Em bỏ phone ra ngay, đang giờ học mà nghe nhạc như thế hả?
– ….
– Em có nghe tôi nói gì không?
– Thầy làm gì dữ vậy, cũng là giờ văn thôi mà, có cái gì đáng để nghe đâu!
– Em nói gì, cút ngay…
– Cút thì cút, nhưng e rằng rồi thầy cũng sẽ cuốn gói mà đi thôi!
– ….
– Á, thầy dám đánh em à, để rồi xem…
Cuộc họp hội đồng kéo dài hơn dự kiến. Trao đổi tranh luận mãi rồi cũng chẳng dẫn tới đâu. Tôi sẽ phải ra đi như lời đứa học trò báo trước. Bước ra khỏi phòng hội đồng tôi mỉm cười chào những ánh mắt ái ngại của một vài đồng nghiệp, bên tai còn văng vẳng lời thì thầm của thầy hiệu trưởng: “… dù sao trường chúng ta cũng là trường tư, ngân sách hoạt động còn phụ thuộc nhiều vào sự đóng góp của phụ huynh học sinh, em hiểu cho…”. Tôi định nói với người có vẻ mặt khắc khổ ấy vài lời nhưng ngẫm lại, lại thôi.
Tôi thôi việc được ba hôm thì anh Hai lên thành phố công tác ghé lại. Vợ tôi đã kể cho anh ngay sau khi có quyết định thôi việc của tôi. Anh vẫn bình thản. Anh bảo đã thu xếp cho tôi một chân ở trường trung học ở thị trấn. Vợ tôi thì đã có một sạp vải ở chợ do chị dâu sang lại. Anh Hai lúc nào cũng vậy. Âm thầm, chu đáo. Chán cảnh tôi suốt ngày đi ra đi vào thơ thơ thẩn thẩn, vợ tôi chẳng có lý do gì mà từ chối sự sắp xếp ấy.
Ðã không biết bao nhiêu lần phải chuyển chỗ ở, nhưng lần nào tôi cũng có chung một cảm giác hụt hẫng. sau mỗi lần xa một nơi ở, tôi lại cảm thấy như mình lại mất đi một cánh tay, một cái tai hay một cái gì đại loại như thế. Tôi phải bỏ lại nơi cũ một phần cuộc sống của mình để rồi từng ngày hồi hộp chờ đợi một cuộc sống mới mà chẳng biết nó có tốt đẹp hơn không…
Hôm gia đình tôi chuyển nhà, các nhà bên cạnh đều đi làm cả. Bước chân lên chiếc xe tải nhỏ không mui, nhìn lại những cánh cổng im lìm dọc theo khu phố mà buồn nẫu ruột…
Xe vừa đến nhà mới thì bà con xóm giềng đã tập trung khá đông. Một sự chào đón ngoài sự tưởng tượng của tôi. Người thì giúp chuyển đồ xuống xe, người thì thu xếp dọn dẹp nhà cửa. Mỗi người một tay, chẳng mấy chốc đã tinh tươm. Anh Hai đứng ra cám ơn bà con xóm giềng.
Căn nhà này anh chị Hai tôi mua giúp vợ chồng tôi. Nó vốn của một cụ già vừa được người con gái Việt kiều đón sang đoàn tụ cùng con cháu. Nhà hơi cũ, nhưng tôi chẳng thể và cũng chẳng cần đòi hỏi gì hơn, nhất là khi trước hiên có một giàn thiên lý. Ðó là cả một miền ký ức của tôi, là cả một niềm mơ ước mà tôi biết chắc ở thành phố tôi chẳng bao giờ có được…
Ðêm đầu tiên ở căn nhà mới. Tôi bắc ghế ngồi dưới dàn thiên lý. Trăng mười tám ngả màu vàng đục. Bỗng đâu con cún con mà đứa cháu ôm sang tặng con gái tôi hồi sáng sủa ăng ẳng. Từ ngoài ngõ có tiếng ho khe khẽ, một bóng người lừ đừ tiến vào.
– A, chào ông giáo.
