Để tìm hiểu sâu hơn các nhận định cho rằng Trung cộng đã bước lên hàng siêu cường, Trẻ làm một số tra khảo cho loạt bài về anh khổng lồ Đông Á này. Với những bằng cớ được kiểm chứng, không khó để ta nhận ra, còn lâu Trung cộng mới… thay thế vị trí người Mỹ làm siêu cường nhân loại — cho dù trên lý thuyết nền kinh tế của họ đã qua mặt Nhật Bổn (Japan), trở thành #2 toàn cầu, tạm thời đứng sau lưng Hoa Kỳ. Trong một bài trước, chúng tôi cũng đã phân tích các nhược điểm của hàng hoá Trung cộng, vốn chỉ được cơ hội… chu du thế giới nhờ nước cờ bạn hữu giả hiệu của Hoa Kỳ, trong lúc chiêu dụ Trung cộng làm đồng minh đối trọng Nga Sô đầu thập niên 1970.

Mới chỉ hơn 3 thập niên từ khi Trung cộng cải tổ lớn. Nền kinh tế, trong khi phát triển mau lẹ, đã thấy đây đó những mối hoạ tiềm ẩn: nhân lực yếu kém, nền kinh tế quá thiên lệch về xuất cảng. Trong khi người tiêu thụ thế giới ngoảnh mặt với hàng hoá “Made in China”, thì chi phí vận hành ngày càng đắt đỏ ở Hoa lục khiến giới đầu tư ngoại quốc thêm bi quan, thậm chí bắt đầu… chạy trốn Trung cộng.
Nhân công kém năng lực là một trong những yếu huyệt chánh của kinh tế Trung cộng. Ngày nay, hơn phân nửa dân số còn sinh sống trong những ngôi làng nghèo nàn, thậm chí chẳng thấy nước máy, thiếu chăm sóc y tế và giáo dục căn bản, không có internet.
Trên thực tế, hai phần ba dân số xứ này vẫn là nông phu. Đến nay, Trung cộng xoay trở phát triển kinh tế bằng cách đưa số lớn nhân lực nông phu rời đồng áng, sang làm việc sản xuất. Tuy nhiên, số nhân công này chưa từng qua huấn luyện các kỹ năng cũng như kiến thức cần thiết trong một nền kinh tế nặng về kỹ nghệ.

Vấn đề khan hiếm nhân lực lành nghề khiến các thành phố kỹ nghệ như Bắc Kinh (Beijing), Thượng Hải (Shanghai), Quảng Châu (Guangzhou)… vẫn còn thiếu hằng trăm ngàn nhân công có tay nghề. Tốc độ các chương trình “đô thị hoá” (urbanization) đến nay chỉ đạt 1% mỗi năm. Với đà này, thêm 3 thập niên nữa, tầng lớp nông phu vẫn còn chiếm đến 1/4 dân số Hoa lục. Chuyện lão hoá dân số thêm vào một vấn nạn khó giải khác. Theo ước đoán, số người Hoa cao niên, trên 60 tuổi, sẽ chiếm 17% dân số vào năm 2020, là gánh nặng không nhỏ cho nền kinh tế.
Công ăn việc làm khó khăn ở quê nhà khiến Trung cộng cũng có xuất cảng lao động, chánh yếu sang Phi Châu. Trong số này, một số làm việc quản lý trong các dự án khai thác tài nguyên để chở về Tàu. Nhưng gần đây, có dấu hiệu dân Phi Châu bất ưng trước chiến thuật của Trung cộng ngày càng tăng.
Đã có xảy ra những vụ bạo động để phản đối giới chủ thương mại hoặc các nhà thầu Trung cộng làm ăn bất tín, chỉ chăm chăm bòn rút tài nguyên bản xứ. Ở Angola, dân chúng liên tục nhiều lần xuống đường phản ứng chánh phủ dành quá nhiều đặc quyền cho các công ty hãng xưởng Trung cộng. Thậm chí ở Zambia, mùa thu năm ngoái, trong lúc tranh cử tổng thống, vị Tổng thống đương nhiệm Michael Sata đã hô hào tẩy chay Trung cộng.
