Khi mắng yêu ai đó, người ta có lúc buông một câu… cộc lốc, nhưng chân tình: – Ðồ khỉ! Cứ tưởng vừa mới đón “hắn ta”, vậy mà nay sắp phải đưa tiễn… Khỉ của năm Bính Thân – (2016) để chuẩn bị đón… Gà của năm Ðinh Dậu – (2017).
Ðời nghĩ cũng lạ, can – chi vẫn cứ sờ sờ, 12 con giáp: Chuột (tý), trâu (sửu), cọp (dần), mèo (mẹo), rồng (thìn), rắn (tỵ), ngựa (ngọ), dê (mùi), khỉ (thân), gà (dậu), chó (tuất), heo (hợi) vẫn cứ sờ sờ. Vậy mà, mỗi khi dòng họ nhà Gà lục tục kéo nhau về đón chào năm mới thì lại giật mình nhận ra một điều gì đó mới mẻ, thú vị về loại vật rất đỗi thân thiết với loài người.
Ðịa vị và thân phận con giáp mang tên… Gà
12 con giáp trong chi, nếu điểm danh chuột là số 1 thì gà đứng vị trí số 10 ngay trước hai anh bạn vàng ở chung nhà là chó và heo. Ngó tới, dòm lui thấy vóc dáng con gà về mặt cấu trúc kể ra là… hàng độc. Ðếm số chân thì 11 con giáp kia có 1 con không chân (rắn) và 10 con có đến… 4 chân. Riêng gà chỉ có… 2 chân. Chợt nhớ câu ca dao mà gần như ai cũng thuộc: Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng 3 chân. Ngẫm ra, tạo hóa lạ kỳ thật, tại sao không có con vật nào 3 chân để vững như… ca dao mà hầu hết loài vật, kể cả con người chỉ là loài 4 chân hoặc 2 chân mà thôi!
Thêm một điều đặc biệt nữa ở gà, bởi gà là con vật duy nhất có… hai cánh, khiến cho những con vật kia, trừ con rồng tưởng tượng không cánh cỡi mây, đều cảm thấy thèm thuồng và ghen tỵ. Ðôi cánh là ao ước… bay của loài người từ lúc đất trời khai mở cùng với sự xuất hiện của muôn loài.

Do nhu cầu đời sống và sản xuất lương thực, nhưng cũng có thể là bầu bạn cho đỡ… buồn, chẳng biết Tổ tiên của loài người đã thuần dưỡng gà hoang thành gà nhà từ khi nào. Chỉ biết rằng, từ lúc về ở với nhau, con người tốn nhiều công sức và thậm chí làm lụng vất vả để chăm sóc và nuôi dưỡng… gà. Ấy vậy mà nhiều khi gà lại lăn đùng ra giãy chết khiến cho không ít người méo mặt, thất điên bát đảo vì sạt nghiệp. Bù lại, gà cho con người mùi vị thịt thơm ngon của nó. Thịt gà đúng là thứ nguyên liệu đặc biệt, vì chỉ có nguyên liệu đặc biệt mới có thể biến hóa ra nhiều món ăn khác nhau. Nào là gà luộc, gà nướng, gà hấp, gà rô ti, gà tần, gà tái chanh, gà quay, gà xào sả ớt, nấu cháo lòng thả… Ngoài thịt, lòng gà nướng hoặc xào nghệ cũng rất hấp dẫn. Ðặc biệt, chân gà hấp, nướng, rút xương dầm chua là món tuyệt khoái của bao người. Chẳng đã có một thời, người ta ào ạt nhập khẩu chân gà để nướng phục vụ cho các thượng đế ngồi quán lai rai đó sao! Ðến vua chúa và các hoàng phi ngày xưa sang trọng và giàu có nhường nào nhưng cũng thích… gặm chân gà Ðông Tảo tiến vua!

