Menu Close

Tôi Happy New Year tôi!

1. Thời tiết giao mùa cứ như… dự báo thời tiết! Mới còn ấm nóng đó, thoắt đã rét run người. Ngày và đêm có lúc chênh nhau hơn 20 độ, người như mắc bệnh suyễn kinh niên, cứ hít ha hít hả như ăn phải giống gì lạ lưỡi, lạ môi. Thân thể cứ như mang đá tảng, bước đi nặng nề, mệt mỏi, cứ muốn nằm dài trên giường chẳng thiết làm bất cứ điều gì, kể cả làm chuyện tình yêu.

Nhưng chủ hãng thì không bao giờ có cảm giác đó và càng không muốn thấy công nhân của mình lừ đừ như mấy ông từ coi đền ở Việt Nam ngày xưa nên thông qua các sếp nhỏ người Việt, thúc hối làm việc dù trong thời kỳ kinh tế chẳng tốt đẹp, việc sản xuất, buôn bán cầm chừng và nguy cơ thất nghiệp cứ lơ lửng trên đầu công nhân. Ðã vậy, các sếp nhỏ người mình vốn quen lấy lòng sếp lớn Mỹ, cứ bày chuyện này lấn sang chuyện khác, thay đổi xoành xoạch như… thời tiết. Ðiệu này, không điên cũng tàng tàng; mà tàng tàng chẳng mấy chốc trở thành man man thực sự.

Cái thằng tôi sống giữa hỗn mang đó, lắm khi tự hỏi, sao có thể trụ được, sao có thể “giữ vững nguyên khí”, cười cười nói nói như thể đang… lục lạo tìm món hàng mình thích ở trong các mall vậy? Hỏi mà không tìm được câu trả lời; đúng hơn là chẳng muốn tìm câu trả lời vì dẫu tìm được hay không thì 5 giờ sáng cũng phải ra xe, bất kể mưa gió, giá lạnh, tuyết rơi để đến hãng và “giả điên giả tỉnh” cho đến 4 giờ 30, bấm thẻ, ra về. Thế là xong một ngày. Phải công nhận, một ngày ở Mỹ qua nhanh hơn xứ mình gấp bội. Cũng 24 giờ đồng hồ nhưng chẳng có mấy thời gian rảnh rỗi để nghĩ ngợi lôi thôi nên chớp mắt đã thấy hết tuần, hết tháng và chuẩn bị hết năm.

Thế nhưng, cảm giác sau một ngày làm việc thật tuyệt làm sao! Rời khỏi parking, nếu không có gì vội, cứ thả xe chạy loanh quanh trên các con đường nhỏ, nhìn hai hàng cây lá bắt đầu vàng, bắt đầu chuyển sang màu đỏ; những chú sóc thoăn thoắt chuyền cành hay nhảy nhót tìm những hạt pecan rụng dưới gốc cây; lòng tự nhiên thanh thản, thư thái kỳ lạ. Không gian tĩnh lặng và mênh mông như muốn lấy hết đi những bực bội, những điên cuồng (dù giả hay thật) trong lòng người. Tôi muốn cảm giác này nối tiếp nhau, không bao giờ dứt nhưng đường về nhà đã hiện ra phía trước. Cái tôi mơ màng đành phải rút lui, nhường lại cho cái tôi thực tế phũ phàng.

Cứ vậy, mỗi tuần hết 5 ngày, không khùng cũng lạ!

 

2. Ðã vậy, cuối tuần, cứ ngỡ được nghỉ ngơi, dưỡng sức để tuần tới tiếp tục làm “chim cốc”. “Chim cốc” là gì? Hai từ này, do thằng tôi nghĩ ra và khiến nhiều người thắc mắc. Có gì đâu, “cu” cũng như “chim”; “ly” khác gì “cốc”. “Chim cốc” là cách giễu đời “cu ly” thôi! Sống ở đây mà không biết tìm ra những cái để cười – dù cười một cách vô duyên hay hồn nhiên như trẻ con – thì mau già và chóng… về với tổ tiên, ông bà. Trở lại hai ngày cuối tuần: Xem ra hai ngày này còn mệt hơn đi làm “chim cốc” nữa. Hết chuyện trong nhà đến đi chùa, đi chợ rồi shopping… cho đến khi trời tối hẳn, ngồi vào bàn, mở computer, đọc tin tức quê nhà.

Ðây mới là lúc cái đầu muốn điên lên! Toàn là những tin xe cán chó mà các mạng xã hội say mê khai thác như chuyện hoa hậu này đi chơi với đại gia kiếm hàng chục ngàn đô mỗi tháng; chuyện diễn viên này o mèo với người mẫu, ca sĩ kia, v.v… Nhưng điên nhất vẫn là những thông tin về những việc… chẳng giống ai ở quê mình. Nhớ lại, cách đây khoảng 40 năm, một ông lãnh đạo cỡ bự tuyên bố một cách dõng dạc: “Mười năm sau VN sẽ vượt Nhật Bản!” (!?) Lúc này kinh tế hai nước như thế nào, thiết nghĩ, không cần phải nhắc lại. Và kết quả thì Lào, Cambodia qua mặt ào ào, nói chi đến mấy anh xứ mặt trời mọc. Lại gần đây, một vị lãnh đạo cũng to, tuyên bố: “Cố gắng mỗi người dân có một bác sĩ riêng”. Ừ, cố gắng mà, mặc dù tình trạng 3-4 bệnh nhân nằm chung một giường vẫn cứ hiển hiện ra đấy và những vụ đau chân phải, mổ chân trái; bệnh nhân tử vong vì không có tiền nộp viện phí vẫn cứ là nỗi đau nhói trong lòng người.