Đằng sau những hào nhoáng, thực tế Trung cộng vẫn còn khoảng 200 triệu người dân có mức sinh sống tương đương khoảng 1 Mỹ kim mỗi ngày. Du khách cưỡi ngựa xem hoa, hoặc những “học giả” quen đánh giá bên ngoài hơn soi rọi bản chất, có thể bị lóa mắt với những cao ốc chọc trời ở Bắc Kinh hay Thượng Hải. Tuy nhiên, ngay cả ở những nơi đó, nếu chỉ dời bước đi không xa, người ta dễ dàng bắt gặp nhiều khu nhà ổ chuột thiếu những tiện nghi sinh hoạt tối thiểu: điện, nước, nhà vệ sinh. Có điều trớ trêu: đây là những mái nhà thường gặp nhất của giới nhân công di cư.
Khác miền đông ven duyên hải kỹ nghệ hoá cao, các tỉnh tây phần Hoa Lục đời sống vẫn còn ở mức của thế giới thứ ba, ít đầu tư, thiếu thốn cơ hội việc làm. Đây là nơi hơn 1.1 tỉ người Hoa, trong dân số 1.3 tỉ, chôn chân thúc thủ với mức sống không hơn công dân Nigeria.
Thêm vào nạn quan lại tham nhũng, chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng rộng, thúc đẩy những mầm mống bất mãn. Tại Trung cộng ngày nay, mỗi năm có hằng ngàn vụ biểu tình phản kháng đủ loại đủ cỡ. Đà này ngày càng tăng chứ không giảm.
Một yếu tố chánh đưa đến cái nhãn mác “cường quốc kinh tế” cho Trung cộng đặt trên lợi nhuận thu được từ chênh lệch cán cân xuất nhập cảng. Dựa vào cộng đồng thế giới, Trung cộng nhập cảng dầu hoả, sắt thép, bông vải, bắp, đường… nói chung là nguyên vật liệu thô. Sau khi sản xuất, đa phần hàng hoá lại được xuất cảng sang Tây Phương.
Vòng tròn khép kín này tạo ra một nền kinh tế mất cân bằng. Trung cộng chưa bao giờ tạo được một thị trường tiêu thụ nội địa đủ lớn mạnh để mua sản phẩm, yểm trợ các nhà sản xuất. Sức tiêu thụ của khách hàng nội địa chỉ chiếm 34% nền kinh tế Trung cộng—tỉ lệ thấp nhất trên thế giới—so với khoảng 70% ở Hoa Kỳ. Để một nền kinh tế đứng vững, ổn định, cần phải có giới tiêu thụ cũng đủ mạnh và chịu chi tiền mua sắm.
Một khó khăn khác là chi phí vận chuyển quá cao giữa các vùng duyên hải và những nơi nằm sâu trong đất liền. Nhiều dự án toan tính phát triển kinh tế, đưa công ăn việc làm vào sâu nội địa Trung Hoa đều vấp phải nan đề này.
Yếu huyện bất ngờ khác của Trung cộng là mức nợ nần chánh phủ. Không có giám sát minh bạch, các đảng viên cộng sản thoải mái đánh bóng thành tích và tô điểm các phúc trình mỗi năm. Theo tuyên bố chánh thức, tỉ lệ nợ trên tổng thu nhập quốc dân (GDP) là 17%. Tuy nhiên, một số kinh tế gia độc lập ước tính con số này phải gần mức 90% mới chính xác. Sự sai biệt này là chỗ ẩn núp của các khoản nợ “ma”, nợ “ân nghĩa” của một nền kinh tế ngập ngụa trong tham nhũng.
Một hiểm hoạ tiềm tàng cho kinh tế Trung cộng là chi phí làm ăn ngày càng cao, khó cho các công ty thu lợi. Phí tổn lên cao về mọi mặt. Từ giá đất, chi phí cải thiện môi trường bảo đảm nguyên tắc an toàn, rồi các khoản thuế — và yếu tố lớn nhất, chi phí tiền lương.