– Chào anh… anh là…
– Tui là hàng xóm của ông giáo nè. Nhà ông giáo với nhà tui cách nhau có hàng chè thôi hà… Nghe nói hôm nay ông giáo chuyển đến mà lại bận chút chuyện không sang chào được, mong ông giáo bỏ quá cho…
– Ấy, anh đừng nói thế, hàng xóm láng giềng với nhau có gì đâu mà khách sáo…
Tôi nhìn sang bên trái nhà mình. Lờ mờ trong màng trăng là một căn nhà lọt thỏm giữa đám mía lồng ngồng. Tôi quay lại nhìn người đối diện. Cao gầy, ăn mặc xềnh xoàng. Qua ánh điện hắt ra từ ô cửa nhỏ, tôi nhìn thấy một đôi mắt nhờ nhờ u uẩn…
– Sao nhà anh tối thui vậy?
– Tui ở một mình, chủ yếu là ở ngoài đường thôi!
– À, mà anh… anh gì ấy nhỉ?
-Tui là Tư, bà con hay gọi là Tư Ðờn. Năm nay tròm trèm bốn mươi…
-Tôi ba lăm. Anh đừng gọi tôi là ông giáo này ông giáo nọ nữa…
-Tui thường gọi mấy ông giáo ở làng này như thế cả, ông giáo đừngngại…
Cuộc trò chuyện bị cắt ngang khi anh Hai tới. Từ Ðờn chào ra về để hai anh em tôi nói chuyện.
Tôi chào anh và cũng không quên hẹn tối mai lại chơi.
Anh Hai bảo tôi thu xếp để sáng mai lên trường mới nhận lớp. Tôi hỏi anh về Tư Ðờn. Giọng anh trầm trầm: “Ðó là một người hát rong, sống thầm lặng trong cô đơn, nếu được thì em cứ trò chuyện với anh ta, có khi lại biết được nhiều chuyện thú vị, lại có cái để mà viết…”. Trong tôi bắt đầu gợn lên những thắc mắc.
Trường ở thị trấn, cách làng gần chục cây số. Tôi quyết định đạp xe đạp đi dạy để mỗi khi đổ xăng không còn nhìn bảng giá mà mắt cứ mờ đi. Công việc ở chợ của vợ tôi dưới sự giúp đỡ của chị dâu tiến hành thuận lợi. Tôi chưa bao giờ khoe khoang vợ tôi trước mặt bạn bè, nhưng thật sự trong lòng rất thương yêu và tôn trọng người vợ tảo tần chịu thương chịu khó. Ðồng lương giáo viên của tôi không thể nào bảo đảm được một cuộc sống đầy đủ cho gia đình, nhưng nhờ sự khéo xoay xở của vợ, gia đình tôi không đến nỗi túng thiếu…
Sau cái đêm đầu tiên tôi chuyển nhà đến, hầu như đêm nào Tư Ðờn cũng ghé nhà tôi lúc vợ con tôi đi ngủ cả. Dưới giàn thiên lý, tôi và anh ngồi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Có hôm vợ tôi sai con bé đi mua mấy xị, để dành ít thức ăn làm mồi. Thế là hai anh em có cái để lai rai. Dần dần thành thói quen, tối nào sau khi chuẩn bị bài vở xong tôi cũng ra trước nhà đợi Tư Ðờn đi làm về. Con chó nhỏ quen hơi không còn sủa nữa mỗi khi thấy anh lững thững xách cây guitar từ ngõ vào.
Mặc dù mới đi làm về còn mệt nhưng thỉnh thoảng anh cũng ca cho tôi nghe vài bản, có khi là những bài vọng cổ mùi mẫn, nhiều lúc nghe mà lạnh cả sống lưng. Trong đêm thanh vắng, cái giọng khàn khàn, đùng đục của anh có sức hấp dẫn lạ kỳ. Nhìn mấy ngón tay mỏng manh lướt trên những sợi dây đàn, trong tôi lại dậy lên một niềm hối tiếc. Tôi cũng đã từng có một thuở ham guitar, một đam mê tưởng chừng không có gì cản trở được. Thế nhưng đó vẫn mãi chỉ là một giấc mộng vì mấy chữ cơm áo gạo tiền. Nhiều lúc cũng tự cười mình, chỉ tại mình không dám hy sinh, đánh đổi một thứ gì đó để thoả mãn một đam mê nào đó đại loại như tiếng đàn của Tư Ðờn đêm nay…
Ðêm nay tôi cảm thấy mình như có được một niềm vui lớn lao khi được thưởng thức giọng ca của Tư Ðờn. Anh hát mà cứ như đang trút cả nỗi lòng u uẩn: “… để lỡ ngày sau khi ta cần nhau, còn nuôi chút êm vui ngày đầu, cho mình nhớ kêu thầm tên nhau…” (Tình khúc Xin còn gọi tên nhau của nhạc sĩ Trường Sa).
