Ông Donald Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ hôm Thứ Sáu 20/1 tuần qua với tất cả những sinh hoạt thường có trong ngày tuyên thệ. Ngoài buổi lễ tuyên thệ long trọng dành cho Tổng thống và phó tổng thống được chủ trì bởi Chánh thẩm John Roberts và Thẩm phán Clarence Thomas, còn có buổi diễn hành với Tổng thống và phu nhân đi bộ dọc theo đại lộ Pennsylvania, buổi ăn trưa tại toà nhà quốc hội và sau đó là những buổi dạ tiệc dạ vũ quanh khu vực thủ đô Washington.

Khi một tân tổng thống lên cầm quyền cùng với một nội các chính phủ mới được thành lập, người ta xem đó như một thời kỳ mới vừa mở ra cho quốc gia. Thành công hay thất bại trong bốn năm tới là còn tùy thuộc vào những chính sách đối nội và đối ngoại mà tân chính phủ này đưa ra trong thời gian sắp tới đây. Nhưng nếu ta xem lại bài diễn văn kéo dài 16 phút của ông Trump sau khi tuyên thệ cũng như những lời tuyên bố của ông trong thời gian tranh cử thì ta cũng có thể đoán phần nào là những chính sách của tân chính phủ trong những năm tới sẽ có nhiều thay đổi, nếu không muốn nói là hòan toàn đi ngược hẳn với chính sách của chính quyền Obama trong tám năm qua. Trong đó, điểm nổi bật của bài diễn văn là chủ đề “Nước Mỹ trước hết” (America First) với câu “Mua đồ của nước Mỹ và mướn người Mỹ làm việc” (Buy American and Hire American).
Tuy nhiên, một điều chắc chắn là sẽ có những sự việc bất ngờ xảy ra trong tương lai, tại quốc nội cũng như trên thế giới, như đã từng xảy ra trong quá khứ. Người ta vẫn thường nói một vị Tổng thống không có quyền chọn lựa những bất trắc, nhưng khi bất trắc xảy ra, một vị Tổng thống thành công là biết cách giải quyết vấn đề đó trong một thời gian ngắn nhất.
Chính quyền Trump có lẽ sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong những chính sách đối nội, ít ra là trong hai năm tới, do đảng Cộng hòa, ngoài Tòa Bạch Ốc, hiện đang nắm luôn quyền kiểm soát cả thượng lẫn hạ viện quốc hội. Ðó là chưa kể tại các tiểu bang, đảng Cộng hòa chiếm đa số tại quốc hội của 32 tiểu bang và nắm giữ 33 trong tổng số 50 ghế thống đốc. Có thể nói, tiếng nói của các nhóm có quan điểm bảo thủ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Chỉ ít giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Donald Trum, trong tư cách Tổng thống, đã ký một số sắc lệnh, trong đó có sắc lệnh cho phép gỡ bỏ một vài điều lệ bắt buộc trong đạo luật chăm sóc y tế Obamacare. Hiện nay, đa số người dân Mỹ không ủng hộ luật y tế này, nhưng cũng đa số người dân Mỹ không muốn phế bỏ nếu chưa có một đạo luật khác để thay thế. Nếu muốn phế bỏ một đạo luật và thay thế bằng một đạo luật khác, một trong những tiến trình đầu tiên là phải được thông qua tại thượng viện với 60 phiếu thuận. Ðảng Cộng hòa hiện chỉ nắm 52 ghế thượng viện và nếu muốn thông qua, họ phải cần được sự ủng hộ của tám thượng nghị sĩ bên phía đảng Dân chủ. Tuy nhiên, có tổng cộng 23 ghế thượng viện của đảng Dân chủ cần phải được bầu lại vào năm 2018, trong đó có 10 vị là ở những tiểu bang ông Trump vừa mới thắng và rất có thể 10 thượng nghị sĩ này sẽ tách ra và bỏ phiếu thuận với phía đảng Cộng hòa. Chưa ai có thể đoán được kết quả sẽ ra sao, và nhất là quốc hội của đảng Cộng hòa và Tổng thống Trump muốn hoàn tất nghị trình này trong vòng 100 ngày. Do đó có thể nói đây là thử thách lớn nhất trong chính sách đối nội của Trump.

