Menu Close

Phóng thích hay thích phóng

Chiều cuối tuần, tươi. Tôi ngồi trên ghế gỗ dọc bờ kênh Nhiêu Lộc. Gió thổi hiu hiu, mấy cây liễu õng ẹo. Xe cộ cứ theo dòng chảy. Sài Gòn ăn Tết được mấy bữa đã trở lại vòng tuần hoàn thường ngày dẫu đâu đó vẫn còn vương mùi… bánh tét. Tháng Giêng là tháng ăn chơi, nhưng không phải ở Sài Gòn, tuy Sài Gòn luôn bận rộn và luôn có thể bỏ mọi thứ qua một bên mà ăn chơi bất cứ lúc nào, nhưng không phải hết tháng Giêng. Sau Tết, con người hối hả hơn thì phải! Và, như thường lệ, hối gì hối vẫn có chút thời gian ngồi ngẩn ngồi ngơ…

phong-thich-hay-thich-phong3
Cả nghìn người dự lễ phóng sinh gần 10 tấn cá xuống sông Hồng. Ảnh: Vietnamnet

Chàng dựng xe cách chỗ tôi ngồi 1 mét, bỏ ba lô, gỡ cái bịch treo trên xe xuống nền đất, lấy cái câu máy ra, ngồi xuống phía trước mặt tôi, bày từ trong bịch ra 2 hộp nhựa (chắc đựng mồi) và mấy cái lưỡi câu. Ðể ba lô xuống tay trái, cười với tôi một cái, tôi gật đầu chào lại rồi nhìn chàng quay lưng lại, bắt đầu câu. (Kênh Nhiêu Lộc từ khi được “trùng tu” thì hàng tháng đều được đổ hàng trăm ký cá xuống để tạo môi trường sống, đây cũng là nơi thị dân chọn để thả cá phóng sanh mỗi dịp lễ lạt).

Nhàm chán với cái trò ai cấm thì cấm ai câu cứ câu, tôi ngồi yên nhìn cái lưng đó rồi nhìn qua cái dây câu im ru không nhúc nhích; rồi nhìn ra đường lúc nào cũng không ngớt xe; rồi nhìn điện thoại của mình để cập nhật tin tức cõi mạng. Sau đó tiếp tục nhìn cái lưng đó rồi nhìn qua cái dây câu im ru không nhúc nhích rồi nhìn ra đường lúc nào cũng không ngớt xe rồi nhìn điện thoại rồi lại nhìn cái lưng đó…  Cuối cùng, sau một hồi mỏi mắt, chừng muốn phủi mông về với niềm đam mê “giường chiếu” bất diệt. Bỗng, chàng đứng dậy, dây câu của chàng cũng nhúc nhích, chàng lật đật kéo lên một con cá trê, ốm và dài hơn hai ngón tay nhỏ bé của tôi một chít.

phong-thich-hay-thich-phong
“Thầy” làm lễ trước khi phóng sinh cá được cho là cá chim trắng xuống sông Hồng ngày 5.2 – nguồn danlambao

Tôi nín thở nhìn con cá giẫy giụa, nghĩ xem anh sẽ làm gì với nó sau buổi tối này. Hình như không đủ nhét kẽ răng để chiên giòn và chấm mắm gừng?! Kho tiêu kho nghệ ?! Nấu canh bầu?! Sẽ câu thêm hoặc rộng nuôi cho to một chút rồi nướng?! Tất cả các món ăn chạy vòng vòng trong đầu làm bụng tôi hơi đói, khiến tôi giằng xé giữa việc làm thịt con cá đó hoặc thương cảm nó đang bơi tung tăng bị móc sắt vô cuống họng lôi lên bờ khi còn khá trẻ.

Tay lẳng lặng đuổi theo con cá đang cong cớn giẫy giụa, chàng trai lạ kiệm lời khéo léo lấy móc câu ra khỏi miệng nó rồi nhẹ nhàng… thả nó xuống kênh. Tôi nhảy lên ngó xuống, thấy nó chạm nước mất tích. Trên móc câu có ít máu nhạt. Sau đó chàng lại tiếp tục bỏ mồi vào lưỡi câu, ngồi im lặng chờ…. rồi lại tiếp tục tháo từng cái lưỡi câu dính máu cá nhàn nhạt, thả từng con cá bị thương xuống nước!

