Menu Close

Nhà xuất bản Giấy Vụn

Giấy Vụn là tên một nhà xuất bản không nằm trong hệ thống nhà nước CSVN. Ðây là nhà xuất bản tự do, không trụ sở, không nhà in, không có hệ thống phát hành, không cần xin phép chính quyền, không đăng ký xuất bản, tự coi là nhà xuất bản «chui», nhưng theo đúng Hiến pháp, do đó tự coi là hợp pháp. Người đứng chủ trương là Bùi Chát, bên cạnh có thêm Lý Ðợi nhà thơ kiệt hiệt với hai người bạn là  Khuất Duy và Nguyễn Quán. Họ lập thành một nhóm lấy tên là Nhóm Mở Miệng. Bắt đầu hoạt động từ năm 2001, nhóm đi theo con đường phá cách, phản ứng lại việc sáng tác theo định hướng của nhà cầm quyền trong nước.

Tuy là một nhà xuất bản «chui», ngoài vỉa hè, ảo, như đùa vui, cười cợt với cuộc đời đầy nghịch lý này, nhưng Giấy Vụn lại rất nghiêm cách, chính quy trong việc xuất bản kiểu hiện đại, có biên tập công phu, có người chịu trách nhiệm, ngày ra mắt, số hiệu, lưu chiểu, có trình bày, minh họa, nhiều kiểu chữ khác nhau, hài hòa, đẹp mắt, mỗi tác phẩm là một giai phẩm văn học – nghệ thuật, do tôn trọng bạn đọc và tự trọng. Nhờ vậy nó sẽ tồn tại lâu dài. Ðến nay Giấy Vụn đã ra hơn 30 đầu sách, một số in với nhiều thứ tiếng, Anh, Pháp, với các tác giả đang được mến mộ như Ðào Hiếu, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Nguyễn Viện, Nguyễn Ðạt, Cung Tích Biền, Liên Thái…

Nhóm "Mở Miệng"
Nhóm “Mở Miệng”

Theo nhà báo Bùi Tín, nhà xuất bản Giấy Vụn gây được tiếng vang ngày càng rộng lớn. Tuổi trẻ, trong nước và cả ở ngoại quốc ngày càng chú ý, tán thưởng những sản phẩm của Giấy Vụn. Nhiều bài thơ, văn trong Giấy Vụn được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Ðức, Ba Lan, Tây Ban Nha…

Giấy Vụn rất được chú ý vì có sự cộng tác từ đầu của nhà thơ trẻ Lý Ðợi, người từng làm sôi nổi giới văn thơ trẻ trong nước khi thành lập nhóm Mở Miệng và công bố tập thơ rất lạ, rất mới mẻ, rất trẻ cả về nội dung và phong cách: Vòng tròn 6 mặt. Ðây là công trình sáng tác của 6 bạn thơ tâm đầu ý hợp: Lý Ðợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Trần Văn Hoài, Hoàng Long và Nguyễn Quán.

Ðến nay sau 15 năm hoạt động, nhà xuất bản Giấy Vụn đã ‘cho ra lò’ hơn 40 đầu sách từ văn chương, nghiên cứu, lịch sử, văn hóa, chính trị… không qua sự kiểm duyệt của nhà nước Việt Nam.

Bùi Chát, người chịu trách nhiệm chính của nhà xuất bản Giấy Vụn chia sẻ: Làm nghệ thuật, xuất bản vì yêu sách, không muốn ép mình vào những quan niệm cứng nhắc và tự mình quyết định ‘đứa con’ nghệ thuật.

Lý Ðợi nói: “Giấy Vụn luôn tìm kiếm các tác phẩm chất lượng nhưng không thể xuất hiện bằng các nhà xuất bản của nhà nước.”  Những cuốn sách đầu tiên anh và Bùi Chát phải tự làm theo cách thủ công tất cả các khâu từ việc biên tập, sửa lỗi chính tả, vẽ bìa, bình trang, in ấn, xén giấy, đến dán bìa, đóng gáy… Về sau, do cảm mến việc làm ‘bà đỡ’ cho các tác phẩm có giá trị nên đã nhận được sự cộng tác của nhiều người. Kết quả, sách của Giấy Vụn đủ đẹp để làm ghen tị toàn hệ thống xuất bản Việt Nam từ chính thống đến ngoài luồng”.

