Menu Close

Đồng chí Vi Quốc Thanh trong viện trợ Việt Nam đấu tranh chống Pháp (kỳ 12)

Câu hỏi mà dân Việt thường đặt ra: Là vì sao Navarre ngu xuẩn đến mức giam quân Pháp vào một lòng chảo bị núi vây tứ bề rồi ngồi đợi Võ Nguyên Giáp tiến đánh? Cách xa Hà Nội 456 km đường bộ nhưng không đường tiếp tế từ châu thổ sông Hồng vì tất cả các tỉnh lỵ giáp ranh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ đều thuộc Việt Minh. Khoảng cách trên 300 km đường chim bay từ các phi trường Gia Lâm, Bạch Mai, Cát Bì khiến các phóng pháo cơ của Không đoàn Chiến thuật Bắc phần không thể hiện diện quá 10 phút trên vòm trời Mường Thanh. Trần mây thấp càng  làm không yểm ít hiệu quả. Với những bất lợi như vậy, vì sao Navarre chọn chiến trường Điện Biên?

Nữ binh Hòa Hảo
Nữ binh Hòa Hảo

Hai lý do chính: 1/ Thủ tướng Joseph Laniel cam kết bảo vệ vương quốc Lào khiến Navarre phải chiếm lòng chảo án ngự trục giao thông huyết mạch từ Sơn La sang Luang Prabang. 2/ Chiến thắng Nà Sản 1952 của tổng chỉ huy tiền nhiệm Salan làm Navarre tin chiến lũy là hình thái thích ứng để ngăn Việt Minh. Nếu lý do đầu thuần chính trị, lý do thứ nhì trên mặt quân sự không hoàn toàn là một giải pháp tồi. Nhiều tập đoàn cứ điểm của Đức trên mặt trận Nga như Kholm, Demyansk, Velikiye Luki đã làm gẫy mũi giáo Sô-Viết. “Con nhím” là chiến thuật hữu hiệu chống biển người. Không ngẫu nhiên về sau tướng Westmoreland lặp lại mô thức này tại Khe Sanh và không lực Hoa Kỳ đã dội nát 2 sư đoàn Bắc-Việt. Khiếm khuyết của Navarre là đã ước tính sai khả năng Việt Minh có thể huy động 260,000 dân công, cũng như đã đánh giá sai sức mạnh của không quân Pháp.

Câu hỏi khác: Tương quan lực lượng Pháp-Việt Minh trước trận đánh như thế nào? Trong nghiên cứu La Guerre d’Indochine, Nxb Tallandier 2015, trang 424, Ivan Cadeau đưa ra các số liệu: Từ tháng 7-1953 viện trợ Trung cộng tăng từ 200 tấn lên 2,000 tấn đạn mỗi tháng. Quân đoàn tác chiến Việt Minh lên đến 125,000 lính chính quy, cộng thêm 75,000 bộ đội Miền và 200,000 du kích, tổng số 400,000 cán binh. Quân số Liên hiệp Pháp trong cùng thời kỳ là 450,000 binh sĩ, bao gồm 175,000 lính viễn chinh, 55,000 phụ lực quân, 25,000 lính Lào và Khmer, 150,000 lính VN quốc gia, 30,000 dân quân giáo phái và 15,000 hiến binh, cảnh sát, quân cảnh.

Chênh lệch 50,000 quân gần như không đáng kể vì quân đội Liên hiệp Pháp phải phân tán để giữ đất nên không thể hình thành những đại đơn vị cấp sư đoàn để đương đầu với chủ lực Việt Minh. Trong thư riêng gửi cho thượng cấp cũ là thống chế Juin, Navarre than phiền sức chiến đấu kém, dễ mất tinh thần của lính Ả Rập và da đen. Các tiểu đoàn khinh chiến quốc gia thì vì trang bị nhẹ, hỏa lực không ngang bằng với chính quy Cộng sản. Lính hoàng gia Lào và Khmer gần như tượng trưng, dân quân Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên, Công giáo chỉ hữu hiệu chống du kích. Duy nhất các Hải đoàn Xung phong Dinassaut, Nhảy dù, Lê dương và Nhảy dù Việt Nam được xem là thiện chiến.

Việt Minh huy động 260,000 dân công cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Việt Minh huy động 260,000 dân công cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cũng từ 1951, quân đoàn viễn chinh Đông Dương đã bị “vàng” hóa. Ivan Cadeau thống kê trong số 175,000 ‘‘lính viễn chinh”, phân nửa đã là lính Việt. Bernard Fall liệt kê trong Một Góc Địa Ngục (Hell in a Very Small Place):

Tiểu đoàn 6 Nhảy dù Thuộc địa (6e BPC) của thiếu tá Marcel Bigeard cấp số 613 binh sĩ mà 332 là lính Việt, tỷ lệ 54%.

