Sinh sống trên những mỏm núi cao, lùi sâu vào rừng để khỏi đối đầu với những di dân trước, tổ tiên người H.mong dường như không hình dung được rằng, một lúc nào đó, dòng suối mang nguồn cơn sự sống, tiếng gió rừng vi vu không còn là thanh âm mỗi sáng nơi núi tuyết Sapa. Trẻ em H.mong không còn muốn sống nơi rừng thiêng đại ngàn vi vu với tiếng nói của bộ tộc H.mong. Chúng muốn giống người ta say hello, make money và become tour guide…
Tôi theo xe từ ga Lào Cai lên Sapa lúc 8 giờ tối. Vừa bước chân xuống phố Cầu Mây, cậu con trai nhỏ chẳng chịu đi vì lạnh, thôi thì mở ngay vali lấy áo ấm cho cu cậu, nghĩ cũng may vì đã chuẩn bị trước. Hành trình xuống phố cứ thế bắt đầu, qua những cung đường quanh co đổ dốc, quanh đây những người Mông, Dao, Mèo đang bán hàng lưu niệm, là chiếc mũ, là cái túi đeo điện thoại, là chiếc khăn đan, cuộc mưu sinh của họ có vẻ kéo dài đến tận nửa đêm.
Một người mẹ già đang quàng khăn quanh cổ, dọn hàng rồi dừng tay, cố gắng thuyết phục một du khách mua chiếc ví lưu niệm. Những thiếu nữ H.mong cuốc bộ ngược lên dốc như đang cố tìm chỗ nào trú qua đêm. Bên góc phố, một em bé H.mong chân trần nằm trong địu mẹ…
Khi người của khách sạn đến và mang giùm hành lý, tôi chỉ kịp nhét vào tay người mẹ trẻ đôi vớ của con mình và định bụng sáng ra quay lại gặp chị rồi nhanh chân theo về khách sạn, bởi nhiệt độ ngoài trời bây giờ có thể đã dưới 15độ C. Không quá lạnh với những con người sống đời sống hằng ngày nơi đây, nhưng chừng đó cũng đã là vấn đề với người chân ướt chân ráo đặt chân đến đây.

Chui vào phòng khách sạn và nhóm lò sưởi, hình ảnh đôi chân trần ấy cứ ám quẩn lấy tôi, nhìn những đứa con vui vì cảm giác hơ chân sưởi ấm, rủ nhau cười thét lên mỗi khi thấy đốm lửa bập bùng, tôi càng thương em bé kia hơn. Có lẽ giờ mẹ đã địu em đến góc nhà thờ đá hoặc bậc thang của một nhà hàng nào đó và che cho em có một đêm không lạnh.
o O o
Sapa Tháng Mười với bàn chân bước vội. Chưa kịp ăn sáng, uống cà phê, mẹ con tôi đã dắt nhau xuống phố. Thì đi tìm bạn, tìm em, mẹ mua cho em đôi giày mẹ nhé, tối qua con nằm mơ thấy lái máy bay, con thích ăn xôi màu tím… tụi nhỏ chẳng bao giờ chịu để tôi yên.
Rồi cũng gặp chị, một thiếu phụ H.mong chưa đầy 20 tuổi, chồng chị đã tìm đường xuống dưới Lào Cai hai tháng nay, vẫn chưa có tin tức. Giờ trong nhà hết gạo, cũng chẳng còn gì, chị địu con theo người trong bản xuống đây bán hàng, được đồng nào hay đồng đó.

– Chị bán đỡ không? Tôi hỏi
– Ngày được thì ba chục, bốn chục ngàn, ngày không ai mua thì một chục, nhiều khi không được chục nào.
– Chị có cháu nhỏ chắc đan túi, se khăn khó lắm, sao chị làm được hay vậy?
– Không, mình không đan, mình theo người H.mong trong bản đi bán, mình lấy lại của họ, họ lấy lại của cửa hàng thôi. Lấy gốc rẻ lắm, chỉ độ một, hai ngàn một cái túi này nhưng mình lấy lại tới bốn ngàn lận. Rồi mình cũng tìm được nơi gốc thôi.
– Ðan khó thế sao rẻ vậy chị?
– Ừ thì nếu mình đan thì vào rừng chặt thân cây, đập dập lấy sợi. Mình cũng tự làm màu từ cái cây, cái lá, cục đá trong rừng. Nhưng mình mua thì không cần, người ta có cái máy to, mỗi lần đan bằng cả bản mình cùng đan, mình không đan kịp máy đâu.
– Nhà chị ở đâu?
– Tả Van, nơi con suối có cầu Mây đang chảy.
Không phiền thêm chị và không quên tặng chị chút tiền để mua giày cho bé. Chúng tôi tìm đến bản Tả Van.

