Menu Close

Người trẻ, người không còn trẻ, người già và người “sồn sồn” (kỳ 4)

Người trung niên hay “sồn sồn”, “nhỡ nhỡ” là chữ Dế Mèn tạm dùng để gọi thế hệ X, “Xers” hay thế hệ bị “bỏ quên”.

nguoi-trung-nien1

Họ là những người không được chú ý bởi các nhà nghiên cứu xã hội, tâm lý; các công ty chuyên nghề thu góp ý kiến. Kết quả là chẳng có nhiều tài liệu đề cập đến thế hệ này. Ngay cả Dế Mèn cũng định bỏ lơ, nhưng được nhắc khéo, “ còn… tui thì sao” nên đành viết tiếp sau khi mày mò tìm kiếm sách vở.

Generation X bao gồm những người ra đời trong những năm 1965-1980, hiện nay trong tuổi 50+. Thế hệ này được xem là “nhẹ ký” so với thế hệ “không còn trẻ” (Boomer) và thế hệ trẻ (Millennial); “nhẹ ký” qua một vài yếu tố chính. Theo Nha Kiểm Kê Dân Số Hoa Kỳ, thế hệ sồn sồn nằm trong nhóm “khiêm nhường”, có khoảng 60 triệu người so với Boomers (77 triệu) và Millennials (83 triệu), con số lưng chừng giữa người trẻ và người không còn trẻ. Dân số sồn sồn xem ra thấp hơn vì cha mẹ họ là những người không muốn sinh đẻ hoặc sinh đẻ rất ít. Một lý do khác là thế hệ này chỉ kéo dài 15-16 năm trong khi đo đếm, các nhà xã hội học dùng thời gian 20 năm để đếm người trong các thế hệ khác. Dế Mèn chưa hiểu tại sao. Có lẽ đo đếm thế hệ là một cái thước tương đối, co dãn theo cách sinh hoạt của một thời kỳ nào đó trong xã hội?

nguoi-trung-nien
Ban nhạc U2 – nguồn Riffyou.com

Tất nhiên dân số chỉ là một trong các yếu tố quan trọng khác như khuynh hướng chính trị xã hội, cách sinh hoạt hàng ngày và hàng… năm (lối ăn ở, tiêu xài, tiết kiệm…). Trong khi các công ty thương mại nhắm đến giới tiêu thụ dựa trên số đông và túi tiền của họ mà chế tạo hay quảng cáo sản phẩm nên tìm hiểu khá kỹ càng về người trẻ và người không còn trẻ thì các công ty chuyên về dịch vụ quản trị kinh doanh, nhân công lại nhắm đến “Thị trường” sồn sồn. Họ là những người trong tuổi đi làm. Ðược (hay “bị”?) quảng cáo rầm rộ nên thế hệ ‘trẻ’ và thế hệ ‘không còn trẻ’ xem ra có tiếng nói ồn ào hơn so với thế hệ ‘sồn sồn’?!

Thế hệ sồn sồn cũng được gọi là thế hệ “bắc cầu”, kết nối người trẻ và người không còn trẻ. Hầu như bài khảo cứu nào cũng so sánh thế hệ sồn sồn với hai thế hệ “đầu cầu”, trẻ và không còn trẻ. Tiêu biểu cho thế hệ không còn trẻ là hình ảnh của những người da trắng (72%) trong khi thế hệ trẻ chỉ có 57% và thế hệ sồn sồn là 61%. Nói một cách khác, thế hệ trẻ bao gồm nhiều sắc tộc và do đó, cách sinh hoạt pha trộn nếp sống của nhiều nền văn hóa khác nhau nên đa dạng hơn?

Trong tuổi 18-32, 36% người sồn sồn lập gia đình, con số ‘lưng chừng’ so với người trẻ (26%) và người không còn trẻ (48%). Tạm hiểu là khuynh hướng lập gia đình thay đổi từ từ qua vài thế hệ chứ không phải là một hiện tượng xuất hiện bất ngờ hoặc nhanh chóng. Về mức học vấn, tỷ lệ tốt nghiệp trung học hoặc thấp hơn của thế hệ sồn sồn là 46%, người trẻ 37% và người không còn trẻ là 57%. Nghĩa là người trẻ học nhiều hơn so với các thế hệ trước đó. Về tín ngưỡng, con số cư dân là thành viên / tín đồ của một tổ chức tôn giáo trong thế hệ sồn sồn 21%, người trẻ 16% và người không còn trẻ 29%. Thì ra cư dân Huê Kỳ phần đông không tham gia vào các tổ chức tôn giáo nữa? Ðiều này giải thích tại sao nhà thờ mỗi ngày một vắng bóng tín đồ, nhiều giáo hội đã bán nhà thờ vì không thể trang trải phí tổn.

