
Ðàn ông, ngày càng, mất tự do! Xã hội càng văn minh, sự tự do ấy càng bị thu hẹp. Một trong những nguyên nhân chính là do sự phát triển của khoa học, nhất là ngành công nghệ điện toán. Một ví dụ đơn giản, như cái điện thoại iPhone chẳng hạn, có chương trình định vị mà người đàn bà có thể biết chắc người đàn ông đang ở đâu. Chỉ cần “tặng” cho một cái iPhone để dùng hằng ngày, 24 trên 24! Nếu người đàn ông lớ ngớ tắt nhầm tính năng đó thì nhiều lắm chỉ 1 lần; không bao giờ (dám) “lỡ” tắt lần thứ hai. Ngược lại, người đàn bà có thể tắt tính năng định vị trên máy của mình, thậm chí tắt… (nguồn dẫn) điện luôn mà không phải bận tâm lo (sẽ) giải thích gì cả. Về nhà, chỉ buông gọn một câu hồi nãy ông gọi thì máy tui hết pin là xong! Không một lời thắc mắc. Không một cái nhìn biểu cảm. Những tưởng như vậy là chạm tới ranh giới sự chịu đựng của con người. Con người ở đây nếu viết chính xác thì nên theo tiếng Anh kiểu cũ là MAN, để chỉ đàn ông. Người Anh thời trước, trong đầu họ, hễ nói đến khái niệm “con người” dùng từ “đàn ông”, tức là MAN. Sau này vì mấy phong trào nữ quyền mà tiếng Anh hiện đại phải tránh dùng MAN khi nhắc đến con người nói chung. Cái ranh giới ấy, như vừa nói ở trên, ngày càng tiến tới… vô hạn mỗi khi khoa học có những phát kiến mới phụng sự… con người!
Chẳng hạn cách đây vài năm, một nhóm khoa học gia ở Mỹ sáng chế ra máy đọc não để dò biết suy nghĩ con người. Loại máy này chỉ dùng được trong các bệnh viện lớn để tìm hiểu suy nghĩ của những bệnh nhân bại liệt toàn thân, không nói năng hoặc cử động gì được. Việc vận hành các máy móc đó cũng nhiêu khê, không có dễ như máy sấy tóc hay máy hơ móng chân nên chưa có bà nào mua xài. Chứ không phải vì giá quá đắt! Nhiều ông biết vậy nên cũng cảm thấy nhẹ nhõm tuy không dám thở phào. Ai ngờ, mới đây, bên Ðài Loan mấy giáo sư gì đó thuộc trường Ðại Học Công Nghệ Ðài Bắc chế ra một cái máy tương tự nhưng để dùng… ở nhà. Có những bệnh nhân bại liệt toàn thân mà bệnh viện bó tay, đành về nhà nằm một chỗ. Ðể việc chăm sóc của người nhà được dễ dàng, máy này dò sóng não của bệnh nhân rồi chuyển qua dạng biểu đồ rất đơn giản: Có hoặc Không! Ðại khái, người vợ chỉ hỏi ông chồng (đang nằm liệt) muốn ăn cơm chưa thì chỉ đợi mấy giây cho sóng não của người bệnh nhập vô máy là biết ông chồng muốn hay không. Hồi trước chưa có máy này, bệnh nhân “trả lời” bằng cách chớp mắt. Chớp 1 cái là Có; chớp 2 cái là Không; chớp 3 cái là muốn… cái khác, chẳng hạn! Có lẽ đã bại liệt toàn thân rồi thì chớp mắt cả chục cái cũng… vậy thôi nên biểu đồ trên màn hình của máy chỉ hiện 2 “thứ” có hay không là đủ. Nhiều nữa thì dư! Theo bản tin của đài VOA, đại diện nhóm nghiên cứu là giáo sư Liu Yi-hung giải thích: “Các dữ liệu đi qua một chương trình trí thông minh nhân tạo, chương trình này làm các phép tính toán học trong máy tính, và nhận diện những ý định đằng sau sóng não như vậy. Sau khi chương trình trí thông minh nhân tạo tính toán, thông tin được xuất sang một giao diện để người sử dụng, hoặc người thân của người sử dụng biết được ý định của những thay đổi trong các sóng của bộ não”.
Nghe thì hay chớ nói thiệt tình sự phát minh ra máy này đã không giúp gì nhiều cho mấy ông chồng bị bại liệt mà, ngược lại, có hại cho các ông chồng khác; nhất là những ông hay có dịp đi đây đi đó. Ðối với các bà vợ, ngồi nhà, chỉ cần biết có hay không là quá đủ. Còn ông nào không được… đi đâu; chỉ ăn rồi ở nhà cũng bị mất tự do; không chỉ về thể xác mà còn tư tưởng! Chẳng hạn nghe hỏi được ở nhà với em vui quá trời phải không cưng thì cũng khó… nghĩ. Chỉ có cao thủ nào điều khiển được tư tưởng mới lừa được cái máy. Ðàn ông bình thường nói dối vợ đã khó; nghĩ dối càng khó hơn! Chỉ có thể xài vài “mẹo vặt trong nhà” mới mong qua mặt được. Như nghe hỏi cơm ăn ngon không cưng thì lập tức nghĩ ngay tới tô phở mới ăn hôm qua ngoài tiệm. Nghe hỏi anh còn yêu em thì nhớ liền mấy liên khúc Anh Còn Nợ Em của nhạc sĩ Anh Bằng trên băng Asia để cảm xúc ngày xưa che giấu tư tưởng hiện tại. Nhà thơ Du Tử Lê viết mấy câu thơ trong bài Khúc Thụy Du chắc là không nghĩ một ngày nào đó sẽ có một cái máy như thế, ngay trong nhà.
Ðừng bao giờ em hỏi. Vì sao ta yêu nhau. Vì sao môi anh nóng. Vì sao tay anh lạnh. Vì sao thân anh run. Vì sao chân không vững. Vì sao, và vì sao…
Hỏi kiểu gì trả lời cũng được hết! Chỉ ngại có cái máy đó thôi.
HNH