Cuối năm bầu trời cứ rầu rầu ui ui, người khen thời tiết dễ chịu cũng có, mà than khó thở cũng có. Thời tiết này khiến người oải oải, làm biếng, được cái, mùi Tết được dịp cứ quấn vào tâm thức làm lòng dạ bồn chồn háo hức. Tâm thức thôi, chứ cái mùi đang quấn dzô mũi hông có “Tết” xíu nào! Hắt xì muốn xỉu!
Còn đâu hơn nửa tháng nữa là Tết thiệt!

Nhớ hồi nhỏ thấy tầm này là người lớn bắt đầu lục đục mua củ kiệu, củ hành, dừa non, hạt sen, gừng… ngồi chụm đầu lể nhụy, cắt đầu, lột vỏ… xếp vô từng hũ. Có khi làm cho nhà ăn, có khi làm “thời vụ” cho mấy hãng mứt. Mạnh ai nấy phân công, kẻ thì ra nghía mai canh ngày lặt lá, kẻ thì sơn bọng, sắp xếp nhà cửa. Con nít người lớn đêm đêm đổ ra mấy chỗ sale, thanh lý đồ chất đống mà giành giật la chí ché như… giựt cô hồn Tháng Bảy. Nhà nghèo cũng có Tết nghèo. Không đủ thứ như người ta nhưng trước cửa cũng dán miếng giấy điều. Không có thịt mỡ dưa hành cũng chuẩn bị hũ củ cải muối ăn với bánh tét. Không có đồ mới thì lôi cái rương cũ kỹ ra, cái này mặc mùng một, cái này vá lại mặc mùng hai, cái này lấy cho con út, cái này cũ mà còn đẹp… Bộ chén kiểu năm xài mấy lần sợ mẻ, cũng được lôi ra chùi sạch bóng, và được dặn dò thật kỹ:
– Tránh xa kệ chén ra!
Thật sướng, khỏi rửa chén vì có lý do đổ thừa! Hoặc chịu cực chút nữa, đèo nhau trên chiếc xe cà tàng chạy ra bến Bình Ðông, quận 8 coi dân buôn sắp chỗ, chuẩn bị bán bông Tết. Vài ngày nữa đông nghẹt đâu còn sức chen lấn. Nhìn nguyên khu trống lỗng rồi tưởng tượng vài bữa không còn chỗ đứng, qua Tết bông ế vứt đống trên ghe chạy về quê. Tự dưng, mũi sẽ nghe bay bay mùi hoa mùi người lưu trữ hồi nào không nhớ. Mùi Tết đó, đâu xa!

Chứ không phải như bây chừ. Không ai rảnh cả. Hễ có tiền thì muốn cái gì cứ alo một tiếng dịch vụ lo hết tận răng. Còn nghèo thì coi như không có Tết, vì họ lo Tết của họ thì lấy ai lo Tết cho… người giàu? Trẻ em mốt lớn lên chắc chỉ nhớ nhất mấy cửa hàng sale ngày Tết, tha hồ đòi đồ chơi quần áo, nhiều hơn ngày thường thôi chứ chắc chúng cũng chả thiếu thứ gì. Thật ra người lớn cũng chẳng khá hơn. Ðịa điểm họ “ám ảnh” nhất những ngày gần Tết một là siêu thị hai là… quán nhậu. Không mua sắm thì họp mặt Tết có gì vui đâu!
Thèm quá trời cái mùi hăng hăng của củ kiệu sống, cái vị đắng chát của tim sen, mùi ẩm mốc trộn mùi long não của quần áo cũ, những cái chén mém bằng tuổi mình. Bao giờ cho đến… ngày xưa? Bông thì thôi nhắc tới thêm buồn. Giờ ai rảnh chăm mai đón Tết, thích thì có dịch vụ cho thuê cây mai chưng mấy bữa Tết. Còn bến hoa Bình Ðông thì ế mà toàn khách chen chúc đi… chụp hình. Mà giờ hết lụt đến hạn, trồng vụ hoa cũng đỏ tai gai mắt. Ôi… lung linh nước mắt nông dân! Mùi Tết giờ sao mặn quá trời!
Tôi chưa có già, dĩ nhiên cũng không còn trẻ. Không khéo tay cũng chẳng có ai để vòi vĩnh. Thì thôi cũng bày đặt là người giàu mấy bữa, tình tang với thiên hạ coi cái thú mang tên “sắm Tết” nó đau thương cỡ nào mà mỗi khi nhắc đến Tết là mặt ai nấy thấy đỡ vui hẳn!

