Người Nhật nổi tiếng là ứng xử có văn hóa. Vì vậy, dù đang ở đâu ta cũng nên tìm hiểu để học hỏi hoặc biết cách xử sự khi giao thiệp với người Nhật hay sang xứ họ.
Văn hóa ứng xử của người Nhật hiện đại phần lớn được cho là đã hình thành từ văn hóa thời kỳ Edo cho đến cận đại. Ðây là thời kỳ dân cư tứ xứ tụ tập về Edo (Tokyo ngày nay) làm ăn sinh sống. Vì có nhiều người cùng nhau sinh sống trong một không gian chật hẹp nên để cuộc sống suôn sẻ, qua đúc kết mọi người tự đặt ra những quy tắc ngầm trong ứng xử. Nó được gọi chung là Edo shigusa.
Xã hội Nhật Bản hiện đại có một nền tảng quan trọng là chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy trong cuộc sống điều tối kỵ là làm ảnh hưởng và xâm phạm đời tư của người khác. Bạn có thể làm gì tùy ý trong không gian riêng tự do nhưng ở nơi công cộng phải tôn trọng những quy tắc đã có. Một trong những quy tắc ứng xử đầu tiên cần phải học khi đến Nhật là giữ trật tự. Người Nhật rất ít khi tỏ thái độ nhưng nếu bạn gây ồn họ sẵn sàng nhắc nhở, thậm chí nổi nóng. Ðiều này được cho là xuất phát từ việc Nhật Bản đất chật người đông, việc va chạm hàng ngày khó tránh khỏi nên họ luôn luôn chú ý cách cư xử của bản thân để tránh ảnh hưởng đến người xung quanh.

Một vài quy tắc ứng xử chung:
– Ngày mưa, hai người cầm ô đi đối diện nhau sẽ nghiêng ô ra ngoài để tránh nước giọt sang ướt người đối diện.
– Tuyệt đối phải đúng giờ. Việc không hẹn mà tới, hoặc trễ hẹn… gọi là kẻ ăn cắp thời gian của người khác.
– Khi không may bị người khác giẫm phải chân thì cũng nói xin lỗi (Sumimasen), giúp không khí bớt căng thẳng.
– Quy tắc 7/3: dành 3 phần đường mình đi còn 7 phần dành cho xe khi khẩn cấp.
– Những thói quen như: rung đùi, khạc nhổ v.v… được cho là rất bất lịch sự, cần sửa ngay lập tức.
– Không được tự tiện cho số điện thoại, email, địa chỉ… của người khác mà không xin phép trước.
(còn tiếp)
MH – Nguồn: Wikia Nhật Bản