Tiểu đoàn 2 Săn giặc Nhảy dù (II/1er Régiment de Chasseurs Parachutistes) của thiếu tá Jean Bréchignac cấp số 827 binh sĩ mà 420 là lính Việt, tỷ lệ 50%.

Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê dương (1er BEP) của thiếu tá Maurice Guiraud cấp số 653 binh sĩ mà 336 là lính Việt, tỷ lệ 51.4%.

Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Thuộc địa (1er BPC) của đại úy Guy Bazin de Bezons cấp số 911 binh sĩ (413 lính Việt), tỷ lệ 45%. 

Cả 4 tiểu đoàn này và Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam (5e BPVN) sẽ nhảy xuống Điện Biên Phủ. Cùng với Quân đội Quốc gia đã thành hình, ‘‘kháng chiến chống Pháp” thật ra đã là nội chiến.

Trong chương Quyết chiến Điện Biên Phủ (trung), Vu Hóa Thầm ghi sai chi tiết: De Castries không phải là một danh tướng của quân đội Pháp, chỉ là một trung tá chỉ huy một liên đoàn lưu động cán phải mìn tại Hương Canh (quốc lộ 2 đi từ Đại Phúc lên Vĩnh Yên), bị gẫy hai chân nên vắng mặt lâu trên chiến trường Đông Dương. Thăng cấp đại tá, de Castries chỉ huy Điện Biên Phủ và chỉ đặc cách chuẩn tướng ngày 16 tháng 4-1954 sau khi trận đánh đã diễn ra hơn một tháng. Truyền đơn de Castries cho thả xuống rừng rậm viết bằng tiếng Pháp không bằng tiếng Việt, nguyên văn nội dung như sau:

“Đại tướng, ông đã cho tập trung 4 sư đoàn tinh nhuệ nhất với khối lượng vũ khí hùng hậu. Tuy nhiên cho đến hôm nay các sư đoàn này không tấn công. Tự tin chiến thắng, nhưng có phải là ông đang đánh mất lòng tin vào khả năng chiến đấu của cán bộ và chiến sĩ? Đại tướng, ông đã hạ quyết tâm, phải giữ quyết tâm của mình. Đừng sợ mất mặt trước tập thể. Tôi đợi ông khai trận.”  Đại tá Christian de Castries [Ivan Cadeau, sđd, trang 431]

Đặc điểm của chương này là hình ảnh một Vi Quốc Thanh vô cùng kiêu ngạo bên cạnh một tiểu tiết kỳ lạ mà Vu Hòa Thầm ghi: Khi Võ Nguyên Giáp đến thăm, nghe được chuyện này, vội nói: “Quá nguy hiểm! Từ nay về sau bố trí hành động không thể nghe đồng chí nữa, đồng chí phải tuyệt đối nghe tôi”. Vi Quốc Thanh cười nói: “Vâng! Vâng! Từ nay về sau tuân lệnh!”. Gần như một nhạo báng? Khác Cố vấn trưởng Trung Cộng đầu tiên Trần Canh trong chiến dịch Biên giới là một đại tướng, Vi Quốc Thanh chỉ mang quân hàm trung tướng dưới cấp đại tướng của Võ Nguyên Giáp, nhưng cách đối đáp là một khinh thường.  Trần Vũ

 

Đồng chí Vi Quốc Thanh trong viện trợ Việt Nam đấu tranh chống Pháp (kỳ 12)

Quyết chiến Điện Biên Phủ (trung)

Ðiện Biên Phủ là vùng lòng chảo nam bắc dài khoảng 18 km, đông tây rộng khoảng 6-8 km. Nam cách Lào khoảng 30 km, đông cách Hà Nội hơn 300 km. Sau khi quân Pháp nhảy dù xuống đây ngày 20/11/1953, chúng đuổi hết cư dân yên lành sống ở đây, lần lượt tăng thêm binh lực, dùng máy bay vận chuyển vật liệu xây dựng, chặt phá cây rừng bừa bãi, xây đắp công sự làm cho Ðiện Biên Phủ trở thành tập đoàn cứ điểm có hệ thống phòng ngự hoàn chỉnh. Nơi đây có tất cả 49 cứ điểm, chia làm 8 cụm cứ điểm, 3 phân khu phòng ngự: phân khu trung tâm Mường Thanh là trụ sở cơ quan chỉ huy của quân Pháp nằm giữa thung lũng, trận địa chính của pháo binh, kho hậu cần, sân bay chủ yếu và 2/3 binh lực đều tập trung ở đây.

