Bài 3
Người già
Người già là những người trong thế hệ “Âm Thầm” (the Silent Generation), ra đời trong những năm 1922-1945); thế hệ này còn có tên là “Traditional Generation” (“Truyền Thống”), “Veterans”, và “Greatest Generation”. Tên gọi “Silent Generation” không chỉ được áp dụng cho cư dân châu Mỹ mà còn bao gồm cả người châu Âu và Úc.
Tên gọi “Âm Thầm” xuất phát từ một bài bình luận trên tạp chí Time phát hành năm 1951, dựa trên nhiều yếu tố: kinh tế, chính trị và xã hội. Về mặt kinh tế, thế hệ này đối mặt với hậu quả của trận Khủng Hoảng Kinh Tế (the Great Depression). Kinh tế suy thoái kéo theo sự sụp đổ của xã hội; thị trường chứng khoán sập tiệm nên nhiều người đầu tư khánh tận; kỹ nghệ tài chánh, ngân hàng phá sản; chẳng ai còn tiền để mua hàng hóa nên hãng xưởng đóng cửa… cư dân đói kém nên loạn lạc khắp nơi. Về mặt chính trị, các chiến binh trở về sau thế chiến II, mặt trận Âu Châu và Á Châu tạm yên ổn, Nga Sô kéo quân về cố quốc và trở thành mục tiêu đối đầu với Hoa Kỳ.
Thời hậu chiến là giai đoạn hình thành và phát triển của chủ thuyết McCarthyism. Thủa “McCarthy”, một giai đoạn tối tăm của lịch sử Hoa Kỳ, cư dân âm thầm chịu đựng các gò ép xã hội vì không muốn tên tuổi mình bị “ghi chép” trên giấy mực. Tạm hiểu là thế hệ ấy, chịu ảnh hưởng sâu đậm của trận Khủng Hoảng Kinh Tế, hai trận thế chiến và cơn sốt chính trị McCarthyism nên người ‘già’, thủa ấy còn là xương sống của đất nước, im lìm chịu đựng và từ đó, họ được (bị?) gọi là thế hệ Âm Thầm.
Một chút về chủ nghĩa MCCarthy (McCarthyism): Ông Joseph McCarthy, một thượng nghị sĩ, đã đề xướng chủ nghĩa chống cộng ráo riết, nhổ cỏ tận gốc, trong thời hậu Thế Chiến. Ông ấy chống cộng triệt để, sẵn sàng tru diệt bất cứ ai bị nghi ngờ là có khuynh hướng cộng sản; phương hướng ấy góp phần tạo ra cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Xô Viết.
Ông McCarthy tin rằng chủ nghĩa cộng sản xuất phát từ Nga, mối đe dọa lớn nhất của Hoa Kỳ, những người Mỹ thân cộng là… gián điệp của Nga Sô (phản quốc)! Báo chí, phim ảnh, sách vở bị kiểm duyệt gắt gao. Khi một bài viết bị nghi ngờ là thân cộng, tác giả sẽ bị theo dõi, vu khống và truy diệt. Một giai đoạn được người thời nay cho là “trùm mền mà giết”! Cư dân sống trong sợ hãi, chỉ biết âm thầm sống theo khuôn phép sẵn có.
Ngày nay chủ thuyết McCarthy được xem là “chống cộng quá khích” dựa trên mối lo âu mơ hồ, sợ hãi quá nên đoán bậy, làm xằng.
Trở lại với thế hệ Âm Thầm, ngày nay bao gồm khoảng 20 triệu người trong tuổi 70-90; họ là những người “nằm giữa” hai thế hệ nổi trội, cái “nhân” giữa hai miếng bánh mì: Quá trẻ để trở thành anh hùng trong thế chiến nhưng đã… già để ưa chuộng “hi-tech”, những món vật dụng chế tạo với kỹ thuật tân tiến của thế kỷ XXI. Họ là những người tiêu thụ dè dặt theo bài báo của tạp chí Fortune: “College Class of ‘49’ – Taking No Chances”. Trong những cuộc phỏng vấn kiếm việc thủa ấy, người Âm Thầm thường hỏi về… hưu bổng, với Boomer là điều không nên hỏi nhưng với Millenial lại là câu hỏi về số lương khởi đầu! Cũng là những người mới ra đời đi kiếm việc làm nhưng mỗi thế hệ là chú trọng đến các điều khác nhau!?
Như cha anh, thế hệ Âm Thầm lập gia đình và có con khá sớm, trong tuổi 20; được thừa hưởng một không khí tài chánh thoải mái hơn, kinh tế Hoa Kỳ trên đường phục hồi và phục hồi nhanh chóng nên việc làm dễ kiếm. Nhà Xã Hội Học Richard Easterlin cho rằng thế hệ Âm Thầm là những người “may mắn”, đạt mức lương bổng cao nhất trong tuổi 30, so với thế hệ cha anh và thế hệ con em. Họ là những người về hưu khá giả rủng rỉnh tiền bạc nhất từ trước đến nay.

Vào tuổi trung niên, người Âm Thầm sớm nhận ra sự “nhàm chán”, họ là nhóm người khởi đầu đề tài “ly dị”, “hồi xuân”… những đề tài hầu như không mấy ai đề cập đến trước đó.
