Menu Close

Vai trò của nước trong cơ thể

Ông xã nhà tôi nhắc nhở tôi là mỗi ngày nên uống khoảng 8 ly nước để sức khỏe tốt hơn. Ổng có giải thích lý do nhưng tôi tin ở các vị bác sĩ hơn. Vậy thì xin bác sĩ cho biết ý kiến về chuyện uống nước này nhé. Cảm ơn bác sĩ.  Nguyễn thị Lan

Đáp

Thưa bà, Ðúng như ông nhà nói là nước rất cần cho cơ thể. Các nhà khoa học cũng chứng minh là ta có thể nhịn ăn cả mấy tháng mà không chết nhưng chỉ cần nhịn uống nước vài ba tuần là đã có rủi ro cho sức khỏe rồi.

Thực vậy, nước chiếm khoảng 65% tổng số trọng lượng cơ thể. Một người cân nặng 60kg (khoảng 130 lb) có trên 45 kg ( gần 100lb) nước.

Tỷ lệ nước còn tùy vào độ tuổi: càng ít tuổi thì tỷ lệ nước càng cao. Bào thai 5 tháng có 85% nước, trẻ sơ sinh có 75%, và khi trưởng thành còn 65%.

Nhu cầu nước cũng cao hơn ở trẻ em so với người lớn tuổi.

Nước trong cơ thể phân phối theo hai khu vực chính:

  1. Trong các tế bào chiếm từ 65% tới 80%;
  2. Ngoài tế bào, như trong huyết tương (4%); ruột, bao tử (15%), ở mắt, não, khớp xương (2%).

Mỗi thành phần cơ thể lại có một tỷ lệ nước khác nhau tùy theo nhu cầu riêng của thành phần đó. Trong nước miếng 95%, dịch bao tử 95.5%, não  có 86% nước,  thận có 83%; xương có 22%;  cơ tim có 79% nước.

Bắp thịt có nhiều nước hơn tế bào mỡ. Cho nên người có bắp thịt nở nang thì có nhiều nước hơn người béo phì. Và khi tế bào mỡ lên cao thì nước giảm xuống.

Chỉ cần thiếu hoặc dư nước chừng vài phần trăm là đã có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nếu nước trong cơ thể giảm đến 20% thì tử vong có thể xảy ra.

Phần lớn nước thừa được ra trong nước tiểu, số còn lại thoát ra trong mồ hôi, hơi thở, phân.

Khi cơ thể bình thường, lượng nước tiêu thụ cân bằng với nước phế thải khỏi cơ thể. Vì thế, khi uống nước nhiều thì ta sẽ đi tiểu nhiều và khi giảm uống nước, thì nước tiểu sẽ ít đi.

Trung bình một ngày người lớn cần bổ sung khoảng từ 2 tới 2.5 lít rưỡi nước theo đường ăn uống.

Nước được phân phối ở nhiều vùng khác nhau trong cơ thể, nhưng liên tục luân lưu qua sự thẩm thấu và hòa tan. Nước đưa vào cơ thể được ruột non hấp thụ, chuyển vào máu rồi từ đó được đưa đi khắp các mô, tế bào.

Nước có một số nhiệm vụ như:

– Nước cần cho sự sống của mọi tế bào qua việc chuyên chở chất bổ dưỡng, chuyển hóa thức ăn và bài tiết những chất cặn bã của thức ăn cũng như từ các phản ứng sinh hóa học như carbon dioxid, urea, ammonia.

