Khi tôi hai mươi mấy tuổi, trong một lần về thăm nhà khi đi học xa, bố dẫn tôi tới tham gia buổi họp mặt văn nghệ sĩ ở tư gia của một người bạn ở San Jose. Các bác, chú, cô niềm nở tiếp đón tôi như một người khách quý. Có người thì hát một ca khúc họ vừa sáng tác, có người đọc thơ, rồi có người tặng những cuốn sách họ vừa phát hành. Không gian tràn ngập tiếng cười sảng khoái và tình thân.
Bất ngờ họ mời tôi đứng lên phát biểu cảm tưởng, một điều mà tôi không hề dự tính trước. Không được chuẩn bị tinh thần, cũng không hề có một ý tưởng mạch lạc để chia sẻ nhưng tôi vẫn đứng lên và nói những điều gì đến trong đầu mình lúc đó. Tôi cám ơn các bác, các cô chú đã cho tôi có dịp tham dự một buổi sinh hoạt đầy ý nghĩa và ấm áp tình thân. Tôi nói rằng “I love it” (con yêu thích nó –buổi sinh hoạt văn nghệ) và tôi cũng thêm rằng “I love all of you” (con yêu quý tất cả các cô, chú, bác). Sau đó tôi mời bố lên đứng cùng tôi. Bố ngơ ngác không biết tôi định “giở trò” gì nhưng bố cũng tiến về “sân khấu”. Tôi đỡ tay bố rồi kéo bố đứng gần mình. Sau đó tôi ôm bố vào lòng, nước mắt tự nhiên ràn rụa. Người đàn ông cao lớn tôi từng kính sợ khi tôi còn trẻ thơ bỗng trở nên bé nhỏ co rúm trong vòng tay của tôi. “I love you” tôi thì thầm vào tai bố. Bố không quen bày tỏ tình cảm bằng lời và bố lại càng e ngại khi tôi bày tỏ tình cảm trước mặt những người khác. Nhưng mắt bố ngấn lệ và ánh lên nét tự hào. Tôi biết bố yêu thương tôi chứ, tôi biết ông làm lụng hy sinh cả đời vì con cái chứ, và bây giờ đã là một người phụ nữ trưởng thành bố vẫn lo lắng cho tôi. Nhưng trong ký ức của tôi không hề có hình ảnh bố ôm tôi vào lòng nói rằng bố thương tôi. Văn hóa Việt Nam là như vậy!
Tôi vất vả cho việc học, việc làm để rồi sau khi đã trưởng thành tôi vẫn thèm được bố ôm vào lòng và nói cho tôi biết rằng bố thương tôi. Tôi biết tôi không thể thay đổi cách bố bày tỏ tình cảm nhưng tôi nỗ lực thay đổi chính mình. Mỗi lần gặp bố tôi lại ôm chầm (hug) bố vào lòng, khóc vì nhớ thương bố và nói cho bố biết rằng tôi rất thương yêu bố. Rồi thì nó cũng trở thành một thói quen.
Một lần trong lúc nói lời giã biệt ở phi trường, vì sợ bị trễ chuyến bay tôi vội vã chào bố mà không hug bố và nói “I love you”, thế là bố giận tôi cả tuần. Gọi ông cũng không bắt phôn, text cũng chẳng trả lời. Khi cô em gái nói cho tôi biết lý do tại sao ông giận, tôi vội vàng gửi tin nhắn rằng tôi rất thương và nhớ bố. Thế là ông lại gọi tôi huyên thuyên về việc trồng cây cảnh của ông và về những người bạn già của ông người bệnh, người vừa qua đời. Người già là vậy mau giận như con nít, nhưng cũng mau vui nếu con cái tâm lý một chút. Các cụ lớn tuổi đâu ăn được nhiều vì bệnh tật phải kiêng cữ. Các cụ cũng chẳng cần tiền vì đâu còn nhu cầu gì nữa mà phải tiêu xài. Cái họ cần là niềm an ủi, thời gian con cái dành cho họ và những sự bày tỏ yêu thương hằng ngày mà thôi.
Ngày nước Mỹ bị khủng bố 9/11, những đoạn ghi âm cảm động nhất là những lời nhắn của nạn nhân ở giây phút cuối cùng của cuộc đời đã gọi cho người thân và nói rằng “I love you”. Những lời luyến tiếc của người nhà, bạn bè của những người qua đời là không được ở bên cạnh người thân để nói “I love you.”
Chính những kinh nghiệm sống của mình mà cách ứng xử của tôi với con mình cũng thay đổi. Hằng ngày tôi ôm nó vào lòng và nói với con tôi 3 điều: (1) I love you very much (mẹ thương con nhiều lắm), (2) Do the best in everything that you do (tất cả những điều gì con làm thì hãy nỗ lực hết mình), (3) Be a kind person and help others (Hãy là một người tốt và giúp đỡ những người khác). Con tôi nghe mẹ nó lặp lại hằng ngày 3 điều trên thì nó hay chọc tôi và nói rằng con biết mẹ sắp nói gì rồi. Tôi hỏi nó đoán thử xem tôi sắp nói gì, thế là nó lặp lại một mạch 3 điều trên và hai mẹ con ôm nhau cười sảng khoái. Niềm vui hạnh phúc hằng ngày có thể chỉ là những cái rất đơn giản chung quanh ta. Thế bạn có “hug” ai hôm nay và nói rằng bạn “love” họ chưa?
HHAT