày, chim đi kiếm cá ăn, tối về nhả nước dãi thành từng bãi tròn nhỏ, cuộn với nhau thành tổ. Mùa làm tổ thường là vào Tháng Tư và Tháng Sáu.
Yến có loại gọi là mao yến, có lông chim nhỏ và huyết yến có lẫn chút máu của chim. Huyết yến rất hiếm nên nhiều người ưa chuộng, do đó giá tiền đắt hơn nhiều.
Theo Ðông y, yến có vị ngọt, tính bình, đi vào hai kinh phế và vị. Yến được dùng để bồi bổ sức khỏe, chữa hen suyễn, suy nhược phổi, thổ huyết, ho lao, sốt cơn, tráng dương, lợi tiểu tiện.
Trước đây, Yến được dùng như thực phẩm trong các bữa ăn cung đình, vương giả, nhà giầu có. Nhưng ngày nay, chim được nuôi nhiều nên yến khá phổ thông trong dân chúng.
Yến có một số chất đạm như protein, tryptophan, arginine, cysteine và vài khoáng chất như calcium, phosphore.
Thở sâu
Có phải thở làm thư giãn không
Ðáp: Ngoài nhu cầu “hô hấp để sống còn”, thở còn thường được dùng để xả stress, thư giãn tinh thần khi có những lo âu buồn phiền. Nhưng thở cũng phải đúng cách.
Bác sĩ Andrew Weil, Ðại học Harvard cho biết: “Nếu phải giới hạn lời góp ý của tôi đối những ai muốn sống một cách khỏe mạnh với một mẹo thực tế duy nhất thì lời khuyên đó chỉ giản dị là làm sao học thở cho đúng cách”.
Thở đúng cách phải là hơi thở sâu, chậm và dài trong đó cơ hoành có vai trò chính.
Sau đây, xin gợi ý một phương thức tương đối giản dị, dễ áp dụng có thể thực hiện bất cứ lúc nào thấy cần.
– Tư thế có thể là nằm, ngồi hoặc đứng. Toàn thân thư giãn, cột xương sống ngay thẳng.
– Ðặt một bàn tay lên bụng để có thể cảm thấy sự phình ra thót vào của bụng.
– Chậm rãi hít vào bằng mũi.
Tập trung vào đường đi của hơi thở từ mũi xuống ống dẫn khí, vào phổi đồng thời hạ thấp cơ hoành để bụng phình ra và hít vào nhiều không khí. Sự tập trung này cũng để tránh nhiễu ý từ bên ngoài.
– Nhín hơi thở trong vài giây.
– Từ từ thở ra bằng mũi. Khi không khí đã ra gần hết thì thư giãn một vài giây rồi hít thở lại.
Tiếp tục tập thở như vậy cho tới khi nhịp thở trở thành thói quen trong đời sống hàng ngày. Hoặc khi nào căng thẳng tinh thần thì ngồi tĩnh lặng hít thở sâu dài mươi phút là thấy thư giãn thảnh thơi ngày.
Ðầy hơi
Tôi bị no hơi, thường hay thoát theo hậu môn. Tại sao và cách phòng ngừa.
Ðáp: Quá nhiều hơi trong ruột và bao tử sẽ đưa đến khó chịu cho cơ thể chẳng hạn tức bụng, no hơi. Hơi sẽ thoát ra khi ta ợ hoặc qua hậu môn.
Nguyên do của đầy hơi có thể là:
– Sự không hấp thụ hết một số chất tinh bột và đường. Các vi khuẩn trong đường tiêu hóa sẽ làm các chất này lên men và sinh ra hơi.
– Các thực phẩm như táo, đậu, cải bắp, nước giải khát có nhiều hơi carbonate;
– Khi ăn, nuốt nhiều không khí, nhất là khi ăn nhanh.
Ðể tránh nhiều hơi:
– Khi ăn nên nhai chậm rãi, ngậm miệng, nuốt thức ăn từ từ;
– Tránh hoặc giới hạn thực phẩm sinh nhiều hơi, nhất là loại đậu, cải bắp, hành, giá đậu, chuối, mận. Sữa và pho mát cũng gây no hơi nếu cơ thể thiếu diêu tố lactase để tiêu hóa đường lactose trong sữa;
– Giới hạn đường thay thế như sorbitol, mannitol có nhiều trong bánh kẹo gọi là “sugar-free).
– Không lạm dụng dược phẩm chống axit trong bao tử;
– Có thể dùng chất chống gas như Simethicone ( Phazyme; Mylanta gas), Lactaid.
NYD