Blogger Uyên Vũ (Vũ Quốc Tú), một người mê sách, chia sẻ: “Không thể chê sách do Giấy Vụn xuất bản, nó được chăm chút từ việc chọn giấy, phông chữ để đọc không bị mỏi mắt, ảnh minh họa độc đáo. Ðể có được điều này chắc những người tổ chức phải mất nhiều công sức. Ngay cả những nhà xuất bản lớn của nhà nước cũng ít có được những cuốn sách dùng giấy khoa học như của Giấy Vụn”.

Ngoài những đầu sách do chính tay Giấy Vụn xuất bản, nhiều đầu sách do bên ngoài Việt Nam xuất bản cũng đã có tên và logo Giấy Vụn, vài trường hợp thông qua thỏa thuận trực tiếp, vài trường hợp ‘y án’ bản cũ mà ‘copy’. Ðiều này khẳng định sự uy tín của nhà xuất bản ngoài luồng này. Mới đây cuốn sách “Bên thắng cuộc” của nhà báo Huy Ðức gây sốt đã được một đơn vị xuất bản ở Mỹ liên hệ xin để tên và logo Giấy Vụn cho thêm phần long trọng.

“Ðại vệ chí dị” của blogger Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu) cũng đã được một nhà xuất bản bên Mỹ in dưới tên và logo của Giấy Vụn. Các tác phẩm “Hiện thực xã hội chủ nghĩa” của Bùi Chát; “Khi kẻ thù ta buồn ngủ” được in tại châu Âu cũng dưới danh nghĩa Giấy Vụn…

Nhà thơ Bùi Chát tại Buenos Aires ngày 25/04/2011. nguồn DR
Nhà thơ Bùi Chát tại Buenos Aires ngày 25/04/2011. nguồn DR

Uy tín của Giấy Vụn đến nay đã khó phủ nhận. Ðặc biệt, năm 2011, tại Argentina, Bùi Chát được Hiệp hội Các Nhà xuất bản Quốc tế (The International Publishers Association) trao giải Tự do Xuất bản. Trước đó, năm 2008, anh cũng đại diện cho Giấy Vụn tham dự Ðại hội Xuất bản Quốc tế lần 28 tại Seoul (Hàn Quốc). Bùi Chát cũng từng được Trung tâm văn học Literaturwerkstatt tại Berlin (Ðức) mời qua giao lưu. Ngày 18/5/2011, Bùi Chát trở thành hội viên danh dự của Hội Văn bút Thụy Ðiển, trực thuộc The Pen – A World Association of Writers, được sáng lập từ năm 1922.

Dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tiến Văn, người đã dịch tác phẩm “Khi kẻ thù ta buồn ngủ” của Lý Ðợi sang tiếng Anh, nhìn nhận: Hoạt động của Giấy Vụn rất ý nghĩa và có công cho sự vận động của tự do ngôn luận, tự do xuất bản của Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay.

Tuy nhiên để được xem là vận động cho tự do ngôn luận, mở đường cho các tự do khác, Bùi Chát, Lý Ðợi luôn nằm trong tầm ngắm của an ninh Việt Nam. Ngày 19/7 vừa rồi, thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã mời Bùi Chát đến làm việc về tác phẩm “Những gì không học ở trường báo chí” do Giấy Vụn xuất bản. Ðây là vụ mới nhất trong rất nhiều lần những người chủ chốt của Giấy Vụn bị các cơ quan công quyền mời làm việc.

Cuối cùng phải nhìn nhận: Công việc của nhà xuất bản Giấy Vụn trong hoàn cảnh Việt Nam lúc này không thể thuận lợi nhưng sẽ là viên đá lót đường, mở lối cho những người đi sau. Văn học sử sau này sẽ phải ghi công.

NGUYỄN & BẠN HỮU – Tổng hợp