Hai tay bưng chén rượu đào.
Xin mời quân tử uống vào cho say.
Thưa! Tui hồ nghi rằng tổ tiên chúng ta không phát minh ra lửa, mà chỉ phát kiến, nghĩa là tình cờ nhìn thấy lửa (?!)
Có thể do một cơn sét trong trời giông bão, đánh trúng vào một hòn đá, rồi nẹt ra tia lửa, từ đó làm cháy rừng.
Khi rừng cháy, mấy con hươu, nai, heo rừng, trâu rừng, bò rừng v.v… nếu không bị cháy thành than, mà chỉ bị nướng sơ sơ thành thịt nướng, ăn rất ngon, ngon bá cháy!
(Món barbecue, thịt nướng của Úc… chắc cũng từ đó mà ra đó đa!)
Và vì ăn barbecue một lần là quá khoái khẩu, (sau nầy dân nhậu gọi là mồi rất bắt) nên tổ tiên chúng ta, ‘cọp dê’ theo ông Trời. Lấy hòn đá đập vào nhau gần đám lá rừng khô, rơi đầy trước cửa hang, để tạo ra lửa hòng có thịt nướng mà ăn!
Ðó là phát kiến phải nói là vĩ đại nhứt của loài người thời Thượng cổ.
Rồi thời hái lượm. Có thể là tổ tiên ta đã quan sát thấy con gấu rất khoái ăn mật ong. Vì đường trong mật ong được men trong không khí rơi vào, biến đường thành rượu ngọt.
Như vậy nói chính xác là con gấu nó nhậu. Nhậu tất say vùi, lảo đảo thân phì lũ như múa hát, vui hết biết. Vui đến nỗi thấy chúng ta, nó bỏ luôn cái tánh hung hăng rượt mình chạy có cờ, chạy ná thở.
Tổ tiên mình ăn và uống thử cũng thấy say ngầy ngật như con gấu vậy. Cũng vui hết biết vì đêm nay làm bà xã hài lòng. (Bởi một là ‘giả’ say ngà ngà / Hai là thằng chả đi xa mới về mà.)
Từ mật ong thành rượu rồi đến trái cây chín rục có chứa đường cũng thành rượu. Nên chàng siêng năng hái, lượm trái cây về chất đống trong hang động cho em yêu làm rượu, để đôi ta nhậu chơi mỗi khi trời sập tối hù ngoài hang đá.
Kết luận rượu là một phát kiến vĩ đại thứ hai của tổ tiên mình sau phát kiến ra lửa.
Rồi cứ di chuyển hoài, tổ tiên ta mỏi cẳng, bèn định cư và định canh gần một dòng sông để có nước mà uống. Rồi mùa nước lũ, lúa ma (tức hổng có ai gieo trồng gì ráo), lại cho hạt. Từ từ mình mới giã, bóc vỏ trấu ra thành gạo nấu cơm ăn. Nền văn minh lúa nước đã ra đời.
Ăn không hết, cơm nguội còn dư, từ tinh bột lại biến ra đường, rồi đường thành rượu để vợ chồng mình uống chơi.
Tổ tiên ta thuộc nền văn minh lúa nước đã tìm cách làm ra rượu nếp và rượu gạo như thế đó!
o O o
Thưa những bạn hiền, cỡ tuổi lão phu đây, đa phần đều đi lính vì đất nước mình điêu linh. Nhưng thuở ra đi gối mộng đăng trình, còn áo thư sinh, chưa có đứa nào thành Lưu Linh hết.
Tuy nhiên, sau khi đánh nhau vài trận, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, thét roi cầu Vị ào ào gió thu thì mấy chiến hữu thân thương của tui, đứa nào cũng biết nhậu, biết gái, (biết tửu, biết sắc)… hết ráo! Thế mới báo!
Như Nguyễn Bắc Sơn: “Mai ta đụng trận may còn sống/ Về ghé sông Mao phá phách chơi/ Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm/ Ðốt tiền mua vội một ngày vui.
Ngày vui đời lính vô cùng ngắn/ Mặt trời thoáng đã ở phương Tây/
Nếu ta lỡ chết vì say rượu/ Linh hồn chắc sẽ thành mây bay…”
Các nhà thơ xưa bên Tàu cũng như bên Ta, luôn mang theo túi thơ và bầu rượu để làm bạn đường, rồi cũng là bạn đời luôn.
Như vậy càng nhậu, thơ càng hay hay sao mà nhà thơ nào cũng nhậu hết vậy cà?
Nhậu đến nỗi băng rắp (bankrupt) hết tiền luôn thì đi cầm đồ, cầm quần, cầm áo. Lý Bạch đã từng ‘chà đồ nhôm’ để có tiền mua rượu như thế:
“Ngũ hoa mã/ Thiên kim cừu/ Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu/ Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu! (Này ngựa hoa năm sắc/ Này áo cừu giá ngàn vàng/ Kêu đứa nhỏ ra đem đổi lấy rượu/ Cùng bạn tiêu mối sầu vạn cổ!)
Tui thì khác, nhậu chịu thì không có uy tín. Chà đồ nhôm thì đồ nhà đâu có gì để chôm vì em yêu giữ kỹ lắm!
