Menu Close

Biểu một cõi cà phê

Một số khách lựa chọn ban công ở tầng 2 để ngồi, mặc cho cái không gian ấy nằm lọt thỏm giữa các khu chung cư...
Một số khách lựa chọn ban công ở tầng 2 để ngồi, mặc cho cái không gian ấy nằm lọt thỏm giữa các khu chung cư…

Nói về cà phê Biểu ở Hà Nội, người biết cũng không ít mà cũng không nhiều. Không ít dành cho những người có tính quái quái, là lạ, không nhiều bởi quán cà phê không mang tính đại trà, chỉ dành vỏn vẹn một góc nhỏ trong một không gian cũng nhỏ và tiếng loa mở cũng rất nhỏ để bán một ly cà phê nho nhỏ rất riêng, rất Đà Lạt giữa lòng Hà Nội.

Biểu là một nhà thơ, ký bút danh Bỉm, là một trong ba thành viên của nhóm thơ Mộc tại Sài Gòn, Biểu cũng tổ chức nhà xuất bản tự do tên Tùy Tiện và là bạn của chúng tôi. Những năm đầu thập niên 2010, Bỉm lang thang Sài Gòn, Ðà Nẵng, Huế, Hà Nội, có thể nói rằng Bỉm đi chẳng có điểm dừng. Và gia đình Bỉm ở Lâm Ðồng chỉ biết Bỉm còn sống qua những cuộc điện thoại, ba mẹ Bỉm rất thương con, thấy con mình lang bạt kỳ hồ, sợ anh chàng này đói, muốn gởi tiền cho, mỗi lần nghe điện thoại của ba mẹ thì anh chỉ cười, nói “ba mẹ yên tâm”. Rồi cứ tiếp tục đi.

Chủ quán đang rang cà phê
Chủ quán đang rang cà phê

Ra Hà Nội, Bỉm gặp cô gái Bắc Kỳ, hai người bén duyên thành vợ chồng, “nghiệp cà phê” của Bỉm bắt đầu từ đó. Có thể nói câu chuyện cà phê của Bỉm có chút gì đó tương đồng với câu chuyện cà phê của chúng tôi, mà chúng tôi thì chỉ dừng ở ý tưởng cà phê gánh, thuê mấy nhỏ sinh viên làm ngoài giờ, gánh đến những điểm văn phòng để bán. Sau này thấy có quá nhiều vấn đề mệt mỏi và tội nghiệp cho các em sinh viên vì văn phòng thời nay chẳng thể là nơi đáng tin cậy, đảm bảo các em không bị xúc phạm hay trêu ghẹo bất khiếm, chúng tôi tạm dừng mặc dù có nhiều tiếc nuối. Còn Bỉm tiếp tục đi theo nghiệp cà phê đầy kỳ thú của mình.

Cà phê, trước hết phải thật!

Ở Hà Nội, Bỉm thiết kế một chiếc xe đẩy bằng gỗ, chở cà phê đi đến từng nhà để bán cà phê sạch, sau đó là một chiếc xe đạp để tiện di chuyển. Nguồn cà phê sạch do em trai của Bỉm ở Ðà Lạt gởi ra hằng tháng. Cứ sáng ra, chừng 4 giờ, anh chàng đẩy chiếc xe cà phê ra đường. Bỉm kể:

– Ban đầu quán của Bỉm là một chiếc xe lưu động. Sau này mới có chỗ để đặt bàn ghế và chiếc xe thành “kỷ vật”.

Một góc xay và pha cà phê ở tầng 1 của quán Biểu
Một góc xay và pha cà phê ở tầng 1 của quán Biểu

– Quán cà phê của anh khá lạ, nói chung là không đụng hàng. Anh có triết lý gì về cà phê không?