Sài Gòn, nhắc tới cái tên đã thấy “con nhà giàu” tuy không biết sao có công tử Bạc Liêu, thiếu gia Hà Nội, đại gia Việt kiều, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh… chứ không có nhiều danh hiệu đó gắn kế chữ Sài Gòn. Sài Gòn trên mặt báo đầy cướp giết hiếp các loại trong khi mấy cái đó không có người Sài Gòn nào gây ra. Giờ định giới thiệu về cái siêu thị tôi thích, cũng không biết nói nó… ở đâu cho đặng. Thôi thì tính bằng chân đi nửa ngày, tính bằng xe đi ba mươi phút từ nhà tôi vậy.
Nói tới siêu thị thì Sài Gòn (lại Sài Gòn) cả tỷ cái từ nhỏ đến siêu nhỏ, số siêu thị lớn thường được đầu tư từ nước ngoài được chăm chút từ cung cách phục vụ. Trong các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam, đa số là từ Thái Lan, Nhật và Hàn Quốc thì các siêu thị của Nhật, Thái được ưu tiên hơn hẳn. Dĩ nhiên mỗi nơi đều có phân khúc khách hàng khác nhau nhưng các siêu thị Việt hầu như người ta chỉ vào mua hàng tươi sống vì lợi thế vị trí và phân bố, sự tiện lợi trong việc “sọt ra sọt dzô”, gửi xe và… vắng vẻ. Còn mua thực phẩm đóng gói, đông lạnh, nguyên liệu chế biến, đồ gia dụng hay sắm sửa gì thì ít ai chọn những cái tên có vẻ thuần Việt hay quen tai. Ðặc biệt là sau vụ bảo trợ nước mắm dỏm của hội bảo trợ người tiêu dùng của nhà nước. Các siêu thị 100% vốn “ma dê in Việt Nam” thường là lựa chọn sau cùng trong vô số lựa chọn. Một phần siêu thị Việt thì không có lấy nổi một lời chào, siêu thị ngoại thì đi đến đâu thì có người chào đến đó, từ nhân viên đến ông chủ cũng cúi rạp người chào khách hàng ( nhất là mấy cái siêu thị Nhật); nếu thấy bạn tay xách nách mang sẽ có người phụ đưa hàng ra tận cửa, điều khó thấy trong các siêu thị gắn mác nội địa. Giá cả cũng chỉ chênh lệch với giá hàng Việt Nam từ 5% – 10% mà phẩm chất thì hơn hẳn. Cho dầu bán trong các siêu thị Thái, Nhật là hàng made in China nhưng chất lượng vẫn bỏ xa hàng made in China trong các siêu thị Việt Nam.
Tôi ít đi siêu thị, thích đi chợ cho có vẻ bon chen và… truyền thống, chỉ đi khi cần mua những thứ cần thiết hoặc vào ăn uống lúc muốn nhanh gọn lẹ. Và thường chọn các siêu thị Nhật. Tôi rất thích cách bài trí thông minh, đơn giản, màu sắc lịch lãm ở các siêu thị này, tông màu chủ đạo thường là trắng và đen, rất sáng sủa. Ðặc biệt, trong các siêu thị Nhật có rất nhiều thứ miễn phí rất thiết thực cho mọi người.

