Ở Sài Gòn, thời tiết đểnh đoảng xung đột, nên con người đoán thời gian qua không khí, âm thanh, hình ảnh. Ví dụ nghe tiếng ve kêu biết thời điểm học sinh nghỉ hè, nghe tiếng còi xe nhiều biết giờ tan sở, hoặc chỉ cần nghe được mấy bài nhạc xuân, ngó mấy nụ mai chúm chím là trong lòng nôn nao, rạo rực.
Gần tới Tết! Gần thôi, vì nhạc xuân thường mở từ Noel, mai dân không chuyên trồng cũng khó “chúm chím” đúng ngày. Niềm háo hức này cũng chả phải như hồi nhỏ, trông mong vào việc được khoác quần áo mới, được nhận lì xì. Càng lớn, con người càng có vẻ sâu sắc thì sẽ có càng nhiều lý do để không hiểu chính mình. Nên để nói rõ điểm bắt đầu của sự háo hức là một việc vô cùng khó khăn. Nhưng đôi khi sự háo hức bị kéo dài làm người ta… ngán, vì nhạc xuân cứ bị lạm dụng khắp nơi, từ loa phường đến karaoke hẻm. Khi người ta bắt đầu lục đục sợ hãi nhạc xuân thì Tết mới chịu… xuất hiện. Và khi Tết xuất hiện thì người ta lại thi nhau réo rắt thở than..

Thời tiết Sài Gòn ngày càng thật khó đoán. Tánh người Sài Gòn cũng ngày càng giống y chang… thời tiết. Hồi bi quan tột cùng hồi hưng phấn tột độ khi xé từng tờ lịch trên tường, đếm từng ngày tới… hết Tết! Có cô nàng kia, mới than thở xuân sang già thêm một tuổi, tốn mớ tiền thưởng dzô mấy việc không đâu, rồi bị hỏi vặn hỏi vẹo sao chưa lấy chồng. Tưởng rằng đời nàng đang bi kịch lắm, nàng đang sầu khổ lắm. Nàng sẽ chết chìm trong mớ đau thương dịu dàng kia thay vì… chết chìm trong đống xe kẹt ngoài đường. Nhưng không, nhìn kìa, nàng vẫn khỏe re, thậm chí còn rực rỡ hơn thường ngày. Ðang tung tăng ngoài phố xúng xính áo đỏ áo hồng chụp hình check-in các kiểu. Miệng cười toe toét, tay đăng dòng trạng thái: “Cô đơn giữa phố đông!” bonus thêm feeling “chỉ có một mình”.

Nói gì nói, Tết mà! Thở than, chê trách cả năm rồi, vui mấy bữa coi sao! Mà đối với người có trái tim đơn giản và chân thành như tôi, không việc gì vui bằng chuyện ăn, ngủ và đếm tiền. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nên nhiều khi tôi nghĩ, tôi sanh ra chỉ để sống vào Tháng Giêng. Hoặc Tháng Giêng sanh ra chỉ dành cho tôi. Tiếc là tôi không đủ khả năng sống hết 12 tháng như Tháng Giêng. Ðó là một sự thiếu sót của Thượng đế khi thiết kế cuộc đời cho tôi!
Nói ra thì người ta nói ham ăn mà hở mở miệng ra là người ta la “ăn tết”. Nhắc tới thức ăn, tôi có thể nói vài… chế độ. Từ món Bắc Trung Nam đến món Ðông Tây, món trên rừng món dưới suối, món Tết lẫn món không Tết, chưa kể món Tết còn được chia ra món Tết Tây lẫn Tết không… Tây! Chỉ có những người không… ham ăn mới có thể nghĩ ra chuyện gộp Tết Ta dzô Tết Tây được, cái bụng tôi không chịu chút nào! Mà cũng nhờ ham ăn mà cứ mỗi độ xuân về tôi lại có việc làm thêm là bán đồ ăn Tết. “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh…” trong mắt tôi không chỉ là Tết mà còn là… tiền vốn bị thâm hụt.