Tập san quân sự Uniformes số 296 tháng 9-2014 làm chuyên đề đặc biệt về binh chủng nhảy dù Việt Nam.
Tập san quân sự Uniformes số 296 tháng 9-2014 làm chuyên đề đặc biệt về binh chủng nhảy dù Việt Nam.

Phân khu bắc bao gồm hai cụm cứ điểm ở đồi Ðộc Lập (Gabrielle) và Bản Kéo (Anne-Marie) ở bắc và tây bắc Mường Thanh, cùng với cụm cứ điểm Him Lam (Béatrice) 1 ở đông bắc phân khu trung tâm Mường Thanh trở thành bình phong phía bắc của Ðiện Biên Phủ. Vùng Hồng Cúm (Isabelle) cách nam Mường Thanh khoảng 5 km là phân khu nam, cũng có sân bay trận địa pháo binh, làm nhiệm vụ ngăn chặn quân đội nhân dân tấn công từ phía Nam. Mỗi cụm cứ điểm của quân Pháp có nhiều tầng hỏa lực hỗ trợ, đào giao thông hào chằng chịt. Xung quanh cứ điểm có một vùng làm vật cản 40-200m, trong vùng đó chằng nhiều lớp dây thép gai và lưới điện và chôn mìn dầy đặc. Ðầu tháng 3/1954, địch lần lượt tăng thêm binh lực lên 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, lính dù, cùng với 2 tiểu đoàn pháo 105 ly, 1 đại đội pháo 155 ly, 2 đại đội súng cối 120 ly, 1 tiểu đoàn công binh và 1 đại đội xe tăng (10 chiếc), 1 phi đội máy bay (14 chiếc), tổng binh lực khoảng 13,000 tên. Xây 2 sân bay bắc, nam. Hằng ngày địch sử dụng 100-200 lần chiếc máy bay cho 100-300 tấn vật tư quân dụng đến Ðiện Biên Phủ.

Một số tướng lĩnh cao cấp Pháp – Mỹ từng thị sát Ðiện Biên Phủ cho đây là “một pháo đài bất khả xâm phạm” là “Verdun của Ðông Nam Á”. Quân địch cậy thế bộ đội tinh nhuệ đông, hoả lực mạnh, công sự kiên cố, bố phòng nghiêm ngặt nên không lo sợ gì. Navarre, Tổng chỉ huy quân Pháp ở Ðông Dương lên tiếng phải “giữ vững cứ điểm này bằng bất cứ giá nào”, phải “nghiền nát” bộ đội Việt Nam ở Ðiện Biên Phủ.

Trung hạ tuần tháng 12/1953, đại đoàn 316 và 308 nối tiếp nhau đến và bao vây Ðiện Biên Phủ. Tiếp theo, do Bộ Tổng Tham mưu QÐNDVN điều thêm bộ đội trọng pháo, bộ đội cao xạ pháo được Trung Quốc trang bị huấn luyện cũng lục tục tiến về Điện Biên Phủ. Vi Quốc Thanh và Mai Gia Sinh dẫn nhân viên Ban chỉ huy cố vấn cũng theo Bộ chỉ huy tiền phương quân đội Việt Nam ra tiền tuyến. Từ tây Yên Bái chỉ có một con đường lên Ðiện Biên Phủ. Pháo binh ra trận, dân công vận tải đều dựa vào con đường này. Ðể đề phòng máy bay địch, bộ đội và dân công đều ngày nghỉ đêm đi. Chiều xuống người gánh, xe chở rất chen chúc. Vi Quốc Thanh mang theo phiên dịch và bảo vệ ngồi trên xe jeep, chỉ có thể lăn bánh từ từ. Mỗi lần gặp máy bay địch bắn phá, ôtô phải tắt đèn giảm tốc độ. Gặp phải đoạn đường nguy hiểm chưa gỡ hết bom nổ chậm do máy bay địch ném xuống, phải xuống xe đi vòng. Vì vậy, xe đi một đêm không nổi 100 dặm. Trời vừa hừng sáng phải chui vào rừng sâu ẩn nấp. Vi Quốc Thanh là người nóng tính, hết sức sốt ruột với tốc độ hành quân này, nhưng không biết làm sao được.

