Menu Close

Những cánh chim di

Gió mùa đang thổi qua nhiều vùng của địa cầu, giục giã lũ chim lên đường thiên di. Xin mời các bạn thả hồn theo những cánh chim. TN

Chắc chắn trong đời ít ra cũng có một lần bạn nhìn thấy những cánh chim – một đàn ngỗng trời chẳng hạn – bay về phương Nam. “Về đâu khi gió mùa thơm ngát, ôi lũ chim giang hồ…” Ca từ của Văn Cao quá đẹp, nhỉ? Về đâu?… Xin thưa: Chúng đi trốn rét, thường là vào độ Tháng Mười, phải thế không bạn? Những con chim én làm tổ dưới mái nhà thờ Mission ở San Juan Capistrano cũng vậy, chúng lên đường vào khoảng cuối Tháng Mười, nhằm ngày Lễ Thánh John. Thời nhỏ ở Vương Phủ, Nguyễn tôi đã từng đứng ngắm cảnh đàn sếu bay qua bầu trời. Cảnh tượng thật đẹp và đượm buồn. Nó báo hiệu những ngày vui đang tắt cùng với ánh nắng cuối trời, và mùa đông đang tới. Viết tới đây, chợt nhớ tới tên một bộ phim Liên Sô chiếu trong những năm sau 1975 ở thành phố Sài Gòn: Khi Ðàn Sếu Bay Qua. Nghe nói chuyện phim khá cảm động: một cô gái ở Matxcơva (phiên âm theo kiểu mấy ổng bên nhà) tiễn người yêu ra mặt trận vào mùa những cánh chim lên đường trốn rét. Thế rồi mỗi năm khi đàn sếu kia xuất hiện cô lại nhớ người đi không về. Ðây, ta hãy lắng nghe lời thuật chuyện. “Ðàn sếu như những chiếc tàu đang ra đi, cô gái trong phim đã nói với người yêu như thế khi ngước nhìn lên bầu trời mùa thu đầy cánh sếu. Rồi chàng trai lên đường nhập ngũ, cô gái không thể đợi chờ nhưng cả cuộc đời còn lại của cô mang nỗi day dứt và thương nhớ khôn nguôi. Thời gian trôi qua, cho tới một ngày có tin anh tử trận. Cũng như anh, nhiều người lính đã nằm lại chiến trường khi chiến tranh kết thúc, nhưng linh hồn của họ hóa thành sếu trắng, đem bao ước vọng trở về cùng mùa xuân trên bầu trời Matxcơva.”

Những cánh chim di bay qua bầu trời là hình ảnh đẹp và buồn, như đã nói ở trên. Thế nhưng, xét theo hòa điệu của thiên nhiên thì đây là một bài thơ, và những cánh chim chính là hình ảnh của cơn mơ. Nguyễn mời các bạn đọc và cảm nhận chất thơ trong đoạn văn sau đây của Nguyễn Hạnh viết từ một trang trong Reader’s Digest (không thấy ghi ở số nào, năm nào): “Những tiếng kêu đầu tiên rơi vào giấc ngủ của tôi, thật êm và thật dịu, như ánh sao chảy qua cây lá trong vườn. Thế rồi, những tiếng kêu tới gần hơn. Khi tôi bước ra khỏi lều thì chẳng còn hồ nghi gì nữa dù vẫn còn bóng đêm. Những cánh chim di. Chúng bay qua, đập cánh trên đầu tôi, và tôi lắng nghe cho tới khi chúng đã khuất, mới nhận thấy rằng những thớ thịt trên cánh tay tôi cũng săn lại, như thể tôi đang mơ đến đường bay của những cánh chim.

Các nhà tâm lý học nói rằng một trong những chủ đề chính của các giấc mơ là thấy mình bay như chim. Và khi ta hỏi các em học sinh các em mơ ước gì nhất, câu trả lời thường là: muốn được như chim. Ðường bay của những cánh chim có sức hấp dẫn thúc giục chúng ta đi tìm hiểu thế giới bên kia đường chân trời.

Thiên di tìm nơi ẩn trú là hòa điệu của thiên nhiên, là nhịp thở của quả địa cầu. Trong số 8,600 chủng loại chim thì hầu hết đều có cuộc sống thiên di, từ cuộc di chuyển ngắn xuống dưới chân núi đến cuộc hành trình dài 22,000 dặm quanh vùng địa cực. Mỗi độ xuân về, hàng trăm triệu khúc ca chim rộn rã khắp bầu trời khi những sinh vật nhỏ bé này trở về từ phương Nam, tạo thành những nốt nhạc nhiều màu sắc ngang qua bầu trời và những con sông đen màu cánh chim vạch lên không gian vô tận.

Không phải bây giờ mà đã từ nhiều thế kỷ nay, con người đã biết tới đời sống thiên di của loài chim.

Trong ý nghĩa đó, người và chim rất gần nhau trong bản hòa tấu khúc của thiên nhiên và quý tiết. Riêng người viết khi ngắm đàn chim bay ngang một dòng sông chẳng hạn, trong lòng lại rộn lên một hòa tấu khúc của niềm vui. Sẽ xin nối tiếp trong kỳ tới.

TN