Những đặc điểm của thế hệ Âm Thầm được sách vở ghi nhận bao gồm:
– Ưa chuộng quyền lực, và muốn nắm quyền hành nhanh chóng
– Thích tiền bạc, càng nghèo càng say mê kiếm tiền
– Chọn việc [làm] lương cao để sống thoải mái hơn là chọn việc theo sở thích
– Tránh rủi ro, đặt niềm tin vào chính sách của nhà cầm quyền; các chương trình được chính phủ áp dụng để giải quyết hậu quả của trận Khủng Hoảng Kinh Tế.
– Chọn cách sống “an toàn”, ít thám hiểm và không phí phạm
– Theo khuôn mẫu, ít chống đối, nổi loạn, hoặc gây ồn ào.
Tóm tắt là các đặc tính kể trên xuất phát từ xã hội khi chào đời và trưởng thành. Người Âm Thầm chào đời trong khung cảnh nhiễu nhương của xã hội, cha anh tòng quân trong Thế Chiến I và II, vắng nhà, họ nghe nói về chiến tranh và những hy sinh của cha mẹ. Khôn lớn trong thời hậu chiến, các khốn đốn kinh tế cũng đã qua, các vết thương xã hội vừa nhóm miệng, giai đoạn dưỡng thương, nên chẳng mấy ai hô hào đổi mới, họ lặng lẽ theo chân cha anh, trưởng thành trong khuôn khổ đặt sẵn, “working within the system”.
Thế hệ này nắm giữ 3/4 tài sản của quốc gia và là những người giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ cũng như dẫn đầu các công ty lớn tại Hoa Kỳ. Họ trải qua các kinh nghiệm sống quý báu của thời Khủng Hoảng Kinh Tế trong thập niên 30 của thế kỷ trước. Chính những người ‘già’ ấy đã chung lưng xây dựng một đất nước Hoa Kỳ hùng mạnh về kinh tế cũng như quân đội ngày nay. “Lòng yêu nước, tinh thần quốc gia, Patriotism, tính đoàn kết, cần kiệm và hiệu quả” là các đặc điểm của thế hệ ấy. Họ tuân phục luật pháp, theo đúng mọi quy định, tiêu chuẩn đặt sẵn và là những “sử gia” của mọi tổ chức xưa cũ, công quyền cũng như tư nhân. Nhân công hầu hết là những người da trắng, phái nam.
Hầu như mọi tổ chức thương mại đều có ít nhất một giám đốc hay vài thành viên trong hội đồng Quản Trị thuộc thế hệ Âm Thầm, những nhân vật này đề xướng cung cách hoạt động của tổ chức và cũng là những người hoạch định phương cách làm ăn của tổ chức / công ty.
Tại Hoa Kỳ, thế hệ Âm Thầm để lại cho con cháu nhiều thành quả vĩ đại về khoa học cũng như y tế: chương trình thám hiểm không gian, phát minh thuốc chủng ngừa (các chứng bệnh hiểm nghèo như tê liệt, lao, phong đòn gánh, ho gà…), nền tảng của chương trình bảo vệ môi sinh. Về mặt xã hội, người ‘già’ đã khởi đầu phong trào di chuyển từ nông trại vào thành phố và thành lập các cộng đồng sinh sống theo mô hình mới, ngoại ô (suburbia). Sự khác biệt về cách sinh sống của thế hệ Âm Thầm đã gieo mầm cho phong trào đòi Bình Ðẳng (the Civil Rights Movement), bình đẳng cho người da màu cũng như phụ nữ.

Khá giả nên thế hệ Âm Thầm được các tay buôn bán nhắm tới ráo riết. Theo bài tường trình từ các cuộc trưng cầu ý kiến của Pew Research Center Social & Demographic Trends, người già không “cảm” thấy mình già nên khi quảng cáo, hãy chọn một phát ngôn viên đứng tuổi, một khuôn mặt quen thuộc với thế hệ ấy, không quá trẻ, vẫn năng động và khỏe mạnh. Hình ảnh của một ông / bà (nội /ngoại) chơi đùa với con cháu qua các món vật dụng nhẹ nhàng, dễ sử dụng; hình ảnh những người tóc bạc (nhưng lưng không còng) đi đứng vững chãi, thăm viếng những địa điểm nổi tiếng. Tránh các màn quảng cáo “quá lố” như việc dùng hình ảnh một người 75 tuổi đang trượt nước…
Thần tượng của thế hệ Âm Thầm bao gồm:
– John Wayne, tài tử một thời của những cuốn phim cao bồi miền tây, bắn súng nhanh như chớp mắt, luôn chiến thắng.
– The Queen Mother và Queen Elizabeth, hoàng gia Anh, là hình ảnh của sự sang cả, quý phái và quyền lực (?)
Thế hệ Âm Thầm là những người đã về hưu, vào tuổi già họ cần được chăm sóc sức khỏe và trợ giúp trong việc tiêu xài tiền bạc. Khi trọng tuổi, người già không còn minh mẫn, sắc bén khi tính toán, liệu định những công việc hàng ngày. Ngay cả khi đầu óc còn minh mẫn, thân xác không còn khỏe mạnh đủ để làm theo ý muốn. Những nhu cầu thiết yếu ấy dẫn đến một số vấn đề khác, có tiền bạc nên người già cần chọn người quản lý, lập di chúc, soạn sẵn những văn kiện hợp pháp về việc chăm sóc sức khỏe, tang ma, hiến tặng / phân chia di sản…
TLL