Có thể nói, không một phần nào của gà mà con người bỏ qua sự tận dụng để phục vụ đời sống. Lông gà được chế biến thành nhiều loại hàng hóa thú vị. Ðơn giản là chổi lông gà, vừa là chăn đệm lông gà, sang trọng hơn nữa là áo ấm lông gà, mũ lông gà. Ðến một thứ tưởng chừng như… bẩn là phân gà cũng được dùng làm phân bón cho cây. Phân gà là một trong những loại phân bón tự nhiên, có sẵn được những người trồng ớt rất ưa chuộng. Trái ớt hái từ những cây bón phân gà luôn có hương vị đậm đà, thơm ngon, cay lâu và… nhớ dai.
Gà còn là… chiếc đồng hồ báo thức của không biết bao nhiêu thế hệ loài người trước khi những chiếc đồng hồ đầu tiên xuất hiện. Tuy vậy, đến nay, vai trò đồng hồ báo thức của gà vẫn không bị mất đi ở những nơi xa xôi nào đó hay với những ai thuộc hệ “người muôn năm cũ” vẫn hoài niệm thủy chung với chiếc đồng hồ sinh học đặc biệt mang tên… gà.
Gà trong đời sống văn hóa tinh thần của con người
Thần thoại Hy Lạp vốn được xem như là những mẫu mực để người ta trích dẫn cho những câu chuyện quá xa xưa thuộc về nguồn gốc muôn loài và thần linh. Gà không có vai trò gì nhiều trong đời sống tinh thần của người Hy Lạp cổ. Ðiều đó cũng xảy ra tương tự đối với những nước chuyên về hàng hải và những nước sớm có ngành công nghiệp phát triển. Riêng Việt Nam đặc trưng bởi nền nông nghiệp lúa nước, gà không những quan trọng cho đời sống vật chất mà gà còn bước vào đời sống tinh thần và chiếm một vị trí trang trọng với những cung bậc và mức độ cảm xúc khác nhau.

Trước hết, phải nói gà là con vật được dùng trong việc hiến tế hàng đầu. Hầu hết những cúng kỵ của gia đình người Việt, gà luôn được bưng đặt trang trọng ở ngôi vị bậc nhất. Ðâu chỉ đón năm con gà mới cúng gà mà đón năm cầm tinh con vật nào cũng đều cậy nhờ… gà lên tiếng ăn nói giúp cho. Sau cúng gà, gia chủ đặt niềm tin vào bộ giò gà để các thầy phán xét vận mệnh cái năm từ loét choét như chuột nhét đến uy dũng như chúa tể sơn lâm hoặc oai vệ như rồng!
Trong kho tàng cổ tích Việt Nam, gà xuất hiện sớm nhất trong truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh khi sính lễ được nhà vua ra giá là: Voi chín ngà, gà chín cựa và ngựa chín hồng mao. Sơn Tinh ở trên núi tìm được nhanh chóng, Thủy Tinh ở dưới biển tìm khó khăn hơn, từ đó sinh ra oán hận… Gà trên các trống đồng được các nhà khảo cổ phát hiện là bằng chứng nói lên vai trò quan trọng của gà trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt cổ.
Thành ngữ và tục ngữ có rất nhiều câu nói thú vị liên quan đến… gà: Trông gà hóa cuốc/ Cõng rắn cắn gà nhà/ Rối như gà mắc tóc/ Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm/ Gà què ăn quẩn cối xay/ Chó ỷ gần nhà, gà ỷ gần chuồng/
Mèo mả gà đồng/ Ðầu gà hơn đuôi phụng/ Mẹ gà con vịt/ Trói gà không chặt/ Ráng mỡ gà có nhà thì chống (kinh nghiệm dự báo thời tiết dân gian)…

Ca dao xưa có những câu giáo dục con người mượn hình ảnh gà để nói: Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. Nghệ thuật ẩm thực tổng kết những kinh nghiệm truyền đời: Con gà cục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi… Cảnh báo về tính cách không mấy tốt đẹp của ai đó, ca dao cũng mượn bộ vó bên ngoài của các chú gà trống để ví: Con gà tốt mã vì lông/ Răng đen vì thuốc, rượu nồng vì men. Khi đôi lứa so le như đôi đũa lệch, người xưa cũng mượn món ăn gà do pha trộn không đúng cách nên khó mà ngon để cám cảnh: Gà tơ xào với mướp già/ Em hai mươi tuổi anh đà sáu mươi. Trong số các nhà thơ thời hiện đại, Lưu Trọng Lư là người đã sớm đưa gà vào trong tác phẩm của mình. Khi viết về nỗi buồn thương tiếc nuối năm tháng tuổi trẻ trôi nhanh giữa những mùa đất trời dịch chuyển, tiếng gà trưa đâu đó vang lên nghe đến tê lòng: Mỗi lần nắng mới hắt bên song/ Xao xác gà trưa gáy não nùng/ Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng/ Chập chờn sống lại những ngày không. (Nắng mới).
MHP