Bài 1
Người trẻ
Hầu như mọi chương trình nghiên cứu về kinh tế / xã hội hiện nay đều nhắm đến người trẻ, thế hệ millennium, và so sánh các chi tiết với thế hệ cha mẹ họ, thế hệ “boomer”, những người không còn trẻ.
Thế hệ millennium bao gồm những người sinh trưởng trong những năm 1981-1997; sách vở còn gọi thế hệ này là “Gen Yers” hay “những người trong thế hệ Y”. Ðây là những người khôn lớn trong một thế giới luôn luôn “kết nối” với môi trường chung quanh qua các vật dụng điện tử. Họ được các chuyên gia mô tả là “thích sinh hoạt chung, vô cùng lạc quan và hăm hở trong các hoạt động được xem là cải tiến thế giới”. Nhưng những người trẻ năng động này khi làm công việc đóng góp với xã hội chung quanh lại chỉ hoạt động theo khuynh hướng cá nhân. Từ một khía cạnh khác, dựa trên quan niệm xa cũ, thế hệ Y xem ra “ích kỷ”, tôn trọng đời sống cá nhân, đòi hỏi xã hội phải chú ý đến họ, thích hưởng thụ ngay tút suỵt, không chịu chờ đợi (như ngày trước cha mẹ họ kéo cày trước hưởng thụ sau) và xem nặng sự cân bằng giữa công việc và đời sống riêng tư. Khác với thế hệ cha mẹ, những người xem công việc làm ăn đứng trước đời sống gia đình, cá nhân.
Nhìn chung, con người sinh sống tại các quốc gia kỹ nghệ khá giả trong thế hệ Y đều suy nghĩ, tính toán, và hành xử từa tựa như nhau. Họ khôn lớn trong một giai đoạn kinh tế toàn cầu, thế giới là một mặt phẳng, sự suy thoái tài chánh tại một quốc gia lớn kéo theo sự suy thoái của những vùng đất khác và ngược lại. Công việc làm ăn không còn vững vàng, không còn chắc chắn kiểu “sống lâu lên lão làng” như môi trường làm ăn buôn bán thời cha mẹ họ. Khi kinh tế suy thoái, hãng xưởng đóng cửa, nhân công mất việc làm kéo theo sự mất trông cậy vào xã hội. Khôn lớn trong môi trường “xoay chuyển” như thế, từ tài chánh, kỹ thuật đến bạn bè và việc làm, nên điều dễ hiểu là người trẻ không còn đặt hết niềm tin, sức lực vào công việc, họ sẵn sàng đổi việc, sẵn sàng di chuyển, thay đổi bạn bè… Xem ra người trẻ thích nghi với hoàn cảnh sống dễ dàng nhanh chóng hơn so với thế hệ cha mẹ.
Những bài tường trình, các con số thống kê về thương mại cho thấy một số chi tiết đặc thù về thế hệ Y, từ cách sinh hoạt, mua bán, tiêu thụ, họ đã từ từ thay đổi xã hội chung quanh. Yêu chuộng tự do cá nhân, người trẻ thường hoạt động theo thời khóa biểu của riêng mình, từ cá tính này, nảy sinh các thói quen khác:
1
Không vội vã: thái độ “thủng thẳng” của thế hệ millennium có thể xuất phát từ môi trường sinh sống. Họ khôn lớn trong giai đoạn kinh tế mùa thu èo uột và thời gian phục hồi thì chậm chạp, ì ạch; công việc khan hiếm. Người trẻ chịu áp lực tài chánh nặng nề hơn nên kết hôn muộn màng hơn, có con cái chậm chạp hơn, mua nhà cửa ở số tuổi cao hơn so với thế hệ cha mẹ.
Theo thống kê, khoảng 70% người trẻ chưa hề lập gia đình dù tuổi gần 30.
2
Người trẻ không khao khát việc kiếm ra nhiều tiền: Trên 60% thế hệ millennium nói rằng họ sẵn sàng chọn một công việc vừa ý, 40K lương bổng hơn là có công việc không ưa thích dù được trả 100K! Yếu tố nào thu hút người trẻ? Các công việc cho phép họ lựa chọn nơi chốn, thời khắc làm việc theo nhu cầu cá nhân.
3
Sự suy nghĩ của người trẻ rất phóng khoáng: Một nửa thế hệ Y cho rằng họ “độc lập” trong khuynh hướng chính trị; 30% nói rằng họ không thuộc về một giáo hội nào cả.
4
Người trẻ Huê Kỳ, dù là thế hệ học hành nhiều nhất trong lịch sử đất nước, vẫn thua xa người đồng trang lứa ở các quốc gia khác về toán, sự hiểu biết và cách giải quyết các vấn đề phức tạp!

Ngoài các yếu tố kể trên, người trẻ lựa chọn những gì?
– Họ không còn ưa chuộng việc lái xe nữa (?), số người trẻ thi lấy bằng lái xe ở tuổi 17 giảm sút đáng kể so với thập niên trước.
– Họ không dùng điện thoại có dây nữa: 83% người trẻ ngủ với chiếc điện thoại di động bên cạnh; đây là “vật bất ly thân” vì chiếc điện thoại làm luôn công việc của đồng hồ báo thức, máy chụp ảnh, máy điện toán…
– Ăn thịt gà không xương: Ðại tửu lầu Kentucky Fried Chicken gọi khách hàng trẻ tuổi là “Generation McNugget”, thế hệ [ăn] thịt gà không có xương vì họ chỉ chọn những món gà đã lọc bỏ xương! Và những món như cánh gà hay cẳng gà hẳn sẽ đi vào quên lãng? Chẳng những chọn thịt gà không xương mà người trẻ xem ra thích ăn uống ngoài hàng quán hơn là tự nấu nướng ở nhà, họ là những người góp tay phát triển những món “mì ăn liền”, làm sẵn, ăn lẹ.
– Số người trẻ cho rằng việc tậu nhà (18%) hay lập gia đình (21%) là mức tiến quan trọng trong đời sống của người “tam thập”. Tỷ lệ này khá thấp so với thế hệ cha mẹ.
– Ít kín đáo về chi tiết cá nhân: Lương bổng không phải là điều “bí mật”, người trẻ cũng sẵn sàng kể lể với bá tánh về thói quen, nơi sinh sống… nếu được mua rẻ một món hàng nào đó. Thế là các tay buôn bán thẳng tay khai thác, chỉ cần tặng cái phiếu giảm giá là tha hồ thu góp chi tiết cần thiết để làm ăn.
– Ăn diện, quần áo? Người trẻ xem ra không quan tâm cho mấy về mục “áo quần bảnh bao”, không ăn mặc trang trọng cẩn thận như cha mẹ họ khi đi làm việc; hình như jeans là “đồng phục” của thế hệ Y.
– Không gian xanh: Người trẻ có quan tâm về môi sinh như cha mẹ không? Reo hò như thế nhưng không mấy người trẻ tự chọn lựa các phương cách bảo tồn môi sinh; họ xả rác mạnh tay tương đương với những thế hệ trước đó.