Nhà văn Kinh Dương Vương tên thật NGUYỄN TUẤN KHANH, sinh năm 1941, tại Nam Vang
Quê cha: Xuân Lũng – Vân Cương – Lâm Thao – Phú Thọ. Quê mẹ: Tịnh Thới – Cao Lãnh – Sa Đéc (Đồng Tháp)
Bút danh hội họa: Rừng
Bút danh viết văn: Kinh Dương Vương
Bút danh thơ: Dung Nham
Trước 1975: Viết các báo Bách Khoa, Văn, Văn học, Ý Thức, Tân văn… Sài Gòn
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1964, ông là giáo sư hội họa của Trường Sư phạm Quy Nhơn; nguyên hội viên Hội Họa sĩ trẻ Sài Gòn… Hiện Kinh Dương Vương định cư ở California.
Kinh Dương Vương nổi tiếng về truyện ngắn từ trước 1975. Truyện của ông lạ, đặc sắc được nhiều người ưa thích. Độc giả Báo Trẻ cũng đã được biết Kinh Dương Vương qua truyện Đường Kiến. Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu một truyện đẹp và thơ mộng của Kinh Dương Vương: Truyện “Quà Sinh Nhật”.
Nguyễn & Bạn Hữu
Quà sinh nhật (kỳ 2)
Ðêm hôm trước sinh nhật Nam Quan, Lâm thức rất khuya. Sau khi hoàn tất bức chân dung con, chàng lồng khung, đem treo lên bức vách trước bàn viết. Chàng đã vẽ mái tóc Nam Quan đen nhánh mạnh mẽ như cỏ mọc rậm trong cánh đồng mùa Xuân. Vừng trán phẳng, hồng nhạt, phơn phớt màu lam, cao, rộng như một vòm trời. Ðôi mắt nhìn thẳng, đen láy, trong suốt. Những chấm sáng nhấp nhánh, reo vui tựa những tinh tú trong một đêm thanh. Ðôi môi nụ nhỏ, mộng, vừa có vẻ nghiêm trang tạo ra do ở nét kẻ ngang, vừa tỏ lộ niềm vui thầm kín ở bóng tối đọng lại nơi cuối hai khóe môi hơi nhếch lên.
Lâm hài lòng về kết quả công việc mình.
– Nhưng đó là món quà “cây nhà lá vườn”, theo như lời Mây nói. Còn món quà lạ kia thì sao?
Lâm lại đưa mắt nhìn lên chiếc kén. Trong bóng tối mờ mờ, màu xám thẫm của những chiếc lá khô đã hóa ra nâu. Chàng không còn trông rõ chiếc kén, nó lẫn trong màu của vách tường. Lâm muốn bước đến để xem rõ, nhưng bỗng chàng cảm thấy có một sức đẩy phát ra từ chiếc kén, không có chàng đến gần, bắt chàng ngồi yên. Chìm trong một tâm trạng bứt rứt, gần như khổ sở, mắt chàng nhìn chiếc kén như một lưỡi thép mỏng muốn đục thủng lớp vỏ để nhìn thấu điều ẩn tàng bên trong.
***
Sinh nhật Nam Quan đến. Lâm như không còn một mong mỏi nào đặt vào chiếc kén nữa. Buổi sáng, Mây sớm đi chợ. Lâm ở nhà quét dọn. Bức chân dung Nghé Ngọ được treo trên tường giữa nhà. Chàng kê lại chiếc bàn – thường ngày dùng làm bàn viết – dọn đi sách vở và những thứ lỉnh kỉnh. Mặt bàn được phủ một tấm khăn mới, trên đặt một bình hoa trúc đào, mầu hồng thắm. Dọn dẹp trang hoàng xong, Lâm thấy gian phòng nhỏ sáng hẳn ra. Mây đi chợ về không tiếc lời khen ngợi chồng.
Thức ăn đã được dọn lên bàn. Những người bạn cũng vừa đến.
Mây tắm rửa cho Nam Quan, đem con vào buồng thay áo quần.
– Bố coi Nam Quan nè, đẹp không?
Ðang nói chuyện với bạn, Lâm quay lại phía hai người thân, miệng đang tươi cười, chờ đợi ánh mắt chàng.
– Úi trời! Lâm kinh ngạc kêu lên, chạy đến bồng con từ tay vợ. Chàng ấp úng:
– Mẹ… Mẹ cắt… chiếc áo dài vía rồi à?!
– Dạ. Sao bố? Vừa sung sướng vừa lo lắng, Mây nhìn vào mắt chồng.
Lâm che giấu cảm động:
– Có sao đâu, mẹ. Thật là một món quà gây sự kinh ngạc hoàn toàn cho anh và quý báu xiết bao đối với con.
Không hiểu hết lời cha mẹ nói, nhưng Nam Quan, mắt ngời sáng, sung sướng nhìn bố mẹ rồi đưa tay rờ rẫm làn vải mịn của áo quần mới.
Lâm hỏi con:
– Áo đẹp con đâu?
– “Chẹp”! “Chẹp”! Vừa thỏ thẻ những tiếng một vỡ lòng chưa thuần phục, bàn tay hồng nhỏ xinh xắn vừa vuốt ve làn vải, ánh mắt kiêu hãnh.
– Ai may cho con vậy?
Không trả lời, Nam Quan ngước mắt nhìn Mây.
Lâm bế con đến trước tấm “Chân dung” hỏi:
– Hình ai đây con?
Nam Quan chỉ tay vào ngực mình:
– Ngọ… Ng… oo… ọ!
