Cuộc đàn hặc nữ Tổng thống Nam Hàn trong thời gian sắp tới đây, và nếu bị truất phế, có nhiều dấu hiệu báo trước sẽ đưa tới một chính phủ mới tại quốc gia vùng đông bắc Á này, và cũng là một trong những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, với một chính sách ít thân thiện với Washington và bớt cứng rắn đối với Bắc Hàn.

Với tổng cộng 234 dân biểu đã bỏ phiếu quyết định luận tội Tổng thống Park Geun-hye (Phác Cận Huệ), vượt quá hai phần ba số phiếu cần thiết trong quốc hội Nam Hàn gồm 300 ghế. Mặc dù là bỏ phiếu kín, kết quả cho thấy có tới gần một nửa trong số 128 vị dân biểu thuộc đảng Saenuri (Thế giới mới) của bà Park đã đứng chung với nhóm chống đối trong bước đầu tiên của tiến trình truất phế trong những tháng sắp tới.
Trong gần bốn năm cầm quyền, bà Park đã cộng tác mật thiết với Hoa Kỳ trong các chính sách về kinh tế, ngoại giao và an ninh, đặc biệt là trong chính sách đối đầu với một ông hàng xóm nguy hiểm và bất trắc là Bắc Hàn.
Kết quả bỏ phiếu của quốc hội Nam Hàn hôm Thứ Sáu 9/12 vừa qua đã đẩy quốc gia này và Hoa Kỳ cùng với chính sách an ninh trong khu vực vào trong tình thế bất định, trong khi Bắc Hàn vẫn tiếp tục ngang nhiên tiến hành các vụ thử nghiệm vũ khi hạch tâm của họ, và Hoa Kỳ với chính phủ mới của ông Donald Trump sẽ lên cầm quyền vào đầu năm tới.
Ðối với tình hình trong nước, tiến trình truất phế bà Park một lần nữa cho thấy bằng chứng mới nhất về những vụ bê bối tham nhũng và lạm dụng chức vụ vẫn tiếp tục hoành hành trong giới chính trị và kinh doanh chóp bu ở Nam Hàn vào lúc mà tình hình kinh tế đang có những dấu hiệu trì trệ.

Quốc hội Nam Hàn cáo buộc bà Park là đã có “những vi phạm hiến pháp và luật pháp sâu rộng và nghiêm trọng.” Kết quả bỏ phiếu luận tội diễn ra sau nhiều tuần lễ điều tra vạch ra cho thấy những sai phạm nghiêm trọng đã làm tê liệt hầu như toàn bộ chính phủ và đưa tới những cuộc biểu tình đông đảo nhất từ trước đến nay.
Chức vụ tổng thống của bà đang bị đình chỉ trong khi Toà Bảo hiến xem xét là có nên truất phế bà hay không. Nếu toà quyết định truất phế, Nam Hàn sẽ phải tổ chức bầu cử để chọn tổng thống mới trong vòng 60 ngày sau đó. Hiện Thủ tướng Hwang Kyo-ahn đang đảm nhiệm vai trò tổng thống lâm thời.
Bà Park Geun-hye bị cáo buộc là đã để cho một người thân cận là bà Choi Soon-sil, con của vị giáo chủ của một giáo phái và không nắm một chức vụ gì trong chính phủ, đã có rất nhiều quyền hành trong những hoạt động của chính phủ, từ những việc hệ trọng như chọn các giới chức cao cấp trong nội các đến việc rất nhỏ như chọn quần áo mặc cho bà, cũng như đã không ngăn cản bà Choi lợi dụng ảnh hưởng chính trị để quyên góp hàng nhiều chục triệu Mỹ kim từ các công ty Nam Hàn cho các quỹ tư của bà này.

Một phóng sự điều tra của một đài truyền hình còn cho biết đã tìm thấy một số bài diễn văn của tổng thống trong một máy tính bảng được vất trong thùng rác tại văn phòng của bà Choi, trong đó có bài diễn văn đọc tại Ðức năm 2014 đưa ra từng chi tiết trong tiến trình của kế hoạch thống nhất Bắc Hàn.
Bà Park Geun-hye (Phác Cận Huệ) sinh ngày 2 tháng 2 năm 1952 tại Daegu, Nam Hàn, là con gái của cựu Tổng thống Park Chung-hee (Phác Chánh Hy). Theo học tại Đại học Sogang, tham gia chính trị từ năm 1998, từng là thành viên trong quốc hội Nam Hàn liên tiếp bốn nhiệm kỳ từ 1998 đến 2012 và hiện là thành viên của đảng bảo thủ Saenuri. Bà Park được bầu làm Tổng thống vào năm 2012, trở thành vị Tổng thống thứ 11 và là nữ Tổng thống đầu tiên của Nam Hàn.
Tình hình trong sáu tháng tới đây, là khoảng thời gian mà Toà Bảo hiến sẽ bỏ phiếu quyết định số phận của bà Park, có thể sẽ có những bất ổn đối với nền kinh tế đứng hàng thứ tư tại châu Á và làm phức tạp thêm chính sách đối ngoại trong khu vực Ðông Á đầy bất trắc đối với tân Tổng thống Donald Trump, là người đã từng nêu thắc mắc về chính sách liên minh phòng thủ giữa Washington và Nam Hàn trong thời gian tranh cử vừa qua.
Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Nam Hàn cho biết mối quan hệ ngoại giao dưới thời của chính phủ bảo thủ của bà Park và người tiền nhiệm trước đó là cựu Tổng thống Lee Myung-bak được xem là mật thiết hơn bao giờ hết kể từ thời mà các lực lượng Hoa Kỳ đã chiến đấu để bảo vệ Nam Hàn trước những đe dọa tấn công từ phía cộng sản Bắc Hàn trong cuộc chiến Triều Tiên của thập niên 1950.
Washington và Seoul đã ký kết một thỏa thuận tự do mậu dịch song phương năm 2012, một năm trước khi bà Park trở thành tổng thống. Trong hiệp ước phòng thủ giữa hai quốc gia, số binh sĩ Mỹ đồn trú tại Nam Hàn luôn được duy trì vào khoảng 28,500 quân để đề phòng trường hợp Bắc Hàn bất ngờ tấn công, và thực hiện thao dợt quân sự quy mô với Nam Hàn mỗi năm hai lần, cũng như sẵn sàng sử dụng vũ khí hạch tâm của Mỹ nếu như có sự đe dọa tấn công Nam Hàn từ bất cứ phía nào. Dưới thời của chính phủ Park Geun-hye, Nam Hàn cũng đã có những tiến bộ ngoại giao với một đồng minh khác của Hoa Kỳ trong khu vực là Nhật Bản; hai bên đã giải quyết được một số căng thẳng ngoại giao đã kéo dài trong nhiều năm và mới đây đã ký kết một thỏa thuận cùng chia sẻ những tin tình báo quân sự.

