Sở dĩ tôi phải gọi họ là những người không có Tết bởi thực sự, họ chưa hề có Tết, nếu không muốn nói rằng họ không có Tết. Suốt một năm quần quật với cơm áo gạo tiền, đến những ngày cuối năm, khi mà người người chỉnh trang nhà cửa, sắm soạn ngày Tết thì họ, vẫn còn miên man với việc kiếm tiền, những đồng tiền còm cõi vẫn chưa bao giờ đến với họ đúng lúc để họ còn kịp ăn Tết. Và đáng buồn là hình như, người không có Tết ở Việt Nam chiếm tỉ lệ khá lớn, nếu không muốn nói rằng nó chiếm đến hơn nửa dân số!
Không biết Tết là gì?
Tôi nói 50% dân số Việt Nam không có Tết, có vẻ như nói ngoa và thổi phồng sự việc. Nhưng có một thực tế, nếu tôi nói thật lòng những gì tôi thấy, con số sẽ vượt xa 50% dân số Việt Nam không có Tết. Vì sao?
Bởi vì hầu hết giới lao động Việt Nam chưa bao giờ có đủ tiền để sắm Tết nếu như chỉ dựa vào đồng lương của họ. Chính vì vậy, muốn có chút tiền để mua sắm cho Tết, họ buộc lòng phải chạy vạy đủ thứ công việc để xoay ra tiền mà mua sắm. Và dường như với những người lao động đầu tắt mặt tối trong những ngày cận Tết, họ hoàn toàn không có Tết. Cái Tết đối với họ chỉ là cơ hội, thời gian cho phép họ được ngủ thật nhiều để bù lại mọi cơn mệt nhọc… Ðó là chưa nói đến những người hoàn toàn không biết Tết là gì.

Ðơn cử một trong hàng triệu trường hợp, chị Nguyệt, một công nhân quê ở Thăng Bình, Quảng Nam, làm việc trong khu công nghiệp Ðiện Nam – Ðiện Ngọc, suốt mười năm nay, hầu như chị không có Tết, chị kể:
– Mười năm nay tôi chưa bao giờ được ăn Tết. Thấy người ta ăn Tết mà thèm!
– Chị được nghỉ Tết vào thời gian nào trong tháng Chạp, chị bán bánh bao Tết được mấy năm rồi?

– Em nghỉ Tết vào 25 tháng Chạp, có năm thì 29 mới nghỉ, như năm nay cũng 29, sau đó bắt đầu đi bán bánh bao dạo, cả hai vợ chồng đều bán bánh bao dạo cho đến hết ba ngày Tết thì nghỉ ngơi, ngủ lấy sức chuẩn bị đi làm lại.
– Chị thấy có nhiều công nhân làm kiếm thêm vào dịp Tết giống như chị nhiều không?
– Ô chu choa, hà rầm ra đó chứ. Ði mà đụng đầu. Có người đi bán hoa ngày Tết, có người hát dạo bán kẹo kéo, người bán bánh chưng, bánh bao, người bán bánh mì, bán bún, bán hủ tiếu, bán bong bóng, bán các loại đồ chơi con nít, bán hộp quẹt, bán bao cao su… Nói chung là có một ngàn lẻ một việc làm thêm để kiếm tiền ba ngày Tết, có như vậy mới dư được chút đỉnh mà mua ký thịt, mua thêm lạng mứt, ít gói bánh cho con cái chứ lấy đâu ra tiền mà Tết với nhứt!

– Tiền thưởng Tết của chị và anh không đủ sắm Tết sao?
– Làm sao mà đủ được anh, làm công nhân mà, có năm nào được thưởng quá hai trăm ngàn đồng đâu! Thường thì người ta cho một gói vị tinh, mấy gói phở, mấy ký đường và một ít sữa là xong. Làm gì có những thứ khác. Nghe người này được thưởng tiền tỉ, tiền trăm triệu mà kinh nổi cả da gà. Vì khoản tiền thưởng của họ cả đời làm công nhân của hai vợ chồng em góp lại cũng không được một phần tư nó! Nhưng nói thì nói vậy chứ mình còn đỡ hơn rất nhiều người. Có nhiều người không có Tết luôn!
– Theo chị thì những ai là không có Tết hoàn toàn?
– Nông dân, như cha mẹ em chẳng hạn, năm nay lũ lụt làm hư hại nhà cửa, có con heo nuôi Tết bị nhiễm lạnh chết rồi, gà vịt cũng đã bán sau lụt để mua sắm, trả tiền điện và các khoản khác. Hầu như năm nào vợ chồng em cũng biếu hai ông bà bên nội, bên ngoại một ít để tiêu Tết. Năm nay vật giá mắc quá, mình chi tiêu không đủ nên chờ bán bánh bao có lãi thì mừng tuổi cho hai bên nội ngoại vui! Chứ còn mấy người già thì chẳng có Tết đâu! Nhất là nông dân. Tết về là lo trồng luống rau, luống cà để bán kiếm tiền sắm Tết, năm nay trắng tay cả miền Trung, chờ con cái thì cũng hẻo luôn, lấy gì mà ăn Tết, nói Tết còn thêm buồn.

Tạm biệt chị Nguyệt, chúng tôi lang thang ra mấy khu chợ, rồi lại lang thang một lúc vào nơi rốn lũ Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Cái không khí nằng nặng mùi sương tháng Chạp và thi thoảng có gió se lạnh, thỉnh thoảng có một căn nhà hiu quạnh nằm giữa đồng trống khiến chúng tôi hết muốn đi tiếp.
Ghé vào một gia đình trồng hoa Tết để hỏi thăm về Tết, ông chủ nhà tên Tri cười chua chát:
– Tết à! Tết là Tết của ai đâu chứ đâu phải của mình!
-Sao vậy chú?