Sài Gòn là cái xứ mà cái quái gì cũng có thể gây ra… tiền. Tết là một dịp béo bở để lao vào kiếm tiền. Bên cạnh đoàn người “đưa nhau đi trốn” thì có rất đông người không “thèm” chen chúc về quê, họ chọn ở lại “làm tết” để nhận mức lương thưởng cao hơn bình thường gấp đôi, ba lần. Bên cạnh đó còn có thể đăng ký các hợp đồng thời vụ như đứng bán hàng, chạy xe ôm, chụp hình, hướng dẫn viên cho khách du lịch hoặc làm tượng giả, thú nhồi bông di động trong các trung tâm thương mại hoặc hóa thân thành nhân viên phục vụ ở các hàng quán cà phê, ăn uống “ba ngày tết”. Rất nhiều công ty, quán xá, nhà hàng cần người vào dịp này. Bên cạnh những công việc lương thiện còn có những công việc rất lương thiện, miễn là dám “dấn thân”, muốn kiếm tiền, quên đi nỗi nhớ nhung quê nhà. Trong vô số việc tôi kể sơ sơ ở trên có một việc mà ít ai nhắc đến, nhưng chắc lâu lâu cũng nghĩ đến. Ðó chính là việc của những cô “bán phấn buôn hương”. Mấy cổ làm cả năm cũng có mà làm thời vụ Tết cũng có. Và đối tượng phục vụ mà các cô hướng đến khi xuân về là những vị khách trở về từ phương xa, bị có mùi Việt kiều, chắc có lẽ sộp hơn. Và cũng vì là Việt kiều, chắc có lẽ dễ dụ hơn. (Theo lời một anh Việt kiều tâm… tư!).

Hôm rồi, một độc giả của Trẻ Magazine hỏi: “Sao Du Uyên không viết về… Việt kiều về quê ăn Tết?” Tôi trả lời thiệt cái tình là có biết gì về Việt kiều đâu mà viết. Trong suy nghĩ mơ hồ của tôi, họ cũng là người Việt, chỉ là họ sống ở một nơi khác, dùng nhiều hơn mình một hai ngôn ngữ. Ảnh nói, không em ơi. Anh về thấy Việt kiều bị đối xử khác lắm! Vali của Việt kiều bị rạch nhiều hơn, suất ăn của Việt kiều bị tính mắc hơn, bao lì xì hay quà tặng của Việt kiều cũng phải “xịn” hơn, đi chơi thì Việt kiều cũng được “ưu ái” hơn trong các chọn “món” lẫn việc tính tiền bill. Bởi vậy, đâm ra mỗi lần Tết đến, tuy rất nhớ quê hương nhưng nhiều Việt kiều chọn gửi hiện vật thay vì hiện… hình. Ðôi khi không biết người ta cần mình hay cần quà?!

Việc về hay không của người ta thì… kệ, tại tôi không có quyền cân nhắc, bởi chính bản thân cũng đâu có chỗ để về. Nhiều khi trước Tết muốn đi đâu đó để Tết làm… “Sài Gòn kiều” trở về quê hương mà đâu có được. Nên nói một cách “vô tình”, việc Việt kiều về nước trong mắt tôi chỉ có hai chữ… “kẹt xe”. Tân Sơn Nhất là một phi trường to nhất miền Nam, nhiều chuyến bay nước ngoài từng ghé về đây trước khi “nhà ai nấy ở”. Có nhà cả chục người ra đón “Việt kiều” đâm ra kẹt từ trong ra ngoài. Mà dân mình ngày Tết mến tình hơn thì phải, về bình thường không sao chớ ngày Tết là phải ra đón đủ cả nhà để mỗi người đều có “quà”! Kẻo bị quên! Chỉ khổ cho người lớn tuổi, không đi được thì trông ngóng lo lắng, đi được thì càng mệt mỏi hơn vì chen chúc, ngộp thở!