Nhìn về đối ngoại ta lại càng thấy nhiều thử thách cam go hơn nữa.
Với tương lai trước mặt, chuyện đương nhiên là chính quyền Trump sẽ phải đối diện với những vấn đề đã trở thành chuyện thường nhật: Bắc Hàn tiếp tục đe dọa thử vũ khí hạch tâm; tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ISIS sẽ mở thêm những cuộc tấn công vào các quốc gia phương tây, trong đó có Hoa Kỳ; chính quyền Venezuela có thể bị sụp đổ trong nay mai và như thế có thể đưa tới khủng hoảng trong khu vực Nam Mỹ. Ðây chỉ là những vấn đề tương đối nhỏ. Ðối đầu với những cường quốc mới là những thách đố quan trọng.
Trong thời gian tranh cử và luôn cả sau khi đã đắc cử, ông Trump vẫn thường có những lời lẽ tỏ ra hòa hoãn, đôi khi lại còn bênh vực cho ông Vladimir Putin, Tổng thống của Nga. Những lời tuyên bố của ông Trump nhiều khi đụng chạm và đi ngược lại với quan điểm của một số vị dân cử tại quốc hội. Nhất là trong tình hình hiện nay, với những cáo buộc cho rằng chính phủ Nga đã cố tình gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử, nhiều vị dân cử của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cho rằng Nga và Hoa Kỳ đang dần quay trở lại tư thế đối nghịch nhau như trong thời chiến tranh lạnh.
Ai cũng biết tham vọng của ông Putin rất lớn, tìm đủ mọi cách đưa Nga trở lại tư thế là một cường quốc ngang với Hoa Kỳ như từ thời cộng sản và sẽ không từ bỏ một thủ đoạn nào để làm xáo trộn trật tự thế giới. Một trong những cái gai trước mắt của Putin là Tổ chức Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), cấu trúc an ninh cột trụ của Âu châu, trong đó Ðiều 5 có nói rõ là phải bảo đảm an ninh chung với các nước, nếu một nước bị tấn công thì các nước khác thuộc khối NATO phải ra sức bảo vệ. Trong thời gian qua, ông Trump thường hay lên tiếng chỉ trích hoặc khích bác NATO. Người ta không biết ông Trump có còn tiếp tục làm thế với các đồng minh của Hoa Kỳ trong những ngày tới hay không?

Nhìn về châu Á, một số phân tích gia nghĩ rằng rất có thể Donald Trump sẽ khởi động cuộc chiến tranh kinh tế với Trung Quốc vì tin rằng chính Trung Quốc đang tiến hành trận chiến kinh tế nhắm vào Hoa Kỳ qua các chính sách như cố tình dìm giá đồng bạc nội địa, lợi dụng các công ty quốc doanh để thao túng sản xuất, và giới hạn hàng hóa của Hoa Kỳ vào thị trường Trung Quốc. Nhìn vào nội các của Trump, từ ông Ngoại trưởng đến Bộ trưởng Quốc phòng và Ðại diện Thương mại đều có chung quan điểm là tỏ ra không mấy thân thiện với Trung Quốc. Một trong những cố vấn của Trump là Anthony Scaramucci nói tại diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) rằng Trump tin là nếu trận chiến kinh tế này xảy ra Hoa Kỳ có thể thắng được Trung Quốc. Hoa Kỳ có thể sẽ bị thiệt hại, nhưng Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nặng hơn.
Một số nhà kinh tế cho rằng trận chiến kinh tế này sẽ là một thảm họa không chỉ cho nền kinh tế của cả hai nước, mà luôn cả toàn vùng châu Á và thế giới. Nhưng đây là cuộc khủng hoảng mà chính Trump là người quyết định. Nếu như một trận chiến kinh tế như trên xảy ra thì phía Trung Quốc cũng không hẳn hoàn toàn vô tội vì chính Tập Cận Bình đã khơi mào một chính sách kinh tế nhuốm màu sắc chủ nghĩa dân tộc từ mấy năm qua, đưa đến tình trạng căng thẳng như hiện nay.
Kể từ khi Trump đắc cử, một số quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ – đặc biệt là Nam Hàn và Nhật Bản – đã cố gắng tỏ vẻ thân thiện với Trump. Trong khi đó, thủ tướng Ðức là Angela Merkel cũng như nhiều nhà lãnh đạo Âu châu khác giữ im lặng. Tuy nhiên, người ta vẫn cảm thấy dường như có một sức ma sát nghiêm trọng đang ngấm ngầm diễn ra. Cuối năm nay, Pháp và Ðức sẽ có bầu cử và nhiều người đang chờ xem phản ứng của các ứng cử viên và tuyên bố của họ về Hoa Kỳ và cá nhân Tổng thống Trump trong thời gian tranh cử sắp tới sẽ như thế nào. Và đó sẽ là dấu chỉ cho thấy liên minh giữa hai bờ Ðại tây dương có từ sau Thế chiến II đến nay có còn đứng vững được nữa hay không.
Trong khi đó, ngư ông Putin âm thầm theo dõi trong bóng tối.
Donald Trump là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45, nhưng lễ tuyên thệ nhậm chức lại là lần thứ 58 là vì có những vị làm tổng thống hai nhiệm kỳ và được làm lễ tuyên thệ long trọng hai lần. Những vị làm lễ tuyên thệ hai lần gần đây nhất có Barack Obama và George W. Bush. Trong khi có những vị lên cầm quyền trong trường hợp đặc biệt nên chỉ tổ chức tuyên thệ đơn giản trong vòng tư gia nên không được tính, như trường hợp của ông Gerald Ford (sau khi Richard Nixon từ chức) hay như ông Chester Arthur (sau khi James Garfield bị ám sát).
VH