Trong trường hợp bà Park bị truất phế và cuộc bầu cử tổng thống xảy ra, chỉ có một ứng cử viên duy nhất có tiềm năng của cánh bảo thủ có được sự ủng hộ từ dân chúng là ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, sẽ hoàn tất nhiệm kỳ của ông vào cuối năm nay và hiện vẫn chưa cho biết ý định là ông có ra tranh cử hay không. Kết quả thăm dò trong mấy tuần qua cho thấy sự ủng hộ dành cho ông bị xuống thấp, có thể là vì những liên hệ giữa ông và bà Park.
Vụ việc bê bối làm cho tình hình chính trị xáo trộn tại Nam Hàn lần này một lần nữa cho thấy kể từ khi quốc gia này được thành lập năm 1948 dưới danh hiệu Cộng hoà Triều Tiên và mặc dù nằm ở một vị trí chiến lược quan trọng, Nam Hàn vẫn luôn gặp khủng hoảng trong mỗi thời tổng thống. Tất cả 10 vị tổng thống trước bà Park hoặc là bị buộc từ chức, bị ám sát hoặc là vướng vào những vụ bê bối khác.
Trong nhiều thập niên dưới sự cai trị của các chế độ độc tài quân sự, trong đó có cha của bà Park là cựu Tổng thống Park Chung-hee (Phác Chính Hy), người dân Nam Hàn luôn đứng lên đòi hỏi phải dân chủ hóa đất nước và lần nào cũng bị chính quyền đàn áp dã man bằng thiết quân luật, bằng tra tấn và thậm chí là xử tử các nhà lãnh đạo của các phong trào đấu tranh dân chủ.
Năm 1987, bạo động lại xảy ra và dân chúng xuống đường đòi hỏi phải tổ chức bầu cử tự do, và lần này họ thành công, buộc chính quyền quân sự phải nhượng bộ.
Cuộc khủng hoảng lần này chứng minh cho thấy nền dân chủ tại Nam Hàn đã có những dấu hiệu trưởng thành, các đám đông người biểu tình ôn hòa đã đạt được mục tiêu của họ mà không xảy ra một vụ bắt bớ nào. Số người biểu tình tụ tập tại thủ đô Seoul càng lúc càng đông, có lúc dự đoán lên đến 1.7 triệu người vào hôm Thứ Bảy – được cho là cuộc biểu tình đông nhất trong lịch sử của Nam Hàn.
Bà Park Geun-hye là vị Tổng thống Nam Hàn đầu tiên bị thất bại trong cuộc bỏ phiếu đàn hặc kể từ năm 2004 khi quốc hội Nam Hàn quyết định đàn hặc cựu Tổng thống Roh Moo-hyun (Lô Vũ Huyền) vì đã vi phạm luật bầu cử. Hai tháng sau, Toà Bảo hiến ra phán quyết tội của ông Roh không quá nặng để đáng bị truất phế và cho phép ông được giữ lại chiếc ghế tổng thống. Tuy nhiên, bà Park lần này đang phải đối diện với những cáo buộc nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Mặc dù trải qua nhiều cuộc khủng hoảng chính trị, và mỗi lần như thế thì đất nước Nam Hàn vẫn luôn tìm cách vượt qua được và sau đó trở nên mạnh mẽ hơn là nhờ luật pháp của nước họ phân minh, buộc tất cả mọi giới chức – từ tổng thống cho tới chính quyền địa phương, các nhà kinh doanh và thậm chí luôn cả những giới chức về thể thao – phải chịu trách nhiệm trước những việc họ làm. Chính quyền luôn lắng nghe tiếng nói của người dân và chấp nhận những đòi hỏi của họ. Ðó chính là kết quả mà chỉ có chế độ dân chủ mới mang lại được.
VH