Hôm nọ Dế Mèn đi lùng kiếm một cái chai thủy tinh có nắp đậy kín để đựng nước… mắm pha sẵn, mấy món chai lọ đang dùng xem ra không hiệu quả, mỗi lần mở tủ lạnh là mùi nước mắm lại thoang thoảng. Khó chịu quá. Tìm kiếm loanh quanh chưa ra món nào vừa ý, đang nản lòng thì Dế Mèn bắt gặp màn hình quảng cáo. Người mẫu đẹp trai đang ngửa cổ tu chai bia lạnh. Thế là cái bóng đèn trong đầu lóe sáng, tại sao không dùng mấy cái vỏ chai bia có nắp đậy kín nhỉ? Năm xưa Dế Mèn lang thang bên Amsterdam đã nhiều lần thử bia địa phương và món bia Dế Mèn thích nhất là Grolsch, đủ vị đắng hơi hơi nhưng ngọt hậu. Ðặc biệt nhất là bia Grolsch đóng trong chai thủy tinh xanh lục, nắp đậy chặt bằng dây thép ràng, loại nắp có tên “swing top”, uống xong vỏ chai có thể dùng vào việc khác như đựng…nước mắm, tha hồ chặt chẽ không rơi vãi, tha hồ ém kín không bay mùi! Voila!

Nhìn ngắm cái vỏ chai xanh lục, Dế Mèn lại lan man nhớ đến chuyện những cái vỏ chai bia khác. Câu chuyện vỏ chai có lẽ hấp dẫn nhất là bài biên khảo của ông Bolliger. Bác Sĩ Stephan Bolliger là một chuyên viên giảo nghiệm (forensic pathologist) lẫy lừng của Thụy Sĩ và ông ấy thường xuất hiện trước tòa để tường trình, giảng giải kết quả giảo nghiệm. Tài giỏi lại nhiều kinh nghiệm nên chẳng mấy khi ông Bolliger ngấp ngứ trước câu hỏi của quan tòa hay luật sư. Nhưng lần này, chai bia khi dùng làm vũ khí có thể đập bể đầu (vỡ xương sọ) người không? Câu hỏi nọ khiến ông chuyên viên ngập ngừng rồi lắc đầu trả lời là ông ta không biết.
Không biết nên ông ấy đi tìm câu trả lời, và viết nguyên một bài tường trình về kết quả thử nghiệm của mình, bài viết đăng tải trên tập san The Journal of Forensic and Legal Medicine, ấn bản tháng Tư, năm 2009.

Việc đập bể đầu người đã được các chuyên gia tính toán và tìm ra lượng sức [mạnh] (energy) cần thiết, khoảng từ 14 joules trở lên, tùy theo vị trí trên sọ. Ông bác sĩ tò mò chỉ việc đo lượng energy kia từ chai bia. Ðại khái là nếu chai bia “cứng rắn” hơn sọ người thì chai bia thắng và người ta bể đầu. Một chút căn bản Vật Lý. Rất giản dị.
Bác Sĩ Bolliger, khoa trưởng Khoa Giảo Nghiệm tại Ðại Học Bern, ra chợ và rinh về 10 chai bia nửa lít, Feldschlösschen Original, loại bia phổ thông nhất tại Thụy Sĩ. Ông dùng 6 vỏ chai không, 4 chai bia đầy, và một dụng cụ đo “sức” (energy). Ông ta thả một trái banh kim loại từ các độ cao khác nhau xuống các chai bia kể trên.

Sau vài lần thí nghiệm, ông Bolliger kết luận: Chai bia đầy bể nát ở lượng sức 30 joules, vỏ chai bia không ở 40 joules, và cả hai thứ, chai bia đầy lẫn vỏ chai không đều có thể đập bể sọ con người khi dùng làm vũ khí, nhưng chai bia đầy thì không “cứng” bằng vỏ chai trống không! Ðiều này thì mấy tay chuyên uýnh lộn trong quán rượu biết rất rõ và có thể kể về kinh nghiệm để đời nhưng họ không thể giải thích tại sao!
Tại sao có sự khác biệt kể trên? Bia là loại nước nổi bọt chứa chất khí (gas, hơi), nên tạo áp suất trên thành vỏ chai, vật đựng; khi va chạm dễ bể nát, và món vũ khí dễ bể nát thì khó sử dụng lâu bền so với chai không! Còn chai bia uống một nửa thì sao? Bác Sĩ Bolliger cho rằng với chai bia một nửa thì nên cầm như khi cầm một cái gậy đánh gôn, hay cái chày đánh banh, và chai bia một nửa sẽ chóng vánh trở thành “cứng” như vỏ chai không. Nghĩa là cũng có thể dùng như vũ khí.

Biết như thế rồi thì các hãng sản xuất bia tính sao? Họ nên xoay sang dùng các vật liệu nhẹ và “mềm” như nhôm, nhựa mà chứa bia để vỏ đựng bớt nguy hiểm chăng? Không, không bạn ạ! Câu hỏi này gặp khá nhiều chống đối của người thưởng thức, chính ông Bolliger cũng nói rằng bia thì phải uống trong vật đựng bằng thủy tinh mới…ngon!
Như thế món chi cũng có thể dùng làm vũ khí hại người nếu người sử dụng muốn như thế, chẳng cứ gì chai bia đầy hay vơi? Cả chai nước mắm hay chai xì dầu mà Dế Mèn vừa… biến dạng từ chai bia Grolsch? Vật đựng nào cũng có vài ba công dụng khác nhau?
Không biết làm thế nào mà phe ta đi một mạch từ bia sang nước mắm? Cả hai đều là vật đựng, cả hai đều có thể dùng làm vũ khí, cả hai đều là thức ăn / uống? Hay tại Dế Mèn là người thích tẩn mẩn lan man dây cà ra dây muống?
TLL