Menu Close

Chợ Tết quê nghèo

H2

Tới ngã tư Quán Gò, thuộc địa phận huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, quẹo hướng núi và đi thêm đoạn đường dốc cao dần về phía Tây, một con đường cho cảm giác đang đi ngược vào một quá khứ nào đó, con đường heo hút, có dáng hơi giống đường lên Phật Viện Đồng Dương, một con đường mà càng đi sâu vào núi, càng nghe rõ âm thanh sarnai phát ra từ rừng thiêng, nghe tiếng tù và thê thiết và nghe cả tiếng trống Baranưng ma quái đang rất gần.

Ðến chợ Ðo Ðo, cảm giác đầu tiên là tôi đang bước vào một khu chợ của người Chàm, mặc dù những người bán hàng trong chợ là người Việt. Nhưng nghiệt nỗi, hàng hóa và cung cách mua bán ở đây càng khiến cho tôi tin rằng đây là một phiên chợ Tết của người Chàm!

Cô gái này bảo mỗi ngày kiếm được khoảng 50 ngàn đồng (xấp xỉ 2.3 USD) nếu người ta mua nhiều.
Cô gái này bảo mỗi ngày kiếm được khoảng 50 ngàn đồng (xấp xỉ 2.3 USD) nếu người ta mua nhiều.

‘Đo Đo’ có từ bao giờ?

Tôi nhớ đến một nhóm người Chàm đang ở gần nhà tôi, họ là những người Chàm còn sót lại của lịch sử, bị ngược đãi trong thời kỳ “mười ba vua chín chúa” nhà Nguyễn, không có đất để canh tác. Khoảng hơn 100 năm trước, họ được một cụ Nghè cho nhập họ, làm con cháu để có đất canh tác, có nơi để dừng chân. 100 năm, những người này kết hôn với người Kinh, sinh con, sinh cháu, lấy theo họ mới, họ chẳng còn nhớ đến gốc Chàm của mình, có thể cũng vì họ quá ít để nhớ. Mọi chuyện chỉ được biết đến khi con cháu cụ Nghè đọc lại gia phả của tổ tiên.

Giữa rừng núi vi vu tiếng gió, cái cảm thức Tết với những ngày cuối tháng Chạp làm người ta thấy chợ Ðo Ðo đẹp lạ lùng. Một ngôi chợ quê với một cặp trâu phía trước, một đàn vịt phía sau, một đàn gà tung tăng bên trái và lại thêm một đàn vịt cáp cáp cạp cạp bên phải. Hỏi ra mới hay, chúng là của những người bán hàng trong chợ, họ ngồi đây từ sáng tận tối, ai cũng mua thêm đàn gà, đàn vịt nuôi thêm để kiếm tiền. Nhưng lạ thay, những vật nuôi kia không làm cho ngôi chợ trở nên nhếch nhác, hôi bẩn, nó cho người dừng chân cái ấm cúng của quê nhà, thuở cây đa, bến nước, theo kiểu “ơ kìa đàn gà con lông vàng, đi theo mẹ tìm ăn trong vườn.”

 Chợ chẳng có gì ngoài ít trứng, rau, củ quả và một vài lạng tôm, ký thịt...
Chợ chẳng có gì ngoài ít trứng, rau, củ quả và một vài lạng tôm, ký thịt…
Ai cũng cười để có những tấm ảnh đẹp nhất mà Uyển Ca sẽ đi rửa ảnh và mang tặng.
Ai cũng cười để có những tấm ảnh đẹp nhất mà Uyển Ca sẽ đi rửa ảnh và mang tặng.

Cái ngôi chợ được xây dựng bằng vài cái cột bê tông, lợp mái tôn và vẽ chữ Ðo Ðo ấy, đó là nơi mưu sinh của gần 30 ‘tiểu thương’ nơi đây. Lý giải về cái tên Ðo Ðo, cho đến giờ nhiều người vẫn thiên về câu chuyện của một cụ già kể lại, chuyện là ngày xưa chợ Ðo Ðo này là nơi tập trung hàng hóa của cả một vùng, buôn bán tấp nập lắm, một hôm có người đi xin ăn lăn ra chết giữa chợ, nhưng ai cũng sợ, chẳng ai đi chôn người này, cuối cùng, ông quan huyện đến đo đi đo lại xem người kia chết ở địa phận xã nào, từ đó người ta gọi chợ bằng cái tên Ðo Ðo.