Từ Sapa lên Tả Van khoảng 12km, du khách có thể thuê xe máy để tự đi hoặc thuê xe hơi, đi cùng đoàn để đến bản này.
Con đường đèo quanh co, uốn lượn, từ đây có thể nhìn thấy bản làng phía dưới, mênh mông, đẹp nhưng hình như cái đẹp lúc nào cũng đi đôi với cái nghèo, hay vì nghèo mà mọi thứ trở nên đẹp, giữ nguyên hồn vía, tôi thực sự không trả lời được câu hỏi này.
o O o
Xe vừa dừng bánh, đã thấp thoáng bóng dáng của những em bé H.mong. Cũng lại hàng lưu niệm.
Chưa bao giờ cảm giác mình giống người của công chúng như lúc này. Một phụ nữ địu cháu trên lưng. Những em bé tuổi khoảng từ 8 đến 12 tuổi, chúng tôi đi cùng đoàn.
– Con học lớp mấy rồi. Tôi hỏi một bé gái.
– Lớp 3 rồi. Bé gái này trả lời.
– Ði bán thế này sao đi học.
– Ði học lúc sáng rồi, giờ về đi bán phụ mẹ.
– À, vậy ước mơ của con là gì? – Thực sự tôi luôn muốn hỏi các em câu này, vì không diễn tả được cảnh gặp em giữa núi rừng, nơi mang đến bao gỗ quý, lâm sản cho giới cán bộ và trọc phú Việt Nam, nhưng cũng là nơi chôn chân của biết bao nhiêu con người lỡ sinh ra trên nó.
– Con muốn làm hướng dẫn viên du lịch.
– Con cũng muốn làm hướng dẫn viên du lịch. Một cô bé khác cũng nói vậy
– Sao con muốn làm hướng dẫn viên du lịch?
– Ðược ăn ngon, ngủ khách sạn dưới Sapa, dẫn khách về bản nữa.
– Hướng dẫn viên du lịch được mặc đẹp, nói chuyện được với mọi người.

Thú thật khi nghe các em nói ước mơ của mình, tôi không khỏi chạnh lòng. Cuộc sống cơ cực, cơm không có ăn, ruộng không có làm của gia đình đẩy các em ra đây bán hàng lưu niệm. Nhưng cũng chính đời sống du lịch buộc các em không được tiến bộ, bởi chất H.mong còn nhiều, cái đói càng nhiều, càng gần với thời thủy tổ bao nhiêu thì ngành du lịch mới có thể in nhiều poster giới thiệu địa điểm hoang sơ, đăng web thu hút khách du lịch bấy nhiêu.
Ðoàn chúng tôi dừng lại ở nhà lưu giữ truyền thống của người H.mong. Người phụ nữ địu con đi cùng nói rằng: “không thể vào đó, chỉ có khách mới vào, phải mua vé mới vào.”
Tôi đã vào nơi ấy để xem cái sự vào thế nào, gặp một cô gái giọng Hà Nội, tự dưng nhớ lại người bạn gặp lúc sáng trên phố Cầu Mây. Nhà anh ta đã chuyển lên đây được 10 năm, nghe anh nói thì những khu đất vàng trên này đều của người Hà Nội, giá đất cao ngất ngưởng, không dễ gì mà mua.
Lại chạnh lòng nhìn sang đàn em nhỏ đang đợi ngoài kia, em hứa sẽ dẫn tôi vào bản. Không biết, các “ông” có bao giờ tự hỏi, sao các em vẫn còn hôi mùi núi rừng, nơi các ông đã rao bán hết đất?

o O o
Bản Tả Van chiều về đẹp ngút ngàn trong mắt du khách. Mọi người vẫn hăng say làm việc. Làm việc gì ư, cuốc mẩu đất nhỏ ven triền đất trước nhà để gieo trồng. Ðàn bà thì ngồi đan sợi cả tay lấm màu. Cụ già ngồi kể tôi nghe về mấy sào lúa chẳng thu được mấy đồng…Tụi nhỏ vẫn cứ bi bô về cô hướng dẫn viên du lịch trong bản và bắt đầu mời chào hàng của mình.
– Cô mua đi cô, cô mua giùm con đi cô.
– Cô mua rồi mà, cám ơn con.
-Nhưng cô chưa mua giùm con.
– Màu này chưa có nè cô.
– Cô mua về tặng, làm quà.
Bốn bề bủa vây và khi đã tặng chút tiền cho em nhỏ thì bà của em nhỏ cũng theo tôi hơn cả km đi bộ để bảo rằng: “Cho bà đi, bà chăm cháu, đó là cho cháu, chưa cho bà.” (Người phụ nữ H.mong chưa đầy 35 tuổi.)
Những câu chuyện cứ thế theo chúng tôi vào bản, thỉnh thoảng cũng bắt gặp những em bé H.mong đang thủ thỉ chuyện trò, đương nhiên là về việc hôm nay bán được bao nhiêu, ngày mai chị hướng dẫn viên có về bản, hôm nay không biết chị ấy đi đến đâu, ở đâu?
Nhiều lúc cũng tự nghĩ mình giỏi, bữa nay hiểu hết người miền cao nói chuyện, chắc là có vốn tiếng H.mong trong tiềm thức rồi. Nhưng sực nhớ, mọi người đâu nói tiếng H.mong, họ nói tiếng Việt một cách rõ ràng và lưu loát, âu mình quá lạc hậu, không bắt kịp người ta…!
UC