Menu Close

Miệng đắng

Tôi hiện nay ngoài 70 tuổi, sức khỏe tốt, lục phủ ngũ tạng vẫn bình thường nhưng có một vài trở ngại mong bác sĩ giúp.

Ban đêm tôi ngủ, miệng lúc nào cũng bị đắng, mặc dầu khi đi ngủ tôi đánh răng và súc miệng sạch, ban ngày thì không bị. Tôi thường xuyên bị xì hơi (đánh rắm) mặc dầu buổi sáng đã đi cầu, rất ngại khi đi máy bay, xe công cộng hoặc tiệc.

Ngày cũng như đêm tôi đi tiểu thường xuyên khoảng 1.5hr-2hr/lần. Nhờ bác sĩ giải đáp dùm.

Ðáp : Ban đêm khi đi ngủ mà miệng đắng có thể là do trào ngược chất chua từ bao tử lên miệng mà ra. Nên đi bác sĩ chuyên về Tiêu Hóa để tìm nguyên nhân rồi điều trị.

Xì hơi đánh rắm là do ăn nhiều chất xơ mà ra. Không liên quan gì tới đi cầu.

Ði tiểu thường xuyên thì nên tới bác sĩ về Tiết Niệu để tìm nguyên nhân rồi điều trị.

Ăn rau

Làm sao cho con trẻ ăn rau?

Ðáp: Ðây là một vấn nạn của nhiều cha mẹ: con nó không chịu ăn rau. Mà rau lại là thực phẩm bổ dưỡng, cần cho sự tăng trưởng của cháu bé.

Có cháu nhất định không ăn một chút rau nào, mặc dù cha mẹ tìm đủ mọi cách. Có cháu lại “quay mặt làm ngơ” với rau có mầu xanh hoặc mầu đỏ.

Sau đây là mấy gợi ý để giúp các cháu ăn rau:

– Ngay từ lúc còn bé ( mấy tháng) đã bắt đầu cho cháu nếm các loại rau;

– Cho cháu chơi nghịch với một miếng rau sống hoặc đã nấu chín vừa phải, còn giòn, chấm với mayonnaise, yogurt;

– Cho bé nếm một loại rau mỗi lần;

– Ðặt cho rau một tên đặc biệt vui nhộn nào đó để gợi tò mò và ý thích của cháu. 

Vitamin D

Tôi năm nay 62 tuổi, vừa rồi bác sĩ gia đình khuyên tôi uống thêm vitamin D, tôi mua loại 2,000 IU, hộp lớn. Tôi uống được vài tháng thì tái khám. Bác sĩ nói tôi ngưng được rồi. 

Về nhà, thấy tiếc hũ thuốc còn nhiều, vả lại tôi thấy vitamin D thì cũng tốt cho người lớn tuổi, nên tôi tiếp tục uống. 

Nhưng sau đó thì tôi đọc một mục trên Trẻ có viết, nếu uống vitamin D nhiều, cơ thể không tiêu thụhết dễ sinh ra sạn thận. 

Thông tin này khiến tôi lo lắng, như vậy tôi có tiếp tục dùng cho hết hũ thuốc hay ngưng luôn theo lời khuyên của bác sĩ. Xin bác sĩ cho tôi một lời khuyên.

Ðáp: Thưa ông, Xin trả lời thắc mắc thứ nhất về vit D và sạn thận: Sạn thận có nhiều loại: do calcium, do chất Struvite,  vì nhiễm trùng, vì nhiều acid uric… Khi uống nhiều vit D có thể làm tăng calcium trong nước tiểu.

Về có nên uống nốt chai vit D này hay không thì chúng tôi thấy ông năm nay cũng cao tuổi rồi, cho nên uống cũng không hại gì. Tuy nhiên, xin thưa rằng nếu ta phơi mình dưới ánh nắng mặt trời mỗi ngày 30 phút thì ta cũng có lượng vitamin D đủ cho nhu cầu của cơ thể. Lý do là dưới da của con người có chất tiền sinh tố D, do tác dụng của ánh nắng, chất này chuyển ra vitamin D.

