Nhà văn Kinh Dương Vương tên thật NGUYỄN TUẤN KHANH, sinh năm 1941, tại Nam Vang
Quê cha: Xuân Lũng – Vân Cương – Lâm Thao – Phú Thọ. Quê mẹ: Tịnh Thới – Cao Lãnh – Sa Đéc (Đồng Tháp)
Bút danh Hội họa: Rừng
Bút danh viết văn: Kinh Dương Vương
Bút danh thơ: Dung Nham
Trước 1975: Viết các báo Bách Khoa, Văn, Văn học, Ý Thức, Tân văn… Sài Gòn
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1964, ông là giáo sư hội họa của Trường Sư phạm Quy Nhơn; nguyên hội viên Hội Họa sĩ trẻ Sài Gòn… Hiện Kinh Dương Vương định cư ở California.
Kinh Dương Vương nổi tiếng về truyện ngắn từ trước 1975. Truyện của ông lạ, đặc sắc được nhiều người ưa thích. Độc giả Báo Trẻ cũng đã được biết Kinh Dương Vương qua truyện Đường Kiến. Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu một truyện đẹp và thơ mộng của Kinh Dương Vương: Truyện “Quà Sinh Nhật”.
NGUYỄN & BẠN HỮU
Quà sinh nhật
Viết tặng sinh nhật đầu con trai thứ yêu dấu của bố mẹ: Nam Quan 23.12.19… KDV
Từ trường về nhà, Lâm chạy thẳng xuống bếp tìm vợ, khoe:
– Anh có cái nầy, hay lắm.
Mây đang nấu cơm. Dưới mái tôn nóng, hơi lửa làm hai má nàng đỏ hồng. Mồ hôi rịn ra ở đỉnh trán bết những sợi tóc con. Mây bận ghế cơm, trước khi Lâm xuống đến đứng bên nàng, nghe tiếng chân chồng từ nhà trên, nàng đã vội ngẩng lên. Hai mắt Mây long lanh, miệng tươi cười, giọng nàng lúc nào cũng như reo lên mỗi lần Lâm đi đâu về, dầu chỉ trong chốc lát:
– A! Bố về! Hôm nay bố về sớm. Nghỉ hai giờ sau hả bố?
Lâm nhìn vợ, đúng lúc một giọt mồ hôi đọng ở thái dương nàng chảy xuống, lăn dài theo triền má. Lâm lấy khăn tay thấm cho vợ rồi lặp lại câu nói:
– Ðố em biết cái gì đây?
Bắc nồi cơm lên bếp xong, Mây quay lại chồng, thấy chàng đang giơ cao vật đố lên, nhánh lá trúc đào trên đó đong đưa một vật-nhỏ-lóng-lánh. Mây đưa tay định sờ, Lâm vội thụt lùi mấy bước, kêu lên:
– Ấy! Ấy! Ðừng! Bồ ơi! Lâm đưa nhánh lá lên cao quá tầm tay. Ðừng sờ vào, hỏng mất. “Xem bằng mắt chớ bắt bằng tay”. Em không thấy “cái này” mỏng manh lắm sao?!
Mây vẫn cười, nhìn chồng trêu chọc. Nàng bước theo, đưa tay vờ chụp. Lâm chạy tuốt ra sau vườn:
– Anh đã bảo đừng có sờ tới mà. Chỉ được nhìn thôi.
Mây đuổi theo ra. Hai người đứng dưới giàn mướp, quả thòng xuống đụng đầu. Mây dịu dàng nói:
– Nào, đưa em coi, cái gì mà anh quý như vàng vậy?
– Còn quý hơn vàng nữa. Ðộng đến nó mạnh quá, nó sẽ… Không còn là nó nữa.
Vừa nói Lâm vừa đứng xích lại gần vợ, đưa nhánh lá gần mặt nàng:
– Ðây, em xem cho kỹ đi. Ðố em biết là cái gì đấy?
Mây không đứng đối diện với Lâm nữa, nàng bước ra sau Lâm vòng hai tay ôm cổ và cằm để lên vai chồng. Nàng ngắm nhìn cái vật-lạ mà Lâm nói còn quý hơn vàng, thấy nó chẳng quý một chút nào.
Nó xanh màu ngọc bích nếu nhìn toàn thể, nhưng trong vắt, lóng lánh nhiều mầu xen lẫn với nhiều sắc độ. Những sắc độ rất tế nhị của màu lục non, màu biếc và điểm rải rác những chấm nâu nhạt. Thay đổi theo ánh sáng phản chiếu bên ngoài lớp vỏ là một màu hồng phơn phớt. Thoạt trông, vật kia giống một món trang trí, một chiếc hoa tai với những chi tiết cực kỳ tế nhị được tạo thành do tinh thần sáng tạo của một nghệ sĩ chân chính. Nhưng toàn thể hình dạng của nó lại khiến Mây cảm thấy có cái gì không quyến rũ, nếu không nói là đã khiến nàng sờ sợ.
– Con sâu, phải không bố? Mây thỏ thẻ hỏi chồng, không tự tin.
Mây nói mà cằm nàng vẫn dính vào vai Lâm nên tiếng nói của nàng có một âm thanh lạ tai, Lâm cảm thấy nhột. Chàng đứng xê ra, nhưng Mây, hai tay giữ chặt hai bên vai chàng đã bước theo và chiếc cằm nàng vẫn không rời vai chồng.
– Một cái gì đã vượt quá thời con sâu nữa. Không chú ý tới sự tinh nghịch của Mây, Lâm hăng hái đáp lời vợ. Chàng cố ngoái lui để nhìn mặt nàng.
