Menu Close

Hoa Kỳ & trục Đông Á

Trong suốt hai tuần lễ đầu của Tháng 2 có thể nói các hoạt động đối ngoại của chính phủ Hoa Kỳ đều hướng cả về châu Á.

hoa-ky-va-truc-dong-a
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tại Nhật Bản – nguồn CNN.com

Trước hết là chuyến công du Nhật Bản và Nam Hàn của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis để nhằm trấn an hai đồng minh quan trọng nhất của Hoa Kỳ tại khu vực Thái Bình Dương. Ðiều cần được nhắc tới, đây là chuyến công du đầu tiên của một thành viên quan trọng trong nội các Trump, và điểm đến được chọn cho thấy chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong tương lai sẽ nghiêng hẳn về châu Á.

Cả hai quốc gia đồng minh này trước đó đã tỏ ra kinh ngạc bởi những lời tuyên bố của Tổng thống Donald Trump trong lúc tranh cử gợi ý rằng hai nước nên phát triển vũ khí hạch tâm để tự bảo vệ chính họ cũng như cần đóng góp thêm nữa những chi phí cho quân đội Mỹ trong khi đóng quân trong khu vực.

Bộ trưởng James Mattis đã phá tan những lo ngại này trong chuyến công du kéo dài bốn ngày, hứa là sẽ có phản ứng “quyết liệt và hiệu quả” nếu như nước láng giềng hung hăng là Bắc Hàn dám sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công và cam kết rằng chính sách an ninh của Hoa Kỳ ở khu vực Ðông Á là vững chắc như thép.

hoa-ky-va-truc-dong-a3
Sức mạnh quân sự Hoa Kỳ tại Đông Á – nguồn amti.csis.org

Trong thời gian dừng chân tại Nhật Bản, Mattis có những cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada của Nhật và cam kết rằng Hoa Kỳ tiếp tục tôn trọng hiệp ước bảo vệ Nhật Bản. Ông còn nhấn mạnh là hiệp ước bao gồm cả việc bảo vệ chuỗi hòn đảo hiện đang có tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc mà phía Nhật gọi là Senkaku và phía Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư.

Chuyến công du Á châu của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis được cả hai nước Nam Hàn và Nhật Bản hoan nghênh cũng như bày tỏ bằng những lời lẽ hết sức tốt đẹp.

Và hôm Thứ Sáu vừa qua, chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, Tổng thống Donald Trump đã có một cuộc điện đàm trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cuộc đón tiếp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Cả hai sự kiện đều diễn ra tại phòng bầu dục của Toà Bạch Ốc.

Theo báo chí mô tả, Trump đã tiếp đón Abe bằng một cái ôm và cú bắt tay kéo dài 19 giây. Hành động này được cho là Tổng thống Trump muốn bày tỏ thêm sự thân thiện và hợp tác gắn bó song phương với Nhật Bản tiếp sau chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Hơn nữa, Trump còn mời cả hai vợ chồng Abe đến nghỉ ngơi và đánh golf vào dịp cuối tuần tại Mar-a-Lago, một trong những khu nghỉ mát sở hữu bởi gia đình Trump tại Palm Beach, Florida, và gần đây được báo chí gán cho cái tên là “Bạch Cung mùa đông” của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, cùng ngày trước đó, cuộc điện đàm giữa Trump và Tập, được biết là đã được chuẩn bị trước đó nhiều tuần lễ, và mặc dù chỉ là một cuộc điện đàm nhưng đã được truyền thông chú ý tới không thua gì cuộc đón tiếp Abe.

Cuộc điện đàm, theo mô tả của giới chức tại Toà Bạch Ốc, kéo dài khoảng 45 phút mà hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc đã bàn tới đủ mọi vấn đề, từ thương mại đến chuyện đời tư cá nhân, vợ con và gia đình. Trong cuộc họp báo sau đó, Trump cho biết cuộc nói chuyện rất cởi mở và là bước đầu trong tiến trình đưa đến những cuộc đàm phán trong tương lai dựa trên lợi ích chung giữa hai nước. Ðiểm đáng chú ý nhất là trong mấy phút đầu của cuộc điện đàm, qua những lời trao đổi giữa hai bên đã được soạn sẵn từ trước, Tập nói với Trump, “Tôi muốn ngài tiếp tục duy trì chính sách ‘Một Trung Quốc'”; và Trump đã đáp lại Tập rằng, “Theo yêu cầu của ngài, tôi sẽ làm đúng như thế.”

hoa-ky-va-truc-dong-a2
Cuộc điện đàm giữa Donald Trump và Tập Cận Bình – nguồn MercoPress

Trong chính sách ‘Một Trung Quốc’, những quốc gia nào có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh đều phải đồng ý là không được công nhận Ðài Loan như một quốc gia có chủ quyền. Tuy nhiên, luật Hoa Kỳ đòi hỏi một tổng thống đương nhiệm phải hỗ trợ quân sự và bảo vệ an ninh cho đảo quốc này theo đúng Ðạo luật Quan hệ Ðài Loan, đồng thời cũng phải duy trì mối quan hệ ngoại giao không chính thức và trao đổi văn hoá giữa hai chính phủ.