Không khùng sao được khi cô giáo ở nơi này được điều đi làm nhân viên tiếp khách cho chính quyền địa phương và ở nơi khác, học sinh không được dự thi nếu không bỏ tiền ra mua card điện thoại theo quy định của… “hoa hồng được hưởng” dành cho hiệu trưởng. Không nổi điên sao được khi học sinh ở vùng cao không có được tấm áo ấm trong mùa đông giá lạnh và mỗi ngày phải bơi qua sông để đến trường; trong khi đó, hết tỉnh này đến tỉnh khác xin tiền và vận động góp tiền (chưa kể bắt buộc công nhân viên chức “tự nguyện” đóng góp ngày lương) xây tượng đài. Không tâm thần sao được nghe quan chức lúc đương quyền thì im hơi lặng tiếng; khi về hưu thì mồm to miệng lớn, ra sức tuyên án, kết tội tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu cứ như mình là người vô tội, là người trong sạch chứ không phải là người từng trực tiếp hay gián tiếp góp phần gây ra những chuyện xấu xa đó vậy! Không tưng tưng sao được khi hầu hết quan chức sống không nhờ vào tiền lương mà dựa vào dự án. Cứ có dự án là có tiền mang về nhà, giống như bên xây cất – người đời không dùng từ xây dựng nữa. Cứ có xây (bất kể xây gì, từ những công trình hoành tráng đến cầu tiêu) là có cái để… cất!

Mỗi ngày đều phải đọc, phải nghe những điều như vậy và hàng trăm hàng ngàn chuyện như đùa ở quê nhà thì chỉ có cách thực hiện theo 3 con khỉ “tam không”, nếu không chắc… tẩu hỏa nhập ma sớm!

 

3.Thế sự thăng trầm quân mạc vấn” (Cao Bá Quát ?), tôi cũng tự mình tập gác chuyện đời sang một bên, sống trong vòng tròn ước lệ của riêng mình. Vui thì cười, không vui cũng cười – có khi còn cười tươi hơn nữa – để tự huyễn hoặc mình và cũng để tồn tại đếm bước thời gian. Cuộc sống bây giờ cứ như không phải của mình, cho mình mà na ná như phòng trọ, ở tạm bữa nào tính bữa đó vậy. Những gì nhận được hôm nay thì vui mừng hôm nay, còn ngày mai thì hãy đợi đấy. Những gì có được hôm qua thì giữ cho đến hôm nay vì biết đâu, ngày mai, mọi sự lại khác đi.

Nói là nói vậy chứ ai cũng phải sống với niềm tin vào tương lai. Tôi cũng không ngoại lệ! Trước bao cái “chướng tai gai mắt” vẫn còn nhiều điều thú vị của kiếp người. Dù phải nổi điên, phải tâm thần trước “những điều trông thấy” (Nguyễn Du) tôi cũng bắt gặp những bông hoa nhẫn nại và lặng lẽ hé nụ. Sự thần kỳ đó chỉ có ở cuộc sống và ở những ai yêu nó.

Bây giờ ngoài kia, nhiệt độ đã xuống dưới 0oC, dù tờ lịch cuối cùng của năm đã chuẩn bị được bóc đi. Một năm sắp hết. Mùa đông sắp qua. Theo quy luật thiên nhiên, mùa xuân đang ngấp nghé ngoài cửa (ở Oklahoma mùa xuân thực sự còn rất xa) dù vạn vật vẫn còn co ro trong giá rét, lộc non chưa nẩy nhưng tự nhiên, trong lòng đã nghe rạo rực, đã nghe niềm vui nhen nhóm. Có lẽ, những mùa xuân trong ký ức đã trỗi dậy, đánh thức yêu thương lâu nay ngủ quên trong hồn? Phải chăng, cái thiên lương luôn ở trong mỗi một người mà do bản thân ta không nuôi dưỡng nó, lại hủy hoại nó, đánh mất nó để từ đó, xã hội mới nhiễu nhương, nhũng loạn?

Thôi, chuyện to lớn ấy không phải của tôi. Thằng tôi nhỏ bé như cỏ này chỉ biết lòng mình bỗng rộng mở khi sáng nay, nhìn tờ lịch cuối cùng của năm sáng rực lên để giã từ, chia tay. Một cuộc chia tay, tiễn biệt đầy hân hoan.

Ðón chào năm mới, tôi Happy New Year tôi. Và, tất nhiên, đến với tất cả mọi người.

LVB – OKC