Menu Close

Sao quên mùi nước mắm?!

Thưa chắc quý anh mình, ai cũng đã từng nghe bài hát ‘Thân Phận’ do ca sĩ Giáng Thu trình bày mỗi tối trên đài phát thanh Sài Gòn vào cuối những năm 60, thế kỷ trước.

Em than rằng: “Tối qua có người đến nhà xin bỏ trầu cau/ Ba me đón chào chuyện hỏi cưới bàn thật lâu/  Em buồn em khóc biết bao nhiêu/ Nhớ anh và thương anh thật nhiều/ Nhưng lòng giận anh mình yêu nhau/ Cớ sao không tìm nhau?

Me thương em đến bên giường nằm/ Hôn trán em thì thầm: “Con nhỏ này dại ghê!  Mẹ chọn nơi quyền quý/ Người ta thế mà chê?!

Nhà họ sang giàu lắm/ Một bước lên xe hơi / Con khỏi phí cuộc đời/ Cưng nghe mẹ đi con/ Hai lần hai là bốn/  Thực tế vậy mà khôn”

Thưa theo tui thấy thực tế như Me em chẳng khôn chút nào cả?!

Cái nầy đâu phải là gả con, gầy dựng cho con gái mình nên vợ nên chồng mà là bán con mình cho những tay trọc phú. Con mình đâu phải là một món hàng mà đem đi, chỗ nào có giá cao là bán hè. Thiệt là bậy bạ quá!

Phần em nữa! Than cái gì? Thân mình mình lo! Lỡ có yêu anh chàng trên răng dưới dế, thì cứ can đảm dứt áo ra đi, bỏ nhà dzọt theo chàng! Cho dù chàng có chết nhát, sợ lính bắt về tội dụ dỗ con gái người ta… thì mình phải phân bày cặn kẽ khúc nôi là: “Dụ dỗ gái vị thành niên mới bị lính bắt! Còn em đã trên 18 tuổi rồi, đã có thẻ căn cước, thì ai làm được gì ai mà sợ chớ? Nên ru chàng bằng câu ca dao: “Ði đâu cho thiếp theo cùng/ Ðói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam!” Chỉ đừng có no thì thiếp ở, lạnh lùng thiếp dông, là được! Vài năm sau, ván đã đóng xuồng, Tía Má em nguôi giận thì em cứ thản nhiên bồng thằng cu về thú phạt. Tới lúc đó banh chành hết ráo rồi, dù Tía Má em có chịu hay không cũng huề cả làng…

Ðừng có thèm năn nỉ ỉ ôi Má em gì sất! Ðừng kèo nài: “Má ơi đừng gả con xa / Chim kêu vượn hú biết nhà Má đâu?” Tự do luyến ái mà. Nghĩa là: yêu thằng nào là lấy thằng nấy. Ông Trời ép uổng còn hổng được, huống gì Tía Má em là người phàm mắt thịt phải hông nè?

o O o

Thưa bà con, xúi dại mấy em như vậy nghe tưởng chừng hợp trào lưu hiện đại nữ quyền nhưng bây giờ thế kỷ 21 rồi mà nhìn quanh quất lại không phải vậy mới chết! Vì nghe nói mấy em, nhứt là ở Miền Tây mình giờ, lấy chồng không cần yêu đương gì hết ráo! Ngay cả không cần biết thằng chồng tương lai mặt mày tròn méo ra sao hết. Cứ lấy đại, để bỏ cái quê nhà dấu yêu, bỏ luôn cái thằng Ðực chăn trâu cùng xóm đã từng cùng em thề non hẹn biển để em được bay đi Ðài Loan, Hàn Quốc gì đó cũng được.

Có em thành thật khai báo rằng: Nghe mấy chị em làm trước, lấy chồng nước ngoài được đi máy bay nên em ham! Thế nên Tía, Má em gả em cho Chệt Ðài Loan là em ưng liền để có dịp đi máy bay cho biết với người ta. Phần anh Ðực cùng xóm, phèn quá thể! “Ðường về đêm tối canh thâu/ Nhìn anh em tưởng con trâu đang cười!” Nên em ỉ ôi với Má em là: “Má ơi đừng gả con gần/ Con qua xúc gạo nhiều lần má hao!”