Lâm hôn nhẹ lên tóc con:
– Con trai bố mẹ giỏi quá! Chàng quay sang Mây. Anh có món quà bí mật cho sinh nhật con. Nhưng vì bí mật quá nên không thể xuất hiện được nữa.
Hai người cùng cười. Mây nói:
– Thôi mình vào bàn, cho con phá cỗ đi bố. Mấy chú của Nghé Ngọ chờ đói bụng rồi.
Ðúng lúc Lâm bế con sắp sửa ngồi vào ghế, chàng tình cờ đưa mắt nhìn lên nhánh lá có mang chiếc kén. Mắt Lâm sáng lên: môi run rẩy. Như người đầu tiên thấy sự khai mở một thế giới mới, chàng reo lên không thành tiếng:
– Con bướm! Con… bướm!
Mọi cặp mắt đều nhìn theo hướng ngón tay chàng chỉ.
– Mây ơi! Quà sinh nhật của bố cho con đã hiện ra kia rồi! Trời ơi!
Mây chạy đến đứng bên chồng, nhìn con bướm không chớp mắt, mặt nàng hơi tái đi. Niềm vui hiện ra đột ngột quá cho Lâm như một tia lửa kích động sâu xa tâm hồn nàng. Mây cười, nhìn chồng, hai giòng nước mắt chảy dài xuống má nàng. Mây vịn tay chồng, gọi:
– Bố! Món quà của bố cho sinh nhật đầu của con tuyệt vời quá! Em không ngờ, bố!
Lâm béo má vợ:
– Con bướm tuyệt đẹp, hả mẹ?
– Dạ.
Với đôi cánh vàng rực mầu hoa hướng dương, còn ướt, mới mẻ, vừa từ tổ kén chui ra, con bướm đang đậu trên một chiếc lá trúc đào khô. Ðôi cánh mỏng manh, xếp lại khép nép, bụng thở thoi thóp. Một làn gió nhẹ từ cửa sổ lọt vào, đôi cánh non run run, hé mở, xiêu xiêu, những chiếc chân mỏng manh vội xê dịch để lấy lại thăng bằng.
– Bố… Bắt! Bắt! Bướm cho… “chon”! Nam Quan ngước lên nhìn Lâm, đưa thẳng tay về phía con bướm, ấp úng nói.
– Không được đâu, con. Lâm âu yếm cúi xuống con. Nó còn bé như con vậy. Ðể cho nó lớn đã.
– Bố… Bắt! Bướm cho “chon” bố!
Nam Quan như không nghe, lặp lại. Tay vẫn giơ thẳng ra phía trước. Bàn tay mở ra nắm lại liền hồi.
Mây nhìn Lâm, ánh mắt cầu khẩn. Lâm nhìn chú bướm trẻ thơ, lòng lưỡng lự.
Ðột nhiên, Lâm bế con bước tới, với tay nhè nhẹ chụp lấy đôi cánh xếp. Nhưng hai ngón tay chàng khép lại trong khoảng không. Ðôi cánh vàng rực rỡ mở ra trước đó, vỗ những nhịp đầu tiên, thong thả bay lên. Con bướm bay chập chờn một vòng quanh gian phòng. Bị ánh sáng và gió thu hút, cuối cùng nó bay về phía cửa sổ và đậu lại trên song cửa, trải rộng đôi cánh sặc sỡ. Trên mầu phấn vàng của trái cây chín, phân phối những chấm tròn đỏ tía, trắng và xanh thẫm, tất cả tạo thành một bố cục hợp lý về trang trí, tuyệt đẹp như tác phẩm của một nghệ sĩ.
Nam Quan nhìn theo con bướm không chớp mắt rồi quay lại nhìn Lâm, nhoẻn miệng cười:
– Bố, bướm “chẹp”, bố bắt cho “chon”, bố!
Dường như nghe ra lời chú bé Nam Quan, con bướm động cánh, bay lên. Mọi cặp mắt đổ dồn theo đường bay lững lờ, đầy tự chủ. Nó lại bay theo một vòng quanh phòng, rồi theo hướng ánh sáng và gió, ra khỏi phòng qua phía cửa sổ.
Lâm bế con vội vã đuổi theo.
Con bướm đậu lại trên một chiếc lá ở bờ rào. Lâm nhẹ nhàng tiến tới gần. Con bướm lại vỗ cánh bay đi. Lâm đuổi theo. Cho đến khi con bướm bay lên cao, biến mất trong những đám lá trên ngọn cây – ở đó nắng dọi sáng những chiếc lá lóng lánh, xao xao trong gió, tạo thành một vũ điệu reo vui, hớn hở.
Mây chạy theo ra, thấy hai bố con Lâm đang đứng giữa một đám cỏ hoang, mắt hai người cứ ngước nhìn lên.
Lâm quay lại nhìn Nam Quan, hai mắt bé nhìn lại chàng rơm rớm nước mắt. Ánh mắt đó nói với chàng: “Mất rồi! Mất bướm rồi. Bố ơi!?.”
Hốt nhiên, Lâm cảm thấy lòng chàng mở ra, thành nắng mênh mông, thành gió thênh thang, thành vũ trụ bao la không bờ bến.
Lâm ôm ghì lấy con, giấu mặt vào chiếc cổ nhỏ tròn trịa thơm tho. Chàng thì thầm:
– “Con ơi! Không nên bắt con bướm đó. May thay bố đã không giữ lại được đôi cánh mỏng manh kia – trong tay bố, đôi cánh đó sẽ rã rời, tan nát – và nó đã bay lên trong bầu trời cao rộng, ở nơi mà nắng, gió và mây tan hòa làm một.”
KDV (Kontum, tháng 4.1974)