Vậy, nhưng tôi phải đặt lại câu hỏi về cái tên Ðo Ðo, bởi từ Gò Phật kéo dài đến Tam Kỳ, xưa kia đây là đất của thị tộc Dừa của người Chàm sinh sống. Dần dà theo thời gian, thị tộc này bị đẩy đi, nhường đất cho người Kinh sinh sống, họ lưu lạc về đâu, bây giờ có lẽ phải nhờ những người nắm lịch sử Chăm Pa cuối cùng cho biết. Thế nhưng, sự nghi ngờ của tôi hẳn phải có lý do của nó, nhất là khi tôi gặp một cụ già trạc 80 tuổi, đang mang mấy trái bí ra chợ đổi hàng:

– Ông không nghĩ chuyện đó là thật đâu cháu, cái chuyện mà đo lui đo tới thành ra người ta gọi là cái chợ Ðo Ðo.

– Dạ, nãy giờ con nghe mấy cô ở đây kể lại vậy.

Nhiều khi ngồi cả ngày cũng chỉ với vài chục trứng, một ký tôm nhưng chẳng ai ghé tới...
Nhiều khi ngồi cả ngày cũng chỉ với vài chục trứng, một ký tôm nhưng chẳng ai ghé tới…

-Ừ con, chuyện này ông cũng từng nghe, nhưng nhớ hồi nhỏ, ông nội ông kể rằng, cái tên Ðo Ðo này có từ lâu lắm rồi, thuở người ta không phân biệt giàu, nghèo, hàng xóm ai cũng như họ hàng. Mà thử hỏi, nếu con người đã yêu thương nhau thế, sao có chuyện một người không chốn nương thân, khi chết, họ lại đùn đẩy qua về việc chôn người ta mà phải nhờ đến quan huyện đo đất. Ông nghĩ lý giải này không đúng, con thấy đó, thế kỷ 21 rồi mà bà con nơi đây còn đùm bọc nhau thế này thì làm gì có chuyện ngày xưa tệ thế.

– Vậy ông nghĩ sao người ta gọi là chợ Ðo Ðo hả ông?

– Theo ông nội ông diễn giải thì cái tên Ðo Ðo ắt hẳn có từ thời người Chàm ở đây nhiều, thuở mà xứ này trồng cau nhiều hơn trồng chuối, bí, nghệ như bây giờ. Mà tiếng Chàm sau này cũng bị Việt hóa nhiều rồi, hồi xưa cũng có một ông người Chàm về đây nghiên cứu văn hóa Chàm gì đó, ông nói rằng trong tiếng Chàm cái âm Ðo Ðo gần với âm của mấy tiếng Chàm có nghĩa là hái trái như trái cau, trái dừa gì đó. Mà nghĩ cũng lạ, nói chuyện một hồi ông ta cũng làm ông rối trí, ổng nói Ðo Ðo cũng giống với từ gốc Chàm có nghĩa là cố gắng để lấy lại vùng đất đã mất mà cũng có thể là sự buông xuôi sau khi vùng tranh giành không thể cứu vãn và phải lùi vào Nam. Vậy rút cuộc nó có nghĩa là gì? Dù sao thì ông cũng tin Ðo Ðo là từ của người Chàm.

Câu chuyện về nguồn gốc tên chợ Ðo Ðo của chúng tôi dừng lại khi cụ ông đổi bí lấy một cái lược nhựa và 1 cái ly nhựa, cụ nói mang về tặng bà ngày Tết, xong đâu đấy, cụ tạm biệt chúng tôi để về còn trồng thêm giồng nghệ.

Mắm cá mòi được bày bán ở chợ.
Mắm cá mòi được bày bán ở chợ.
Thức quê ngày Tết
Thức quê ngày Tết

Đo Đo – chợ quê ngày Tết

Trở lại chuyện Ðo Ðo, chúng tôi thử hỏi mua ít kẹo ngoại, hoặc chí ít là kẹo Thái nhưng chủ quầy cho biết rằng, ở đây hiếm kẹo ngoại lắm, chủ yếu là bánh thuẫn, bánh in, bánh gai bà con tự làm. Hỏi cuối năm buôn bán được không, cô này cho hay:

– Cũng được hơn thường ngày con à, nhưng cũng không dư dả gì mấy, vì bà con ở đây nghèo lắm.

