Xuân Hằng không ăn Tết. Nhận tiền của các độc giả Trẻ bên Mỹ là cắm đầu đi làm từ thiện.
Bài viết này coi như báo cáo với quý độc giả về cách sử dụng đồng tiền mà độc giả đã tin tưởng trao gởi cho nhóm O+, một nhóm trẻ làm thiện nguyện được độc giả Trẻ biết qua những bài báo trước đây.
Ngày cuối năm, tạm gác việc nhà, các thành viên nhóm O+ lại khoác lên người chiếc áo xanh da trời in slogan ‘Happy to give away’, thuê xe minibus 16 chỗ, chở quà Tết lên đường thực hiện nhiệm vụ sứ giả mùa xuân, theo sự ủy thác của các mạnh thường quân. Tổng cộng có 20 phần quà, tặng 20 gia đình ‘khổ hơn tiểu thuyết’, thuộc hai xã Hòa Hiệp, Hòa Hội- huyện Xuyên Mộc- tỉnh Bà Rịa Vũng Tầu. Mỗi phần gồm 10 ký gạo, một bao lì xì 250.000 đồng, một cặp bánh chưng, bánh tét, một thùng mì tôm, một chai dầu ăn, một chai nước mắm.

Gia đình đầu tiên nhóm O+ ghé thăm có ba chị em đều không có bàn chân, tay co rút, mặt mũi ngơ ngáo. Chia quà cho các em, kẻ viết bài đã phải kềm nén cảm xúc khi biết một em gái trong số ba chị em nọ từng bị hãm hiếp và sinh con bất đắc dĩ (con cô này cũng bị tật chân).
Ngôi nhà kế tiếp nằm lọt thỏm giữa ruộng lúa. Mùa xuân không hề hiện diện trong đoạn đối thoại sau đây, giữa chủ nhà và thành viên O+ ‘…Cha mẹ nó bỏ đi. Một mình tui xoay xở nuôi hai cháu ăn học. Ruộng lúa đâu phải của tui. Mấy con dê trong chuồng, hai chục con gà vịt đó cũng không phải của tui mà của lối xóm mướn nuôi giùm’. Vậy chứ cái gì là của bác? Ðó, cái chuồng quây lưới sắt đó. Mà con gì ở trỏng, đen thui, chạy qua chạy lại? À, chuột! Nuôi chuột chi vậy trời? Nuôi ăn! Mấy ngày Tết, có bánh chưng, gạo, mì gói, dầu ăn, nước mắm mấy cháu cho, tui sẽ làm thêm mấy con chuột, lột da, rô ti.
Ðịa chỉ kế tiếp là…nghĩa địa của đội 7 thuộc xã Hòa Hội. Dù đã chuẩn bị tinh thần trước, cả nhóm vẫn bất ngờ khi thấy duy nhất một căn nhà lá buồn thiu, nép mình phía sau ‘cư xá ngàn thu’. Ðón khách là bé Thu Thúy, học sinh giỏi lớp 6 trường Trung học Cơ sở Hòa Hội. Bé kể cha mẹ quá nghèo, không đất canh tác, phải vào nghĩa địa ở chung với người chết. Gia tài quý nhất trong nhà chỉ là những tấm giấy khen của bé dán đầy vách và con rựa ba má đi chặt củi đổi gạo qua ngày. Ðưa thùng mì cho bé Thúy, kẻ viết bài hỏi: ‘Lớn con thích làm gì’. Bé nói ngay ‘Dạ, làm cô giáo’. Chao ơi! Làm cô giáo vừa nghèo vừa cực, chỉ được cái danh! Nhưng thôi, Thúy còn nhỏ, cứ để bé nuôi mộng đẹp.

Ra khỏi nghĩa trang đội 7, xe trực chỉ nhà cụ Cương. Bà cụ hơn 90 tuổi, không con cháu dưỡng nuôi, đi đứng liêu xiêu như chiếc bóng trong căn nhà trống thiên điền thổ. Chỉ cái quan tài mua sẵn cụ thở dài, ‘Chờ hoài mà vẫn chưa được vô nằm trong đó’. Tưởng cụ Cương đã là ‘số một La Mã’ trong số những người khốn khổ. Nào ngờ ông Năm, còn ‘hết nói’ hơn. Ông có nhà, có vợ con hẳn hoi. Ngặt nỗi bà vợ già hơn tám mươi tuổi, bệnh liệt giường, không tiền thuốc thang mà mãi vẫn không chịu ‘đi’. Anh con trai, hồi trẻ làm ăn giỏi giắn, tiền bạc kiếm cũng ngon lành. Ðùng một cái, phát bệnh tâm thần! Từ đó tới nay hơn hai mươi năm, anh là gánh nặng, là nỗi buồn của cha mẹ. Khi nhóm O+ tới, ông Năm đi vắng. Bà Năm nằm trong buồng, mùng buông sùm sụp, trong mùng có cả mâm bát (!). Ngoài nhà, kê cái sạp, anh con trai ‘ngự’ đàng hoàng trên sạp, chân bị xích vào góc cột, nhìn lơ láo những người lạ xách lễ mễ đồ tết vào nhà mình. Bệnh tình thê thảm như vậy, chẳng biết chúc Tết ai, chúc thế nào cho có ‘khí thế thời đại mới’.

