Để chứng tỏ ông giữ đúng lời hứa như trong khi tranh cử, chỉ ít ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp. Trong đó có những sắc lệnh liên quan trực tiếp tới những chủ đề chính trong cuộc tranh cử của ông như: trì hoãn việc áp dụng thêm một số điều lệ trong luật chăm sóc y tế Obamacare, mở đường cho tiến trình hủy bỏ luật này trong tương lai; thắt chặt việc kiểm soát di dân cũng như đẩy mạnh hơn tiến trình trục xuất những di dân bất hợp pháp; xây bức tường biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico; tiến hành việc xây cất hai đường ống dẫn dầu là Dakota Access và Keyston XL Pipelines v.v…

Riêng đối với người Việt, sắc lệnh rút Hoa Kỳ ra khỏi danh sách 12 quốc gia tham gia Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – thường được gọi tắt là TPP), được chú ý hơn cả vì nó sẽ ảnh hưởng đến tương lai kinh tế và chính trị tại Việt Nam.
Hiệp định TPP được thai nghén lúc đầu từ một thoả thuận mậu dịch bao gồm bốn nước Tân Tây Lan, Brunei, Chile và Singapore, có hiệu lực từ năm 2006 và thường được gọi là thoả thuận mậu dịch P4 (Pacific 4). Kết quả cho thấy việc thương mại phát triển trong nhóm bốn quốc gia này và từ đó P4 được mở rộng ra với tham vọng to lớn hơn, kêu gọi được 12 nước quanh vành đai Thái Bình Dương tham gia gồm có Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Mã Lai Á, Mexico, Tân Tây Lan, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Mục đích chính của hiệp định TPP là nhằm tăng cường việc buôn bán và phát triển kinh tế trong nhóm các quốc gia thành viên. Sau bảy năm dài đàm phán gay go với hàng trăm cuộc họp thảo luận các cấp, bản thỏa thuận chung cuộc được ký kết ngày 4 Tháng 2 năm ngoái tại Auckland, Tân Tây Lan, bao gồm 30 chương trải rộng qua nhiều lãnh vực thương mại từ sản xuất đến nông nghiệp đến việc mua bán trên internet.
Phe ủng hộ cho rằng hiệp định này sẽ giúp bỏ bớt đi những rào cản thương mại và cập nhật nền kinh tế toàn cầu cho phù hợp với tình thế luôn có những thay đổi trong thời đại mới, như đã được chứng kiến với sự bùng nổ trong lãnh vực tin học, số người sử dụng internet ngày càng đông và do đó kéo theo sự phát triển vượt bực trong lãnh vực thương mại điện tử. Riêng với Hoa Kỳ còn xem hiệp định TPP như một chính sách mở rộng thêm tầm ảnh hưởng chiến lược trong khu vực Á châu-Thái Bình Dương trong lúc vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc cũng ngày càng lan rộng ra.
Những người chống lại hiệp định thì nói rằng tiến trình đàm phán có nhiều khúc mắc và mờ ám, họ cho rằng hiệp định này được hình thành chỉ với mục đích là làm lợi cho các công ty lớn, có nguy cơ làm tăng giá thành các sản phẩm và đưa công việc sang những nước có mức lương nhân công thấp.
Ông Trump nằm trong nhóm những người chống đối TPP, và điều trớ trêu là cả hai ứng cử viên của đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử vừa qua là Hillary Clinton và Bernie Sanders đều có chung quan điểm này với Trump.
Bản thỏa thuận liệt kê một danh sách dài gồm 18,000 loại quan thuế được cắt giảm trên tất cả các mặt hàng nhập cảng và bỏ bớt những chướng ngại làm ngăn cản việc phát triển và đầu tư sang những quốc gia thành viên của các công ty.