Chỉ còn cách ‘phone’, hỏi bạn hiền: “Chiều nay ai kêu tui đó?!”
o O o
Thưa bà con! Hồi xưa bạn nhậu hay rủ nhau vô rừng trúc! Coi đó là một thú chơi cao thượng, tao nhã tuyệt vời. Tui cho rằng nói vậy là nói dóc. Sở dĩ phải vô rừng nhậu vì nhậu ở nhà con vợ nó hổng cho.
Tui và mấy anh bạn nhậu ở cái đất Footscray nầy đây, nhậu là không có cái vụ vô rừng vì nó xa, nên mỗi lần muốn bù khú với nhau là bốn đứa bắt taxi chạy u lên tới Sunshine. Chẳng qua trên đó có cái nhà hàng của Nhị nương tức hai nương tử.
Không có gì khoái bằng cầm ly rượu lên, nghe nương tử hát tặng chàng một bản tình sầu. Sầu đâu cũng vậy… sầu đây, em cám ơn!
Ngoài nhạc sống ra, nhà hàng còn có một dàn karaoke mà anh bạn nhậu của tui là một người hát hay không bằng hay hát.
Làm vài lon hoặc vài ly là khúc hát lâm ly: “Hai năm tình lận đận”. Nghe, tui vẫn còn giận con bà ba Ù, em tư Ú, nỡ lòng bỏ tui để lấy thằng cắc chú.
Thôi “Mời anh, ta cạn hết chén này/ Trăng vàng ở cuối non Tây ngậm buồn!”
Nghĩa là nhậu tới quán nửa khuya đèn mờ theo sương khói… Cửa tính đóng, then tính gài, phe ta mới chịu bắt ‘taxi’, rút quân về, nghe vợ diễn thuyết.
Tiện đây cũng nhắc nhỏ em yêu rằng: Mấy tay ưa nhậu nó cũng ưa dê sảng lắm đó. Vì chữ cũng có câu rằng:”Thế gian ba sự khôn chừa/ Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ!” “Rượu ngon cái cặn cũng ngon/Thương em bất luận chồng con mấy đời! Bất cứ em nào nó cũng quơ hết ráo. Vì chữ cũng có câu rằng:
“Rượu nào là rượu chẳng nồng/ Trai nào chẳng khoái Lan, Hồng, Cúc, Mai ?”
Ôi nhớ xưa! Cái tánh trăng hoa của chàng khi nhậu nhưng vì yêu mù quáng, nên em cũng bỏ qua luôn.
Tự an ủi là: ngay cả Tía Má em cũng đòi nhậu mới chịu cho em xuất giá vu quy đi lấy chồng về bên Úc đó sao? “Rượu lưu ly chân quỳ tay rót/ Cha mẹ uống rồi dời gót theo anh.
Dẫu vậy! Cho nó đi nhậu nhưng dặn đừng có dê sảng mà phải mang cái bản mặt u một cục về là quê lắm đó!
Ôi nhớ xưa, thời mới đá lông nheo, cho dù:
“Rượu hồng đào trút nhào vô nhạo
Ðố em biết được thằng nào (ba) xạo hơn anh?”
Biết anh yêu làm vài lon là xạo dữ lắm! Mười chuyện đã chín chuyện dóc rồi mà em vẫn yêu, vẫn: “Ðốt than nướng cá cho vàng/ Ðem tiền mua rượu cho chàng uống chơi!”
Bởi “Nhất khi rượu đã khề khà/ Tán đâu ra đấy đậm đà có duyên!”
Vậy mà khi đã nắm đầu được anh rồi thì em trở mặt. Làm khó dễ hoài hà. Lại dám vỗ ngực ta đây xưng hùng xưng bá chớ?!
“Ở đời chẳng biết sợ ai/ Sợ thằng (chả) say rượu nói dai cả ngày!
Rồi lên mặt dạy đời là: “Ai ơi uống rượu thì say/ Bỏ ruộng trâu cày bỏ giống ai gieo?
Cấm cản, giới nghiêm quá, là không được! Vì ngoài tình nghĩa vợ chồng nó còn có nghĩa kim bằng với bạn nhậu! Coi chừng thằng chả dzọt luôn là em ở góa.
Vì chữ cũng có câu rằng: “Anh xỉn, anh say ngày mai anh tỉnh. Chỉ sợ anh mê gái rồi là không tỉnh đâu em.”
Phần anh, cũng xin thề với em là cho dù: “Rượu men tẩm mẩm tê mê!
…thì không bao giờ…”Mảng theo con ‘đĩ’ bỏ bê việc nhà!” (Như lời em kết án oan anh đâu!)
Ðơn giản là anh nhậu có chừng, có mực, chỉ: “Một ly nhâm nhi tình bạn/
Hai ly uống cạn lòng sầu/ Ba ly mũi chảy tới râu/ Bốn ly ngồi đâu gục đó!”
Em chỉ đè xuống cạo gió thế thôi!
Rồi anh cũng không đến nỗi uống ‘điên’ như Lý Bạch của Tàu để phải bị bệnh hoang tưởng! Mặc áo cẩm bào, chơi sông Thái-Thạnh, huyện Ðang-Ðồ, ngạo-nghễ tự-đắc, xem như không có ai bên cạnh; nhân say rượu, nhảy xuống nước, bắt bóng trăng rồi chết”.
So với Lý Bạch thì tửu lượng của anh chẳng nhằm nhò gì! Mà quan trọng hơn; là anh chưa muốn chết!
Nhậu vui hơn Tết! Thì ngu sao mà chết!

DXT – melbourne