Những lời lẽ của Trump trong cuộc điện đàm được cho là dịu dàng theo đúng quy cách ngoại giao của một người trong cương vị tổng thống, trái ngược hẳn với những lời lẽ thường hay gây sốc của một ứng cử viên tổng thống như trước đây. Cộng với sự kiện hai chuyến công du của Abe tới Mỹ và Mattis tới Nam Hàn và Nhật Bản, nhiều người cho rằng đang có sự chuyển hướng của Donald Trump trong chính sách về Á châu, và phần nào gần giống như chính sách về Á châu của chính phủ Obama trước đó. Các cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc cũng nhân cơ hội bày tỏ sự hoan nghênh và tin tưởng về sư hợp tác tương lai giữa hai quốc gia, không giống như những lời lẽ cực kỳ gây hấn chỉ trong mấy tuần trước.

Nhưng cho đến nay vẫn không có gì bảo đảm là chính phủ Trump không theo đuổi một chính sách cứng rắn với Trung Quốc, và sự thật là tình trạng căng thẳng quân sự giữa hai quốc gia tại khu vực Ðông Á vẫn chưa thấy có dấu hiệu suy giảm, mặc dù chỉ mấy ngày trước cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Trung quốc Vương Nghị trong chuyến công du nước Úc có tuyên bố với báo chí là Hoa Kỳ và Trung Quốc không nên có xung đột.

Gom lại tất cả các sự việc diễn ra trong hai tuần lễ của đầu Tháng 2 dù gì thì cũng chỉ là mặt nổi trên phương diện ngoại giao quốc tế. Nhưng nếu thật sự nhìn vào những gì đang xảy ra tại khu vực Ðông Á, nhất là các hành động quân sự của Trung Quốc, ta thấy vẫn tiềm tàng một cuộc xung đột vũ trang rất có thể xảy ra.

hoa-ky-va-truc-dong-a1
Donald Trump đón tiếp Shinzo Abe tại Toà Bạch Ốc – nguồn Newstalk ZB

Chỉ hai ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis viếng thăm Nhật Bản, phía Trung Quốc đã gửi ba tàu chiến đi ngang qua khu vực Senkaku, chỉ cách đảo 12 hải lý và cách Ðài Loan khoảng 140 dặm về phía đông bắc, như cố tình nhắn gửi Hoa Kỳ thông điệp là họ sẽ không chùn bước. Trước đó, Trung Quốc cũng đã đưa hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của họ thao dợt trong khu vực Biển Ðông và sau đó cho đi ngang qua eo biển Ðài Loan nhằm biểu dương sức mạnh. Mới đây nhất, rạng sáng Thứ Bảy vừa qua, Trung Quốc đã cho chiến đấu cơ của họ bay sát với những phi cơ thám báo của Hoa Kỳ đang hoạt động gần những nơi đang có tranh chấp ở Biển Ðông.

Trong trường hợp nếu chiến tranh xảy ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong vùng biển tại Ðông Á, điều rõ ràng là sức mạnh hải quân của Trung Quốc còn kém xa Hoa Kỳ. Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc thuộc loại cổ lỗ và được chế tạo bởi hải quân Sô Viết cách đây ba chục năm, và mặc dù đã được nâng cấp cũng chỉ chở được 24 chiến đấu cơ và 12 trực thăng. Trong khi một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ là USS Ronald Regan hiện đang đậu trong khu vực biển Nhật Bản có thể chở được hơn 60 chiến đấu cơ. Hiện Trung Quốc đang cho chế tạo hai hàng không mẫu hạm mới, trong đó có chiếc Sơn Ðông 1 được biết là có nhiều khả năng hơn chiếc Liêu Ninh, nhưng đổi lại, một loạt siêu hàng không mẫu hạm mới của Hoa Kỳ trị giá $13 tỉ đang được chế tạo, trong đó chiếc đầu tiên, USS Gerald Ford, có sức chứa hơn 4,500 người và ít nhất 75 máy bay, sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2017 này.

Tương quan sức mạnh hải quân giữa hai nước quả là khá chênh lệch. Dựa trên lý do này nhiều người cho rằng Trung Quốc sẽ không dám tấn công Hoa Kỳ vì biết rõ sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ hơn hẳn họ. Trên quan điểm thông thường, điều nhận định này rất có lý, nhưng nếu như trong tình hình nội bộ có biến hay có khủng hoảng trong nước thì sao. Có đôi khi phe yếu thế hơn lại là bên gây chiến. Trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ, quân đội miền Nam tấn công trước mặc dù biết rõ miền Bắc mạnh hơn họ gấp ba lần. Trong thế chiến hai, Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng mặc dù biết trước Mỹ sẽ thắng vì mạnh hơn họ gấp năm lần cùng với lời cảnh cáo của Ðô đốc Yamamoto là “đừng đánh thức gã khổng lồ”, nhưng rồi Nhật vẫn tấn công.

Ðược biết dư luận trong dân chúng ở Trung Quốc hiện rất căng thẳng và càng ngày quan điểm quốc gia cực đoan càng mạnh hơn. Những thế hệ trẻ của họ đang chờ xem hành động vì tin tưởng rằng Trung Quốc đủ mạnh để thắng được Mỹ. Trong khi đó về phía Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump chứng tỏ là người hay có những phản ứng bất ngờ dựa trên cảm tính nên không ai dám gạt bỏ trường hợp Trump có thể sử dụng đến giải pháp quân sự.

Tình hình căng thẳng và bất ổn tại khu vực Ðông Á sẽ còn kéo dài.

VH