Hậu quả là con gái trong xóm em, rủ nhau đi một bầy, lên Sài Gòn cho bọn Ðài Loan, Hàn quốc đến săm soi, sờ mó coi bự nhỏ… như đi mua một miếng thịt heo ngoài chợ vậy, thiệt là nhục!

“Hồi đó phải đi theo ‘Ðoàn’. Tức là có người mai mối, họ xuống tận nhà, ngỏ ý rồi đưa con chúng tôi lên Sài Gòn. Họ thuê nhà ăn ở để chờ ngày ‘ra mắt’ các chú rể Ðài Loan, cam kết là sẽ chắc chắn có chồng người nước ngoài.”

Cỡ nào cũng gả! Xứ này phần lớn các gia đình là có con gái lấy chồng Ðài Loan, chỉ trừ những gia đình không có con gái mà thôi.

Tới tháng Giêng năm 2015, quận Thốt Nốt có hơn 3,000 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, trong đó nhiều nhất là lấy chồng Ðài Loan với 1,680 người và Hàn Quốc với 1,198 người!

o O o

Thưa! Ðảo là một vùng đất  nổi lên giữa biển khơi, nhỏ hơn thì gọi là Hòn, nhỏ hơn hòn, là Cù lao, thường là một dải đất nhô lên, nhờ phù sa bồi đắp lâu năm, ở giữa con sông lớn (sông cái) tư bề sóng vỗ, như  Cù lao Năng Gù ở An Giang, Cù lao Dung ở Sóc Trăng, Cù lao Bảo, Cù lao Minh, Cù lao An Hóa ở Bến Tre…

Mà cái tăm tiếng (hay đúng hơn là cái tai tiếng nầy) rùm beng hơn hết thảy là Cù lao Tân Lộc, cách Cần Thơ hơn 40 cây số, thuộc Thốt Nốt, bây giờ có cái hỗn danh là Ðảo Ðài Loan.

Từ quốc lộ 91, qua đò Thuận Hưng, Cù lao Tân Lộc nằm giữa con sông Hậu hiền hòa có tổng chiều dài trên 20 cây số, hình thành cách đây khoảng 400 năm.

Thoạt kỳ thủy, Cù lao toàn là bần gie đom đóm sáng ngời cùng lau sậy, trên cành cây là những chiếc tổ của chim dòng dọc, tựa như những ống tay áo, chiếc vớ vắt vẻo, đung đưa trong gió.

Sau đó ông bà mình díu vợ con từ miền Trung khô cằn, chó ăn đá gà ăn muối, đất hẹp người lại đông, vào đây đổ mồi hôi sôi nước mắt suốt nhiều đời, lập  được hơn 3,200 mẫu đất phù sa màu mỡ, không cần đến phân phướng gì hết ráo, để trồng dừa xiêm, dừa lửa, dừa dứa (nước ngọt, mùi thơm dịu), vườn cây ăn trái như mít, mận, ổi sầu riêng, chôm chôm, rồi trồng mía, nấu đường nên còn có tên là Ðảo Ngọt.

Hồi đang chiến tranh ác liệt khắp cả miền Nam thân yêu của chúng ta thì Cù lao Tân Lộc vẫn là một ốc đảo bình yên, dân chưa hề chịu đói bao giờ. Vậy mà sau 41 năm mất miền Nam, bậc làm cha làm mẹ ở cái đất Cù lao nầy lại phải bán con mình cho Chệt Ðài Loan, để từ những cái tên mỹ miều đáng yêu như Cù lao Tân Lộc, Cù lao Sa Châu (Cù lao cát), ‘Cù lao Tam Tỉnh’ (vì nằm giáp ranh ba tỉnh: Sa Ðéc, An Giang, Cần Thơ), Ðảo Ngọt… thành Ðảo Ðài Loan mới thật là chua xót!