Uniformes số 296 trang 48 giới thiệu chiến tích của trung úy Phạm Văn Phú đại đội trưởng đại đội 2 của tiểu đoàn 5 Nhảy dù (5e BPVN). Đêm 10 tháng 4-1954 trung úy Phú phản kích lên đồi Éliane 1, tái chiếm căn cứ và đẩy lùi tất cả các tấn công Việt Minh cho đến sáng. 6 ngày sau, trung úy Phú được đặc cách đại úy tại mặt trận, quyền tiểu đoàn phó 5e BPVN
Uniformes số 296 trang 48 giới thiệu chiến tích của trung úy Phạm Văn Phú đại đội trưởng đại đội 2 của tiểu đoàn 5 Nhảy dù (5e BPVN). Đêm 10 tháng 4-1954 trung úy Phú phản kích lên đồi Éliane 1, tái chiếm căn cứ và đẩy lùi tất cả các tấn công Việt Minh cho đến sáng. 6 ngày sau, trung úy Phú được đặc cách đại úy tại mặt trận, quyền tiểu đoàn phó 5e BPVN

Khi sắp đến gần tiền tuyến, có một đoạn đường, pháo tầm xa của địch thỉnh thoảng bắn vài phát để phong toả. Phía Việt Nam sắp xếp ôtô chở vật tư của đoàn cố vấn băng qua đoạn đường này, còn người thì đi vòng theo đường mòn, để bảo đảm an toàn. Ðể đi nhanh ra tiền tuyến, Vi Quốc Thanh kiên trì ngồi xe băng qua. Khi xe băng qua chỗ phong toả này bỗng nhiên có tiếng nổ to, một phát đạn pháo nổ ở gần đó. Vi Quốc Thanh bình tĩnh ra lệnh cho lái xe không nên hoảng hốt, lái nhanh đi qua. Sau khi đến đích, kính cửa sau ôtô bị mảnh đạn xuyên một lỗ. Khi Võ Nguyên Giáp đến thăm, nghe được chuyện này, vội nói: “Quá nguy hiểm! Từ nay về sau bố trí hành động không thể nghe đồng chí nữa, đồng chí phải tuyệt đối nghe tôi”. Vi Quốc Thanh cười nói: “Vâng! Vâng! Từ nay về sau tuân lệnh!”.

Thượng tuần 1/1954, bộ đội được Bộ Tổng Tham mưu quân đội Việt Nam điều thêm tiếp tục đến mặt trận Ðiện Biên Phủ. Lúc này lực lượng QĐND Việt Nam bao vây Điện Biên Phủ có các đại đoàn bộ binh 308, 312, 316 và 304 (thiếu 1 trung đoàn) và đại đoàn công pháo binh 351 (gồm 1 trung đoàn lựu pháo, 1 trung đoàn sơn pháo, 1 trung đoàn công binh, 4 đại đội súng cối, 1 tiểu đoàn pháo cao xạ, 2 tiểu đoàn súng máy cao xạ), tổng binh lực hơn 40,000 người, chiếm ưu thế tuyệt đối về binh lực. Quân đội nhân dân vừa trải qua chỉnh quân chính trị và huấn luyện quân sự, tố chất quân chính nâng cao rõ rệt. Quân địch đóng giữ Ðiện Biên Phủ tuy lực lượng tinh nhuệ đông, công sự khá kiên cố, nhưng xa hậu phương, bị bao vây bốn bề, rất cô lập. Vì vậy, quân đội nhân dân có điều kiện cơ bản rất tốt để giành thắng lợi chiến dịch. Nhưng do quân đội nhân dân lâu nay chưa đánh công kiên quy mô lớn nên đứng trước tập đoàn cứ điểm kiên cố của địch, có những cán bộ kể cả cán bộ cao cấp nào đó, thấy quá nhiều khó khăn, thiếu lòng tin. Căn cứ vào tình hình đó, Vi Quốc Thanh dẫn đầu Ðoàn cố vấn quân sự đã làm công tác chuẩn bị trước khi chiến đấu.

Đại úy Phạm Văn Phú sinh 1928 tại Hà Đông, tốt nghiệp tú tài Pháp bán phần, khóa 8 Võ bị Quốc gia Đà Lạt, được tiểu đoàn trưởng André Botella đánh giá là sĩ quan gan dạ, gương mẫu và kỷ luật. Hình chụp 1955.
Đại úy Phạm Văn Phú sinh 1928 tại Hà Đông, tốt nghiệp tú tài Pháp bán phần, khóa 8 Võ bị Quốc gia Đà Lạt, được tiểu đoàn trưởng André Botella đánh giá là sĩ quan gan dạ, gương mẫu và kỷ luật. Hình chụp 1955.