Trong những lúc ngồi nhâm nhi, tôi vẫn không thể nào mở miệng để hỏi về chuyện đời của Tư Ðờn. Tôi có cảm giác nếu làm như thế chẳng khác nào mấy tay chuyên đi săn lùng, chọc vào đời tư của người ta để chụp vài bức ảnh, viết mấy bài báo làm cần câu cơm. Làm như thế là có tội với người bạn tâm giao, có tội với tiếng đờn câu hát xót xa đến não lòng của một người nghệ sĩ, dù với người nghệ sĩ ấy, sân khấu chỉ là lề đường, khán giả chỉ là những người ngồi nhậu trong những quán cóc vỉa hè…
Hôm nào có thức ăn ngon tôi cũng bảo con gái mang cho bác Tư một ít. Vợ tôi biết ý nên những lần sau không đợi tôi nhắc cũng cố ý nấu thêm nhiều một chút, như cũng muốn san sẻ chút không khí gia đình cho con người cô đơn tội nghiệp ấy. Từ Ðờn không bao giờ chịu qua nhà tôi ngồi vào bàn ăn cơm. Anh chỉ xuất hiện vào những đêm khuya khi đi làm về. Anh thường mang về ít lạc rang hoặc cá lao khô, sang hơn là con mực nướng.
Một đêm, đang trò chuyện, đột nhiên anh nói:
– Ông giáo bỏ thuốc lá đi, tui thấy ông giáo hút hơi nhiều đó, không tốt đâu!
– Tôi cũng định bỏ lâu rồi nhưng không được đêm nào cũng ngồi viết khuya, có điếu thuốc cho tỉnh táo và đỡ buồn…
– Tui nói thật, mấy người hút thuốc nói hút để đỡ căng thẳng, vậy những người không hút chắc họ đứt dây thần kinh mà chết hết ráo…
Nghe câu nói như đập vào mặt của anh, tôi chỉ biết cười. Và dĩ nhiên chẳng vì thế mà tôi có thể bỏ thuốc ngay được.
Vào một đêm khuya lắm, trăng cũng tàn, Tư Ðờn lò dò bước vào, tay xách bịch mồi và mấy chai rượu ngoại. Chẳng nói chẳng rằng, anh cầm nguyên chai nốc tù tì mấy hơi. Chưa bao giờ tôi thấy anh uống nhiều đến vậy.
Ngồi im lặng một hồi, rồi anh cũng bắt đầu nói:
– Hôm nay tui gặp mánh ông giáo ạ. Thằng bạn từ Mỹ về thăm quê vợ, ra quán nhậu, thấy tui hắn kêu vào, bảo tui hát mấy bài rồi cho xấp đô la. Tui không lấy, hắn bèn sai đệ tử về nhà lấy mấy chai rượu ngoại ra tặng. Buồn cười thật, cái thằng hồi nhỏ chơi trò nào cũng phải cõng tui trên lưng giờ móc đô la cho tui… Buồn cười, thật là buồn cười!
Nói rồi chẳng ý chẳng tứ gì, Từ Ðờn cười thật to. Anh cười ngật ngưỡng. Hình như lâu lắm anh mới cười được như thế. cái cười như tích tụ qua một thời gian dài, giờ bật ra nghe mới rùng rợn làm sao…
Ðột nhiên anh ngừng cười. Anh khóc. Tư Ðờn khóc mà chẳng có âm thanh nào bật ra. Hai dòng nước mắt chảy ngoằn ngoèo trên má rồi đổ vào miệng. Anh mím môi thật chặt để những giọt nước mắt không tràn xuống cằm. Những nếp nhăn rung rung, giần giật xô qua xô lại, trong thoáng chốc mặt anh như biến dạng…
Tôi vẫn ngồi im. Tôi lờ mờ đoán được một ngày nào đó chuyện này sẽ xảy ra. Cho nên những biểu hiện bất thường của Tư Ðờn không làm cho tôi bất ngờ.