Vấn đề ăn uống ở người tuổi cao

Người có tuổi như đèn treo trước gió, cơ thể ngày một yếu dần. Tính tình, khẩu vị cũng bỗng nhiên thay đổi. Chính vì thế, người cao tuổi cũng cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt để hạn chế tối đa, phòng ngừa những bệnh thường dễ xâm nhập.

Như vậy thì dinh dưỡng người già có vai trò quan trọng trong phẩm chất đời sống của quý vị này.

Tới tuổi già, có nhiều thay đổi sinh lý tự nhiên như tiêu hóa khó khăn, khẩu vị giảm, ít làm việc chân tay cho nên nhu cầu năng lượng bớt đi. Do đó sở thích và nhu cầu dinh dưỡng cũng phải thay đổi theo. Các thay đổi này ảnh hưởng tới sự chuyển hóa thực phẩm cũng như loại thực phẩm tiêu thụ. Vì vậy quý cụ cũng nên để ý tới những món ăn thích hợp trong bữa cơm của mình.

Nói chung thì người già có thể giảm phần nào về số lượng thực phẩm trong bữa ăn nhưng phẩm chất (quality) món ăn vẫn phải tương tự như khi còn trẻ. Món ăn cần cô đọng, có đầy đủ các chất dinh dưỡng chính yếu là tinh bột, đạm, béo và các vitamin, khoáng chất, nước.

– Vài điều cần lưu ý:

Người cao niên không nên giới hạn dinh dưỡng, trừ khi tuyệt đối cần vì một bệnh mãn tính nào đó. Nếu tiêu hóa được thì cứ ăn đúng phần ăn đã sắp đặt

– Thực phẩm không quá cứng, dính, dai khiến cho các bác khó nhai & nuốt.

– Thay đổi độ đậm đặc thực phẩm như bầm, cắt nhỏ để dễ nhai nuốt.

– Khích lệ vận động cơ thể đều đặn như đi bộ, làm việc nhà, quét sân.để giúp tiêu hóa thực phẩm và giảm táo bón

– Nếu mau no, ăn bữa chính vào buổi trưa.

– Khích lệ ăn chung với người khác như vậy sẽ vui vẻ ăn nhiều & ngon miệng hơn. Không lạm dụng thuốc nhuận tràng, rượu

– Món ăn nên dùng

– Các loại ngũ cốc toàn vẹn, phong phú hóa và tăng cường như gạo còn chất cám có nhiều sinh tố, chất xơ.

– Rau có màu sáng chói  như cà rốt, broccoli có nhiều chất chống oxy hóa.

– Trái cây mầu sậm như dưa, trái mâm sôi (berries).

– Chế phẩm từ sữa có ít chất béo như sữa chua, sữa không đường

– Ðậu khô, các loại hạt, cá, gà vịt, thịt nạc, trứng

– Dầu thực vật lỏng, chất béo ít bão hòa.

– Uống nhiều nước.

– Sau đây là một số tên bệnh bằng tiếng Anh để độc giả dùng khi cần:

– Viêm ruột thừa: appendicitis

– Bệnh vàng da: jaundice

– Viêm gan: hepatitis

– Xơ gan: cirrhosis [si’rousis]

– Bệnh sốt rét: malaria

– Tiêu chảy: diarrhea

– Táo bón: constipation

– Bệnh uốn ván: tetanus

– Viêm màng não: meningitis

– Tai biến mạch máu não: cerebro-vascular accident (CVA)

– Chuột rút: cramps

– Quai bị: mumps

– Bệnh thương hàn: typhoid

– Ung thư: cancer

– Viêm phế quản: bronchitis

– Tăng nhãn áp: glaucoma

– Viêm mống mắt: iritis

– Ðột quỵ: stroke

– Ðục thủy tinh thể: cataract

– Viêm kết mạc: conjunctivitis

– Bệnh lậu: gonorrhea

– Bệnh kiết lị: dysentery

– Suy dinh dưỡng: malnutrition

NYD