Thông qua trao đổi riêng với Võ Nguyên Giáp và tham gia hội nghị của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Việt Nam, Vi Quốc Thanh giúp phân tích tình hình, nghiên cứu cách đánh, đi đến thống nhất tư tưởng, xác định mục đích quyết tâm tác chiến. Ðồng thời lợi dụng mọi cơ hội, làm công tác tư tưởng đối với cán bộ trung-cao cấp quân đội Việt Nam. Tại hội nghị cán bộ trung đoàn trở lên các đơn vị tham gia tác chiến, do Bộ chỉ huy tiền phương QÐND Việt Nam triệu tập ngày 14/1/1954, khi được mời phát biểu ý kiến, Vi Quốc Thanh nêu lên sự thật đầy đủ, nói rõ phương châm tác chiến của Trung ương Ðảng Lao động Việt Nam và Tổng Quân uỷ là hoàn toàn đúng đắn. Ðồng chí nêu ví dụ nói từ khi Pháp chiến tranh xâm lược Việt Nam đến nay đã thay 7 Tổng chỉ huy, còn Tổng Tư lệnh của chúng ta vẫn là Tổng Tư lệnh. Ðiều đó nói lên địch nhiều lần thất bại, chúng ta liên tiếp thắng lợi, nói lên sự lãnh đạo của Trung ương Ðảng và Tổng Quân uỷ là hoàn toàn có thể tin cậy được. Ðồng chí vạch rõ, quân đội nhân dân có điều kiện, có khả năng giành thắng lợi của chiến dịch công kiên quy mô chưa từng có này. Ðồng chí nói – các đơn vị bộ đội chủ lực quân đội nhân dân đã trải qua rèn luyện chiến đấu thực tế và huấn luyện quân chính. Sức chiến đấu đều được nâng cao rõ rệt, nhất là đại đoàn 308 và 312 càng trưởng thành là bộ đội có sức chiến đấu kiên cường, có thể nói một là bộ đội thép, một là bộ đội sắt, chúng ta có bộ đội sắt thép sẽ đánh đâu thắng đó. Ðồng chí cổ vũ cán bộ các cấp khắc phục mọi khó khăn, đánh tốt trận này, làm cho quân đội nhân dân tiến lên một bước lớn. Phát biểu của Vi Quốc Thanh có tác dụng cổ vũ ý chí chiến đấu, tăng thêm lòng tin.

Sàigòn 1953, Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm gắn huân chương lên quân kỳ của trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức (École d’Officiers de Réserve) trên đại lộ Charner, là đường Nguyễn Huệ về sau.
Sàigòn 1953, Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm gắn huân chương lên quân kỳ của trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức (École d’Officiers de Réserve) trên đại lộ Charner, là đường Nguyễn Huệ về sau.

Lúc này, khí thế của quân Pháp ở Ðiện Biên Phủ vẫn rất hung hăng. Một hôm, phiên dịch của Võ Nguyên Giáp cầm mấy tờ truyền đơn của máy bay quân Pháp rải xuống đến gặp Vi Quốc Thanh. Truyền đơn là lá thư viết bằng tiếng Việt của De Castries gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nội dung đại ý là: “Tôi biết bộ đội của ông đã bao vây Điện Biên Phủ, nhưng vì sao không tiến công? Tôi đã kiên nhẫn chờ đợi. Nếu ông có gan dám mở tấn công, thì xin bắt đầu đi! Tôi đang chờ đón những thách thức của ông, quyết một phen thắng bại với ông!”

Vi Quốc Thanh nghe người phiên dịch đọc hết tờ truyền đơn cười nói: “Lão De Castries này! Ngông cuồng lắm! Hãy đợi đấy. Ðến lúc chiến dịch mở màn, là lúc hắn khóc đấy”. Phiên dịch báo cáo nói: “De Castries là một danh tướng của Lục quân Pháp là cấp dưới cũ của Navarre, đã qua trường quân sự, là học viên ưu tú. Hắn vốn quân hàm Đại tá, gần đây vừa được phong Thiếu tướng”. Vi Quốc Thanh nói: “Thế thì hãy để xem chúng ta học được gì ở học viên ưu tú này có tài chỉ huy đến đâu”.

(còn tiếp)

Vu Hoá Thầm

bản dịch của DƯƠNG DANH DY

Kỳ: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17