Khi đã uống hơn nửa số rượu mang về, anh mới bắt đầu kể:
– Quê tui ở tận miệt vườn. Ba tui là một cây guitar cừ khôi, ngoài ra ông còn chơi đờn cò rất giỏi. Nhà tui đông con, ngoài tui là anh cả còn lúc nhúc sáu đứa em, mặc dù ba má nai lưng ra làm mà anh em tui vẫn không đủ cái ăn cái mặc. Ba tui làm nhạc công cho các ban nhạc đám cưới lẫn đám tang mà nhà vẫn túng thiếu mọi bề. Ðói khổ, làm việc quá sức, ba tui mất sớm. Kế nghiệp cha, tui cũng làm nhạc công trong các ban nhạc đám tang đám cưới để kiếm tiền nuôi em. Tuổi hai mươi, tui và cô hàng xóm thương nhau, nhưng vì nhà nghèo nên chẳng đi đến đâu. Rồi ba má cổ gả cổ cho một thương gia giàu có. Ðám cưới người ta, ngồi ngoài của sổ thấy cô dâu chú rể cụi lạy tổ tiên, còn gì đau xót cho bằng. Dây đờn đứt, tui kiếm cớ tìm dây thay rồi bỏ ra sông, đập nát cây đờn, những mảnh vỡ bập bềnh trôi sông…
Theo lũ bạn tui lên Sài Gòn kiếm sống. Làm đủ nghề để kiếm tiền gửi về quê cho má và các em. Một đêm thằng bạn thân mang đâu về cây guitar cũ, nó nói: “Mầy có ngón ghề độc, hãy dùng nó làm cần câu cơm, thu nhập khá hơn, vừa giúp gia đình vừa phải lo cái thân nữa chớ…”. Thế là đêm đêm tui lang thang khắp các vỉa hè hát theo yêu cầu của những người ngồi nhậu. Nếm đủ nhục nhã tủi hờn, nhiều lúc quên đi cái sĩ diện mà ngửa tay nhận lấy những đồng tiền ít ỏi, dẫu biết đó là thành quả sức lao động của mình. Tuy chỉ là một thằng hát rong nhưng tui cũng có những nguyên tắc riêng của mình. Không bao giờ nhận tiền công khi chưa hát xong, không bao giờ ngồi nhậu với khách, không bao giờ hát những bài của Jimmy Nguyễn…
Ði hát rong được mấy năm, khi đã quen mặt khách thì thành phố có chiến dịch lập lại trật tự, các quán nhậu vỉa hè phải dẹp hết, tui cũng hết đất sống. Thằng bạn dân miền Trung rủ tui về đây sống chung với nó. Biết tin nhà; đứa em gái kề giỏi buôn bán, cũng dễ nhìn nên có thằng chồng khá giả, cả gia đình được nhờ; tui yên tâm dạt về miền Trung, lại làm nghề cũ. Ðược đâu một năm, thằng bạn cũng bỏ tui mà đi. Hình như nó bị một căn bệnh hiểm nghèo từ lâu rồi mà chẳng nói với ai. Kể từ đó, thương thằng bạn cô độc, tui ở lại căn nhà nhỏ sớm hôm nhang đèn cho nó…
– Từ đó đến nay anh có về nhà lần nào không?
– Không. Biết gia đình mình giờ đã ổn định, tuy không giàu có gì nhưng cũng chẳng túng thiếu, tui chẳng lo lắng gì nữa. Nhiều lúc thèm cái không khí gia đình, nhưng nghĩ lại, có lẽ mình chỉ làm xáo trộn cuộc sống của những người thân mà thôi…
– À, tại sao anh không hát nhạc Jimmy, tôi thấy có nhiều bài cũng hay đấy chứ?