Người ta bày bán cả tép khô, cá cơm khô - những thức hàng dự trữ cho mùa đông vào những ngày giáp Tết.
Người ta bày bán cả tép khô, cá cơm khô – những thức hàng dự trữ cho mùa đông vào những ngày giáp Tết.

– Con thấy chợ mình cũng gần đường lộ, khách đi ra đi vào cũng nhiều mà.

– Ừ, thấy vậy đó, chứ bà con ở đây đâu làm gì ra tiền mà sắm sửa ngày Tết. Nhà nào nhiều lắm thì có gần hai sào ruộng, quanh năm trồng thêm cây bầu, cây bí, luống rau, giồng nghệ để kiếm thêm thu nhập, được nữa thì lâu lâu có cái búp chuối, mang ra chợ đổi được lạng thịt heo hoặc con cá mắm về hấp cơm ăn thôi, lấy đâu mà sắm Tết cho rình rang… thành ra mình cũng không bán được nhiêu đồng.

– Cô lấy hàng Tết nhiều không?

– Ồ không con ơi, tiền đâu mà lấy hàng Tết về nhiều. Mình chỉ lấy thêm ít nước mắm, ít giấy tờ cúng, ít muối sống, vì mấy thứ này người ta cần nhiều. Có mấy bà bán thịt thì thấy bán thêm được ít, nhưng cũng phải 29, 30 mới bán được, vì lúc đó, con cái người ta đi làm trong miền Nam mới về quê, cho tiền cha mẹ sắm ký thịt về ăn Tết.

Bé gái được mẹ dẫn ra chợ mua áo Tết
Bé gái được mẹ dẫn ra chợ mua áo Tết
Kiếm thêm chút đỉnh từ việc chăn nuôi quanh chợ
Kiếm thêm chút đỉnh từ việc chăn nuôi quanh chợ

– Ở đây mấy đứa nhỏ nghỉ học sớm hay sao mà đi làm miền Nam hả cô?

– Không đâu, ở đây cũng nhiều đứa học tới đại học lắm chứ. Người ta làm tất cả vì con. Có cái gì đổi được là đổi, có việc gì làm là họ làm liền để cuối tháng cho con tiền học. Học được đến đâu, cha mẹ gắng đến đó, có điều là đứa nào học không nổi thì xin cha mẹ nghỉ, vô Nam làm thuê, mấy đứa ra trường không có việc rồi cũng xuôi vào trong đó luôn, thành ra…

– Hình như chợ mình bán cả ngày?

– Ðúng rồi, thường thì 5 đến 6 giờ sáng thì mình dọn hàng ra bán, đến tối mịt mới về. Tết sắp đến rồi nhưng nhiều khi ngồi tới tối cũng không ai sắm sửa gì. Nhưng cô phải ra ngồi vì còn kiếm mấy cái đầu cá, đầu tôm mà cho bầy vịt ăn. Mà cũng ngồi để thỉnh thoảng nghe mấy cụ già trong chợ hát ca dao, hay lắm…!

H1

Nói xong, cô chủ quầy đọc tặng tôi hai câu:

“Khi xa sát ngõ cũng xa

Khi gần Vĩnh Ðiện, La Qua cũng gần”,

(Chắc cô thầm chỉ việc tôi lặn lội từ xứ La Qua lên xứ Ðo Ðo chăng?!)

Dường như không khí Tết xưa còn đâu đó. Có cụ bà ngồi phơi củ kiệu để làm hũ dưa món, có cụ ông chặt nhánh cây bó chổi để quét mạng nhện cuối năm. Người mẹ trẻ đang cấy lúa, giâm thêm giồng nghệ mới, trẻ thơ xúm quanh lò bánh thuẫn mẹ đúc… Tất cả làm nên một bức tranh Tết quê nghèo ăm ắp sương tháng Chạp và ngân ngấn thảo thơm lòng người giữa nơi heo hút này. Và dường như, có một thế giới nào đó còn giấu mình đằng sau thực tại tôi đã đi qua!

Đường lên chợ Đo Đo
Đường lên chợ Đo Đo

UC