Ông Donald Trump sẽ chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ sau khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 Tháng Giêng. Để điều hành tất cả các công việc của hành pháp, ông Trump cần một nội các bao gồm các vị bộ trưởng và giám đốc của nhiều cơ quan thuộc nhiều ban ngành khác nhau. Có được một nội các sẵn sàng giúp ông điều hành hay không, là còn tuỳ thuộc vào tiến trình chuẩn thuận nhanh hay chậm bởi Thượng viện Hoa Kỳ. Và đó là những sự kiện được giới truyền thông cũng như người dân chú ý và theo dõi tại quốc hội trong suốt gần hai tuần trước khi ông Trump lên nắm quyền.

Theo luật Hoa Kỳ, được ghi rõ trong điều khoản 2 phần 2 trong hiến pháp, tất cả các viên chức trong nội các chính phủ – từ các bộ trưởng cho tới giám đốc các cơ quan, ngoại trừ chánh văn phòng phủ tổng thống và các cố vấn – bắt buộc phải được thượng viện chuẩn thuận qua một tiến trình nhiêu khê và mất thời gian, trong đó có những việc quan trọng như điều tra hồ sơ cá nhân cũng như phải trải qua những phiên điều trần tại thượng viện.
Trong tuần qua, một trong những câu chuyện thời sự được dư luận chú ý và bàn tán nhiều nhất là phiên điều trần của ông Rex Tillerson, người được ông Trump đề cử giữ chức ngoại trưởng trong tương lai. Tại phiên điều trần này, khi được hỏi về tình hình Biển Ðông, cựu tổng giám đốc của công ty năng lượng ExxonMobil đã nói thẳng không úp mở rằng tham vọng làm chủ khu vực Biển Ðông của Trung Quốc với việc ngày càng tăng cường sự hiện diện quân sự của họ cũng như xây dựng những hòn đảo nhân tạo tại đây “cũng giống như việc chiếm đóng bán đảo Crimea của Nga vậy.”

Ông Tillerson còn nói thêm rằng Hoa Kỳ cần phải có những chính sách mới quả quyết hơn trong việc ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với những hòn đảo này, nơi hiện nay qua các phóng ảnh vệ tinh cho thấy đã có sẵn những bãi đáp cho những loại phi cơ vận tải loại lớn cũng như được trang bị một số hệ thống súng phòng không và hỏa tiễn.
Nguyên văn của Tillerson tại phiên điều trần: “Chúng ta sẽ phải gửi tới Trung Quốc một tín hiệu thật rõ ràng rằng, trước hết, hãy ngưng việc xây dựng đảo, và thứ nhì, sẽ không được phép tiếp cận những hòn đảo đó.”
Lời tuyên bố trên của Tillerson cho thấy có thể nói chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực Biển Ðông nói chung và với Trung Quốc nói riêng sẽ “diều hâu” hơn, đi ngược hẳn với chính sách hiện nay là thiên về các giải pháp ngoại giao.
Rex Tillerson không nói rõ là Hoa Kỳ sẽ làm gì để ngăn cản Trung Quốc đến những hòn đảo này, nhưng nếu như điều này xảy ra thì có nhiều khả năng là Hoa Kỳ sẽ sử dụng tàu chiến để phong tỏa khu vực – một việc làm thường được xem như là hành động gây chiến.
Ðể phản ứng lại, chính phủ Trung Quốc đã cho một số cơ quan truyền thông của nhà nước lên tiếng cho biết là phía Bắc Kinh cũng đã nhìn ra được điều đó.