Nói chứ Tết với những người trẻ còn có nhiều ý nghĩa chớ với những người già lại rất thiêng liêng. Họ còn bị trói buộc nhiều quy luật đâm ra cứ xuân về là ngập trong nỗi mong ngóng người thân. Bởi vậy trong mấy quảng cáo Tết năm nào cũng râm ran một cách rất… “mị dân” rằng: Tết nào vui bằng Tết đoàn viên. Rồi các clip quảng cáo đều ám chỉ ai không về nhà, về quê sum họp gia đình là vô ơn bạc nghĩa đồ, không có tình thân đồ. Tôi nghĩ ai cũng sẽ có cảm giác khắc khoải, nhớ thương quay quắt nhưng có hàng vạn lý do để người ta không thể về quê hoặc có thể họ đã về nhiều lần trong năm đủ để Tết không về. Ðối với cả Việt kiều lẫn Việt không kiều! Cuộc sống càng hiện đại thì các quy định được cho là mặc nhiên cũng không thể bị đóng đinh mãi. Chuyện Việt kiều – Việt không kiều cũng nên nhìn nhận bằng đôi mắt công bằng!

Luôn tiện các bác Việt kiều cho… mắng dzốn cái. Số là hôm hổm, đi ra khu vực trung tâm, gần nhà thờ Ðức Bà. Khu này gần Tết là vui nhất. Có đường sách treo đầy ảnh triển lãm, có khu hội chợ đầy món ngon, khu buôn bán đồ lưu niệm quần áo hoa và bánh Tết và các hoạt động như vẽ tranh chân dung, bán chữ từ các ông bà đồ, ca múa nhạc các loại. Ngoài cảnh vật, trang phục thì mỗi con người hiện diện tạo nên sự tập trung của các yếu tố thuần Việt, lai… Việt lẫn thuần… ngoại. Ða số đến đây để chụp ảnh. Tôi cũng vậy, nhưng khác là họ chụp ảnh nhau còn tôi chụp ảnh… họ! Có lẽ điều này khiến khách du lịch “thú vị”. Nên có cô gái người nước ngoài hỏi: “sao nước bạn trước Tết người ta đi chụp hình nhiều vậy? Người ta không phải đi làm à?” Tôi mới giải thích cổ nghe là vô đúng ngày Tết Sài Gòn vắng hoe, người ta về quê và đi… ngủ hết, hông ai chụp hình đâu! Hông biết cổ hiểu hông (?)

À, tôi muốn mắng vốn không phải là câu hỏi của cổ! Tôi muốn tố cáo là tôi bị lừa đến tận 21k vnd (tính ra gần 1$ Mỹ kim, mua được 4 gói xôi hoặc ăn được nguyên tô hủ tiếu gõ đặc biệt kèm ly trà đá). Thiệt ra trước khi đi cũng đã nhủ lòng khá kỹ là không mua gì vì túi đang ốm yếu. Nhưng khi dạt qua gian hàng đồ thủ công thì bỗng nhiên thấy thú vị. Tôi luôn bị thích thú với những sáng tạo đơn giản của dân mình. Họ dùng mọi nguyên liệu đơn giản để tạo ra những vật dụng cần thiết cho tất cả mọi người. (Tuy thứ tôi “để ý” và mua cũng không cần thiết cho mấy). Ðó là một cái bông giấy được dán và quấn lại bằng giấy ăn ngâm màu đỏ. Tôi mua với giá 36k, trong khi ban đầu cô bán hàng ra giá 30k. Tôi đưa cổ 100k thì được thối 64k với lý do “Không có tiền lẻ!” cùng cặp mắt rất… đáng thương. Bạn đi cùng hối miết, bảo “có 6k thôi cho người ta đi!” nên tôi cũng bằng lòng cho xong. Chuyện sẽ không có gì nếu khi tôi đi đến đường sách Nguyễn Văn Bình, bắt gặp một giỏ hoa giấy cùng loại nhưng nhiều kiểu dáng màu sắc hơn. Hoa tôi đã mua cũng trong giỏ cùng bảng giá:
– Hoa hồng: 15k!
Tôi cắn môi lôi tay đám bạn chỉ vào cái bảng, chúng cười hô hố, phát biểu:
– Chắc tại mày giống… Việt kiều!
DU