Người bạn thân ở Sài Gòn gửi thư báo nhờ tìm mua mấy lọ thuốc sâm Hoa Kỳ mà phải là sâm trồng ở Wisconsin đúng hiệu, không phải sâm Canada hay sâm trồng ở các tiểu bang khác. Sâm bán tại Chợ Lớn giả nhiều hơn thiệt, đi tìm mua phải dắt theo “thần y” mà cũng không lần ra. Tôi không thể mường tượng ra được con phố Hải Thượng Lãn Ông – biệt hiệu của vị danh y Lê Hữu Trác thời vua Lê Dụ Tông cách nay gần bốn trăm năm, lại bị người đời ngày nay hủy hoại “ly miêu tráo chúa” làm hoen ố thương hiệu con đường chuyên mua bán dược liệu lâu năm này. Con người vì lòng tham bất chấp làm giả thuốc, không bổ ngang thì bổ ngửa, có chết ai đâu mà la làng!

Đâu có phải đợi chết ai đâu mới la làng mà những người nông dân Hmong trồng sâm ở Wisconsin đang la hoảng vì nạn thao túng thị trường, ép giá của thương lái người Tàu đến từ Hoa lục. Không chỉ thế, kể cả người Mỹ trồng sâm và các cơ sở sản xuất dược liệu lâu đời cũng đang bị khuynh đảo bởi con buôn tung chiêu làm nhiễu loạn thương hiệu. Từ sự việc này đã khiến các nhà nông Mỹ trồng sâm tại Wisconsin thành lập Hiệp hội nhân sâm đề ra tiêu chuẩn phẩm chất nghiêm ngặt do Bộ Canh Nông kiểm định. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời ngăn chặn một vài công ty làm ăn bát nháo kiếm lợi bằng những thủ đoạn lường gạt thương trường, bởi vì ngay cả hiệp hội cũng chỉ kiểm soát được một phần thị trường nhân sâm hàng trăm triệu đô. Trong khi đó, những nông dân người Hmong nắm hơn 30% lượng sản xuất nhân sâm trồng ra, miệng thì la một đàng nhưng lòng phải bấm bụng bán khoán cho thương lái Trung Hoa mà không thể bán được cho các công ty thu mua của người Mỹ đòi hỏi đáp ứng những qui định phẩm chất bắt buộc trong quá trình trồng trọt.

Chiêu thao túng giá cả thị trường kể trên cũ ra cũ rích vậy mà người ta vẫn mắc bẫy như thường. Những thương lái người Hoa xưa kia cách đây trăm năm đã từng áp dụng với người Việt bằng cách ban đầu mua nông sản giá cao, lập đại lý thu vét tạo thành cơn sốt. Sau đó ngưng thu khiến hàng dư thừa, rồi dìm giá, cuối cùng thao túng giá cả. Bây giờ cũng thế, tôi đọc tin bên nhà thấy gạo, dừa, dứa, khoai của người nông dân làm ra bị ép giá mà tức giùm cho người dân chân đất cứ sống theo kiểu “thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào”, thấy lợi trước mắt, không thấy cái hại đằng sau và kết quả chỉ có nước trách trời trách đất cho hả giận. Thiết tưởng ở quê nhà mới có chuyện này, ai ngờ tại xứ Huê Kỳ, người Hoa, họ cũng thành công bằng những trò mánh lới con buôn tương tự. Thằng bạn thuở nhỏ, hiện sống ở Chicago chịu trách nhiệm lo giùm tôi mấy lọ nhân sâm chính hiệu cũng thở than: “Tao không ngại cất công lái xe năm sáu tiếng đồng hồ đến Wisconsin kiếm thuốc. Nhưng lỡ nhầm đồ dỏm, uống vô bổ ngửa thì khốn”.
Bạn tôi khôi hài thêm thắt câu chuyện, chứ hồi mới sang định cư ở Wisconsin anh đã từng đi làm công cho một cơ sở sản xuất dược liệu nhân sâm ở Warsau. Vùng này lạnh lẽo, ít có người Việt sống. Nơi đây chỉ đông vui khi đến mùa thu hoạch. Người Hoa mua bán sâm từ khắp nơi đổ về và từ đại lục sang làm khu phố thưa thớt của vùng đất “vàng xanh” miền Trung Tây bỗng trở nên nhộn nhịp. Nhưng anh quyết tâm đến đó học chế biến thuốc nhân sâm vì một lẽ ngày trước cha anh từng có tiệm thuốc bắc và anh muốn theo nghề bào chế dược thảo. Không biết học được mấy năm, anh gọi điện cho tôi báo rằng đã dọn về Chicago làm thợ ráp xe hơi cho đến bây giờ. Tôi không rõ củ sâm với bù lon con ốc, cái nào anh rành hơn. Dẫu sao tôi vẫn tin rằng, cầm củ nhân sâm khô thì anh có thể định được tốt xấu. Hơn nữa việc trở lại nơi sản xuất sâm dược trước kia anh làm công, xin mua một ít loại thượng hạng hy vọng còn được bớt giá. Hôm sau, anh gọi điện cho biết cơ sở sản xuất nhân sâm đó đã bán lại cho chủ người Trung Hoa cách đây mấy năm rồi.
Trở về Warsau với những kỷ niệm và mộng tưởng thời mới sang Mỹ tưởng được vui nhưng giọng điệu bạn tôi nặng như chì: “Phần lớn nguồn nhân sâm Mỹ chính gốc trồng tại Wisconsin đều đã rơi vào tay người Trung Hoa. Họ sang đây mua nhiều đất đai rồi mướn người Hmong trồng nhân sâm hoặc họ bán hạt giống và mua khoán sản phẩm luống sâm tại vườn ngay hai ba năm đầu xuống giống. Trồng sâm không phải dễ, phải bốn năm năm sau mới thu hoạch nên một số nhà nông không dám mạnh dạn đầu tư tiền bạc dàn trải mà nhận đầu tư từ người Trung Hoa theo kiểu lời ăn lỗ chịu. Thực tế, trồng sâm không bao giờ lỗ, chỉ có lời ít hay nhiều do năng suất của vụ mùa. Trung Hoa họ dám đầu tư dài hạn vào sâm vì họ đã có thị trường ngay tại nội địa và những thị trường Châu Á quen thuộc”.

