Ðón bạn hữu từ Việt Nam đến chơi tại Huntington Beach, California. Câu chuyện tôi được nghe kể nhiều nhất liên quan đến nạn kẹt xe. Bạn tôi nói mỗi sáng ra khỏi nhà, chắc chắn sẽ được hay bị chứng kiến cảnh kẹt xe ở đâu đó tại ngã ba ngã tư ngã năm ngã sáu của tám nẻo đường thành. Nhiều khi chỉ vì lý do hết sức đơn giản. Một người đang đi bên phải bỗng dưng thắng gấp, quay ngoắt xe chạy vụt sang lề bên trái. Thế là cả giòng xe đột ngột dừng lại, dồn thành một đống khó coi giữa phố thị. Tiếng còi inh ỏi vang lên kèm theo tiếng chửi thề, tiếng hò hét đáng sợ. Chính vì thế đi thật lâu trên đường Warner thuộc Thành phố Huntington Beach chẳng nghe một tiếng còi xe nào, cũng chẳng thấy hàng loạt xe nối đuôi nhích từng mi-li-mét một, những người bạn của tôi đã nói: “Xe của cô không gắn còi à? Ở Việt Nam đi nãy giờ đã đinh tai nhức óc vì tiếng còi xe, sao xứ này tiếng động hiếm hoi đến thế. Sự bình an tĩnh lặng trên đường phố thật đáng kinh ngạc.” Tôi cười bảo: “Lên xa lộ dòm ngó nhé.” Chạy vù một đoạn lên freeway 22 rồi 605, cho mọi người chứng kiến cảnh giao thông náo nhiệt ở Hoa Kỳ. Nhưng các bạn tôi vẫn khẳng định:“Chẳng thấy ai bóp còi xe; chẳng ăn thua gì so với nạn kẹt xe khét tiếng ở Sài Gòn nói riêng, trên toàn lãnh thổ Việt Nam nói chung.” Lời nhận xét chắc như bắp của bạn khiến người xa xứ lâu năm như tôi chạnh lòng, khi nhớ về nơi từng được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Ðông.
Ðầu thập niên 1990 tôi vẫn đang ở Sài Gòn. Năm 1992 chúng ta bao nhiêu tuổi? Có người mười tám đôi mươi, có người hai lăm hai chín, có người gần ba mươi…Nhưng chắc chắn một điều ngày ấy Sài Gòn không kẹt xe nhiều, ngay cả trong ngày Noel hay những ngày đi chợ hoa Tết ở Nguyễn Huệ cũng vậy. Thật đông người thật lắm xe, nhưng tôi nhớ không hề có cảm giác hoảng sợ hay khó chịu. Tuy chẳng còn ở Sài Gòn, nhưng hàng ngày điểm tin trên báo, tôi đã đang và vẫn nhìn thấy những hình ảnh, những đoạn YouTube mô tả nạn kẹt xe khủng khiếp tại Việt Nam. Vì thế tôi không ngạc nhiên khi giao thông trở thành đề tài, để những người bạn đến từ cố hương mang ra so sánh với giao thông tại Mỹ Quốc.
Hiện nay ước tính có hơn tám triệu dân cư ngụ tại Sài Gòn. Con số sẽ còn gia tăng vì người khắp nơi càng lúc càng đổ về thành phố nổi tiếng dễ tìm việc làm, dễ sinh sống này. Người đông nhưng con đường không mở rộng. Chính quyền thành phố chỉ lo xây khu đô thị mới, không tìm cách hay chưa tìm được cách mở thêm đường sá, để tránh cảnh xe cộ chờ đợi nối đuôi dài nhiều cây số. Hãy tưởng tượng mỗi sáng gần tám triệu người đồng loạt ra đường – khi những con đường quá hẹp – thì không xảy ra kẹt xe mới là chuyện lạ. Tôi chợt nhớ bài thơ “Ðời Sống Ðô Thị Thế Kỷ 21” của Bùi Minh Quốc: “Ngày đầu xuân bừng con mắt dậy. Phóng xe chạy. Ra đường. Thành phố mịt mù như khói như sương. Che khuất hết. Những khuôn mặt thiên thần dần dần bần thần, ngờ nghệch. Ðành chôn chân một chỗ. Nghe động cơ ì ầm tiếng nổ. Như búa đóng vào tai. Nhích dần, nhích dần trên con đường dài. Bao giờ tới đích.”