Các con số thống kê về thế hệ sồn sồn “lửng lơ” giữa hai lằn mức đo đếm nhưng lại là mốc đánh dấu khuynh hướng thay đổi của các thế hệ cư dân. Tuy giản dị nhưng các con số này nói lên ít nhiều về khuynh hướng sinh sống của cư dân qua các lứa tuổi khác nhau. Các con số “chung chung” nọ cũng là đặc điểm của những người “trung dung”, họ không cho rằng mình “quan trọng”, “đáng kể” như thế hệ trẻ và thế hệ không còn trẻ. Sự kiện này có thể giải thích qua sự chú trọng rầm rộ của giới truyền thông với các Boomer và Millennial, khi bị “bỏ lơ” thì tất nhiên là người sồn sồn… không mấy quan trọng!?

nguoi-trung-nien3
Nelson Mandela – nguồn abcnews

Theo bài tường trình của EY (hậu thân của công ty Ernst & Young) chuyên nghề cố vấn về quản trị kinh doanh & nhân sự sau khi thu góp ý kiến của 1,200 người điều hành từ nhiều kỹ nghệ, “thế hệ X là những người có khuynh hướng thích buôn bán làm ăn nhưng không ưa dẫn đầu đứng mũi trong khi thế hệ trẻ “tech-savvy” nhưng ít chịu làm việc chung và thế hệ không còn trẻ là những người chịu chung tay, góp sức (team player), thủy chung nhưng cứng nhắc, khó thích nghi.”

Tất nhiên cuộc khảo nghiệm nhắm vào việc tìm hiểu đặc tính của công nhân viên hầu duy trì nhân sự giúp công ty điều hành trôi chảy mà kiếm bạc tỷ. Nhưng khi tìm hiểu cũng cho bá tánh thấy ít nhiều chi tiết thú vị: Những người góp ý cho rằng 70% những người điều hành hiệu quả nhất thuộc về thế hệ X, 25% trong nhóm Boomer và chỉ 5% thuộc nhóm Millennial. Thế hệ X cũng là những người kiếm ra nhiều tiền nhất cho tổ chức (58%), dễ thích nghi với các thay đổi, giải quyết các vấn đề khó khăn một cách hiệu quả và dễ dàng khi làm việc chung.

Ðắc lực như thế nhưng thế hệ sồn sồn lại không phải là những người đứng mũi chịu sào và ít chú ý đến chi phí.

Một số đặc điểm khác về thế hệ sồn sồn:

– Không tin cậy vào quỹ An Sinh Xã Hội, phần lớn những người sồn sồn cho rằng khi về hưu họ sẽ tự lo lấy bằng tiền tiết kiệm riêng.

– Dự định làm việc lâu dài hơn (không muốn về hưu vào tuổi 65)

– 62% sở hữu một căn nhà, và căn nhà trị giá trung bình là 238,000 Mỹ kim

– Dùng các dịch vụ trên mạng ảo, từ ngân hàng đến mua bán (sách vở, quần áo, phim ảnh…)

– Không am hiểu về tài chánh, chứng khoán nên khi đầu tư thường tin cậy vào người cố vấn.

– Cẩn thận trong việc tiêu xài, 50% không mang nợ tín dụng.

– Phần lớn vẫn… đọc báo, xem tin tức trên tivi thay vì mạng ảo.

– 95% có trương mục trên Facebook, 35% dùng LinkedIn và 25% đăng tin trên Twitter.

nguoi-trung-nien2
Công nương Diana – nguồn Dunya News

Thế hệ sồn sồn cho rằng họ là những người xem trọng tinh thần kỷ luật và trách nhiệm, quan tâm đến việc giáo dục của con cái, trung thành với công ty làm việc, là những người có khuynh hướng bảo thủ nên phần lớn người sồn sồn bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa. Họ không màng cho lắm về ý kiến của người khác (ít chịu ảnh hưởng của truyền thông?).

Thế hệ sồn sồn gặp mặt kỹ thuật qua hiện tượng “American online” hay AOL và trở nên nghi ngại việc thám hiểm không gian vì vụ bùng nổ của phi thuyền Challenger năm 1986.

Họ yêu thích các người nổi tiếng sau đây:

Ban nhạc U2

Nelson Mandela, người dẫn đầu phong trào đòi bình quyền tại Nam Phi; ông ấy thành công sau mấy chục năm tranh đấu dai dẳng.

Công nương Diana, hình ảnh mới mẻ, phóng khoáng hơn về hoàng gia vốn thủ cựu.

Qua các đặc điểm của những thế hệ con người (trong không gian thu hẹp Huê Kỳ) ta nhận ra rằng con người thay đổi theo thời gian và môi trường sống, mỗi thế hệ là một chuỗi thời gian khi các biến cố xảy ra trong xã hội, và con người phản ứng cũng như thích nghi với các thay đổi ấy.

Những cuộc trưng cầu ý kiến để tìm hiểu “dân tình” mang lại nhiều lợi ích cho việc buôn bán nhưng trên bình diện chính trị, những chương trình tìm hiểu này lại sai be bét trong việc ước đoán kết quả cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Các lời bàn loạn cũng như trưng cầu ý kiến trên báo chí, truyền thông đều sai be bét vì người trả lời không nói thật hoặc người thu góp ý kiến đếm sai? Người ta “bỏ sót” các cử tri bảo thủ thầm lặng như những người trong thế hệ X? Nhưng họ lại là những người đi bỏ phiếu đông nhất?

TLL

*Tài liệu của Pew Research Center, MetLife và Arbitron, Edison Research