-Năm nay nhà tôi trồng hoa mà không có hoa để bán, mấy ngày nay vợ con tôi ra chợ buôn hoa, ế ẩm và mất vốn là có rồi. Mà vốn này là mình đi vay nặng lãi để buôn chứ tiền đâu ra!
-Nhà mình buôn hoa gì vậy chú?
– Hoa lay ơn, mua ở Ðà Lạt mang về bán. Cứ tưởng năm nay hiếm hoa mình bán được, ai dè kinh tế khốn đốn, chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện mua hoa mà chưng Tết, mình ế ẩm. Hy vọng mai mốt vào dịp cận Tết một chút nữa thì bán chạy. Mọi năm, các nhà buôn hoa Ðà Lạt đã phân phối hoa từ những ngày Mồng Mười tháng Chạp, có mối có lái hết rồi, năm nay không thấy mối lái nào cả! Chết!
– Mình có chuẩn bị được gì cho Tết không chú?

-Cậu nói giỡn chắc! Tiền thì không có, bộ đếm răng cho người ta bẻ hay sao mà dám nghĩ tới Tết. Năm nay chỉ lo một mâm cơm cúng ông bà, rồi thì xong! Cái này thì ai cũng phải có. Hầu hết nông dân như tôi đều tính chuyện này. Tết chi nữa cho thêm buồn, ráng làm chi để mai mốt ra Giêng ôm nợ! Mệt!
Câu kết luận về Tết của ông Tri làm chúng tôi thấy nặng nề và mệt mỏi thực sự. Bởi trước khi viết phóng sự này, theo thống kê của ngân hàng nhà nước Việt Nam thì lượng kiều hối gởi về Việt Nam trong dịp Tết qua đường ngân hàng đạt xấp xỉ 4 tỉ USD tính cho đến ngày Rằm tháng Chạp và con số này sẽ còn nở ra lớn hơn nhiều cho đến 30 tháng Chạp cũng như nếu cộng thêm con số gởi qua đường xách tay. Ðiều này làm tôi tin là Tết này sẽ xôm tụ hơn. Nhưng không phải vậy. Ngay cả một số gia đình nhận kiều hối nước ngoài, khi hỏi về Tết, họ cũng bâng quơ rằng chẳng có cảm giác Tết bởi mình xả tiền cho nhiều thì cũng nộp cho nhà nước và rước bệnh chứ chẳng ra trò trống gì. Tết chứa đầy độc tố từ hàng hóa Trung Quốc và hàng làm cẩu thả, làm đểu của chính người Việt giết người Việt. Hóa ra Tết đang phai nhạt đi rất nhiều!

Chúng tôi lại rủ nhau lang thang lên Ðại Lộc, Quảng Nam, một huyện miền núi mà trước đây 10 năm được mệnh danh là “xứ vàng, xứ trầm” của Quảng Nam. Ðây cũng là huyện mà dân nhậu biết uống bia lon đầu tiên ở Quảng Nam và năm ngoái, chỉ có dân Ðại Lộc mới xài bia Bông Trắng (Birdwhite) nhiều đến mức đi đâu cũng thấy vỏ lon bia này hoặc bia Heineken. Nhưng năm nay, chẳng thấy không khí Tết gì cả.
Gặp một nông dân tên Thắng, người xã Ðại Cường, Ðại Lộc, hỏi thăm cảm nhận của ông về không khí Tết Ðại Lộc năm nay, ông buông một câu dài thòng:
-Tết à… Quên nó đi!
-Sao vậy ông? Dân Ðại Lộc khét tiếng chơi Tết kia mà!?

-Ðó là chuyện của ngày còn rừng vàng biển bạc kia ông ơi. Bây giờ thì còn cái thá gì nữa mà mơ với mộng, bia với bọt. Lạng quạng rồi đây cơm còn không có để mà ăn í chứ đừng nói bia xịn! Tôi hỏi ông, bữa nay mà còn lo đồng ruộng, có nơi sạ hai ba lần vẫn không lên vì phù sa nó độc quá, rau củ quả thì không trồng được, cả một bãi đất trống, vốn thì mất trắng trong lũ lụt. Lấy cái gì mà ăn Tết, có mà bốc đất bùn lên ăn thì được! Vậy đó, chứ tụi nó vẫn cứ nhơn nhơn ra đó, tụi nó vẫn cứ tổ chức tá lả, đúng là cái quân uống máu dân! Uống xong chưa đủ, nó còn bắt dân mình sắp tới đóng thuế máu mỗi năm một lần! Bó tay rồi! Tết nhứt chi nữa!
– Mùa màng ở Ðại Lộc mình xong hết chưa ông?
– Ðiện Bàn, Ðại Lộc, Duy Xuyên/ Ðàng hoàng thì ít bà điên thì nhiều/ Kể từ ngày cưới liu điu/ Thêm phần khô máu bởi nhiều quỷ ma…

Bốn câu thơ của ông Thắng đọc cũng là câu kết thúc câu chuyện về Tết giữa chúng tôi với ông. Trên đường về, tự dưng chúng tôi thấy ớn lạnh. Bởi chưa có năm nào giống năm nay, trong không khí đón Tết, thay vì quan tâm đến chất lượng hàng Tết, quan tâm đến áo quần, đến chuyện ăn Tết sao cho ấm áp, người ta lại quan tâm đến chuyện phải nộp bao nhiêu máu nếu như cái luật hiến máu kia được thực thi. Và cái Tết trở nên xa lạ, mặc dù chỉ còn vài ngày nữa thôi!
HL