Tác giả viết bài thơ năm 1998 – thời điểm Sài Gòn kỷ niệm 300 năm (1698-1988). Dạo ấy phố phường chắc chưa xảy ra nạn kẹt xe như hiện tại, thế mà Bùi Minh Quốc đã viết “…động cơ ì ầm tiếng nổ. Như búa đóng vào tai. Nhích dần, nhích dần trên con đường dài. Bao giờ tới đích.” Câu chữ của ông là lời ẩn dụ nói đến sự lỗi thời thụt lùi của đô thị, nơi có những con đường khiến người ta đi mãi vẫn không tìm ra lối thoát, vẫn không thấy bóng tương lai. Nhưng nghĩa đen thật đúng với tình trạng kẹt xe bây giờ. Vì thế vấn nạn “bao giờ đến đích” trong thơ Bùi Minh Quốc phải chăng đều có thể dùng cho cả nghĩa đen và nghĩa bóng, khi phác họa hình ảnh Sài Gòn hôm nay.
Một thành phố thương mại chắc chắn phải huyên náo khác thường, nhưng huyên náo không đồng nghĩa với sự thụt lùi trì trệ vì tệ nạn này hay tệ nạn khác, càng không thể vì tệ nạn kẹt xe. Việc “giãn dân” bằng cách xây dựng các khu đô thị ở ngoại thành hình như không giúp ích gì cho việc giải tỏa nạn kẹt xe, mà còn khiến trật tự giao thông thêm khó nhọc khi mỗi sáng xe từ ngoại thành ồ ạt qua cầu tiến vào trung tâm thương mại Sài Gòn. Thế mới biết nhà thơ ở chừng mực nào đó cũng là nhà tiên tri, khi ông mòn mỏi đợi “bao giờ tới đích.” Biết nói gì đây! Trong tình cảnh kẹt xe hiện nay, tôi nghĩ rằng đọc thêm những câu chữ còn lại của Bùi Minh Quốc là điều thích hợp nhất: “Ai đang mơ về thế kỷ 21. Những xa lộ cao tốc / Lao về phía ngày mai / Ai đang mơ về con đường nằm dưới sông dài / Thênh thang người đi như trẩy hội / Không còn người chịu đựng và phổi chịu đựng khói / Hoặc xe chịu đựng xe mệt mỏi / Phải lách đầu này va chạm đầu kia / Con đường vỡ tung bằng hẻm nhỏ cắt chia / Xe ùn ùn tìm đường trốn chạy.” Ðọc xong tôi cảm nhận: Mười chín năm trước tác giả đã mô tả chính xác phố thị đông người đầy khói bụi, giữa cảnh kẹt xe đáng sợ của Sài Gòn bây giờ.
Dẫu sao mặc lòng “Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi làm người.” Câu chữ của Ðỗ Trung Quân ở chừng mực nào đó không chỉ nói lên sự gắn bó với nơi sinh trưởng của người Việt trong nước, mà còn là tâm tình của người Việt xa nhà. Cho dẫu thời thế thay đổi, xã hội không còn như xưa, nhưng quê hương mỗi người chỉ một! Có lẽ chính vì vậy Bùi Minh Quốc kết luận: “Ai đang mơ về một dòng đời đang chảy. / Cùng Sài Gòn đi đến mùa Xuân / Dù bây giờ đang đứng chôn chân / Thả tâm hồn bay lên vòm cây rậm mát / Lẩm nhẩm câu thơ hững hờ tiếng hát / Trên tay cầm tươi tắn nụ hoa mai / Chào những con đường có mặt trong tương lai / Mỗi một ngày đều bước vào Nguyên Ðán.”
Hy vọng là chất liệu để giúp đời sống bớt phiền muộn, bớt căng thẳng, không tuyệt vọng. Sống đồng nghĩa với hy vọng. Hy vọng đồng nghĩa với niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn hôm nay. Mượn câu chữ của Bùi Minh Quốc tôi ân cần chào những con đường có mặt trong tương lai, mỗi một ngày đều bước vào nguyên đán, với lòng mong ước: Khi đọc báo điểm tin, tôi không phải nhìn hình ảnh đoàn xe rồng rắn chờ lưu thông, cũng không phải nhìn thấy cảnh người cha cho con đi vệ sinh giữa đường xe kẹt tại thủ đô Hà Nội – sự kiện (bất thường / không bất thường) đang gây nhiều tranh cãi trên trang mạng truyền thông xã hội.
HV – 7:23am Thứ Năm ngày 19 tháng 1 năm 2017