Menu Close

Thơ Võ Quốc Linh

14955881_1799424737004344_8046243697919599033_n

Võ Quốc Linh sanh năm 1959 ở Nha Trang. Ông vượt biên đến Pulau Bidong năm 1985, rồi định cư ở Sydney, Úc. Thời hoa niên, ông lưu lãng đây đó, ở tù thường hơn ở nhà. Võ Quốc Linh còn ký một bút hiệu khác là Phạm Chí, ông làm thơ, viết truyện và tạp bút, thường chỉ lưu hành trong số ít bạn hữu. Nhiều lần tôi ngỏ ý muốn giới thiệu thơ, Linh cứ lần khân rồi lơ đi, nhưng giờ thì… mặc kệ ông!

Đọc thơ Võ Quốc Linh, tôi nghĩ, thường khi người ta phải cần tới trường thiên tiểu thuyết để ghi lại bối cảnh xã hội trong một giai đoạn lịch sử, nhưng ánh lửa của tâm thức con người lại lấp lánh trong một hai bài thơ khuất lấp dưới thời gian. – Thận Nhiên

Dưới đây là bài thơ “Người rao bán tóc trong gió” và đoạn trích trong bài viết của Võ Quốc Linh:

15046355_421914677932437_132066_n

“…Mùa đông năm 1987, chúng tôi năm bảy đứa ngồi quây quần nghe anh (họa sĩ Lê Thành Nhơn – TN) kể chuyện, bên cạnh lò sưởi cháy bập bùng. Ðến nửa đêm gần sáng, chai và ly ngổn ngang, lửa và củi cũng bắt đầu thoi thóp. Ngồi nhìn lửa ánh mắt anh lập loè. Ðột ngột, không một lời đẩy đưa, phi lộ, anh cất giọng từ tốn nói, như nói cho riêng mình nghe, đôi con mắt anh lúc đó như hai hòn lửa than :

… “Lần đầu tiên đặt chân đến Huế, chiều hôm đó, cơm nước xong, được các anh Ðinh Cường, Bửu Ý, Trịnh Công Sơn kéo đi dạo chơi dọc theo bờ sông Hương.

Trời chạng vạng mà vẫn còn oi ả, lâu lâu mới được làn gió hiếm muộn từ lòng sông hắt lên. Vừa đi vừa tán gẫu một hồi thì trời sẩm tối, dăm ba ngọn đèn con bắt đầu nhen nhúm chập chờn. Ðến một đoạn sông mở ra, chợt rùng mình vì một tiếng hò hay câu rao vừa cất lên lanh lảnh, phá vỡ cái êm ả tịch mịch Thề…ề…ê…

Phi-dê…ê…ê…

Bới…ới…ới…

Cậu.

Khựng người, mắt dõi ra phía bờ sông, nơi xuất phát tiếng rao thì thấy một con đò, đang trôi. Trên đó ẩn hiện vóc dáng một người đàn bà nhỏ thó, vừa mới dứt tiếng rao, đang lum khum đốt ngọn đèn chai, treo tòn ten trước mũi rồi lòn mình về sau khoang đò, vin tay vào mái chèo quẫy nước. Tiếng rao lại cất lên, lần này nghe thê thiết, mồn một.

Thề…ề…ề…

Phi-dê…ê…ê…

Bới…ới…ới…

Cậu.

Mấy ông bạn đi cùng thấy đang chựng bước, bèn quay lại lôi đi, vừa đi vừa khẽ khàng giải thích:

Thề; là tóc thả dài ngang lưng: con gái.

Phi-dê; tóc uốn dợn: thiếu phụ.

Bới; tóc cột bó thả sau ót: đàn bà có tuổi.

Cậu; Anh ơi, Ôn ơi.

Kể đến đó, anh Nhơn lặng yên, rồi anh với tay kéo chai rượu rót ồng ộc vào cái ly trước mặt, ngửa cổ anh nốc cạn, đưa mắt nhìn đám chúng tôi vẫn ngồi bất động, bằng giọng Nam bộ ráng trệu trạo giả giọng người đàn bà Huế trên sông Hương, anh cất tiếng rao ai oán:

Thề…ề…ê…Phi-dê…ê…ê…Bới…ới…ới…Cậu.”