Hồi thời Pháp thuộc cũng có những gia đình túng quẫn đến cùng cực phải bán vợ đợ con để trang trải nợ nần, nhưng bà con lỡ lâm vào cảnh cùng khốn đó giấu biệt, không dám hé môi vì coi đó là một nỗi nhục gia phong, vậy mà giờ có ông  lại cảm thấy đó là hay, là hên… vì bán con gái mình cho Chệt Ðài Loan được giá!

“15 năm trước, gia đình sống nhờ vào mấy ruộng trồng mía, cả nhà có đến 8 miệng ăn, quay qua quay lại lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Những lúc túng thiếu phải đi hỏi nợ, cứ vậy ngày qua ngày, nợ mẹ đẻ nợ con, 7 công đất ruộng lần lượt mang ra bán, không trả đủ. Cùng đường, đành gả bán đứa con gái duy nhất ‘cho Ðài Loan’ đã được hơn 10 năm rồi, với hy vọng nhỏ nhoi là con sẽ biết báo hiếu. Nhờ thế mà trong 5 năm đầu, tôi đã trả hết nợ nần. Sau mấy năm tích cóp thêm, tôi cũng xây được căn nhà tường cao vừa mới cất, rộng rãi và thoáng mát với những tiện nghi chẳng thua gì nhà ở thị thành, tốn hết 700 triệu (khoảng $35,000).” Rồi ông vui vẻ khoe thêm là: “Nó vừa gửi về cho tôi hơn 100 triệu (khoảng $5,000) để  tôi trị bệnh!”

Nhưng có người không mừng đâu mà rầu hết sức. Ðó là những thằng Cu của đất Cù lao Tân Lộc, lỡ sanh ra phận nhà nghèo, một cục đất chọi chim cũng không có.

“Bây giờ trai làng ế vợ nhiều lắm. Tôi 35 tuổi mà vẫn chưa có vợ. Ngày trước cũng quen một cô trong làng này, nhưng gia đình họ không cho cưới, vì tôi nghèo. Họ chỉ muốn con gái mình lấy chồng nước ngoài, bởi thế mà cô ‘người yêu’ cũng vì chữ hiếu mà vâng lời cha mẹ!”

o O o

Mấy thằng Cu nầy thấy thế thái nhân tình như thế nản bèn thành nhà thơ hết ráo: “Buồn buồn ra ngõ đứng chơi/ Ai ngờ chó cắn buồn ơi là buồn!”  Ðứa khác thì  sau vài xị sương sương, thương nhớ một mối tình xưa, cũng vì tiền mà tan vỡ, hát rằng: “Có con chim đa đa nó đậu cành đa/ Sao không lấy chồng gần mà đi lấy chồng xa?” Rồi một ngày: “Tình cờ tôi gặp lại em/  Ta đi chung trên một chuyến đò/  Con đò chiều đưa khách sang sông / Tình cờ ta nhận ra nhau/ Nghe mênh mông nhớ chuyện hôm nào/  Ðể đò chiều sóng vỗ lao xao…!”

Chú em ơi! Em yêu ngày cũ, nói cho tận cùng bằng số, tội nghiệp em, cũng là nạn nhân của tệ  buôn người (có Tía, Má em và sự ngầm dung dưỡng, khuyến khích để kiếm thêm ngoại tệ của chế độ thối nát nầy, vui vẻ nhúng tay vào đó) đấy thôi!

Chớ trong sâu thẳm lòng của mấy em đi lấy Ðài Loan nầy, cũng đau đớn như cắt ruột vì duyên số chia lìa. Vì chữ hiếu, vì chín chữ (cũng) cù lao nữa hè, buộc phải xịt nước tương, chan xì dầu thì cũng không thể nào quên được mùi nước mắm của chú em đâu?

Bảo Huân
Bảo Huân

DXT – melbourne