Menu Close

Trinidad & Tobago – Xứ sở rừng mưa – Kỳ 2

Rừng – bước khuya: Đêm, một vầng trăng vương vẩn, chót vót treo trên nhánh trúc đầu rừng.

alt

ĐMH tác nghiệp giữa rừng đêm qua ống kính của nhiếp ảnh gia John J.L.

Đoàn người dần lẫn vào màn tối mênh mông trong cánh rừng già nhiệt đới. D-naturalist dẫn đầu đoàn. Cái dáng vẻ lênh khênh, tia đèn pin quét vào khoảng không gian đen trước mặt. Tôi bám sát Dave, đôi ủng đi rừng vướng víu mỗi bước chân. Andy Nguyễn lầm lũi nối gót tôi. Sau anh là những thành viên trong phái đoàn tham khảo chương trình wildlife của đảo quốc Trinidad. “Mark gấu”, một nhân vật đặc biệt trong ban tổ chức, luôn “bao chót” hàng ngũ cùng với hai tay bodyguard địa phương, quân phục và súng ống rằn ri trông dữ dằn như Rambo thứ thiệt. Những ngày trên đảo quốc Trinidad, phái đoàn chúng tôi luôn được bảo vệ an ninh rất cẩn trọng.

Lũ côn trùng thả vào đêm những thanh âm rả rích, đều đều như thôi miên màng nhĩ. Khuya giữa rừng, giác quan tôi mở nhận những khúc âm huyền bí của thế giới bóng đêm.

Và hương đêm là mùi nồng của đất sau những trận mưa. Xứ sở rừng mưa luôn bất ngờ với những cơn mưa ào ạt ập đổ ơ mọi nơi, mọi lúc. Và muỗi, muỗi là “đặc sản” của đảo quốc này.  Muỗi như mưa. Giai điệu mưa muỗi réo rắt rừng. Tôi bắt đầu gọi đùa Trinidad với cụm từ “Mưa muỗi rừng nhiệt đới”!

Thám hiểm giữa rừng đêm là “thí mạng” cho lũ muỗi bấu diết, châm chích da thịt. Tác dụng của mấy bình Deet chống muỗi cũng chẳng hề “xi nhê” với đám mây muỗi. Tôi hỏi D-naturalist rằng loài vật hoang dã ắt phải chịu đựng sự hành hạ không tiếc thương của lũ muỗi rừng. Nhà sinh vật học địa phương cười, chia sẻ: “Oh, bạn sẽ phải ngạc nhiên với bản năng sinh tồn và sự thông minh tuyệt vời của thú vật hoang dã đấy!”. Dave kể rằng ở khu rừng xứ Nam Mỹ này có một loài khỉ Capuchin đã tự tìm ra được loại “thuốc trị muỗi” rất độc đáo. Dược học của loài khỉ Capuchin là loài cuốn chiếu rừng nhỏ chỉ 12 cm và có tên khoa học là Onthoporus dorsovittatus. Loài khỉ thông minh này đã bắt và “chà” mạnh những con cuốn chiếu trên bộ lông của mình. Cuốn chiếu bị giập chết tiết ra một chất benzoquinoes mà lũ muỗi rất sợ. Và chính nhờ “mùi vị tử thần” này mà muỗi rừng không sao bám vào lông khỉ được. Dave cười lớn, khoái trá: “Bạn thấy đấy, cuốn chiếu chính là cứu tinh của loài khỉ Capuchin”. Tôi nghe kể và thầm khâm phục sự tinh khôn của mấy đệ tử Tôn Ngộ Không. Tôi hỏi Dave đã thử qua “dược học” độc đáo này chưa. Anh bông đùa rằng đã có thử nghiệm, nhưng lông lá chưa đủ rậm rạp nên vẫn bị lũ muỗi rừng khủng bố.

alt

Loài côn trùng Stick Insect của thế giới về đêm

Đoàn chúng tôi vừa chạm đến cánh rừng đã nghe tiếng kêu của loài cú Feruginous Pygmy-Owl. Tiếng kêu như chuỗi âm thanh của hệ thống alarm system. Một note cao được lặp lại nhiều lần với quãng âm đều đặn. Dave nhái lại tiếng kêu, anh nói rằng giọng nhái phải giống thật, cùng “tông” và âm quãng. Nếu cú nhận biết được “hàng giả” sẽ bỏ đi mất.

Âm thanh cú rừng càng vọng gần. Trong màn tối lờ mờ, tia đèn pin của Dave rọi trên một nhánh cây chót vót. Dư âm là tiếng vỗ cánh vút bay của con cú rừng.  Sự hạn chế của bóng tối và khoảng cách không mấy lý tưởng, nên chúng tôi khó có thể quan sát và ghi nhận hình ảnh.