Tôi tức giận, một cơn tức khá… vô duyên. Nhưng không hiểu sao cái suy nghĩ cho thấy mình vừa chứng kiến một trò hề vô vị cứ quấn trong đầu! Tôi tự hỏi không biết những con cá kia có quay về nổi với gia đình không, có còn “nói chuyện” được không?! Và người nhà chúng có sẽ bị người ta thọt cây vô cuống họng rồi quăng trả về hay không?! Tụi nó cứ bị câu lên thả xuống như vậy có bị… nhiễm trùng rồi ung thư bởi sự ô nhiễm của dòng kênh rác không lối thoát này không?!

phong-thich-hay-thich-phong4
Cướp lộc chùa Hương. ảnh: TuấnMax

Tại sao không đem về ăn luôn cho tôi đỡ nhức đầu hỡi bạn nam giấu tên kia ơi…  Tôi thật nhiều chuyện, phải không?! Mà thôi lỡ nhiều chuyện, tôi nhiều chuyện cho “chẵn” luôn một lần đặng đỡ thắc mắc. Nghĩ vậy, tôi bèn mon men đến gần anh, hỏi với đôi mắt ráng “vô tội” nhất có thể:

– Sao anh câu được rồi thả vậy?

Chàng quay qua cười hiền từ rạng rỡ, nhưng có lẽ lúc đó tôi nhìn bằng đôi mắt… cá nên thấy nụ cười kia rất… ma cà rồng! Chàng nói:

– Ðầu năm không sát sanh, thả phóng sanh em ơi…

Tôi muốn nói ra những suy nghĩ của mình nhưng rồi thôi. Phủi đít, tôi xách giỏ bỏ đi. Ra về với con tim lai… cá! Nhìn xuống dòng kênh, trong đầu tôi chỉ toàn là hình ảnh những đồng loại cá tật nguyền! Dĩ nhiên sau đó tôi vẫn đi ăn cơm bụi với món cá chiên xù, tự dối lòng mấy con cá mình ăn có thể đỡ bị hành hạ, đau một lần rồi thôi… Sau khi no nê, lòng yêu cá lại trỗi dậy. Tôi chạy về nhà thật nhanh, trèo lên mạng hỏi định nghĩa của phóng sanh thì ra:”Phóng sinh tức là nhìn thấy các loại chúng sinh có mạng sống nhưng đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp bị giết hại, kinh hoàng, tù túng, mạng sống trong giây phút nguy ngập, liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc. Như vậy tức là hành vi giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng sống...” Ơ hay…

Mỗi năm đến các dịp lễ lạt, rằm lớn, ví dụ như Tết, rằm tháng Giêng. Vì cứ vào đầu năm thì người ta lại đi chùa cầu duyên may phước đức, với quan niệm “nhân quả”, nghĩ làm điều tốt sẽ nhận điều hay. Người ta đua nhau phóng sanh, nghĩa là mua rồi thả những con vật sống về nơi người ta cho là “nhà”. Ðiều đó vô tình gây ra muôn vấn nạn. Vỗ béo bọn săn bắt vô tội vạ, lẫn báo lá cải. Thiên hạ đua nhau phóng sanh. Họ mua cá từ chợ hoặc các hàng bán ngay cạnh chùa, có thể là kế bên nơi “phóng sanh” mà thả. Họ đâu biết khi họ quay lưng đi thì những con cá, con rùa, con chim đáng thương họ vừa phóng sẽ bị bắt về để được phóng sanh tiếp, sau đó lại bị bắt lại tiếp đến… xỉu luôn. Cá, chim miền Nam sao nhiều như Miền Bắc mà có thể huy động một lần cả 10 tấn cá chim trắng như ai!

phong-thich-hay-thich-phong5
Lễ hội kéo co cổ truyền làng Hữu Chấp – Vạn An- Yên Phong- BN tổ chức vào ngày 4 tết hàng năm, lễ hội kéo co đặc biệt với dây kéo làm bằng tre nguyên cây. Ảnh:Phongdat Nguyen

Họ cũng như anh chàng kia, cứ tự hào mình vừa làm việc công đức vô lượng lắm, sẽ được “quả” lành ngay thôi. Vì vậy mà không trách được dầu hàng tháng hàng chục xe cá đổ xuống vẫn không tẩy được màu u buồn, chết chóc của dòng kênh đen huyền thoại.Vậy cũng còn khá lương thiện nha. Một số người không thả liền mà đem vô chùa chờ thầy làm lễ chú nguyện rồi mới thả. Có đôi khi thầy bận việc không làm lễ liền thì nhốt trong lồng qua đêm, bỏ đói “đám nhỏ” đến ngày hôm sau, đợi đến khi làm lễ xong mới thả.

Trong những lễ lớn hay những dịp cầu an đầu năm hay cầu siêu, giải hạn, họ gọi điện thoại đến chỗ bán chim, bán cá, bán lươn phóng sanh để đặt số lượng mua. Có nhiều khi thay vì mua 5 kg cá lớn thì họ khăng khăng lấy số tiền đó để mua cho được 20kg cá nhỏ để phóng sanh và nghĩ rằng với số lượng phóng sanh càng nhiều thì công đức càng lớn.

