Menu Close

Phần chìm của tảng băng

Bên kia biển Huntington Beach, từ căn nhà màu hồng bị che khuất sau chiếc tàu lớn màu trắng nằm chắn ngang ở đằng trước, thoảng trong gió tiếng hát ru đậm đà tâm tình của người Lục Tỉnh Miền Nam vang lên: “Con trâu có một hàm răng, ăn cỏ đất bằng uống nước bờ ao. Bấy lâu mày ở với tao, bây giờ mày chết tao cầm dao xẻ mày. Thịt mày tao nấu lêu bêu…Da mày bịt trống lên chùa tụng kinh. Sừng mày tao làm cán dao, cán mác, lược thưa, lược dày…”

Câu hát ru không có gì lạ, nếu như vang lên từ bờ kênh nhỏ, nơi có căn nhà lá ọp ẹp phía sau cái cần vó xiêu vẹo, giơ cao bốn gọng tre mục nhão, khẳng khiu lên trời. Nhưng ở đây giữa xứ lạ quê người, tại vùng biển có những căn nhà trị giá hàng triệu Mỹ kim của giới thượng lưu giàu có, câu hát dành cho mẹ ru con, hay chị ru em ngủ, vang lên nghe thật lạ lùng, thật đặc biệt. Chừng như hòa lẫn trong lời ru có tiếng em bé ngủ mê, ọ ẹ từng chập mỗi khi thức giấc. Sự liên tưởng này xui giục lòng tôi nhớ đến bài học thuộc lòng“Con Trâu Với Người Ði Cày,” in trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày xưa: “Bao giờ cây lúa còn bông…, thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.” Phần thưởng khiêm nhường được hứa hẹn chỉ là cỏ non của thiên nhiên, con trâu phải tự tìm lấy mà ăn. Nhưng lời dỗ dành mộc mạc của người nông dân Miền Bắc nói với con trâu còn sống đang kéo cày, nghe thật đậm đà tình nghĩa. Trong khi câu hát ru của người nông dân Miền Nam cầm dao xẻ thịt con trâu chết của họ, lại khô khốc, dửng dưng, gần như khinh bạc lạnh lùng.

Có thể nào lại như vậy được chăng? Lẽ nào con cháu của một phần tổ tiên ngày xưa chịu bao gian nan, khổ cực, cầm gươm đi mở mang bờ cõi đất rừng Phương Nam, bây giờ được no cơm ấm áo, bỗng nhiên lại trở nên lãnh cảm, tàn nhẫn đến như vậy, lạnh lùng “cầm dao xẻ thịt” con trâu, từng nắng mưa sớm hôm chiều tối bầu bạn với họ trên cánh đồng mênh mông. Xem ra  loài người quá ư tàn nhẫn và độc ác, đã đối xử với con vật thiết thân theo kiểu vắt chanh bỏ vỏ, chẳng chút thương tưởng, tiếc nuối. Xem ra loài người là loại nham hiểm, độc ác nhất trên cõi đời này, sẵn sàng triệt tiêu bất cứ sự gì không còn giá trị sử dụng. Xem ra…Thôi, nếu viết thêm những phần “xem ra” nữa, thì e rằng chính tôi cũng mặc nhiên can dự vào cuộc “cầm dao xẻ thịt,” bị hằng hà sa số người ngấm ngầm oán thán nói trên.

Tôi nhìn ly cà phê đặt trên bàn. Từng phiến đá nhỏ trong ly khiến tôi nhớ đến hình ảnh tảng băng khổng lồ của nhà văn Ernest Hemingway, đang trôi theo giòng chảy ồn ào giữa mùa băng tan của một con sông nào đó thuộc Miền Bắc Cực xa xôi. Cảm thụ văn chương theo “thi pháp tảng băng trôi” của Hemingway, thì cái khô khốc, dửng dưng, gần như khinh bạc lạnh lùng, trong câu hát của người nông dân cầm dao xẻ thịt con trâu chết, chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng trôi.