Khuya giữa rừng. Mỗi thành viên trong đoàn đều trang bị một ngọn đèn pin đeo giữa trán như nhân công hầm mỏ. Đoàn người lầm lũi tiến sâu vào rừng. Không gian đẫm thứ ánh sáng nhờn nhợt của trăng. Tôi cảm giác chao đảo.  Dư vị của mấy ly rum punch tôi lỡ “nốc” cạn trong cơn khát vài tiếng đồng hồ trước đó, giờ đang dần thấm vào từng tĩnh mạch. Tôi bước loạng choạng, ngã phịch xuống một gốc cây.
Rõ khổ, ham hố uống chi mấy ly rum punch, tôi tự trách.

Những bước chân khua động đám lá rừng. D-naturalist bất chợt ra dấu mọi người ngừng bước. Tia đèn pin rọi trên một khúc thân cây mục. Dàn ống kính săm soi vào một con nhện cỡ lớn bằng bàn tay. Dàn đèn flash chớp nháy sáng lóe cả một góc rừng. “Tâm điểm” được chiếu cố như một “ngôi sao” trên thảm đỏ. Loài nhện khổng lồ Trinidad Chevron Tarantula theo sự giải thích của Dave thì chỉ được tìm thấy ở đảo quốc Trinidad và Tobago.
Loài nhện này chỉ kiếm ăn đêm, ban ngày thường không thấy được. Đây là một trong những loài nhện độc, nhưng chỉ đủ để giết những động vật nhỏ. Người khi bị nhện cắn chỉ cảm giác như vết cắn bị “xoa” một loại ớt cay, thế thôi. Trong phái đoàn có John J.L., chuyên ngành chụp macro cận cảnh, kỳ cựu gần 20 năm tuổi nghề, với hơn 150 giải thưởng. Điều nực cười là tôi bỗng trở thành “model” bất đắc dĩ cho những tay NAG trong đoàn. John cho biết đã “candid shot” chụp lén; đó là hình ảnh tôi đang vác tripod đi tác nghiệp giữa rừng trong đêm tối trông rất “cool”.

alt

 Nhiếp ảnh gia kỳ cựu John J.L. chụp cận cảnh nhện rừng khổng lồ

Tôi len lỏi tìm góc cạnh ghi nhận vài hình ảnh info về loài côn trùng đặc thù của xứ sở Trinidad. Dave bảo nhiều người thích loài nhện này vì nó nhìn “dễ thương” như một con thú nhồi bông. Tôi nhìn vào ống kính, chỉnh focus. Và chợt nghe nặng hàng mi, mụ mị giác quan, rồi ngớ ngẩn hỏi Andy  rằng chỉ một con nhện phải không. Cả đoàn cười rung người. Mark gấu đùa bảo Hanna (tên tôi) còn có thể miêu tả được rằng con nhện này có đến mấy chục cái chân và hơn 6 con mắt. Tiếng cười nói lao xao cả cánh rừng. Andy ái ngại hỏi tôi có phải bị “xỉn”.

Đoàn người di chuyển. Chậm chạp. Không gian thẳm sâu, thoảng hương hoa rừng hoang sơ. Tôi hít một hơi mạnh, lắc đầu, tát má, đồng tử căng dãn trong bóng tối. Loáng thoáng tiếng anh chàng Scott huyên náo cười đùa. Và giọng nói ồ ề của Sandesh, nhà quay phim NatGeo Wild đang diễn giảng về một loài côn trùng gì đó. Và gần lắm, tôi nghe tiếng suối nước chảy.

Cua, cua rừng. Susan reo lớn. Mấy tay chuyên chụp cận ảnh háo hức chĩa ống kính vào mấy con cua đang lổn ngổn bò trên những tảng đá cạnh con suối rừng. Dàn đèn flash lại liên tục chớp nháy.  Dave giải thích về môi sinh của loài cua Manicou Crab là một loài cua nước ngọt sống ở những con suối trên núi và trong rừng. Điều lạ là loài cua này thích nghi ở độ cao từ 50-800 mét trong những vùng rừng ở Trinidad và Tobago. Người dân địa phương bắt cua ăn, thường xào cari. Dave không mấy khi thưởng thức món cua này, anh bảo thịt cua không hợp với khẩu vị của anh lắm. Anh kể rằng thuở nhỏ cũng thường đi bắt loài cua rừng. Một trong những cách để bắt cua là dùng bẫy bằng gỗ, tre, hoặc cọng sắt. Bẫy có cửa, khi cua bò vào lấy mồi thì cửa sập xuống. Mồi để dụ cua làm bằng miếng dừa khô hoặc những miếng ớt lớn được đặt trong bẫy. Một phương cách khác được dùng, khá bạo dạn là “thò tay” vào hang để bắt cua. Theo kinh nghiệm của Dave, cách này là vừa thấy cua bò vào là bắt liền. Hang chật, cua không có nhiều chỗ để mở càng nên sẽ không kẹp mạnh lắm. Cua sau khi bắt được giữ trong thùng 3,4 ngày và cho ăn bắp cải để “rửa” đi những chất dơ trong bụng.

alt

 Cua Manicou Crab bên suối

Khu rừng khuya dần vang động bởi âm thanh của con người. Dù rằng đoàn chúng tôi đã gắng hạn chế “âm thanh” để tôn trọng đời sống về đêm của loài vật.