– Nói triết lý thì nghe to tát quá, chỉ đơn giản đây là một điệu sống. Ðầu tiên, tôi định làm quán cà phê như thế này tại Lâm Ðồng. Vì ở đó có sẵn nguồn cà phê của gia đình  trồng nên thuận tiện hơn nhưng nghiệt nỗi không ai ủng hộ ý tưởng này nên quán mở ra cả năm trời chỉ bán được đâu chừng ba chục khách, toàn anh em văn nghệ. Vậy là lang thang khắp nơi, bữa đói bữa no để tìm hiểu và nuôi ước mơ. Với tôi, quán cà phê này là để sống chứ không chỉ dừng ở để kinh doanh. Kiểu bán của mình cũng hơi kỳ cục.

– Sao anh gọi là ‘kỳ cục’?

Một vài đầu sách ở quán Biểu
Một vài đầu sách ở quán Biểu

– Thì cũng đơn giản thôi, chị thấy đấy, quán tôi nằm ngay trong khu chung cư, nhìn chung thì nơi đây cũng còn nhếch nhác và ồn ào. Nhưng khi bước vào quán cà phê của tôi thì dường như không gian hoàn toàn khác, ít ai nói chuyện, nếu có nói thì cũng rất khẽ, không có hút thuốc lá mặc dù tôi không hề ghi bản yêu cầu đừng hút thuốc. Quán bán giá một ly cà phê không rẻ nhưng bảo đảm ngon, ví dụ như ly hạng đắt nhất là 90 ngàn đồng, dùng ly do Nhật sản xuất theo phong cách trà đạo, ai tự mang ly tới thì tôi giảm còn 50% giá bán. Tôi đặc biệt dị ứng với lễ lạt nên không có chương trình khuyến mãi vào những ngày này, chỉ giảm giá 50% cho ai mang tách tới thôi! (cười). Và quán của tôi là một quán trình diễn, mặc dù rất tĩnh lặng!

– Vụ trình diễn này nghe ra rất hấp dẫn, anh nói rõ đi!

H7

– Cả khách và chủ quán đều trình diễn, tôi thì trình diễn kỹ thuật rang xay cà phê, những nhân viên của tôi thì trình diễn kỹ thuật pha chế. Chúng tôi trình diễn theo cách riêng của mình, có động tác, điệu bộ, tất cả các động tác này được kết hợp, phối ngẫu giữa điệu bộ hát tuồng, hát bộ và các động tác võ thuật, thỉnh thoảng kết hợp thêm động tác của khiêu vũ. Chúng tôi trình diễn trên nền nhạc trữ tình Tiền chiến mà vẫn ra được động tác, vẫn gây chú ý và làm khách hàng thích thú. Ban đầu người ta ngỡ ngàng nhưng về lâu về dài thì quen và khách hàng cũng chuyển sang trình diễn luôn.

– Khách hàng trình diễn như thế nào anh?

– Có một chuyện rất buồn cười trong thế giới lộng giả thành chân này là những gì người ta sống thật sẽ dễ dàng thành trình diễn, còn những gì hoa hòe hoa sói thì cứ ngỡ như thật. Quán cà phê này có những đôi tình nhân sống rất dễ thương, họ là những trí thức tự do, họ thường chở nhau đến đây vào lúc 9 giờ sáng, có bữa thì họ mặc trang phục truyền thống của Việt Nam như áo dài khăn đóng, có bữa thì veston. Nhưng đa phần là mặc áo quần Samurai của Nhật Bản, mang guốc mộc và đến đây để vừa nhâm nhi cà phê vừa đọc sách rồi về. Có bữa còn mang theo cả một thanh kiếm giả, nhìn rất vui, họ sống thật với sở thích và thú vui của họ, không ai phiền ai, và nhiều người sắm hẳn một bộ tách để đến đây uống cà phê.

Phía trước quầy pha chế của quán, một không gian không mấy rộng rãi nhưng cũng đủ để những người thích “sống thực” tìm đến với Biểu
Phía trước quầy pha chế của quán, một không gian không mấy rộng rãi nhưng cũng đủ để những người thích “sống thực” tìm đến với Biểu

– Tôi thấy cà phê của anh cũng mắc, chỗ thì quá chật chội, sao người ta vẫn tới đây uống rất đông, thậm chí là ngồi chật như nêm. Anh có bí quyết gì không?