Ði qua mấy khu tiều điền cao su đang thay lá, bụi đỏ mù, nắng trưa não nề, hầm hập, cả nhóm thấm mệt. Càng mệt hơn khi vào ‘tổ ấm’ của ‘Trưởng Lão Cái Bang’. Bà vợ ngồi bệt trên manh chiếu xó nhà, hai chân hỏng hoàn toàn. Ông chồng ngày ngày lê lết đi xin ăn nuôi vợ. Mọi chuyện bếp nước, quét dọn, vệ sinh cho vợ, ông cụ làm rất chậm chạp, vất vả. Sau mấy năm ‘tác nghiệp’, dành dụm được ba triệu bạc, toàn tiền mệnh giá nhỏ, ông bảo con đổi ra tiền lớn để dễ cất giữ. Thằng con mau mắn cầm ba triệu đi, về đưa cho ông bố hai tờ năm trăm ngàn. Ông ngơ ngác hỏi, mới chỉ có hai tờ, là một triệu, còn hai triệu nữa đâu? Thằng con vù xe đi luôn, không thèm trả lời.

Một nhà khác, nhà bà Sáu Nguyện. Vừa nghe tiếng kẻ viết bài gọi cửa, bà bỏ bát cơm nhào ngay ra. Ôm riết lấy kẻ viết bài, bà Sáu khóc mếu máo rồi quay sang trách yêu nhóm trưởng O+: ‘Lâu không thấy tụi bay, tưởng bay quên bác’. Nhìn bát cơm ngày Tết của bà Sáu, mà cũng là của những người cao tuổi neo đơn nói chung, chỉ có chút nước tương, lòng kẻ viết bài se thắt. Không muốn cũng phải so sánh với những bữa tiệc thừa mứa sơn hào hải vị nơi phồn hoa, những bữa tiệc không phải tiền mồ hôi nước mắt người mời tiệc, những bữa tiệc mà nói như Nguyễn Du trong Sở Kiến Hành thì là: ‘Mãn trác trần trư dương. Trưởng quan bất hạ trợ. Tiểu lại chỉ lược thường’ (Ðầy mâm thịt heo dê. Quan lớn không đụng đũa. Kẻ dưới chỉ gắp qua).
Cứ thế, qua từng nhà, từng cảnh đời, những gói quà xuân nhóm O+ đem theo vơi dần. Có gói quà trao trên giường bệnh. Có gói quà trao dưới nền nhà. Có gói quà trao ngoài hiên, Có gói quà trao trong nước mắt. Có gói quà trao trong lặng im ngơ ngẩn. Mỗi lần trao quà chưa tới năm phút. Những ly nước chưa kịp rót, những lời thăm hỏi chưa kịp in sâu tâm trí….
Trên đường về, Loan và Vi, hai thành viên nữ của nhóm O+ tâm sự: ‘Trước đây hễ gặp chuyện đổ vỡ, thất bại, chết chóc là vật vã bứt tóc bứt tai, khóc kể cả ngày. Bây giờ đi, thấy mấy người tàn tật khật khùng, thấy ông già ăn xin bị con trai lừa tiền; bà cụ 92 tuổi ngồi chờ ‘pát po hạnh phúc’ cùng cỗ quan tài…mình thiệt lòng mắc cỡ’. Nghe hai cô ‘sám hối’, kẻ viết bài chợt ngộ ra một chân lý…rẻ tiền: Thay vì mất công sức tìm cách cải thiện đời sống cho nhau mà không chút ô kê, người ta có thể quăng nhau xuống tận đáy xã hội, cho chứng kiến 1001 cảnh khổ ghê gớm nhất rồi kéo lên, đưa về vị trí cũ, bảo đảm kẻ mới về từ địa ngục sẽ ‘ngộ đạo’ ngay, hết đòi cải thiện này nọ mà quý trọng cái đang có, bảo vệ cái đang có, ca ngợi cái đang có. Nhờ thế, tha hồ vui Tết, đoàn kết… chết cả làng.

XH