– Hôm đám cưới cô hàng xóm, khi tui bỏ đi ra sông, tui đã nghe bài hát Hoa bằng lăng. Buồn, buồn não lòng. Từ hôm đó tui tự hứa với lòng mình sẽ không hát cho bất cứ ai nghe bài đó nữa… Dần dần tui thôi hát những bài của Jimmy, những ca khúc buồn, bài nào cũng đầy tâm trạng…
Tôi thấy mình như có lỗi khi gợi lại nỗi đau của con người tội nghiệp ấy. Nhưng chưa kịp nói lời xin lỗi, Tư Ðờn đã dạo nhạc, cái giọng lại cất lên: “Nhà bên đang đón dâu rộn tiếng cười vui, tôi là thân khách đến chúc phúc mà thôi. Quà tôi mang đến trao chỉ mỗi hoa bằng lăng, vì mình nghèo nên chỉ đứng nép ngoài sân…”
Những nốt nhạc lời ca vang lên như tiếng nức nở…
– Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hình dung được hình thù cái hoa bằng lăng như thế nào… có lẽ như thế lại tốt hơn cho anh. Có loài hoa đã đày đọa một kiếp người…
Biết hết chuyện đời Tư Ðờn nhưng tôi cũng chẳng thể giúp gì cho anh. Tư Ðờn vẫn lặng lẽ đi về giữa những người láng giềng tuy luôn quan tâm đùm bọc anh nhưng chẳng thể nào hiểu được những u uẩn trong lòng con người cô độc ấy.
…
Thời tiết năm nay thật lạ, mùa mưa kéo dài lê thê. Lâu rồi Tư Ðờn không ghé chơi.
Tôi phải đi dự một cuộc hội thảo. Một tuần lễ đằng đẵng rồi cũng trôi qua, vừa về tới đầu làng thì đã nghe trống kèn đám tang văng vẳng. Tới ngõ, nhìn sang nhà hàng xóm, cờ xí khắp nơi. Trời ơi, không lẽ…
Từ Ðờn đã ra đi trong một đêm mưa to gió lớn. Ra đi thật nhẹ nhàng, đôi mắt mở thật hiền từ. Những ngày mưa, nhà nhà đều tất bật, mọi người đã quên con người ốm yếu ấy đang sống một mình trong cô độc đói khát. Tôi bước vào căn nhà dột nát, căn nhà của người hàng xóm mà trước đây tôi chưa một lần bước chân qua, nghe đâu đây tiếng nỉ non trên những dây đờn rỉ máu…
Lục trong mớ giấy tờ cũ nát của anh, tôi thấy dòng địa chỉ kèm theo số điện thoại. Ba hôm sau, tôi đón hai vị khách từ mảnh đất niềm Nam xa xôi, đó là em gái và em rể của Tư Ðờn. Tôi dẫn hai người ra trước nấm mồ còn tươi màu đất. Cô gái đổ sụp người xuống… Trời vẫn không ngớt mưa…
Về tới nhà, cô gái nghẹn ngào:
– Người quen về kể có gặp ảnh ở ngoài miền Trung, ảnh có hỏi chuyện nhà. Chúng em định ra đón ảnh từ lâu, nhưng ảnh giấu không cho biết địa chỉ…
Một hồi lâu cô mới nói tiếp:
– Có lần ảnh gửi thư về, nơi ở nhà giờ sống tốt rồi, ảnh không lo lắng gì nữa, nhà cũng đừng lo cho ảnh. Em biết ảnh đi tìm người đàn bà đó…
– Người đàn bà nào?
– Chính là người hàng xóm mà hồi trẻ ảnh đã trót thương. Người ấy có chồng giàu, nhưng bị chồng phụ bạc, không dám về làng vì sợ mọi người cười chê, phải lưu lạc rày đây mai đó kiếm sống. Anh Tư biết chuyện, sau khi em có chồng mới bươn bả đi tìm…
Thì ra là vậy… Hành trình của Tư Ðờn lúc nào cũng mang theo bóng hình của cô hàng xóm thuở đôi mươi…
Hai vợ chồng em gái Tư Ðờn đồng ý để anh nằm lại nơi đây, để anh tiếp tục tìm kiếm, biết đâu người hàng xóm của anh vẫn sống lẩn quất đâu đây mà anh không biết…
Nguyễn Văn Trang