– Cái này thì khoe mẽ với chị một chút, bí quyết nằm ở sự thật. Ðến đây người ta được uống cà phê thật, ứng xử đúng với con người thật và xài đồ thật, từ ly tách cho đến mọi thứ đều không phải là hàng đểu do Trung Quốc sản xuất. Chính vì mọi thứ đều thật sẽ tạo cảm giác an toàn… Nói cho cùng, uống cà phê là một thú vui tao nhã, nên cà phê, trước nhất phải thật cái đã!

Một góc đọc lạ

Có thể nói rằng quán cà phê rộng chưa đầy 40 m2, tổng diện tích cả hai tầng chưa tới 80 m2 trong đó hơn một nửa không gian dành cho những chiếc cối rang xay cà phê và hạt cà phê ở tầng 1, tầng hai thì hơn một nửa diện tích dành cho quầy pha chế, không gian của khách chỉ còn xúm xít quanh bộ phản gỗ ở tầng trệt và những chiếc ghế đẩu gỗ ở tầng 2. Một ban công nhỏ đặt năm chiếc ghế đẩu gỗ sát nhau, khách ngồi nhâm nhi cà phê nhìn xuống con hẻm bên dưới khu chung cư và nếu thấy chán thì vào kệ sách tìm một cuốn nào đó.

Sách ở quán cà phê Biểu (tên quán, cũng là tên thật của Bỉm) chủ yếu là sách văn học nước ngoài và sách của các nhà xuất bản ngoài luồng như Giấy Vụn, Lề Bên Trái, Tùy Tiện, Ethopia, Da Vàng… Và kệ sách cũng không lớn lắm nhưng có thể nói rằng khá đầy đủ khi nhắc đến vấn đề tiến bộ, dân chủ và nhân quyền. Hỏi thăm về việc viết lách của anh lâu nay, Bỉm chỉ cười: “Lâu nay tôi vẫn viết, nhưng chưa có cuốn sách nào vì cuốn sách lớn nhất của tôi là quán cà phê này”.

Khi mọi thứ lộng giả thành chân, không hiếm những biển hiệu quảng cáo ‘cà phê hạt rang xay tại chỗ’ thế này xuất hiện.
Khi mọi thứ lộng giả thành chân, không hiếm những biển hiệu quảng cáo ‘cà phê hạt rang xay tại chỗ’ thế này xuất hiện.

– Anh nghĩ rằng quán cà phê Biểu là một cuốn sách lớn của anh?

– Ðúng vậy, không có cuốn sách nào của cuộc đời tôi có thể đưa độc giả đến việc sống thật, sống sạch và dám sống như quán cà phê này. Tôi đã nuôi ước mơ này từ lâu, nó rất lập dị và tôi tin là nó có giá trị.

Câu chuyện tạm ngưng, tôi ngồi nhâm nhi ly Capuchino theo phong cách Ý và ngắm mấy anh em nhà Bỉm trình diễn. Phải nói thật một điều là cách trình diễn này đã đạt đến một công phu nhất định, ví dụ như tư thế lắc cà phê để tạo bọt, cả thân hình của người pha chế rung lắc giống như một tư thế Dịch Cân Kinh có pha thêm khiêu vũ. Còn Bỉm rang cà phê có cảm giác như cả anh và cà phê đang nhảy múa. Nhìn rất hay và thú vị. Có lẽ nhờ vậy mà giới trí thức tự do và giới trẻ có quan tâm đến nghệ thuật, chính trị lại ưa tìm tới của quán Bỉm hoặc quán Lốc của facebooker Sở Bá Vương. Hy vọng rằng tôi sẽ giới thiệu về quán của chị Sở Bá Vương được thật đầy đủ trong một dịp nào đó!

Anh chàng Biểu (nhà thơ Bỉm) với ‘reng reng cà phê’ những ngày đầu ở Hà Nội được cư dân mạng lan truyền vào năm 2012. Hình internet năm 2012.
Anh chàng Biểu (nhà thơ Bỉm) với ‘reng reng cà phê’ những ngày đầu ở Hà Nội được cư dân mạng lan truyền vào năm 2012. Hình internet năm 2012.

UC