Một trong những loại thể thao lạ nhất, ít nhiều mang tính cách bên lề, giải trí, nhẹ nhàng, là các cuộc thi tắm hơi. Mặc dù không chánh thức, và chỉ ngồi yên một chỗ, người dự tranh tắm hơi có lẽ ra mồ hôi chẳng kém lực sĩ Thế Vận Hội. Kẻ thắng cuộc là người tắm hơi lâu nhất, và vẫn đủ sức bước ra khỏi phòng tắm hơi, không cần trợ giúp. Ðòi hỏi sự dẻo dai phi thường này, với nhiều khán giả, khiến trò chơi thi tắm hơi đáng được gọi là thể thao. Thậm chí đã thấy có giải vô địch thế giới về tắm hơi mang tên gọi là “World Sauna Championships”. Giải này từng được tổ chức hằng năm tại thị trấn Heinola xứ Phần Lan (Finland). Vào lúc cực thịnh, có hằng trăm nam nữ lực sĩ đại diện hơn 20 quốc gia tranh hùng “World Sauna Championships”.

Tuy là một xứ tí hon về nhiều phương diện, với riêng thi tắm hơi, Phần Lan lại là anh khổng lồ, một loại Brazil của trò chơi này. Tắm hơi từ lâu đời đã trở thành văn hóa của xứ này. Phòng tắm hơi ở Phần Lan không thiếu cảnh người ta đón dâu, hay bà bầu vượt cạn, cũng có người yêu cầu thân nhân đưa đi tắm hơi vào thời điểm… hấp hối, v.v…. Trẻ con Phần Lan lớn lên đã quen với tắm hơi, và nhiều người dân xứ này tắm hơi vài lần mỗi tuần. Cách nói “đi tắm hơi” ở Phần Lan phổ biến tương tự như khi người Việt nói “đi ăn” vậy. Và tương tự các sân golf tại Hoa Kỳ, hoặc bàn nhậu ở VN ngày nay, trong xã hội Phần Lan, các phòng tắm hơi không chỉ là nơi thư giãn mà còn là chỗ gặp gỡ bán chánh thức để thương lượng đủ loại làm ăn lớn nhỏ. Nhiều chánh trị gia sau khi đấm đá nhau tơi tả trên chánh trường hay bầu cử cũng thường rủ nhau đi tắm hơi để giải sầu lẫn giải hòa.


Ðối với nhiều người, những cuộc chơi kiểu như thi tắm hơi có phần “tào lao”. Có lý do khả dĩ giải thích sự hấp dẫn của trò thể thao này. Xưa nay tranh thắng thua vẫn thường nằm trong danh sách đủ thứ khoái của con người ta. Có người làm điều gì cũng chỉ muốn thắng. Người khác muốn chứng tỏ họ gan dạ nhất. Cũng không ít người tìm thấy sự mãn nguyện khi trình diễn trước ống kính TV. Năm 2004, đài Nippon Television từng làm một phim tài liệu về giải “World Sauna Championships” đã được khoảng 40 triệu người Nhật xem. Chưa kể lợi nhuận lớn cho nhà tổ chức thường là các khu nghỉ mát Resort sang trọng.


Ðiểm hạn chế lớn của trò chơi lực sĩ tắm hơi là mức độ nguy hiểm quá cao. Trong khi các phòng tắm hơi bình thường có nhiệt độ khoảng 70-80 độ C (160-175 độ F), và nước sôi khi đến 100 độ C (212 độ F), nhiệt độ khởi điểm của “World Sauna Championships” là 110 độ C (230 độ F). Không lạ khi từng có chỉ trích thi tắm hơi là “Sport from Hell” hay “trò thể thao xuẩn ngốc nhất trần gian”. Trước mỗi kỳ “World Sauna Championships” trong quá khứ, từng lực sĩ tranh tài đều phải ký giấy tờ xác nhận rằng họ hiểu và chấp nhận thi tắm hơi có thể gây thương tích, thậm chí tử vong. Trên thực tế, kỳ “World Sauna Championships” năm 2010, có 2 lực sĩ vào chung kết thì một người chết tại chỗ, còn người kia phải đi cấp cứu, khiến cuộc thi này từ đó bị khai tử.

Vì vậy nhiều người xem tắm hơi là một thú vui tao nhã, giúp cơ thể thư giãn, thoải mái, nâng cao sức khỏe, chứ không là “Extreme Sport”. Hiện nay, vẫn có nhiều nơi bắt chước tổ chức các cuộc thi tắm hơi nhưng không theo phong cách “ăn thua đủ” như “World Sauna Championships”. Một thí dụ là “Sauna World Cup” tổ chức tại Mechernich Ðức Quốc không treo giải cho người tắm hơi lâu nhất, hay lập kỷ lục phòng tắm hơi nóng nhất, mà thiên về hội hè vui chơi trình diễn. Thí dụ khác là sự kiện “European Sauna Marathon” tổ chức tại thị trấn Otepää miền Nam Estonia khuyến khích các thí sinh giả trang đủ kiểu, thậm chí… không mặc gì cả.

TTD