Theo như anh cho biết, một cân sâm Mỹ khô loại tốt từ chỗ trồng có giá khoảng 200 đô nhưng sau khi tuyển lựa những củ có hình hài kỳ dị, râu rễ đầy đủ đưa đến thị trường Hồng Kông, Đài Loan giá lên ba bốn ngàn đô. Sâm tươi trồng tại trang trại giá 20 đô một cân, nếu bón bằng phân hữu cơ giá gấp đôi. Giá trị nhất chỉ có sâm rừng. Giá chừng ba bốn trăm đô một cân. Muốn đào sâm rừng, người đào phải mua giấy phép hàng năm như đi câu cá, săn bắn. Chỗ thu mua cũng phải có giấy phép, tùy theo lượng sâm thường thu vào phải trả lệ phí cho bộ nông nghiệp từ 100 đến 1,000 đô. Nhiều nhà nghiên cứu khi chiết suất sâm cho rằng, sâm trồng hay sâm rừng đều có chất lượng như nhau chứ không phải như người ta đồn thổi sâm rừng tốt hơn. Ngày xưa, sâm nói chung là thảo dược quí hiếm vì không ai trồng nên giá trị rất cao. Cách nay hơn trăm năm, một cân sâm khô trồng tại Wisconsin đã có giá bạc trăm rồi. Nhưng ngày nay chỉ có hai trăm là nhờ trồng được nhiều, giá sâm đã hạ giảm đáng kể. Sâm càng lâu năm càng có giá trị. Sâm, nhung, quế, phụ là những thứ trân dược. Sâm được xếp hàng đầu do dược tính cao, trị được nhiều loại bệnh, bồi bổ sức khỏe, chống suy nhược về thể chất lẫn tinh thần.

Người Đại Hàn hay Trung Hoa trước đây chuộng hồng sâm. Hồng sâm tức là sâm Cao Ly. Loại sâm này củ to hơn sâm Hoa Kỳ có tính dương, nóng hơn do hoạt tính kích thích mạnh. Ngược lại bạch sâm, tức sâm Hoa Kỳ củ nhỏ bằng ngón tay giữa, có tính âm, mát hoạt tính kích thích từ từ nên dễ dùng và thích hợp với mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, hiện nay thị trường chung đều thích sâm Hoa Kỳ. Riêng sản lượng sâm trồng tại tiểu bang Wisconsin cung cấp hơn 90% ra thị trường thế giới. Tôi không rõ tại sao sâm Bắc Mỹ (bao gồm những vùng British Columbia, Ontario của Canada hay Wisconsin, Ohio, Washington, Pennsylvania, Virginia của Mỹ), nhưng người ta lại thích sâm trồng tại Wisconsin. Tất nhiên những vùng đó đều có phong thổ thích hợp cho cây sâm phát triển. Mùa đông phải thật lạnh và mùa hè không quá nóng. Có lẽ thổ nhưỡng và khí hậu vùng Trung Tây tại Wisconsin thích hợp một cách hoàn hảo cho cây sâm nhờ thế mà sâm Wisconsin nổi tiếng. Theo lịch sử, người Triều Tiên từng lấy giống sâm Hoa Kỳ trồng tại xứ mình bên cạnh hồng sâm truyền thống cách đây hàng mấy trăm năm. Thế nhưng bạch sâm Triều Tiên lại không có giá trị cao như tại Hoa Kỳ.
Củ sâm ở Hoa Kỳ là chuyện nhỏ trong nền kinh tế lớn nhưng trớ trêu nó lại thành chuyện lớn ở thành phố Warsau khi lái buôn Trung Hoa đang tìm cách thống trị sản phẩm dược liệu quí ngay trên sân khách. Hãy nhìn xem hàng tiêu dùng trên nước Mỹ toàn mang nhãn hiệu “Made in China”. Liệu rồi đây, củ sâm Hoa Kỳ cũng thành củ sâm Trung Hoa không nhỉ?