Vậy phần chìm của tảng băng là gì?

Tôi muốn tìm kiếm từ tâm trí, tập hợp lại một số điều thu nhặt được trong những trang sách tôi đã đọc, trong những câu chuyện tôi đã nghe, để viết thành câu chữ của chính tôi, để áng chừng cái phần không nói ra trong tâm trạng của người nông dân cầm dao xẻ thịt con trâu chết. Tâm trạng ấy có thể như thế này…, như thế kia…, hay như thế khác…Nhưng nỗi sợ hãi trước những điều võ đoán được xem là vẩn vơ lố bịch, đã ngăn không cho tôi thực hiện ý định này. Trong làng văn chương thế giới,từng có nhiều chuyện vẩn vơ lố bịch. Chẳng hạn như ông nhà văn nào đó bên Tàu, đã chịu khó viết quyển sách nhan đề “Nhật Ký Của Lâm Ðại Ngọc,” nhằm thỏa mãn thị hiếu của hàng triệu độc giả đọc “Hồng Lâu Mộng” xong vẫn còn ấm ức, vì không biết Lâm tiểu thư đã viết những gì trong quyển nhật ký mà cô đem chôn, không ai được đọc kể cả Tào Tuyết Cần, người đã “sinh thành” ra cô.

Ngoài sự vẩn vơ lố bịch, còn có một điều khác ngăn cản tôi, đó là nhà thơ dân gian đã “sáng tạo” ra bài hát ru; ông cũng chính là anh nông dân cầm dao xẻ thịt con trâu. Hai người này tuy hai mà một, tuy một mà hai. Tôi giả định lời can ngăn của nhà thơ kiêm nhà nông dân, đương nhiên là bằng câu chữ của tôi, như sau: Trừ những kẻ có trái tim bằng đất, và những kẻ thám hiểm lòng người bằng máy vi tính, những người khác – những người không ham được thời đại kỹ trị biến thành người máy –  ai nghe thấy lời ru buồn buồn, mộc mạc, quê mùa nói trên, cũng đều biết tác giả và người hát, đang đọc bài kinh cầu hồn cho con trâu tử vì đạo…cày bừa. Xin cảm ơn bạn, người có mặt trong số những tri âm tri kỷ ít ỏi không quen này, và cũng xin thưa rằng: Sự cảm nhận như vậy đã đủ lắm rồi. Chẳng nên ỷ thế là người văn hay chữ tốt, rồi cao hứng làm tài khôn phiên dịch ra rằng: Văn bản của bài kinh cầu hồn quá ư buồn thảm, nên người nông dân ngày xưa phải đọc né đi, bằng những câu hát nghêu ngao. Bởi vì trên thực tế văn bản này không hề có, chẳng nên tìm kiếm uổng công.

Tôi nhìn vào ly cà phê đặt trên bàn. Từng phiến đá nhỏ đã tan gần hết, nhưng vẫn còn lênh đênh một nổi chín chìm, trên mặt khối chất lỏng ngọt màu nâu nhạt. Phần chìm của tảng băng thì thầm chia sẻ: Tảng băng trôi chỉ gợi ý cho mỗi một người, nên tự thám hiểm phần chìm này. Riêng tảng băng không trao cho bất cứ ai chiếc chìa khóa, để giải mã những bí ẩn của phần chìm ấy. Hơn nữa, tảng băng cũng chẳng có chiếc chìa khóa đó. Không một ai, kể cả Ðức chúa trời và các vị thần linh, có thể có chiếc chìa khóa nói trên.

Phải chăng đây cũng chính là lời thì thầm của bậc thầy Ernest Hemingway về thi pháp tảng băng trôi, về phần chìm của tảng băng, về những điều ở tận đáy sâu nội ngã trong lòng người.

HV- 4:30am Thứ Hai ngày 14 tháng 11 năm 2016