Menu Close

Bộ ống kính lý tưởng nhất để bắt đầu

Sau bài viết kỳ rồi (Ống kính tốt nhất để chụp Phong cảnh), vài vị độc giả đã liên lạc tôi qua email và nêu lên quan tâm của họ:

– Tôi vừa mới bắt đầu chơi máy ảnh, chưa có kinh nghiệm gì hết. Xin anh cho biết tôi nên mua ống kính gì?

– Bài nhiếp ảnh kỳ rồi của NAG viết rất hay, nhưng em chưa đủ vốn để mua những cái lens chuyên môn như vậy. Anh Andy có đề nghị gì cho những người mới bước vô môn chơi này?

Trong thế giới nhiếp ảnh dùng máy DSLR, mỗi ống kính đều có mục đích đặc trưng và chúng có hiệu lực tối đa chỉ trong lãnh vực đó. Tôi cũng đã từng thử dùng những ống kính của tôi trong những hoàn cảnh không thích hợp với chúng, chỉ vì tôi tò mò muốn xem kết quả ra sao.

Mặc dù trong bộ “vũ trang” của tôi gồm có những ống kính đại kếch sù khá đắt tiền, nhưng trong phạm vi của bài viết này, tôi sẽ không nhắc tới những “bửu bối” đó, mà chỉ kể đến những ống kính “hạng B” của tôi, thường được dùng trong những trường hợp không đòi hỏi mức độ chuyên môn cho lắm.

Khi đi “chụp chơi” (không phải đi chụp kiếm tiền), tôi mang theo những ống kính này. Bộ ống kính này giúp tôi “bao” gần như tất cả những thể loại nhiếp ảnh.

  • 18-55mm kit lens

Ðủ tốt để chụp phong cảnh ở tầm gần nhất (18mm). Mặc dù không rộng bằng một ống kính chuyên về wide angle, bạn có thể dùng nó để chụp hình phong cảnh OK.

50mm f/1.8 prime
18-55mm kit lens
  • 55-200mm telephoto

Thường khi bạn mua máy ảnh mới đi chung một bộ với 2 ống kính, kit lens thứ nhất là 18-55mm và kit lens thứ nhì là 55-200mm. Ống kính này bắt đầu ở điểm xa nhất của 18-55mm. Ðây là một kính telephoto khá tốt (so với giá tiền của nó) trong ánh sáng ban ngày. Khẩu độ tối đa của nó là một điều bạn cần quan tâm tới. Ðộ rộng nhất của nó là ở f/4, cho nên có thể sẽ gây khó khăn cho bạn trong những điều kiện thiếu ánh sáng, như những lúc trời chạng vạng tối.

55-200mm kit lens
55-200mm kit lens
  • 50mm prime (đơn khẩu)

Ý nghĩa của từ “đơn khẩu” ở đây là ống kính chỉ có một khẩu độ, và không có khả năng zoom. Ống kính này là một ống “tiêu chuẩn” mà mọi tay ảnh cầu tiến phải có trong túi máy ảnh của họ. Sự trao đổi của ống kính có tiêu cự cố định là một khẩu độ rất rộng (thông thường là f/1.8 hoặc f/1.4). Rất thích hợp cho những khoảnh khắc bạn muốn chụp kiểu “xóa phông” (làm rõ chủ thể “mẫu” của bạn, trong khi mọi thứ khác trong hậu cảnh và tiền cảnh bị xóa mờ như trong giấc mơ.

50mm f/1.8 prime
50mm f/1.8 prime

Bạn có thể làm gì với bộ ống kính này?

  • Landscape

18-55mm là tầm tiêu cự “vừa đủ” để giúp bạn trong thể loại này. Như đã nói ở trên, tiêu cự 18mm cũng khá đủ rộng cho nhiều trường hợp.

Landscape với 18-55mm - nguồn photographio.com
Landscape với 18-55mm – nguồn photographio.com
  • Wildlife

Ống kính 55-200mm, khi dùng với những máy DSLR có sensor loại APS-C (crop) thì sẽ trở thành 82-300mm, và cũng đủ đạt mức tối thiểu để chụp những loài thú vật ở xa. Tuy nhiên, bạn phải chờ tới khoảng 9-10 giờ sáng để có đủ ánh sáng mặt trời cho bạn có thể dùng ống kính với tốc độ cao để chụp chim bay.

Wildlife với 55-200mm - nguồn DPReview
Wildlife với 55-200mm – nguồn DPReview
  • Macro

Cả ba ống kính này đều có thể chụp macro (cận ảnh) đối với những chủ thể không di động. Những côn trùng nhỏ xíu còn sống có thể sẽ chạy vì bạn phải đến thật gần, nhưng bạn chắc chắn sẽ chụp được những vật như nữ trang, đồng tiền, đồ chơi, bông hoa, v.v… Tuy nhiên, bạn sẽ cần phải tập làm quen với cách lấy nét bằng tay (manual focus) vì những ống kính này sẽ không auto focus được ở những khoảng cách quá gần như vậy.

  • Chân dung

Ống 18-55mm có thể chụp chân dung khi để ở tiêu cự 55mm, mặc dù ống 55-200mm sẽ làm việc này tốt hơn ở tiêu cự 200mm. Tuy nhiên, “cao thủ” của thể loại này là ống 50mm prime (xem phần trên nói về xóa phông).

Ảnh chân dung (xóa phông) được chụp với ống 50mm f/1.8
Ảnh chân dung (xóa phông) được chụp với ống 50mm f/1.8

Tóm lại

Chỉ vì bạn mang những ống kính này trong túi của bạn không có nghĩa rằng bạn sắp trở thành một nhiếp ảnh gia. Những ống kính này chỉ cho bạn một điểm khởi đầu thôi. Chúng không mắc tiền lắm, và bạn có thể làm được việc của bạn với chúng. Một khi bạn sẵn sàng, bạn sẽ bắt đầu phân tích những trường hợp khác nhau và hiểu rõ để dùng ống kính nào trong trường hợp đó. Từ đó, bạn sẽ biết chính xác bạn muốn cái gì. Ðiều này sẽ giúp bạn chọn lựa đúng ống kính bạn muốn có về sau, thay vì bỏ tiền ra mua tất cả những ống kính đắt tiền.

AN