– Nước giữ nhiệt độ cơ thể bình thường tương tự như nước chứa trong bình tản nhiệt xe hơi. Chẳng hạn khi nhiệt độ trong cơ thể lên cao, vì nhiễm trùng sốt, vì đi trong nắng nóng, da sẽ đổ mồ hôi, làm giảm nhiệt độ trong người;

– Nước làm chất “bôi trơn” để giảm cọ xát trong sự vận động các khớp xương;

– Nước giúp các bộ phận cơ quan trong cơ thể hoạt động hữu hiệu và làm “chất đệm” để tránh sự cọ xát giữa cơ quan này với cơ quan khác;

– Nước là môi trường trung gian qua đó cả ngàn phản ứng hóa học cần cho sự sống liên tục diễn ra trong cơ thể;

– Nước chứa đựng nhiều khoáng, chất dinh dưỡng, kích thích tố, các diếu tố, tất cả theo một tỷ lệ cân bằng mà nếu có xáo trộn thì bệnh tật sẽ xảy ra;

– Nước giúp cơ thể loại chất phế thải, cặn bã từ sự tiêu hóa cũng như từ các phản ứng sinh hóa học như phân, carbon dioxide, urea, ammonia;

– Nước là thành phần cấu tạo của mọi tế bào, mô và các chất dịch  của cơ thể. Nếu không có nước thì sẽ không có nước miếng, dịch vị bao tử, mật để tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng.

Bởi vậy, nước rất cần cho cơ thể cho dù tự nó không cung cấp năng lượng. Ðiều may mắn là nước có sẵn trong  tự nhiên ở khắp mọi nơi. Cơ thể chỉ thiếu nước khi ta thiếu hiểu biết và không quan tâm đến nhu cầu này. Trong thực tế, không ít người đã vô tình không uống đủ lượng nước mà cơ thể cần.

Rất hy vọng rằng lời giải thích này được bà chấp nhận để uống nước như ông nhà khuyên.

Rươi

Xin bác sĩ giải thích hộ chúng tôi câu ca dao sau đây:

“Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm”.

Đáp

Hai câu này nói tới những ngày có Rươi, một món ăn rất đặc biệt của vài tỉnh ở miền Bắc Việt Nam.

Rươi là những sinh vật rất nhỏ nom giống con giun nhưng hai bên mình lại có nhiều lông và nhiều chất nhớt. Lông là bộ phận dẫn đường cho rươi đực và cái tìm đến nhau.

Rươi có nhiều ở các huyện Thanh Miện, Ðông Triều tỉnh Hải Dương; một số địa phương ở Kiến An và Hải Phòng.

Thường thường rươi xuất hiện vào ban đêm của những ngày 20 tháng 9 và mồng 10 tháng 5 âm lịch. Trứng rươi đẻ từ năm trước, nằm trong đất, tới khi nước thủy triều lên cao vào các ngày này thì nở ra con và nhô lên khỏi mặt đất. Dân chúng thường đốt đèn ban đêm, dùng một loại lưới làm bằng vải màn mà vớt. Rươi được cho vào thùng rồi gánh về thủ đô Hà Nội, thị trấn Hải Phòng, Hải Dương mà bán.

Có nhiều cách để ăn rươi: hấp, rán, xào, chả rươi, mắm rươi.

Chả rươi gồm thịt nạc băm nhỏ, trứng đánh nhuyễn, thì là tươi xanh, vài miếng vỏ quýt thái nhỏ li ti, ướp với nước mắm, hạt tiêu trộn với rươi. Ðổ vào chảo rán nhỏ lửa, chả rươi có một hương vị rất đặc biệt, thơm lừng ra tới hàng xóm.

Rươi hấp với mộc nhĩ, củ hành tươi, thì là, nước mắm, vỏ quýt. Ðây là món ăn thanh lịch, ngon lại có rất ít chất béo.

Rươi là món ăn quý hiếm, chỉ có mỗi năm một lần và trong vài ngày nên quý nhau mới thết nhau một bữa ăn rươi. Có người xa quê cả nửa thế kỷ, về Hà Nội được bạn gái khi xưa dành cho một đĩa chả rươi, thì anh ta cảm động biết mấy.

Dân gian ta đã có câu vè đố nhau về rươi như sau:

Con gì bé tí tì ti?

Mình đi dưới đất, bóng đi trên trời?

Một năm mấy bận đi chơi?

Ði thì lở đất long trời mới yên?

NYD