Ngay từ đầu, một trong những lợi thế của Trung cộng, lý do họ thu hút hãng xưởng công ty ngoại quốc, chính là giá nhân công thật rẻ. Tuy nhiên, hoàn cảnh đã thay đổi. Trong quá khứ, nhân công Hoa Lục bằng lòng với mức lương tối thiểu. Ngày nay bắt đầu có nhiều công đoàn mở ra đủ loại yêu sách khắp nơi: đòi tăng lương bổng, tăng quyền lợi, cải thiện môi trường làm việc…
Trong 4 năm qua, chi phí lương bổng tại Hoa Lục tăng đều 20% mỗi năm. So sánh với 2 nước khác, con số này là 8% ở Philippines và 1% ở Mexico. Theo đà này, giới kinh tế ước đoán, đến khoảng 2015, việc sản xuất tại Mỹ sẽ tốn kém ít hơn làm tại Hoa Lục rồi đưa hàng hoá lên tàu chở về.

Những bó buộc này đưa đến hệ luỵ tự nhiên, không thể tránh: nhiều công ty hãng xưởng lớn bắt đầu rời bỏ Trung cộng. Xứ sở này thật sự đang trải qua một giai đoạn khó khăn, mà Bắc Kinh tìm cách không thừa nhận.
Có một số công ty chưa ra đi hẳn, nhưng đã bắt đầu áp dụng công thức “China + 1”: cho mở cửa một cơ sở sản xuất nơi một nước láng giềng (thí dụ Việt Nam), khảo sát môi trường làm ăn, thử tay nghề nhân viên địa phương. Khi sẵn sàng mọi việc thì… đóng cửa cơ sở ở Tàu.
Nền kinh tế suy thoái mấy năm qua cũng khiến nhiều người Mỹ cạnh tranh tìm việc làm hơn trước. Các công ty hãng xưởng nhận được thêm các hợp đồng từ bên trong nước Mỹ, kèm theo nhiều ưu đãi hấp dẫn. Thế là từ California sang Texas, từ hãng lớn tới nhỏ, từ GE đến Caterpillar (CAT) — người ta rời Hoa lục, để tận dụng các khoản ưu đãi thuế khoá. Họ đưa trở lại ít nhất một phần công đoạn sản xuất các sản phẩm tiêu thụ trên thị trường Hoa Kỳ. Một phúc trình hồi Tháng Tư 2012 cho thấy, có ít nhất 1/3 công ty Hoa Kỳ với doanh số trên $1 tỉ đã chuẩn bị dọn nhà về lại Mỹ.
Đây là yếu huyệt thật: trên thực tế, hơn 3/5 hàng hoá xuất cảng, và gần hết tất cả sản phẩm kỹ thuật cao “Made in China” đều được làm bởi công ty hãng xưởng không phải của Trung cộng, mà là hãng ngoại quốc.
Ban đầu, giới đầu tư ngoại quốc đặt chân lên đất Tàu để tận dụng nhân công rẻ. Trung cộng bị biến thành một loại thầu khoán cho thế giới Tây phương. Đây có thể là con dao hai lưỡi. Một khi Tây phương muốn lật kèo, kiểm soát Trung cộng, xứ này khó có đường xoay trở. Người ta thấy đã có nhiều nỗ lực bảo hộ mậu dịch ở những thị trường chánh, để trừng phạt Trung cộng (tại Hoa Kỳ và Âu Châu).
Tình thế hiện nay không có vẻ sáng sủa cho Trung cộng. Âu Châu đang sa lầy trong cơn khủng hoảng, không muốn và cũng không đủ sức gồng gánh thêm hoặc cứu Trung cộng.
Trong tương quan với Hoa Kỳ, năng lượng và kinh tế Tàu cũng hoàn toàn lệ thuộc người Mỹ, vì Hoa Kỳ kiểm soát tài nguyên dầu hoả trên thế giới, cũng như các ngả đường vận chuyển dầu hoả trên các đại dương. Cả nền kinh tế Trung cộng là một loại con tin của Hoa Kỳ. Thu nhập chánh của Trung cộng đến từ xuất cảng. Mà người Mỹ là bạn hàng nhập cảng lớn nhất. Họ có thể dùng điều này làm đòn bẫy thương lượng. Thương lượng những gì ?