Scott la oai oái khi bị một con nhện rừng chui vào gáy khủng bố. Nhà quay phim Sandesh bị ngã xuống vũng sình. Anh la than rằng cái vali bị thất lạc ở phi trường Miami, và bộ đồ “vía” duy nhất phải bị mặc  lại mấy ngày nữa. Dave đùa rằng “mùi vị tử thần” từ cái bộ đồ ẩm mốc ấy có thể tác dụng mạnh khuya trừ được lũ muỗi rừng.

Mark gấu giẫm phải ổ kiến rừng và đang nhảy disco tưng tưng kèm theo vài tiếng chửi thề. Toàn bộ dàn flash được huy động để Mark phủi kiến. Chỉ sau vài giây mà đại đội kiến đã bâu kín đen trên cặp bắp chuối lùm sùm lông lá của Mark. Tương phản với hình ảnh Mark gấu lè phè quần short áo thun phông phênh; Susan thì bít bùng trang phục đi rừng hệt như một chuyên viên lấy mật ong. Dave bảo Mark đừng coi thường, những trang phục mong manh ấy rất nguy hiểm khi đi rừng. Và những con kiến rừng bé nhỏ này là những kẻ săn mồi khủng khiếp nhất hành tinh. Chúng có thể đột kích con mồi từ những lỗ nhỏ trên thân cây và đốt nạn nhân cho đến chết trước khi cắn nhỏ để “xơi tái”. Với số lượng áp đảo thì không con mồi nào có thể chống cự nổi khi bị tấn công. Bởi loài kiến rừng này có tính xã hội rất cao, có giai cấp hẳn hòi và một xã hội nghiêm khắc và có kỷ luật. Không phải là một cá thể mà là cả một “đội quân”.

Ánh đèn pin của Dave rọi vào một ổ kiến khổng lồ trên một mô đất. Anh chia sẻ rằng đã từng bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu đời sống và chức năng của loài kiến rừng. Jerry journalist trong phái đoàn đã nhận xét về D-naturalist rằng: bên ngoài cái dáng vẻ trau chuốt là một kho kiến thức chuyên sâu nằm trong bộ não thông thái của nhà sinh vật học bản xứ.

Mark xuýt xoa, diễn tả cảm giác nhức nhối như mũi kim xoáy vào da thịt khi bị lũ kiến rừng đột kích. Tôi rùng mình nghĩ đến những con kiến đỏ to như hạt đậu.

alt

Mark Gấu

Trăng len lỏi giữa những tán lá rừng. Cô liêu, huyền hoặc. Tôi lầm lũi từng bước xiêu ngã. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi lạc bước điêu bồng trong men rượu. Cái cảm giác vật vờ giữa hư thực khá thú vị. Tôi nghe nóng, và nước mắt chực ràn trên má. Giữa đêm rừng trầm mặc. Và tôi không hề mang cảm giác bơ vơ, sợ hãi mà bình an trong cõi riêng thinh lặng. Tôi như được thoát mình ra khỏi dòng chảy cuộc đời đầy chật chội những bon chen, những khát thèm danh vọng. Vì sao chỉ nhìn về tương lai để tìm hạnh phúc, phấn đấu hy sinh để thực hiện những mục tiêu xa vời. Tôi chợt nghĩ đến phương cách thưởng thức sâu xa từng mỗi phút giây của đời mình. Và để được an tâm bằng một trái tim bình yên.

Tôi nghe tiếng Andy gọi tên mình. Tôi ới lại, và chợt nghe giọng mình nhừa nhựa.

Cái tripod bỗng trĩu nặng trên đôi vai. Tôi nghe tiếng gió rít, nghe những nhịp rơi hối hả của trận mưa đêm đang chuyển mình.

“Rừng xưa đã khép, em hãy quay về….”, tôi lầm thầm.

Tôi nhớ mình đã từng bước dọ dẫm trong bóng đêm. Loạng choạng trên từng nấc thang trở về căn phòng trọ. Một vật gì lờ mờ, bất động như một tượng đá nằm chắn giữa lối đi.  Tôi đưa chân “sút” mạnh.

“Hanna, coi chừng đạp chết con King Toad đó!”. Tôi nghe tiếng Andy loáng thoáng sau lưng.

alt

King Toad (loài cóc có kích thước bằng cái tô) đã suýt trở thành nạn nhân của một  “cú sút”

DMH
Website: www.hanhphoto.com