Một trong những món “hot” nhất hành tinh hiện thời là thể thao điện tử, Anh ngữ gọi là “E-Sports”. Trong số này có trò chơi người máy đá banh đang lên thanh thế nhanh và thu hút rất nhiều chú ý.

Mỗi bạn người máy này có tốn kém từ $50,000 đến $100,000. Ðể các Robot đủ… tài năng đá banh, ước tính giới lập trình viên phải soạn khoảng 50,000 dòng hiệu lệnh. Kỹ thuật computer hiện đại và các bộ vi xử lý điện tử siêu lẹ giúp Robot đá banh tự xác định vị trí, truy tìm trái banh, cũng như định vị các đối thủ chung quanh ngày càng nhanh và chính xác hơn. Các chân sút người máy nhận dạng quân bạn và phe đối thủ qua màu sắc đồng phục cũng như các kỹ thuật liên lạc vô tuyến với đồng đội, mà Anh ngữ gọi là Wireless Communication (phương cách “bắt tay” và “nói chuyện” giữa các Robot, kiểu như “Ê, tui cùng phe với bạn đó nha!”). Và trái với nhiều ngộ nhận là người máy vô tri giác, cầu thủ Robot có nhiều bộ cảm ứng điện tử Censor giúp chúng chạy, đá banh, thậm chí “cảm” được trái banh gần hay xa mình bao nhiêu. Và như mọi sự khác, người máy đá banh cũng có đủ cỡ đủ loại, nhỏ như chiếc tách gốm uống cà phê, vừa vừa cỡ em bé 2 tuổi, cho đến cao to như người thật. Các cầu thủ Robot tí hon thường chạy lẹ như sóc, đá banh bật như lò xo, và chính xác như cầu thủ nhà nghề thứ thiệt. Còn các chân sút người máy to lớn dềnh dàng lại từ từ như… người lớn, lại thường dễ bị té dúi dụi. Nếu bạn thử xem video các bạn Robot bự con này đá banh có thể rất chán vì chậm như rùa bò, khiến có ví von xem người máy đá banh giống như xem cây… mọc lá.

Cuộc tranh hùng Robot đá banh tầm cỡ thế giới tên gọi là RoboCup được tổ chức hằng năm kể từ 1997. Qua từng kỳ giải đều thấy sự tiến triển rõ rệt cả về kỹ thuật người máy đá banh lẫn tầm vóc cuộc tranh tài. Từ chỗ ban đầu chỉ có 38 đội banh người máy của 11 nước, giải năm ngoái kỷ niệm 20 năm tổ chức tại Bremen (Ðức Quốc), RoboCup quy tụ 500 đội khác nhau xuất xứ từ 45 quốc gia (mỗi đội thường có 4 Robot). Các đội người máy của Ðức thường mạnh áp đảo; kế đến là Nhật; Hoa Kỳ cũng là một thế lực; và dạo gần đây các Robot từ Úc Châu ngày càng lên phong độ. RoboCup tuy tên đầy đủ là “Robot Soccer World Cup”, nhưng còn có nhiều trò chơi khác ngoài thi đá banh chẳng hạng như RoboCupRescue, RoboCup@Home, RoboCup@Work, RoboCup Junior… Cuộc thi RoboCup@Home, như tên gọi, thi tài cao thấp giữa các người máy trong những công việc tạp dịch ở nhà, khởi tranh từ 2006. Còn RoboCup@Work vừa mới ra mắt năm 2016 chú trọng các cuộc thi quanh môi trường làm việc. Giải RoboCup Junior thì dành cho thiếu niên và thiếu nữ, bao gồm 3 trò chơi, ngoài đá banh, còn có người máy nhảy múa và người máy cứu hộ. Các màn thi tài đặc biệt này diễn ra từ 1998 trở nên yếu tố thúc đẩy một chương trình giáo dục năng động tên là BOTBALL. Chương trình này khuyến khích óc sáng tạo nơi các tài năng trẻ và thi triển kỹ thuật thiết kế, chế tạo, lập trình… thế hệ người máy tương lai. BOTBALL phát triển khắp thế giới nhưng phổ biến nhất tại Hoa Kỳ với trên 300 đội người máy của tuổi vị thành niên.


Sở trường của người máy và máy tính là làm toán, có thể giải quyết hằng triệu phép tính và thuật toán phức tạp chỉ trong 1 giây đồng hồ. Từ lâu người máy và máy tính đã qua mặt người thật trong các trò chơi thiên về tính toán chẳng hạn như đánh cờ. Nhưng trò đá banh lại hoàn toàn khác, đòi hỏi người máy không chỉ biết làm toán mà còn có trí khôn kiểu khác, thuật ngữ khoa học gọi là trí khôn nhân tạo (Artificial Intelligence trong Anh ngữ). Ðá banh có nhiều yếu tố bất ngờ như tính chất trái banh, đường banh bay, trọng lượng, chiều gió, mặt sân tốt xấu, v.v… Ðá banh cần cầu thủ có nhiều tố chất kết hợp như di chuyển mau, phản ứng lẹ, đoán hướng banh, chọn thời điểm… Ðây đều là những thách đố gian nan cho người máy ngoài những đòi hỏi căn bản như phát triển lớp “da”, các “khớp xương” nhân tạo, và nguồn năng lượng (với kỹ thuật bình điện hiện nay các Robot chỉ đủ năng lượng đá banh vài phút rồi… run chân). Kỹ thuật Robot đá banh thật sự vẫn còn sơ khai. Các trận banh với cầu thủ người máy chạy khắp sân, chuyền banh như đan lưới, và bắn phá khung thành như mưa vẫn còn là chuyện của… tương lai. Ðá banh đồng đội vẫn còn rất hạn chế. Và các cuộc thi tài chánh yếu xoay quanh thi đá penalty, trình diễn kỹ thuật dẫn banh, v.v… Những năm gần đây đã có nhiều tiến triển rất khả quan. Với các bộ cảm ứng điện tử Censor và dàn camera siêu nét, cầu thủ Robot có thể tự định vị, tìm đồng đội, “nhìn” ra đối thủ, tìm trái banh, hoặc xác định hướng khung thành rất mau lẹ và chính xác. Sự phát triển của công cụ hỗ trợ thế hệ mới như bắp thịt hay khớp xương nhân tạo cũng giúp cải thiện kỹ thuật di chuyển trong tấn công lẫn phòng thủ của cầu thủ người máy gấp bội lần.


Tham vọng của giới thiết kế Robot đá banh là khoảng 15 năm nữa sẽ chế được cầu thủ người máy đủ sức đá banh lọt lưới thủ thành người thật, cũng như thủ thành Robot có thể đón chụp banh do người thật đá. Và chừng 20 năm nữa, các người máy có thể đá banh trong lúc trời mưa gió hay mặt sân bùn sình lầy lội. Thậm chí, trong hiến chương của Robot World Cup Federation, nhà tổ chức RoboCup, có ghi rõ ràng là đến giữa thế kỷ 21, sẽ có một đội banh toàn cầu thủ Robot đá thắng đội banh… vô địch thế giới vào lúc đó. Ðiều này có vẻ xa vời khi hiện nay cầu thủ người máy mới chập chững đá banh như trẻ sơ sinh tập đi, té lên té xuống lia lịa. Nhưng không hẳn là điều viển vông nếu một ngày nào đó các chân sút Robot dàn đội hình nghênh đấu những cầu thủ người thật. Dự báo trong tương lai gần người máy sẽ hiện diện khắp nơi trong đời sống, nên chuyện Robot đối diện con người trên sân banh không hẳn là điều bất khả thi.

TTD