Các công ty sản xuất xe hơi của Mỹ và Nhật được lợi vì thấy trước số lượng xe xuất cảng sang các nước châu Á sẽ tăng nhờ cắt giảm quan thuế và do đó giá thành của xe bán ra sẽ rẻ hơn. Ngành xuất cảng lương thực của Úc cũng được hưởng lợi tương tự trên các món hàng như thịt, rượu, gạo và hải sản.
Hiệp định sẽ tạo điều kiện buôn bán dễ dàng giữa các quốc gia thành viên nhưng việc trao đổi thương mại với những quốc gia không phải thành viên sẽ gặp khó khăn hơn do bị luật lệ ràng buộc và những quốc gia thành viên nào tự ý đi tìm nguồn đầu tư từ những quốc gia không thuộc TPP thì sẽ bị tước mất đặc quyền kinh tế.
Hiệp định TPP cũng bắt buộc các thành viên phải giám sát chặt chẽ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm từ các sản phẩm thuộc kỹ nghệ cao đến những sản phẩm văn hoá. Hiệp định cũng đòi hỏi các thành viên, kể cả các quốc gia đang phát triển, phải tuân thủ một số tiêu chuẩn gắt gao trong việc bảo vệ môi trường và quyền lợi của người lao động.
Hiệp định TPP nếu thật sự được đưa vào hoạt động sẽ là khối kinh tế lớn nhất trên thế giới từ trước tới nay, chiếm 40% sản lượng kinh tế của cả thế giới. Trong điều 5 của chương 30 trong bản thỏa thuận đòi hỏi sáu quốc gia đại diện cho 85% tổng sản lượng (GDP) của khối TPP bắt buộc phải được quốc hội của những quốc gia đó phê chuẩn. Chỉ riêng Hoa Kỳ đã chiếm tới 62% sản lượng GDP của cả khối và do đó có thể nói không có Hoa Kỳ thì cũng không có TPP. Trước khi ông Trump đặt bút ký vào sắc lệnh, nhiều người đã tỏ ra không mấy lạc quan là hiệp định này sẽ được quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn vì có nhiều tiếng nói chống đối từ những vị dân cử của cả hai đảng. Mặc dù bản thỏa thuận đã được chính phủ của 12 quốc gia ký kết, hiệp định TPP phần nào có nguy cơ bị chết từ ngay trong trứng nước. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có quốc gia nào khác ngoài Hoa Kỳ lên tiếng rút chân ra khỏi TPP, nghĩa là trên danh nghĩa TPP vẫn còn, mặc dù sức mạnh kinh tế của nhóm không còn bao nhiêu.

Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới, TPP sẽ giúp nền kinh tế Hoa Kỳ ngay trước mắt tăng thêm khoảng 0.4 phần trăm, nghĩa là không bao nhiêu. Rút ra khỏi TPP sẽ không ảnh hưởng gì tới nền kinh tế của Hoa Kỳ bởi vì TPP thực sự chưa có hiệu lực. Nhưng theo ý kiến của một số kinh tế gia, TPP sẽ mang lại nhiều quyền lợi kinh tế cho nước Mỹ về lâu về dài, có thể phải mất ít nhất một thập niên mới thấy được ảnh hưởng của nó.
Tham gia vào TPP, Việt Nam là quốc gia được lợi nhiều nhất vì có nền kinh tế yếu nhất và sản lượng GDP của Việt Nam hiện tương đối thấp so với các nước khác trong nhóm. Theo các số liệu được công bố vào Tháng 7 năm 2015 trong một phúc trình của Nhóm Eurasia, tới năm 2025, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng 11%, hàng xuất cảng tăng 28%, trong đó ngành may mặc là một trong những ngành tăng mạnh nhất. Nền kinh tế tăng cũng có nghĩa là Việt Nam sẽ bớt bị lệ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc. Do đó, việc TPP bị sụp đổ, Việt Nam là nước kém may mắn nhất. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng tới các phong trào dân chủ trong nước vì để được tham gia vào TPP, chính phủ Việt Nam bắt buộc phải cam kết đưa ra những cải cách về luật lao động, cho phép công nhân được tự do lập nghiệp đoàn và phải tôn trọng nhân quyền.
Không có TPP, người ta thấy rõ ràng Trung Quốc là nước vui mừng nhất. Việc Hoa Kỳ rút ra khỏi TPP tự nhiên tạo ra khoảng trống và Trung Quốc sẽ sẵn sàng trám vào khoảng trống đó. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhóm họp ở Davos (Thuỵ Sĩ), Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã đăng đàn nói đến những lợi ích của toàn cầu hoá. Ông Tập tuyên bố là Trung Quốc sẵn lòng giữ vai trò lãnh đạo để quảng bá công cuộc toàn cầu hoá và gợi ý bước đầu tiên là thúc đẩy trở lại các cuộc đàm phán cho Hiệp định Hợp tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Các cuộc đàm phán RCEP đang bị ngưng trệ do có những tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và một số quốc gia trong vùng. Ðây là một hiệp ước kinh tế tựa như TPP của nhóm 10 quốc gia ASEAN nhưng bao gồm luôn một số quốc gia đang trao đổi thương mại với ASEAN như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Úc và Nam Hàn.
Tuy nhiên, trong thỏa thuận của RCEP không có những điều lệ ràng buộc về bảo vệ người lao động, nhân quyền và môi trường như có trong thỏa thuận của TPP.
Hiện chưa rõ chính phủ Hoa Kỳ và Tổng thống Donald Trump có đưa ra một đề nghị hợp tác kinh tế nào khác để thay thế cho TPP hay không. Sắp tới đây chỉ có cuộc đàm phán thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản tại Washington vào ngày 10 Tháng 2 trong chuyến công du Hoa Kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe.
VH