Chúng tôi như một đám bị… liệu, bần bật huơ tay rót rượu, ngửa cổ nốc, rồi nhắm nghiền mắt ư ử rao, nghe vừa lào khào vừa the thé. Cứ vậy mà rót, cứ vậy mà nốc, cứ vậy mà rao, cho đến khi khản tiếng, thều thào.

Trời bắt đầu rạng, anh Nhơn và bạn bè tôi đang nằm chèo queo, tiếng ngáy đan bện vào nhau thay cho tiếng… rao.

Không ngủ được, tôi mò tìm cây viết, tờ giấy trắng, rồi lết lại gần lò sưởi, nương vào đám than củi còn hồng, tôi viết một mạch bài thơ “Người Rao Bán Tóc Trong Gió.”

Bước ra hiên nhà, tay cầm tờ thơ chưa ráo mực, ngồi bệt xuống nhìn ra khu vườn đang còn sương ủ. Chợt nghe hơi ấm con người phủ xuống kề cận. Anh Nhơn, anh nhẹ nhàng ngồi bên, cất tiếng:

“Bồ không ngủ được à”

“Dạ không, thức làm thơ, thơ Thề, Phi-dê, Bới, Cậu, nó đây. Anh đọc đi.”

Cầm tờ giấy anh lặng lẽ đọc, đọc xong thả xuống, mắt đăm đăm nhìn ra khu vườn. Bất chợt, anh ngoẻo người huých nhẹ vào vai tôi, quay lại thấy anh nhe răng cười nụ cười bẽn lẽn cố hữu. Anh nói như reo:

“Bồ nhìn kìa, nắng bắt đầu lên rồi kìa. Ðẹp không?

Võ Quốc Linh, Sydney, 04.11.2016

 

Người rao bán tóc trong gió

 

Quê hương quá đỗi buồn

Mẹ mang tóc con mình rao bán

trên dòng Hương giang

Từng đêm mở ra đôi mắt mẹ tối đen

Từng đêm ngọn đèn treo bấc lụi dầu tàn

ánh sáng nhập nhòe

con đom đóm lạc

 

Thế kỷ quá đỗi buồn

nên còn dòng chảy êm đềm nào

không là dòng thê lương

con nước nhịp xuống lên

trầm luân khúc định mệnh.

 

Những đứa con gái lớn lên mái tóc ngang vai

những đứa con gái lớn lên mái tóc thật dài,

để trang điểm đôi bờ vai mỏi.

 

Hương giang ơi, Hương giang

đêm mùa hè sao gió lùa ngọn dao sắc,

buốt trong lời bày biện câu rao

Hương giang ơi, Hương giang

giai điệu trên sông sao biến dạng đớn đau

 

“Thề…ề…ề…

           Phi dê…ê…ê…

                          Bới…ới…ới…

                                          Cậu…”

 

Tóc chảy suốt, sống lưng gió, lạnh

tóc trôi dật dờ con mắt đêm mướt xanh

tóc lùa xiết cuống họng phập phồng đứt giọng

tóc vươn cánh tay ngoi ngóp chụp khoảng không

“Thề…ề…ề…

           Phi dê…ê…ê…

                          Bới…ới…ới…

                                          Cậu…”

Mẹ ơi, tóc ơi,

có nghe con nước Hương giang

từng đêm thoi thóp,

thở

nuôi xác tóc xõa kín mặt sông

nuôi điệu hò cứ nhịp bổng trầm

nuôi mắt mẹ nghìn đêm ngọn đèn leo lét

nuôi đêm hè Hương giang câu rao nhức buốt,

“Thề…ề…ề…

           Phi dê…ê…ê…

                          Bới…ới…ới…

                                          Cậu…”

 

Tiếng rao bán tóc trong gió

đồng vọng mãi ngàn sau,

“Thề…ề…ề…

           Phi dê…ê…ê…

                          Bới…ới…ới…

                                          Cậu…”

 

*Chép lại từ tạp chí Tập Họp. TN