Ði tới đâu cũng có chỗ ngồi miễn phí, ghế bàn đủ loại sạch sẽ và đẹp. Rộng rãi nhưng không chiếm không gian. Tôi đi siêu thị nhiều khi tôi tưởng đi… công viên. Nhưng công viên này có cả chỗ sạc pin miễn phí cho các loại điện thoại di động. “Dịch vụ” này hầu như khá hiếm hoi ở các nơi công cộng hay các siêu thị lớn tại Việt Nam. Các bạn có thể vào đây đi dạo, toilet miễn phí sạch sẽ, wifi và chỗ ngồi sạc pin cũng sạch sẽ và miễn phí dẫu xung quanh rất nhiều hàng ăn, quán cà phê. Nói nghe có vẻ phũ phàng nhưng có nhiều người vô đây chỉ dùng các dịch vụ miễn phí, đi dạo, chụp hình, cho con ăn… nhưng chủ đầu tư không quan tâm điều này, họ còn thấy vui vì sự tấp nập đó. Ðó là cái hay của các doanh nghiệp nước ngoài, họ phục vụ cộng đồng chứ không chỉ phục vụ cho lợi ích kinh tế riêng. Ði các siêu thị Việt, mỏi miệng hỏi toilet thậm chí không có, chỗ ngồi và sạc pin càng hiếm hoi nếu không nói là không có.
Ngoài các dịch vụ miễn phí thì những siêu thị Nhật rất biết “dụ” khách hàng tiêu tiền. Ðó là các cửa hàng đồng giá 40k (40.000vnd ~ 1.6 Mỹ Kim), các mặt hàng từ trang trí nhà, chăm sóc sức khỏe cá nhân đến thời trang nhẹ, rẻ nhưng mới lạ, độc đáo, cũng rất đa dạng. Thú vị là mỗi sản phẩm đều bằng nhau, mua nhiều lại được thưởng. Tôi hình như bị ghiền luôn trò này. Mỗi lần lãnh lương là ra tha hồ lựa hàng rồi bấm ruột bấm gan khi trả tiền vì không nỡ bỏ lại món nào! Ngoài các cửa hàng đồng giá luôn là nơi cháy hàng, thì thiên đường mua sắm là các cửa hàng chuyên bán những mặt hàng nhập cảng từ Nhật Bản. Ngoài ra, đi một vòng siêu thị bạn sẽ thấy người Nhật rất yêu động vật; trong khi đó người ta tổ chức nguyên một cái chợ đời mới trong… sở thú làm dân Sài Gòn phẫn nộ. Mấy con vật bị bỏ đói trơ xương sắp tới sẽ bị hành hạ hàng đêm bằng tiếng nhạc xập xình, tiếng người la ó thì trong các siêu thị Nhật có nhiều cửa hàng bán sản phẩm gắn lô gô “không thử nghiệm trên động vật”. Kèm theo những cẩm nang về bảo vệ môi trường sống cho động vật hoang dã. Chuyện thử nghiệm trên động vật cũng gây khá nhiều tranh cãi nhưng tôi muốn nói là Nhật có yêu động vật cỡ nào cũng yêu con người hơn, họ không dùng động vật thử nghiệm sản phẩm chắc cũng sẽ không dùng con người vào việc đó đâu! Còn ở Việt Nam, động vật vẫn là mối quan tâm hàng đầu, hơn con người một bậc. Ví dụ như chuyện một người dân nghi bị công an đánh chết ở Bình Ðịnh cũng đâu có được báo chí nhà nước quan tâm bằng chuyện bạn hải cẩu ở Bình Thuận nghi bị người ta đánh chết đâu!

Mà cũng phải thôi, chuyện gì hiếm hoi hơn thì mối quan tâm sẽ nhiều hơn! Cũng nên yêu động vật vì…. thịt chúng rất ngon!
DU