Mây quan sát lại cái hoa tai nho nhỏ mà phần ngoại vi đã cho nàng một cảm giác lạ. Nó giống như một chiếc mặt nạ biểu tượng. Một dấu hiệu báo trước một hiện tượng tương lai, đối với Mây hãy còn mờ mịt. Nó có một phần đầu giống một con châu chấu non có đủ mắt, mũi, râu và một phần thân với những khoanh xếp nếp. Những chiếc chân xếp thuận chiều ép sát vào ngực và hình như một đôi cánh mỏng manh gợn lên những đường sóng mập mờ. Tất cả những thành phần đó đang ở trong tư thế kết hợp, nương tựa một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, để bảo vệ tất cả những thứ xem ra còn quá mong manh kia, chỉ có một lớp vỏ bao quanh như lớp mi-ca mỏng. “Một hình tượng đang tượng thành”. Im lặng quan sát một lúc lâu cái vật Mây cảm thấy đã bớt lạ, đang treo lủng lẳng bằng một sợi tơ trắng mắc vào nhánh lá trúc đào, nàng đi đến kết luận đó.
– Một chiếc kén! Mây chợt reo lên. Rời khỏi vai Lâm, Mây nhìn vào mắt chồng dò hỏi.
– Trời ơi! Lâm hứng khởi, ôm vai Mây bóp siết lại. Vợ anh thông minh ghê. Phải, một chiếc kén!
Một bào thai. Một mầm sống đang hình thành.
Lợi dụng thời cơ, Mây xin xỏ:
– Bố cho em sờ thử… nó, nghe bố?
– Vâng. Mẹ sờ nhẹ nhẹ thôi nhé. Lâm vừa nói vừa đưa mắt lo lắng theo dõi vợ.
Mây bóp chiếc kén giữa hai ngón tay. Cả hai cùng nghe một tiếng “cách” vang lên mơ hồ. Lớp vỏ chiếc kén bị móp nhưng rồi, liền đó trở lại hình dáng cũ.
– Ôi trời! Lâm kêu lên thảng thốt. Chết nó rồi còn gì!
Mây bối rối, vuốt má chồng, giọng lo lắng:
– Em xin lỗi bố. Em tưởng nó cứng lắm, ai ngờ nó mềm thế.
Qua phút sững sờ, Lâm thong thả cùng vợ trở vào nhà. Chàng nói:
– Nhưng sẽ không hề gì đâu, mẹ ạ. Anh biết. Nó có sức bảo vệ của chính nó. Cũng bằng như một cú mổ hụt của mỏ một chú chim sâu chứ gì.
Lâm đem máng cành lá có chiếc kén vào một cây đinh ở góc nhà.
o O o
Chỉ còn đúng một tuần nữa là đến sinh nhật đầu của đứa con trai thứ của Lâm và Mây: bé Nam Quan, Nam Quan sinh năm Sửu, nên hai người gọi con là Nghé Ngọ.
Ngoài bữa cơm giản dị mà hai vợ chồng đã thảo luận kỹ, dành dụm sẵn một số tiền để chi tiêu, mời vài người bạn thân, hai người cùng đồng ý, mỗi người sẽ tự tạo lấy cho Nghé Ngọ “một-món-quà-có-ý-nghĩa-không-mua-bằng-tiền”.
Gần đến ngày, Lâm lo lắng hỏi vợ:
– Mẹ có quà cho con chưa?
– Có rồi.
– Gì vậy mẹ?
Mây nhìn chồng, cười tinh nghịch:
– Bí mật mà, làm sao nói ra được! Còn bố?
– Chưa! Buồn bã, Lâm trả lời vợ. Hay để anh vẽ cho con một tấm chân dung nhé?
– Tuyệt! Nhưng em muốn một cái gì lạ hơn và đừng có vẻ “cây nhà lá vườn” quá như vậy.
Lâm tiu nghỉu:
– Vậy anh biết lấy đâu ra quà đó bây giờ?!
Mây thương hại chồng:
– Hay bố cứ vẽ cho con tấm “Chân dung” đi đã.
Lâm trầm ngâm hồi lâu. Thốt nhiên chàng níu lấy vai Mây nhảy cỡn lên:
– Anh có rồi! Anh có quà cho con rồi! Ha! ha! Tuyệt diệu! Tuyệt diệu!
Mây cũng vui lây, sung sướng nhìn chồng:
– Quà gì vậy, bố? Cho em biết với được không?
– Bí mật! Bí mật! Thiên cơ bất khả lậu.
Nhưng rồi niềm vui của Lâm kéo dài không lâu. Hai hôm rồi ba hôm trôi qua. Sinh nhật bé Nam Quan tới gần, chàng đâm lo.
– “Biết có kịp không đây”. Lâm nghĩ thầm. Hàng ngày, mỗi buổi đi dạy về, chàng dừng lại ngắm chăm chú cành lá trên đó chiếc kén vẫn câm nín như một vật vô tri. Những chiếc lá đã bắt đầu vàng úa, rồi khô dần trở màu xám tro sẫm. Ðêm đến, chờ cho Mây đi ngủ, Lâm lấy nhánh lá xuống và ngắm nghía chiếc kén. Chàng đưa cao ngang tầm mắt, dùng ngón tay trỏ lung lay cho chiếc kén đu đưa nhè nhẹ. Chàng nhìn chiếc kén, ánh mắt thầm chờ đợi.

(Xem tiếp trong kỳ tới)