Tờ Hoàn cầu Thời báo, một phiên bản của tờ Nhân dân Nhật báo, tiếng nói chính thức của đảng cộng sản Trung Quốc, trong một bài quan điểm cũng đã nói thẳng: “Trừ phi Washington có ý định phát động một cuộc chiến mở rộng tại Nam Hải (Biển Ðông), bất cứ toan tính nào để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với các đảo sẽ là hành động ngu xuẩn.” Bài quan điểm với những lời lẽ hung hăng cũng không ngần ngại bàn đến khả năng về một cuộc đối đầu quân sự trong tương lai nếu xảy ra. Bài báo viết: “Tillerson hãy sẵn sàng chuẩn bị cho những chiến lược quân sự của một cường quốc nguyên tử [ý nói Hoa Kỳ] nếu như ông ta muốn ép buộc một cường quốc nguyên tử lớn khác [ý nói Trung Quốc] phải rút quân ra khỏi lãnh thổ của họ.”
Tuy nhiên, phản ứng chính thức từ phía chính phủ Trung Quốc mềm mỏng hơn, với một giọng điệu cũ vẫn có từ trước là “Trung Quốc có toàn quyền để tiến hành tất cả mọi hoạt động theo đúng luật pháp trong vùng lãnh thổ của mình” và không nói thêm là chuyện gì sẽ xảy ra sau khi ông Tillerson trở thành ngoại trưởng và xoay chuyển chính sách đưa tới một cuộc phong tỏa thực sự.
Các nhà quan sát cho rằng một cuộc đối đầu quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong vùng biển này khó có thể xảy ra vì quyền lợi kinh tế của cả hai phía, và nếu như có chiến tranh thì cả hai đều gặp bất lợi. Tuy nhiên, về tầm chiến lược của khu vực Biển Ðông đối với Trung Quốc thì quan trọng hơn nhiều so với Hoa Kỳ vì dù sao đây cũng là khu vực nằm sát nách họ, là cửa ngõ để Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng ra với thế giới, với hơn một phần ba hoạt động giao thông đường biển đi qua khu vực với trị giá hàng hóa lên đến 5 ngàn tỉ Mỹ kim mỗi năm, trong đó hàng xuất cảng của Trung Quốc chiếm một số lớn, và là vùng biển được tiên đoán có trữ lượng dầu hỏa khoảng 7 tỉ thùng. Vùng biển này đã từng là điểm nóng của các quốc gia trong khu vực từ nhiều thế kỷ nay, nhưng trong mấy năm gần đây với việc lấn chiếm ngày càng thô bạo của Trung Quốc thì tình hình càng thêm căng thẳng. Với lời tuyên bố mới đây của ông Tillerson, nhiều người cho rằng khu vực Biển Ðông sẽ là một trong những điểm nóng nhất trong bang giao quốc tế của năm 2017.

Chính sách của Washington dưới thời Tổng thống Obama là tiếp tục gửi các tàu chiến hải quân của Hoa Kỳ đi qua khu vực và làm ngơ về cái gọi là “vùng cấm bay” mà phía Bắc Kinh tự công bố. Mặc dù vậy, trên thực tế, Hoa Kỳ đã không có một chính sách rõ rệt để ngăn chặn hay ít ra hạn chế việc Trung Quốc ngang nhiên chiếm cứ và xây dựng các tiền đồn quân sự trên các bãi cát và đá ngầm tại Biển Ðông, cũng như đã bỏ lỡ cơ hội để lên tiếng mạnh mẽ hơn đòi hỏi Trung Quốc phải thực thi phán quyết của tòa trọng tài quốc tế đưa ra trong Tháng 7 vừa qua nói rõ là việc Trung Quốc tự nhận chủ quyền lãnh thổ tại Biển Ðông là trái luật.
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu như Hoa Kỳ quyết định sử dụng tàu chiến để phong tỏa khu vực?
Theo nhận định của Jessica Chen Weiss, một học giả chuyên nghiên cứu về chính sách bang giao Trung Quốc, thì điều tối thiểu Trung Quốc có thể làm là sử dụng một lực lượng quân sự ở mức giới hạn để gửi đi một tín hiệu rằng họ sẵn sàng. Nhưng tất cả là còn tùy thuộc vào tình hình lúc đó vì chưa thể đoán được là một khi Rex Tillerson trở thành ngoại trưởng thì ông có còn tiếp tục theo đuổi chính sách về Biển Ðông như lời tuyên bố của ông hay không. Tuy nhiên, nếu nhìn lại những việc làm của Tillerson trong quá khứ thì ông đã từng có một vài va chạm nhỏ với Trung Quốc. Trong khi đang điều hành công ty ExxonMobile, Tillerson đã không ngần ngại mở mang việc kinh doanh vào khu vực Biển Ðông, và là một trong số ít công ty khai thác dầu khí quốc tế chịu làm ăn với chính phủ Việt Nam trong vùng biển đang có tranh chấp với Trung Quốc trong khi một số công ty khác đã rút lui khỏi thỏa thuận hợp tác với Việt Nam sau khi bị Bắc Kinh gây áp lực.
Bằng vào hành động trên, ta có thể phần nào tin rằng Rex Tillerson sẵn sàng thách thức và đối đầu với Trung Quốc hơn là một người nào đó chưa từng có kinh nghiệm thử phản ứng của Trung Quốc trong vấn đề bang giao quốc tế.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận là phía Trung Quốc không có nhiều lựa chọn và chắc chắn họ không thể lùi bước nếu như trong trường hợp cả hai bên đều không chịu nhường nhịn nhau. Ðối với Trung Quốc, vấn đề không chỉ ở chính sách hay sĩ diện quốc tế mà còn ở vấn đề đối nội. Những tiếng nói chống đối ngấm ngầm sẽ không bỏ lỡ cơ hội để làm mất uy tín của chính phủ Trung Quốc hiện nay trong dư luận quần chúng.
Một cuộc hải chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn có nguy cơ xảy ra.
VH