Nhiều khi tôi tự hỏi, có bao chừ họ cảm nhận số phận của mình và đồng bào khác chi mấy con vật bị phóng sanh? Chúng không thể đấu lại con người nên phải chịu bị ức hiếp, còn con người thì tự sanh ra những niềm tin mù quáng, lòng tham vô hạn mà ức hiếp, hãm hại nhau rồi hại luôn chính bản thân mình! Như cái kênh Nhiêu Lộc đồ sộ một màu xanh sau bao năm chỉnh trang kia, mỗi đợt mưa to, xác cá nổi bềnh bồng, dân hai bên “dòng sông quê tôi” sẽ được thưởng thức mùi…. mắm ủ giai đoạn đầu nồng nặc! Mùi… lành đồn xa, không ít người rủ nhau đi phóng sanh chỗ khác, để khi cá chết cũng đỡ mùi!

phong-thich-hay-thich-phong2
Thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam nằm tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, cách thành phố Cao Bằng gần 90km. đã thuộc về tay Trung Quốc. Ảnh: Báo lao động

Ai cũng xuýt xoa mấy trò chém lợn đâm trâu là tàn bạo, nỡ lòng nào lại bạo tàn với bọn chim cá nhỏ bé, yếu đuối? Mong cuộc sống tốt đẹp hơn, làm ăn giàu sang phú quý hơn không có gì sai,  nhất là khi con người chới với trong cơn sóng loạn niềm tin, đói tình cảm thì việc gửi thân vào cõi tâm linh là chuyện thường. Nhưng niềm tin mù quáng có khi gây ra “nghiệp” chẳng ngờ! Mù quáng dẫn tới nhẹ dạ, Nhẹ dạ dẫn tới cả tin. Cả tin dẫn tới manh động và làm liều, làm ẩu. Không thấy lý trí. Chỉ thấy cảm xúc của lo lắng, của sợ hãi rồi cầu may, mê muội. Con người dần chết chìm trong bản ngã của mình quên luôn những cái kinh khủng hơn đang xảy ra quanh mình.

Có cậu em bạn sau một năm “du hành” khắp… Việt Nam về gửi cho tôi cái “báo cáo”, xin tạm trích:

– báo cáo về bảo vệ rừng đầu nguồn: cơ bản đã phá xong!

– báo cáo về hòa hợp dân tộc: con nít trên núi toàn tóc vàng mũi lõ.

– báo cáo về biên giới: Thác Bản Giốc nhờ Tàu giữ dùm rồi, 200k, 1 thằng Tàu sẽ lấy thuyền chở cho ra cái thác chụp hình rồi về.

– báo cáo về biên giới phía nam: phân biệt khá rõ khỏi cắm mốc, bên CAM là màu xanh của rừng, bên Việt là màu vàng của đất. Bầu Ðức phá rừng bên Việt, trồng rừng bên Cam.

– ÐÀ LẠT : Không còn cây thông nào. Hoa vẽ, hoa xốp đầy. Chỗ nào có danh thắng là y như rằng mọc lên một cái CHÙA, chỗ phản cảm nhất là Tháp Po Sha Inư tự nhiên mọc lên một cái CHÙA TẦU bịt 3 cái tháp lại. tháp NHẠN thì đóng đinh vào làm thành cái sân khấu, rồi cho mấy con DỞ NGƯỜI thiếu vải ưỡn ẹo kiểu ẤN lên múa, bảo là múa CHĂM

– Túm lại chỗ nào mà ghi “đã trùng tu” là đừng mong có gì để coi.

– Nàng TÔ THỊ ở Ðồng Ðăng sau khi được trùng tu nhìn y như cái DƯƠNG VẬT bằng xi măng.

– Nha Trang, Ðà Nẵng, Vũng Tàu, Ðà Lạt thất thủ, dzô tay người Trung Quốc gần hết!

– Hết báo cáo! “

phong-thich-hay-thich-phong1
Cảnh báo trong một ngôi chùa. ảnh: Facebook.

Bởi, đi nhiều đi những con người thích “tích đức”, bạn sẽ phát hiện ra. Trong lúc báo đài “cách mạng” luôn miệng réo “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, nâng niu và gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, trân trọng và tự hào bản sắc văn hoá dân tộc…” để bảo vệ những lễ hội không còn được chào đón ở thế giới hiện đại, nền văn minh đương thời thì không có một lời kêu gọi giữ gìn mảnh đất quê hương! Mà cứ hô hào đổ thừa cho tụi nhỏ: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quấc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần rất lớn công học tập của các cháu… (trích Hồ Chí Minh toàn tập)”

Nên mỗi khi nhìn hình đám đông bu đen bu đỏ giựt lộc ở ngôi chùa “linh thiêng” kia, tôi thầm hỏi

– “Các cháu” đang “học tập” “bác vĩ đại” chăng?

DU